Thanh tra Sở văn hóa cũng không hiểu Luật, Đài THHN lại theo voi hít bã mía - Dân Làm Báo

Thanh tra Sở văn hóa cũng không hiểu Luật, Đài THHN lại theo voi hít bã mía


J.B Nguyễn Hữu Vinh Mượn thì phải trả, đó là nguyên tắc của cuộc sống xã hội con người bình thường. Dùng bạo lực để mượn rồi không trả thì đó chỉ là hành động không thể dùng từ nào khác hơn là “CƯỚP”. Mà xã hội Việt Nam chưa luật pháp nào dung túng cho hành động cướp bao giờ.

Những ngày gần đây, khi Sở Y Tế Hà Nội và Bệnh viện Đống Đa ngang ngược đến nhà thờ Thái Hà để “Thông báo” về việc xây dựng hệ thống nước thải” nhằm mở đầu cho gói thầu 75 tỷ đồng biến cải Tu Viện Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội vốn được “mượn” từ mấy chục năm nay không trả, giáo dân Thái Hà hết sức bất bình.



Tu viện Dòng Chúa Cứu thế được xây dựng từ trước khi có nhà nước VNDCCH đến 15 năm, ngay khi thành lập nước, Hiến pháp và pháp luật đã minh nhiên công nhận cơ sở thờ tự của tín ngưỡng được luật pháp bảo hộ. Vậy nhưng sau đó thì cơ sở thờ tự này rơi vào tay nhà nước và từ đó đến nay, đòi không trả, lại còn định biến tướng để chơi trò tháu cáy. Vì vậy, không một giáo dân nào chấp nhận và tin tưởng nổi nơi cái “Nhà nước Pháp quyền” trong những vụ việc tương tự.

Ngoài hàng loạt đơn thư gửi đi biệt vô âm tín, nhà cầm quyền coi những tiếng kêu của tập thể giáo dân, linh mục và tu sĩ nơi đây như tiếng cóc nhái ngoài đồng, giáo dân còn trực tiếp đến UBNDTP Hà Nội, Quận, Phường… lần này đến lần khác nhưng tất cả đều vô nghĩa với nhà cầm quyền khi đã nắm chắc được tài sản tôn giáo trong tay. Hiện nay, một dự án đầu tư đã được duyệt 75 tỷ đồng nhằm cải biến cơ sở Tu viện này thành một hình thức khác.

Cực chẳng đã, giáo dân Thái Hà đã làm một bảng điện tử đặt trên nóc nhà Dòng với nội dung: “Yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả lại Tu viện đang mượn làm bệnh viện Đống Đa cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và trả lại Hồ Ba Giang cho Giáo xứ Thái Hà”. Nội dung của bản yêu cầu này, chính là nội dung bao lá đơn của giáo dân ở đây đã gửi đi nhưng không hề được đáp lại.





Thế rồi, ngay lập tức, chiều 26/10/2011, một đoàn cán bộ Sở Văn Hóa cùng với công an và các loại cán bộ ập đến Nhà thờ trong kỳ Tĩnh tâm của các linh mục. Nhưng, đang kỳ tĩnh tâm, không có linh mục nào ra tiếp được vì đoàn đến đường đột và ngạo mạn không có hẹn trước.

Đoàn hậm hực ra về và để lại một cái biên bản hết sức buồn cười. Buồn cười là vì chính Thanh tra Sở Văn hóa cũng không hiểu luật.


