Trần Thủy (Tamnhin.net) - Vì sao Chợ Đồng Xuân vốn là chợ truyền thống của người Việt và hàng Việt lại để khoảng 80% thị phần rơi vào tay nhà sản xuất Trung Quốc? Tại sao hàng hóa Trung Quốc chất lượng không cao mà vẫn chiếm lĩnh thị trường tại chợ Đồng Xuân?
Trong quá khứ, chợ Đồng Xuân là chợ thuần Việt, hàng hóa bán trong chợ là sản phẩm của các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống với những nét đặc thù của hàng hóa Việt Nam.
Trước kia, người ta coi chợ Đồng Xuân là cái "dạ dày" của Hà Nội, sản vật các vùng miền đều đưa về bán ở đây.
Từ năm 1986 đến nay, thị trường hàng hóa ở chợ Đồng Xuân đã có sự biến đổi to lớn. Hàng hóa của Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần lớn tại chợ Đồng Xuân.
Cụ thể cho đến thời điểm này (tháng 8/2011), theo số liệu thống kê của Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết: Những mặt hàng lưu niệm, đồ chơi, đồ điện tử, điện thoại, va ly cặp sách… hàng Trung Quốc chiếm đến 90%, còn lại là hàng hóa của một số cơ sở kinh doanh trong nước. Những mặt hàng tạp phẩm, vải sợi, quần áo may mặc sẵn, hàng Trung Quốc chiếm đến 70%, số còn lại là của các sơ sở tư nhân trong nước. Rất ít hàng Việt Nam chất lượng cao có mặt tại thị trường chợ Đồng Xuân.
Thực tế chúng ta phải thừa nhận là không riêng ở chợ đồng Xuân, mà các chợ truyền thống khác cũng ở trong tình trạng này, hàng hóa Việt Nam chưa có chỗ đứng trong chợ truyền thống, chúng ta đã “thua trên sân nhà”.
Qua thực tế quản lý, ông Đỗ Xuân Thủy – Tổng Giám đốc - Công ty cổ phần Đồng Xuân phân tích một số nguyên nhân của việc vì sao hàng Việt chưa được ưu tiên kinh doanh ở chợ Đồng Xuân nói riêng và chợ truyền thống nói chung như sau:
Sức cạnh tranh của hàng Việt Nam còn yếu kém vì sản phẩm hàng Việt mẫu mã chưa đa dạng, giá cả chưa cạnh tranh. Với đa phần người Việt Nam còn ở mức thu nhập thấp, vì vậy người tiêu dùng rất quan tâm đến giá hàng hóa. Chỉ cần chênh lệch từ 500 đến 1.000 đ/ sản phẩm là họ sẵn sàng chuyển sang sản phẩm của hãng khác.
Trong khi đó, hàng Trung Quốc rất phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng luôn thay đổi, giá cả hấp dẫn, đáp ứng đại đa số người tiêu dùng có thu nhập thấp nên sức tiêu thụ khá tốt.
Riêng tại thị trường chợ Đồng Xuân, các sản phẩm như Vải, Quần áo, đồ gia dụng, đồ dùng cá nhân, quà tặng lưu niệm hàng Trung Quốc gần như độc chiếm thị phần bởi mẫu mã phong phú, giá cả hấp dẫn nên thu hút người tiêu dùng.
Doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm thị trường chợ truyền thống. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều tập trung đầu tư hình ảnh và tiêu thụ hàng hóa tại thị trường xuất nhập khẩu và đô thị mà không chú trọng đến thị trường tiềm năng vùng nông thôn thông qua các chợ truyền thống.
Trong khi đó, hiện nay thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam còn thấp, thị trường ở nông thôn và các tỉnh còn chiếm đến 80% thị trường tiêu thụ. Đây là thị trường tiềm năng và dễ tính.
Hàng hóa đến tay người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố và vùng nông thôn đều được trung chuyển qua các chợ truyền thống, mà chợ Đồng Xuân là một trong những đầu mối lớn nhất nước cho việc trung chuyển hàng hóa đến các tỉnh, thành phố. Chỉ tính với hơn 2000 hộ kinh doanh, theo đó là hàng vạn lượt người đến chợ mỗi ngày cũng đã thấy tiềm năng to lớn của thị trường chợ Đồng Xuân đã bị bỏ ngỏ.
Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc luôn hướng tới nhiều đối tượng, người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình và cả thu nhập cao đều có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm phù hợp. Nói cách khác, họ chú trọng đến phân khúc thị trường theo sức mua và khả năng thanh toán tốt hơn các doanh nghiệp trong nước.
Ngày nay, hàng Trung Quốc chiếm lĩnh hầu hết thị phần trong chợ Đồng Xuân
Chưa thiết lập mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Từ thực tế kinh doanh tại chợ đồng xuân cho thấy, việc thiết lập sự liên kết giữa nhà sản xuất Trung Quốc và các nhà phân phối rất chặt chẽ, mật thiết và đơn giản. Trong khi đó tiểu thương muốn làm nhà phân phối cho nhà sản xuất trong nước thì cần phải đáp ứng rất nhiều các điều kiện và thủ tục phức tạp, nặng nề. Nói cách khác nhà phân phối và nhà sản xuất trong nước chưa xây dựng được lòng tin trong kinh doanh.
Việc quản lý hàng hóa tiểu ngạch từ Trung Quốc chưa tốt. Doanh nghiệp Việt bị mất cơ hội đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng trong nước vì hàng Trung Quốc len lỏi vào chợ Đồng Xuân thông qua đường tiểu ngạch, không chịu thuế nhập khẩu, do vậy giá thành rất rẻ.
Trước tình trạng hàng Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam dễ dàng như vừa qua thì không ai dám khẳng định những hàng hóa bị tẩy chay ở Trung Quốc lại không được chuyển vào tiêu thụ ở thị trường Việt Nam.
Nếu chúng ta làm tốt hơn công tác kiểm soát hàng tiểu ngạch thì ưu thế giá rẻ của hàng Trung Quốc sẽ không còn, tạo cơ hội cho hàng Việt nam chiếm lĩnh thị phần và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trong nước.
Doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác tốt tâm lý người tiêu dùng. Thực tế hiện nay tâm lý người tiêu dùng cũng không an tâm khi sử dụng hàng hóa từ Trung Quốc. Nếu các nhà sản xuất trong nước chớp thời cơ tâm lý e ngại của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm Trung Quốc thì sản phẩm hàng Việt sẽ từng bước có mặt trên thị trường chợ Đồng Xuân.
Trả lời câu hỏi “Vì sao hàng Việt chưa được ưu tiên kinh doanh ở chợ truyền thống?”, Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhấn mạnh ý đầu tiên là vì doanh nghiệp trong nước yếu kém về tiếp thị hàng hóa, không PR, quảng bá, mang hàng tiếp thị tận nơi các nhà phân phối.
Thứ hai là doanh nghiệp Việt quá say mê sản xuất hàng để xuất khẩu mà không chú trọng sản suất cho thị yếu, nhu cầu khách hàng trong nước. Hàng xuất khẩu mà bán trong nước thì không phù hợp với thị hiếu người Việt Nam được.
Thứ ba là hệ thống lưu thông hàng hóa còn nhiều vấn đề bất cấp. Cơ chế chính sách, chiến lược quản lý nhà nước chưa tốt, chưa ổn định, cứ thay đổi liên tục, không có kế hoạch dài hạn. Tôi cho rằng là cần phải có một nhạc trưởng để điều phối các cơ quan, đơn vị sau đây phối hợp nhịp nhàng với nhau: Hải Quan, an toàn vệ sinh thực phẩm, thuế, quản lý thị trường, nhà sản xuất và nhà phân phối.
Như vậy, sau những phân tích trên thì chúng ta thấy một tia hy vọng để triệt tiêu lợi thế giá rẻ của hàng Trung Quốc là cơ quan Hải Quan cần phải triển khai tăng cường giám sát thật chặt chẽ hàng hóa tiểu ngạch từ Trung Quốc. Giám sát chặt ngay ở biên giới là cách tốt nhất để giảm thiểu hàng hóa kém chất lượng, hàng nhập lậu trốn thuế từ Trung Quốc len lỏi vào thị trường Việt Nam. Khi làm tốt khâu đó thì hàng Việt mới dễ dàng giành được lợi thế về giá cả.