Người Miền Trung (danlambao) - Thế kỷ trước Thực dân Pháp đô hộ nước ta, Nhà nước bảo hộ Pháp thực hiện độc quyền kinh doanh một số mặt hàng để thực hiện việc cai trị và nhằm bóc lột dân ta đến kiệt sức. Thế kỷ nay nước nhà đã được độc lập, vậy mà những mặt hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh lại còn nhiều hơn thế kỷ trước.
Độc quyền kinh doanh – Thay cho chính sách thu thuế nặng
Ở các nước tư bản Nhà nước không thực hiện việc kinh doanh mà chỉ thu thuế từ dân vào ngân sách để Nhà nước chi tiêu. Ở nước ta ngoài việc Nhà nước thu thuế từ dân như các nước tư bản, Nhà nước còn thu thêm từ dân khoản lợi nhuận độc quyền kinh doanh. Cuối cùng người dân đang gánh chịu mức thuế phải nộp cho Nhà nước nhiều hơn so với các nước tư bản. Một bài viết trên báo Thanh Niên gần đây đưa ra số liệu như sau: ở các nước tỷ lệ thu ngân sách thông thường đạt tỷ lệ 15-17% của GDP nhưng nước ta tỷ lệ này lên tới 28-30% GDP trong 9 tháng đầu năm năm 2011. Theo số liệu này thì: cuối cùng bằng các chính sách khác nhau (thuế và lợi nhuận độc quyền) người dân đã và đang đóng góp cho Nhà nước một lượng tiền gần như là gấp đôi các nước tư bản.
Hằng ngày người dân tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ độc quyền do Nhà nước cung cấp là đã phải chịu đóng thêm một khoản tiền cho Nhà nước. Khoản đóng thêm này thực chất cũng là thuế nhưng không mang tên “thuế”, và nó có giá trị bằng khoản chênh lệch giữa giá cả mặt hàng Nhà nước tự đưa ra giá và giá cả cạnh tranh của mặt hàng đó (nếu như ngành đó dân được tự do kinh doanh) nhân với lượng hàng mà dân tiêu thụ. Với chính sách này, Nhà nước tăng thu cho ngân sách không cần phải điều chỉnh luật thuế, vừa rườm rà thủ tục vừa gây bất bình trong dân chúng. Nhà nước chỉ cần tăng giá các sản phẩm dịch vụ mà Nhà nước đang nắm độc quyền kinh doanh. Việc làm này vừa đơn giản dễ làm lại vừa có thể đổ thừa cho nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến việc tăng giá mà dân phải chịu đựng chứ không thể bất bình Nhà nước được.
Độc quyền kinh doanh tạo nên một tầng lớp người hưởng lợi, những người này trở thành công cụ cho Nhà nước cai trị dân.
Nhìn lại trong các Tổng công ty độc quyền Nhà nước, mỗi lần muốn tăng giá sản phẩm để thu lợi thì điệp khúc báo cáo lỗ sẽ xảy ra. Nhưng kỳ thật lỗ nhưng công nhân không những không bị giảm lương mà ngược lại còn được được lĩnh thưởng rất cao. Lãnh đạo các tổng công ty độc quyền Nhà nước họ biết rằng chỉ cần Nhà nước cho tăng giá sản phẩm của họ lên một tí là họ đem về khối tiền cho Nhà nước, và một phần trong số tiền đó dư sức để họ trả lương thưởng cho cán bộ công nhân viên của họ. Cho nên họ không thực hiện việc giảm lương, giảm biên chế, tiết kiệm chi phí hoạt động cho công ty. Họ còn tư lợi để cho công ty lỗ. Cuối cùng buộc Nhà nước phải cho tăng giá sản phẩm độc quyền để bù vào chỗ lỗ ấy. Và thế là độc quyền đã tạo ra một tầng lớp người bao gồm những người làm việc trong các ngành kinh doanh độc quyền được hưởng lợi. Từ đó những người này lại trở thành công cụ cho Nhà nước cai trị dân.
Độc quyền kinh doanh – Dùng việc kinh doanh vào mục đích chính trị
Mới đây nhất, những người yêu nước biểu tình chống Trung quốc và những người diễn thuyết về biển đảo đã bị những ngành kinh doanh độc quyền cắt điện hoặc internet. Trước đây còn có những nhà dân, khu dân cư bị Nhà nước yêu cầu giải tỏa và Nhà nước đã dùng dùng đến sản phẩm độc quyền là cung cấp điện nước như là một thứ vũ khí để đuổi dân đi, thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
Lúc trước Nhà nước còn dùng độc quyền kinh doanh viễn thông để tác động vào chính trị, cắt các cuộc gọi đi ra nước ngoài của những người dân để gặp gỡ với các lực lượng thù địch. Vì thế nên đã có một chuyện hi hữu xảy ra. Đó là chuyện bưu điện một tỉnh ở Tây Nguyên được xây như cái lô cốt (tường xây bằng gạch đặt dày 0.4 mét) nhằm chống chọi với người dân khi có bạo động.