Tờ “Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa” do cả đoàn lập ra, ghi nội dung “Đã có hành vi vi phạm hành chính như sau: Treo dựng biển quảng cáo bằng đèn tuýp trên nóc nhà 7 tầng Nhà thờ Thái Hà không có giấy phép quảng cáo và nội dung quảng cáo xúc phạm danh dự tổ chức” (Chữ cán bộ lập biên bản quá xấu không thể đọc được hết). Thậm chí, biên bản nêu trên còn viện dẫn ra Nghị định số 75/2010?NĐCP ngày 12/7/2010 để khép tội vi phạm “Lợi dụng quảng cáo…”

Để hiểu sự ngô nghê ở đây, chúng ta cần phải đến với Pháp lệnh Quảng Cáo, cơ sở để đoàn Thanh tra Sở Văn Hóa lập biên bản ở Nhà thờ Thái Hà. Ngay ở phần đầu của Điều 4. Phần Giải thích từ ngữ ghi rõ:

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quảng cáo là giới thiệu đến người tiêu dùng về hoạt động kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm dịch vụ có mục đích sinh lời và dịch vụ không có mục đích sinh lời.

Dịch vụ có mục đích sinh lời là dịch vụ nhằm tạo ra lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.

Dịch vụ không có mục đích sinh lời là dịch vụ không nhằm tạo ra lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.

Như vậy, với định nghĩa như trên, bảng điện tử trên nhà 7 tầng của Giáo xứ Thái Hà không nằm trong định nghĩa về “Quảng cáo”. Và khi đã không là Quảng cáo, thì cái điều khoản của Nghị định 75/2010 kia là vô nghĩa.

Thế nhưng, dường như Sở Văn Hóa Hà Nội đã không đủ khả năng để hiểu được những ý nghĩa của những từ ngữ trên nên vẫn lập cái gọi là Biên bản về biển Quảng cáo, và còn yêu cầu tháo dỡ ngay bảng quảng cáo nêu trên trong ngày 26/10/2011.

Thật ra, nếu giải thích đúng nghĩa hơn thì đấy cũng có thể được coi là biển Quảng cáo thật sự, sản phẩm là chính sách cướp đoạt bất chấp pháp luật của nhà cầm quyền Hà Nội với tài sản tôn giáo được luật pháp bảo hộ, của Tổ chức có lợi nhuận ở đây là nhà cầm quyền Hà Nội. Hàng hóa ở đây chính là Tu Viện Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội, Hồ Ba Giang, Khu đất Vườn hoa của Giáo xứ Thái Hà… Vậy theo đúng nguyên tắc Quảng Cáo, nhà cầm quyền Hà Nội cần trả tiền Quảng cáo cho Giáo xứ Thái Hà mới đúng chứ? Còn dịch vụ của Giáo xứ Thái Hà ở đây là gì? Là xây dựng Tu viện, nhà Dòng, nhà thờ xong để nhà nước cưỡng chiếm với danh nghĩa là “mượn không trả”. Trên thế giới có lẽ chẳng có ai muốn làm cái dịch vụ này ngoài Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Nắm được cái biên bản dốt nát trái luật này, Đài Phát Thanh – Truyền hình Hà Nội lại tiếp tục màn dựng chuyện và bôi nhọ Giáo xứ Thái Hà như đã quen xưa nay.

Thế nhưng, sự dối trá nào cũng có giá của nó, người dân ngày nay không còn như xưa, những lời tuyên truyền dối trá đã không làm họ bị đánh lừa như trước.

Tối nay, khi nghe bản tin trên PT – THHN xong, một người bạn gọi cho tôi bảo: “Này thằng Truyền hình Hà Nội nó lại ông ổng vụ Thái Hà đấy, tôi mới nghe nhưng không tin, những người yêu nước còn bị chúng coi là phản động, thì Thái Hà chắc chắn là bị chúng nó nói ngược 100% rồi. Mai tôi phải sang xem cụ thể tấm bảng đó ra sao”.

Tôi cười: “Vâng, mời bạn cứ đến xem, để thấy cái biển Quảng Cáo đó là gì, bạn sẽ thấy sản phẩm được quảng cáo là bộ mặt nham nhở của nhà cầm quyền khi chiếm cướp bất hợp pháp Tu viện và biến Tu viện, nhà nguyện Linh Thánh thành nơi ăn chơi, nhảy múa trụy lạc dưới chiêu bài “Bệnh viện” và “Trạm xử lý nước thải”.

Hãy đến mà xem


Hà Nội, Ngày 28/10/2011





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo