Dĩ vãng cuộc chiến Việt - Trung - Dân Làm Báo

Dĩ vãng cuộc chiến Việt - Trung

Tiến sĩ Yinghong Cheng (Trình Ánh Hồng)Bà bị đưa ra, và các cố vấn Trung Quốc cố gắng thuyết phục Hồ Chí Minh rằng cần xử bắn bà để làm gương cho phong trào. Có nhiều người giống bà đã tham gia cách mạng dân tộc, nhưng nay họ trở thành vô dụng, hoặc có ích theo một nghĩa khác. Ông Hồ rất miễn cưỡng, nhưng các cố vấn Trung Quốc thúc ép. Bà Nguyễn Thị Năm bị tử hình như người Trung Quốc muốn.

*

Khi chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam nổ ra năm 1979, tôi chỉ mới là anh sinh viên đại học. Là những "thanh niên yêu nước", chúng tôi rất phấn khích vì sau thật nhiều năm, quân đội của chúng tôi hình như đã tìm ra đối tượng để biểu dương khả năng của mình.

Chúng tôi chờ đợi tin chiến thắng từ chiến trường, nhưng truyền thông nhà nước im lặng trong nhiều ngày như thể chẳng có gì xảy ra giữa hai nước, cho đến khi quân đội Trung Quốc chiếm Lạng Sơn. Truyền thông nhà nước ca ngợi chiến thắng và rồi tuyên bố vì quân ta đã hoàn thành sứ mạng "dạy một bài học" cho kẻ "bá đạo", Trung Quốc nay sẽ lui quân.

Sự im lặng đó thực sự cho chúng ta biết nhiều điều vào ngày hôm nay. Nó lờ đi lo ngại của người dân quanh một cuộc chiến với nước láng giềng, cách hành xử đặc trưng của một chính phủ kiểm soát và lung lạc thông tin cùng dư luận. Ngoài ra, nó hé lộ sức kháng cự mà quân Trung Quốc gặp phải từ đối phương, một điều mà sẽ làm chính phủ Trung Quốc mất mặt.

Những người lính trẻ của Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 chống láng giềng Trung Quốc.

Ngày hôm nay, chúng ta đã biết thêm nhiều chi tiết quanh cuộc chiến. Ví dụ, một số cựu chiến binh đã viết bài trên mạng về một kế hoạch quân sự gây sốc: viên tướng Trung Quốc chỉ huy cuộc xâm lăng đề nghị tiến đánh Lào, nước đồng minh với Việt Nam, để phân cắt Việt Nam làm hai và bao vây quân Việt Nam ở miền Bắc. Mục tiêu là hủy diệt một phần lớn quân Việt Nam, với khả năng chiếm luôn Hà Nội. Kế hoạch đó không được chấp nhận vì nó gây hại cho hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng để ý đến miền bắc của mình - Liên Xô sẽ không cho họ đi quá xa.

Nhưng một mục tiêu lớn của kế hoạch đó - hủy diệt Việt Nam thật nhiều để nước này không còn có thể thách thức Trung Quốc - đã được thực hiện. Bài báo này tự hào nói quân Trung Quốc đã nã đại bác không thương tiếc trên đường tấn công, và khi lui quân thì cũng phá hủy không thương tiếc. Bài báo viết: "Còn nhiều hơn những gì bọn Mỹ làm với Việt Nam." Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn bị sốc không nói nên lời khi ông ta nhìn thấy những thiệt hại do quân Trung Quốc để lại.

Dĩ nhiên, những câu chuyện này không hoàn toàn mới cho tôi, nhất là phần nói về sự phá hủy. Nhưng điều làm tôi không thoải mái là giọng điệu các bài viết trên mạng: nó phấn khởi nhưng cũng tiếc nuối rằng đã không phá đủ và vì thế mà Việt Nam một lần nữa đang làm Trung Quốc giận dữ, thách thức Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa.

Những bài viết này không đại diện cho toàn thể nhân dân Trung Quốc, nhưng chừng nào đa số còn im lặng, chúng sẽ còn lan tỏa và lây nhiễm vào con người. Với vai trò cường quốc toàn cầu gia tăng của Trung Quốc và tình cảm dân tộc chủ nghĩa đi kèm, việc thiếu vắng tiếng nói đối lại thật đáng ngại.

Sau nhiều năm, hai câu hỏi về cuộc chiến vẫn chưa được trả lời. Thứ nhất, vì sao Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979? Câu trả lời của chính phủ Trung Quốc là Việt Nam khi ấy đang xâm lấn lãnh thổ Trung Quốc, Việt Nam đang hành hạ người Việt gốc Hoa, Việt Nam đồng minh với Liên Xô chống lại Trung Quốc, Việt Nam xâm lược Campuchia để lật đổ một chính phủ thân Trung Quốc.

Nhưng không có lý do nào ở trên thuyết phục chúng tôi về một cuộc chiến tàn khốc. Một giải thích, mà tôi có xu hướng tin tưởng hơn, là Đặng Tiểu Bình muốn có cơ hội thiết lập sự lãnh đạo tối cao thông qua việc điều động quân đội và đạt thành tựu quân sự.

Câu hỏi thứ hai gây thắc mắc hơn: các xung đột biên giới không phải là hiếm, nhưng vì sao người Trung Quốc bộc lộ sự thù ghét người Việt như vậy trong một cuộc chiến biên giới? Trong hai thập niên, họ đã là "đồng chí và anh em", và bỗng dưng được mô tả là kẻ thù xấu nhất.

Nhưng với Trung Quốc, điều này cũng đã từng xảy ra. Người Nga được bảo là "anh em của chúng tôi" trong thập niên 1950 và rồi trở thành kẻ thù số một của Trung Quốc trong cuối thập niên 1960. Ấn Độ là bạn thân của Trung Quốc trong thập niên 1950 nhưng Trung Quốc cũng đánh nhau với Ấn Độ vào đầu thập niên 1960. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc bị lung lạc bởi nhu cầu chính trị của chính thể độc đảng, và ngày nay, nó cũng gần như y như vậy.

Thăm Hà Nội

Gần đây tôi có chuyến thăm Hà Nội. Tôi gặp nhiều trí thức và người dân bình thường. Hiện là một giáo sư người Mỹ gốc Hoa, tôi được tiếp xúc với góc nhìn của người Việt về câu chuyện, đặc biệt là những câu chuyện nhớ về sự tàn nhẫn của quân Trung Quốc trong cuộc chiến, mà ban đầu tôi không muốn tin vì chúng quá tàn nhẫn.

Nhưng tôi, từ kinh nghiệm sống ở đất nước Trung Hoa cộng sản, đã học được rằng dù sốc và vô lý đến đâu, nhiều câu chuyện về chính thể này sau đó trở nên đáng tin và rồi trở thành một phần sự thật lịch sử.

Đây là một ví dụ, mặc dù nó hơi cách xa năm 1979. Tôi quan tâm làm thế nào Trung Quốc của Mao áp đặt nhiều chính sách lên Bắc Việt Nam, đặc biệt là cải cách ruộng đất, cải cách tư tưởng, và nhiều chính sách trí thức - văn hóa trong thập niên 1950.

Tôi lờ mờ nhận biết rằng trong nhiều trường hợp, các chính sách của Trung Quốc bị bắt phải thực hiện. Nhưng như thế nào và trong những vụ cụ thể nào?

Trong chuyến thăm, có người giới thiệu với tôi cái tên Nguyễn Thị Năm. Bà từng là nhân vật nữ thuộc hàng lãnh đạo trong công cuộc tranh đấu chống Pháp.

Bà Nguyễn Thị Năm và các con

Gia đình bà giàu có nhưng bà tham gia cách mạng, dùng tiền gia đình hỗ trợ cách mạng. Nhưng sau khi có độc lập, chính sách cải cách ruộng đất của Trung Quốc ở Bắc Việt cần có nạn nhân.

Bà bị đưa ra, và các cố vấn Trung Quốc cố gắng thuyết phục Hồ Chí Minh rằng cần xử bắn bà để làm gương cho phong trào.

Có nhiều người giống bà đã tham gia cách mạng dân tộc, nhưng nay họ trở thành vô dụng, hoặc có ích theo một nghĩa khác.

Ông Hồ rất miễn cưỡng, nhưng các cố vấn Trung Quốc thúc ép. Bà Nguyễn Thị Năm bị tử hình như người Trung Quốc muốn.

Trong cải cách ruộng đất ở Việt Nam, hàng trăm, hàng ngàn "phú nông" và những người ủng hộ họ đã bị bắn, bị tù hay đơn giản là bị đánh chết - một thói tục phổ biến trong cải cách ruộng đất của Trung Quốc trước đó.

Là sử gia viết về chính thể dạng này, người ta phải sẵn sàng cho việc đụng mặt, vào bất kỳ lúc nào, những hành vi con người như thế mà vốn thật khó giải thích nếu chiếu theo lý tính thông thường.


Tiến sĩ Yinghong Cheng (Trình Ánh Hồng)là một sử gia người Mỹ gốc Hoa, là Phó giáo sư thuộc Đại học Delaware State, Hoa Kỳ và nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Singapore.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo