Trần Vinh Dự (VOA) - Một trong những diễn biến trong tuần qua được dư luận trong nước quan tâm là đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). EVN vừa kiến nghị Bộ Công Thương cho phép tăng giá điện từ tháng 11 tới. Cụ thể, tập đoàn này đề xuất giá điện sẽ tăng từ 10 - 13%, tương ứng với giá bán lẻ điện trung bình sẽ là 1.403 đồng/kWh thay cho mức giá hiện hành 1.242 đồng/kWh.
Theo Dân Trí, theo Quyết định 24 và thông tư của Bộ Công Thương hướng dẫn cơ chế điều chỉnh giá điện, thì trường hợp 3 yếu tố đầu vào cơ bản của giá điện là giá nhiên liệu, tỉ giá và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi trong 3 tháng liên tiếp, dưới 5% thì EVN báo cáo Bộ Công Thương và tự động điều chỉnh. Nhưng do Bộ Tài chính đề nghị việc điều chỉnh giá điện không nên điều chỉnh liên tục các quý, nên EVN đưa ra đề xuất tăng giá như trên. Nếu được thông qua, dự kiến, việc điều chỉnh giá điện sẽ được thực hiện trong tháng 11 tới.
Việc tăng giá dự kiến của EVN đang dấy lên mối lo ngại trong dư luận về áp lực đối với lạm phát. Tuy nhiên, trả lời báo chí về việc tăng giá điện và ảnh hưởng tới lạm phát, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng “việc tăng giá điện và mục tiêu kiềm chế lạm phát của chính phủ thực ra không có gì là mâu thuẫn cả. Đấy là chủ trương nhất quán, vấn đề là mình chọn thời điểm nào tăng cho phù hợp, chứ chắc chắn giá điện cũng không thể giữ mãi như hiện nay được”.
Lý do tăng giá điện
Lý giải cho đề xuất tăng giá lần này, EVN cho rằng tập đoàn này đã phải chịu thiệt nhiều từ việc giá điện chưa được tính đúng, tính đủ, dẫn tới giá thành bán điện thương phẩm không đủ bù đắp chi phí khiến tập đoàn chưa thể giảm lỗ. EVN phải mua điện giá cao từ một số nhà máy điện độc lập, chạy dầu để phát điện, điều chỉnh tỷ giá… các yếu tố này không được tính đúng vào giá thành.
Theo VEF, riêng trong các lý do từ việc chưa tính đúng tính đủ chi phí vào giá điện, các khoản lỗ được công khai của EVN đến nay đã lên tới vài chục ngàn tỉ đồng, gồm 11000 tỉ đồng do mua điện giá cao từ một số nhà máy điện độc lập, chênh lệch tỉ giá khoảng 17000 tỉ đồng, vốn đầu tư tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn khoảng 8000 tỉ đồng...
EVN hiện đang nợ tiền mua điện của các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn như Than - Khoáng sản Việt Nam và Dầu khí Việt Nam (PVN). Riêng khoản nợ với PVN đã lên tới khoảng 10000 tỉ đồngnhưng chưa sắp xếp được nguồn trả, phải trông chờ vào nguồn thu từ việc tăng giá điện.
Cũng theo VEF, tình trạng thua lỗ, nợ nần của EVN còn trầm trọng hơn do phải gánh thêm các khoản lỗ khi đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực. Năm 2007, EVN đã đề nghị tăng giá điện để lấy vốn đầu tư nhưng vẫn rót vốn vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông... Theo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, trong 8 tháng đầu năm, EVN đầu tư ra ngoài ngành hơn 2.100 tỉ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ.
Theo báo Lao Động, EVN đã từng góp vốn đầu tư vào Cty cổ phần chứng khoán Hà Thành, đến nay Cty này đã gần như ngừng hoạt động với nghi án chủ tịch HĐQT ẵm gọn khoản tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỉ của các cổ đông lặn mất tăm; đầu tư vào các Cty cổ phần bất động sản điện lực Sài Gòn Vina, điện lực miền Trung, EVNLand Nha Trang... đều chưa thấy có hướng ra.
Cũng theo Lao Động, thua lỗ nhất là lĩnh vực kinh doanh viễn thông. Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2000 tỉ đồng, lỗ hơn 1000 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN Telecom lên đến 5,1 lần (trong đó nợ phải trả là 7760 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 1586 tỉ đồng). Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của EVN Telecom chỉ còn 31%. Hiện mức thua lỗ của EVN Telecom đã dẫn tới gần như không có khả năng cân đối toàn bộ chi phí vận hành, chi phí đầu tư mạng lưới, các khoản vốn và lãi vay cho các dự án đầu tư.
Tình trạng của EVN đã tệ đến mức không thể làm ngơ. VnEconomy trích nguồn tin từ cổng thông tin điện tử chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá việc đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư vào EVN Telecom của EVN. Việc kiểm toán EVN cũng đã được chỉ đạo thực hiện từ hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay.
Ảnh hưởng tới lạm phát hay không
Giá điện đã tăng 15% hồi tháng 3 năm nay nhưng theo những gì EVN giải trình tại thời điểm này thì có vẻ việc tăng giá đó không thấm tháp gì so với khoản lỗ mà EVN đang có. Với lần tăng giá 10%-13% lần này, theo VnEconomy, EVN vẫn chưa tính tới khoản lỗ khoảng 30 nghìn tỷ đồng do “do Bộ Công Thương yêu cầu cần có kiểm toán”.
Giá điện là một cấu phần quan trọng hình thành chi phí của doanh nghiệp, và vì vậy, nó ảnh hưởng lớn tới giá thành và giá bán của sản phẩm. Việc tăng giá điện của EVN chắc chắn sẽ gây sức ép mạnh đối với lạm phát – giống như những gì đã xảy ra trong tháng 3 năm nay.
Vấn đề còn lại là việc tăng giá này có chính đáng hay không? Với tư cách là nhà độc quyền, EVN thực ra không có động cơ tiết kiệm chi phí để giảm giá thành. Thêm nữa, các khoản đầu tư ngoài ngành vô tội vạ của EVN cũng cần phải được kiểm soát. Vì thế, việc kiểm soát giá thành và các khoản đầu tư trái ngành để đảm bảo rằng EVN hoạt động hiệu quả là trách nhiệm của chính phủ. Việc này cũng nhất thiết phải gắn với trách nhiệm cá nhân của bộ máy lãnh đạo EVN.
Trần Vinh Dự