Về bài viết “Bắt đầu từ cải cách ngân sách” đăng trên báo Dân Việt - Dân Làm Báo

Về bài viết “Bắt đầu từ cải cách ngân sách” đăng trên báo Dân Việt


Một người dân (danlambao) - Với cái tựa đề “Bắt đầu từ cải cách ngân sách” tôi nghĩ rằng vấn đề về ngân sách Nhà nước đang là bất cập cần phải cải cách trước tiên nên báo chí đã đề cập tới. Đọc hết bài báo này tôi không thấy nói gì đến chuyện ngân sách. Rà soát lại xem sao thì chỉ tìm được một câu nói về ngân sách như sau, trích: “Chúng tôi đề xuất lộ trình tái cấu trúc bắt đầu từ cải cách hệ thống ngân sách nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống ngân hàng, các tập đoàn kinh tế, hệ thống hạ tầng cơ sở, hệ thống luật pháp…” hết trích.

Chỉ là lời mở đầu cho một câu nói bình thường, không phải là nội dung trọng tâm của bài báo, và cũng không phải là câu nói ấn tượng, nhưng không hiểu tại sao báo Dân Việt lại đưa lên làm cái tít của tiêu đề. Tôi nghĩ không ra. Hay là vấn đề ngân sách cũng lại là vấn đề nhạy cảm nên báo chí Nhà nước không dám nói đến. Vậy nên để người dân như tôi sẽ nói ra những vấn đề bất cập về ngân sách hiện nay cho mọi người dân Việt Nam biết đến.

Ngân sách đang thực hiện theo con số của “Kế hoạch” - Một vấn đề đã lỗi thời và đang gây nên lạm phát.

Đặt trưng cơ bản của kinh tế xã hội chủ nghĩa là kinh tế ”kế hoạch”. Ở các nước tư bản chủ nghĩa con số kế hoạch chỉ mang tính chất tham khảo thì ngược lại ở các nước xã hội chủ nghĩa con số kế hoạch lại là con số để thực hiện. Mọi thứ đều phải thực hiện theo kế hoạch trong khi con số kế hoạch lại là con số chủ quan do con người đưa ra và nó vẫn còn khác xa với thực tế. Khi chuyển đổi cơ chế kinh tế sang nền kinh tế thị trường theo các nước tư bản chủ nghĩa, con số kế hoạch trong sản xuất kinh doanh chỉ còn là tham khảo chứ không phải để thực hiện nữa. Nhưng về ngân sách Nhà nước cho đến bây giờ con số kế hoạch vẫn đang còn ngự trị để các cấp chính quyền thực hiện nó.

Thật vậy, hàng năm các cấp chính quyền đều lập kế hoạch dự toán thu chi ngân sách của địa phương mình cho năm sau. Dự toán thu chi ngân sách, ấy là con số kế hoạch nhưng lại được các cơ quan, các ban ngành coi như là con số thực để thực hiện việc thu chi. Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng của địa phương căn cứ vào con số kế hoạch chi ngân sách phân bổ xuống chi cho đầu tư mà tiến hành lập các dự án: thiết kế, ký kết hợp đồng với các nhà thầu thực hiện đầu tư xây dựng công trình. Các cơ quan Nhà nước như sở ban ngành, Đảng Đoàn, Hội… thì căn cứ vào kế hoạch dự toán ngân sách cấp kinh phí cho cơ quan hoạt động để mà chi tiêu, mua sắm.

Phần chi ngân sách thì cơ quan đơn vị nào cũng thực hiện hoàn thành hoặc vượt mứt so với dự toán chứ chẳng có cơ quan nào “dại khờ” mà chi không hết con số của dự toán. Nhưng phần thu ngân sách thì đâu phải năm nào cũng thu đủ theo như dự toán. Điều này đã dẫn đến cuối năm rất nhiều địa phương bị thâm hụt tiền cho ngân sách.

Thực hiện thu chi theo dự toán: có lúc cơ quan thu ngân sách thu chưa có tiền, ngân sách trống không, kho bạc Nhà nước không có tiền, nhưng cơ quan chi vẫn cứ thực hiện các hợp đồng chi ngân sách chứ không phải vì thế mà dừng hợp đồng lại.

Con số của dự toán thu chi ngân sách bị các lợi ích lạm dụng!

Khi chi ngân sách, chủ tài khoản quyết định thực hiện chi được hưởng lợi ích cá nhân nên thường đẩy dự toán chi ngân sách lên cao khiến cho phần thu ngân sách không theo kịp. Trong một lợi ích ngắn hạn, khi các vị chủ tài khoản chi ngân sách sắp nghỉ hưu họ dùng quyền lực đẩy phần chi ngân sách lên cao hơn nữa. Ngân sách không có đủ tiền chi thì xem như là nợ, kết chuyển khoản nợ này sang năm sau để vị chủ tài khoản khác nhận chức lên thay phải thực hiện thu ngân sách để mà trả nợ.

Về chuyện này có một trường hợp điển hình hy hữu. Đó là Đại công trường Hà Giang năm 2009 mà báo chí đã đăng tải, với khoảng nợ khủng của ngân sách tỉnh Hà Giang với các nhà thầu xây dựng lên đến 1.800 tỷ đồng.

Đó là phần chi ngân sách, còn phần thu ngân sách của cơ quan thuế thì thực tế như thế nào ?

Các cơ quan Thuế năm nào không thu tiền vào ngân sách đủ theo dự toán để bù đắp cho khoản chi (hầu như là chắc chắn đã chi) thì là thủ trưởng đơn vị này đứng ngồi không yên, sợ bị chủ tịch địa phương cách chức. Vậy nên có những năm khi tiền thu vào ngân sách đã đủ theo dự toán rồi, cơ quan thuế thực hiện việc ém các nguồn thu để giành cho năm sau, để đảm bảo năm sau cũng thực hiện thu đủ tiền vào ngân sách theo dự toán, và để cái ghế thủ trưởng đơn vị Thuế của người đứng đầu đảm bảo còn tại vị thêm một năm nữa.

Vì thế cho nên mỗi lần họp thông qua dự toán ngân sách, là một lần cãi vả nảy lửa giữa các cơ quan, các bên có lợi ích khác nhau. Có khi cuộc họp kéo dài một tuần mà các bên không thông qua được con số của dự toán thu chi ngân sách.

Tóm lại : việc thực hiện thu chi ngân sách theo dự toán hiện nay là hoàn toàn không sát với thực tế. Con số của dự toán là do chủ quan đưa ra, con số này liên tục được đẩy lên theo thời gian nhằm phục vụ lợi ích của những người đang nắm quyền lực. Cuối cùng nguồn thu không theo kịp lượng tiền chi. Bổ sung cho sự thiếu hụt này là Nhà nước phát hành ra tiền giấy, gây nên lạm phát.

Tại sao Nhà nước ta không thực hiện thu chi ngân sách theo thực tế , bỏ đi con số kế hoạch , thu được bao nhiêu đồng tiền trong ngân sách rồi thì mới lên kế hoạch để chi. Thu được nhiều thì chi nhiều ,thu ít thì chi ít . Có như thế ngân sách Nhà nước mới đảm bảo luôn luôn có tiền trong két của kho bạc Nhà nước và ngân sách luôn không nợ ai . Có như thế một nền tài chính Nhà nước mới được minh bạch và đảm bảo không còn là nhân tố gây ra lạm phát.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo