Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng: Một dấu hiệu tận vong của ĐCSVN? - Dân Làm Báo

Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng: Một dấu hiệu tận vong của ĐCSVN?

Hành Khất (danlambao) - Khi còn sinh thời, nếu có điều kiện thích hợp, người ta thường lo xa hơn cho hậu sự mai sau bằng cách tìm mua, chọn đất để dành làm nơi yên nghỉ. Và nhất là trong khoảng thời gian gần cuối cuộc đời, một vài điều mong ước sau cùng càng được biểu lộ rõ ràng hơn như chọn tấm bia, lăng mộ, dòng chữ v.v... Trong phạm vi rộng lớn hơn, cũng qua phương thức đó, ngầm báo hiệu một thời kỳ tận vong sẽ xảy ra. Như vậy việc xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng (MVNAH), có phải chăng đó là một dấu hiệu sắp tan rã của đảng CsVN?

Quyết Tâm Xây Dựng Tượng Đài: 

Trong khoảng gần cuối tháng 9, 2011, vừa qua, cả trong lẩn ngoài nước bàn tán xôn xao vể tượng đài MVNAH đang được tiến hành xây dựng, không những theo cấp quốc gia mà có thể hoành tráng nhất Đông Nam Á. Đa số người dân chú trọng về sự lãng phí 411,2 tỷ đồng để xây dựng tượng đài trong thời kỳ kinh tế khó khăn hơn là nhìn sự việc trong khía cạnh khác. Điều nầy được chứng minh qua bảng trưng cầu dân ý của trang mạng VNexpress trong số 28.000 người tham dự, từ chiều 20/09/2011 đến 26/09/2011, với 52% số phiếu cho ý kiến "Không nên xây dựng tượng đài, dành tiền cho việc khác", hoặc 40,6% là "Làm với quy mô vửa phải hay hơn." Và dù "Không có vốn xây tượng Mẹ anh hùng vào lúc này" nhưng: "… Lãnh đạo tỉnh cho biết, quyết tâm xây dựng công trình tượng đài theo hướng vừa làm vừa vận động kinh phí và chờ trung ương xem xét hỗ trợ" (theo VNexpress, 26/09/2010). Sự quyết tâm đó được xác minh lần nữa qua việc "Tạm dừng xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng" để: "… rà soát lại hạng mục và các khoản chi phí để cắt giảm hợp lý thực hiện phân kỳ đầu tư, giãn tiến độ thi công đối với các hạng mục còn lại theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định." (theo VNexpress, 2/10/2011). Và: "… Theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, quan điểm của tỉnh là vẫn tiếp tục triển khai thực hiện dự án, nhất là khối hạng mục tượng chính.

Biểu quyết của đọc giả trên vnexpress: 20/09/2011-- 26/09/2011

Cho dù là 411,2 tỷ hay 399.99 tỷ thì công cuộc xây dựng tượng đài vẫn phải tiến hành trong sự nhất trí của Thủ tướng Dũng trên công văn một cách rõ ràng, và có hiệu lực mạnh mẽ nhất. Đó là điều chắc chắn ! Cùng đồng quan điểm trên, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ (VVHVN) (Ban Tuyên giáo T.Ư.) trao đổi với VnExpress, trong vấn đề tại sao "Nhiều người quá để tâm đến kinh phí dựng tượng đài", ngày 26/9/2011, cho ý kiến như sau: "Mọi người đang lạc vào chuyện tranh cãi không nên làm to mà để dành tiền chăm lo cho các mẹ còn sống hay người nghèo, trẻ em... Nhưng việc nào phải đi việc ấy" 

Với cái nhìn rất nghệ sĩ tính của họa sĩ Đoàn thì không sai chút nào: "việc nào phải đi việc ấy." Mấy cái chuyện an sinh cho người nghèo, trẻ em, hay hơn 40.000 mẹ Việt Nam anh hùng v.v. là không thuộc về nghệ thuật. Nghệ thuật theo Hội đồng nghệ thuật của dự án cho biết như sau: "… quyết định nâng cấp tượng đài này không chỉ đầy tính nghệ thuật ở mức độ hoành tráng mà còn phải vĩnh cửu với thời gian." (theo "Tạm dừng xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng", 2/10/2011) 

"Vĩnh cửu với thời gian"? Qua câu nói đó khiến người ta liên tưởng đến những dòng chữ được khắc trên bia mộ để tưởng nhớ thương tiếc người đã khuất. Đa số người Việt vốn dĩ thường hay gắn bó sự tôn trọng đối với những nấm mồ, ngoại trừ những công an, an ninh đào mồ mả dân một cách bạo ngược vì phải làm theo chỉ thị quy hoạch của cấp trên, nên tượng đài MVNAH phải được xem như "vĩnh cửu với thời gian." Hay nói đúng hơn đó là một dấu ấn để lại, cho dù đảng csvn bị tan rả ! Điều nầy có thực sự là một hiệu ứng hay không? Trước khi rút ra một kết luận cho hậu ý của tượng đài, có hai sự kiện cần được xét đến: 

1. Giá trị chi phí 
2. Giá trị nghệ thuật 

Giá Trị Chí Phí: 

Như Phó vụ trưởng VVHVN Đoàn đã nói: "… Hà Nội từng cuống lên làm Bảo tàng Hà Nội tốn 2.000 tỷ đồng mà mới chỉ là vỏ, nội thất chưa xong. Nếu muốn so sánh thì tượng đài này chẳng đáng là bao." Quả thật, nếu đem số chi phí 411,2 tỷ đồng (khoảng hơn 19 triệu rưởi đô, nếu tính theo giá 100 đô tương đương 2,095 triệu đồng) so với những công trình khác cũng không là to lớn gì, như là Dolphin Plaza (Hà Nội), Green Plaza (Đà Nẳng), The Manor (Sài Gòn) v.v., hoặc 20.000 tỷ cho đầu tư Vinashin; ngay cả nếu đem ra so với hàng triệu rúp mỗi năm tốn phí cho việc bảo quản cái xác không còn nội tạng, não bộ của Lenin bên Liên Xô, và số tiền có thể tương như vậy cho việc bảo quản, "Kiểm tra thi hài Hồ Chí Minh" mà chính quyền Việt Nam không bao giờ cho biết. 

Trong khi đó trên mạng đầy những tiêu đề về những vấn nạn cấp bách trong xã hội, học đường v.v., tiêu biểu là: "Quê hương cần những cây cầu" (26/01/2009), "Cần lắm một cây cầu ở bến đò Kẻ Nính" (15/11/2009), "Bệnh viện đa khoa Kỳ Anh: mới xây xong đã hỏng" (16/05/2011), "Hàng trăm học sinh nghỉ học vì trường sắp sập" (22/10/2011), hoặc nói về cuộc sống của một số bà mẹ anh hùng trong hoàn cảnh hiện tại hôm nay: "Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thơi: mỏi mòn đòi đất" (4/11/2010), "Để mẹ vui, dù chỉ một ngày !" (16/10/2011), "Mẹ giữa cánh đồng" (16/10/2011) ;"Mẹ và tờ giấy chủ qưyền nhà" (16/10/2011). Ngay cả trên youtube phơi bày thực trạng dân oan của mẹ anh hùng: "Công an nhân dân đào mả nhân dân" (12/07/2010), "Dân Oan Hà Nội" (10/08/2007), "Dân Oan… tụt quần đánh công an" (27/06/2008), v.v. (nếu cứ tiếp tục liệt kê ra, e rằng sẽ choáng hết một trang). 

Chỉ cần lướt mắt qua những tiêu đề trên, người ta có thể hiểu được đại ý trong bài viết, vì thế khó có thể biện minh rằng vì công việc quá bận rộn mà người có chức vụ không có thời gian tìm đọc (và cũng vì thế trong bài nầy không cần đi sâu vào chi tiết cho những tiêu đề trên, ngoại trừ vài hình ảnh tiêu biểu). Những sự kiện tiêu biểu trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của Mẹ Việt Nam anh hùng hay gián tiếp qua con cháu, người thân, bà con, hàng xóm của Mẹ, từng ngày từng tháng hôm nay (2011) và sẽ còn lâu dài, liên tục cho đến ngày đã điểm. 

Tuy nhiên, Phó vụ trưởng VVHVN Đoàn vẫn khẳng định rằng: "Đền ơn đáp nghĩa luôn là việc phải làm đầy đủ, nhà nước mình chưa làm gì thất lễ với các mẹ." Và mặc dù Phó vụ Đoàn nhìn nhận "Quảng Nam cũng là tỉnh nghèo", nhưng vấn đề tuyên truyền văn hóa-chính trị cộng đồng luôn luôn được đảng xem là quan trọng bậc nhất: "… chưa có trung tâm sinh hoạt chính trị văn hóa nên đây là điểm nhấn cần thiết cho quy hoạch phát triển tương lai của tỉnh." 

Sự "đển ơn đáp nghĩa" và cách cư xử "chưa làm gì thất lễ với các mẹ" mà Phó vụ Đoàn thay mặt đảng, đã nói ở trên, có thể được nhìn thấy tận tường hơn qua vài hình ảnh sau:

Tang thương ngày cuối năm bên bến đò (Bến đò Kẻ Nính hàng ngày vẫn có gần 200 Quang Hải vì dân không có cầu qua sông) học sinh đi qua

Trái: Bệnh viện đa khoa Kỳ Anh mới xây xong … đã hỏng, mùi hôi thúi bốc lên nồng nặc. Phải: Trường tiểu học Liên Trì, Quảng Ngãi xuống cấp nghiêm trọng, với 200 học sinh phải quyết tâm "bám trường, bám lớp"

Trái: Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sua bên tường căn nhà… tình nghĩa đã mục nát.  Phải: Mẹ Thị Thum ở xã Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang phải tựa vào người cháu Thị Thủy dù có nhà nhưng mẹ vẫn phải đi… ở nhờ.

Trái: Mong mỏi sau cùng của Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Thuận là tờ giấy chủ quyền nhà ! Phải: Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thơi mỏi mòn đi đòi … giải phóng đất của mẹ 

Nếu xét về tiêu chuẩn để đạt danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" (kể cả là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam), theo nguyên văn trên wikipedia cho biết: 

1. Có hai con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; 
2. (Chỉ) Có hai con mà cả hai con là liệt sĩ, hoặc chỉ có một con mà người đó là liệt sĩ; 
3. Có ba con trở lên là liệt sĩ; 
4. Có một con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ. 

Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng do chủ tịch nước ký tặng hoặc truy tặng theo đề nghị của chính phủ, với cấp bằng và huy chương (được viết lại cho ngắn gọn và dễ hiểu hơn) 

Chữ "Có" trong tiêu chuẩn của bài viết trên wikipedia cho người ta "có" cảm tưởng là "có được" hơn là sự mất mát người thân để đánh đổi 6 chữ Bà-mẹ-Việt-Nam-anh- hùng, mà đôi khi chính bản thân Mẹ cũng phải là liệt sĩ qua từ ngữ "truy tặng" hơn là "ký tặng" bởi nhà nước. 

Theo những điều kiện trên, để trở thành Bà Mẹ Việt Nam anh hùng "cần có" ít nhất là 3 người đã phải hy sinh, trừ khi Mẹ chỉ có 1 con, hoặc hai con thôi nhưng tử trận hết. Đây là một tiêu chuẩn khá khắc khe vì nhìn chung, trong những gia đình của dân miền Bắc cũng phải ít nhất 1 người nằm xuống cho lý tưởng cs. Ngoài ra cũng có những gia đình bị ly tán sau 54, dù đạt đúng tiêu chuẩn theo điều kiện 1 trong phần mệnh đề trước (hai con và chồng) nhưng vẫn không được xét là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trừ khi đúng theo điều kiện 1 trong phần mệnh đề sau hoặc được chuyển xét theo điều kiện 4 (bản thân là liệt sĩ). Tiêu chuẩn nầy cũng được áp dụng trong những gia đình ở miền Trung và Nam, trên sự đớn đau âm thầm của những bà mẹ khi nhận được tin tử trận của chồng con từ hai phía. Dù không được ký tặng cấp bằng và huy chương nhưng chắc gì những bà mẹ đó cảm thấy hãnh diện, vui mừng, và sung sướng, giả như được truy phong là Bà mẹ Việt Nam anh hùng (?). Nếu xét ra, con số 44.253 bà mẹ được truy phong danh hiệu, không hẳn là đúng, mà nó chỉ là một con số theo sự quyết định quyết sách của đảng đưa ra. Người ta có thể ước lượng một con số khác gấp 3, 4 lần con số trong văn bản đó, nhưng vì lý do nầy hay viện lý lẻ khác, đa số bà mẹ bị mất người thân cho công cuộc cách mạng của đảng không được "ký tặng". 

Dù dựa trên con số thống kê nào đó về Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng câu nói vu vơ của Phó vụ Đoàn: "… nhà nước mình chưa làm gì thất lễ với các mẹ" dường như chỉ dựa theo báo đảng, chứng minh rằng Phó vụ Đoàn chắc chưa bao giờ buồn gối đi đến những vùng sâu vùng xa… thăm Mẹ, để được chứng kiến những giọt nước tủi hờn đó như thế nào, hình dáng ra sao, mặn nhạt hay ngọt, có đau buốt nhức nhối như ngạnh cá mặt quỷ đâm vì mất đất hay nồng nàn mừng mừng tủi tủi vì hiếm khi có được người đến thăm. Những bà Mẹ trong thế hệ người già đó sẽ chẳng còn bao lâu; họ sẽ vắng bóng trên toàn cõi Việt Nam, và sẽ không còn ai là nhân chứng sống để đảng phải bận tâm ! Và như vậy, theo Cục phó Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, Nguyễn Phú Cường nhận xét như sau: "Chỉ có hình tượng mẹ vĩ đại mới có thể mang một tầm vóc đến như thế, không phải bỗng dưng mà họ làm một tượng to đến như vậy." (theo "Hơn 400 tỷ chỉ tương đương với nửa cây cầu!", 25/09/2011). Vì: "... Khi các mẹ mất đi, nơi đây sẽ là nơi lưu giữ lại hình ảnh các mẹ, để mọi người được tưởng nhớ công ơn suốt đời của các mẹ."

Cá mặt quỷ, Synanceia

Có lẽ là vậy ! Vì chi phí có đáng là bao mà còn nhất cử lưỡng tiện (một công được hai việc lợi). Từ đây cho đến khi các bà mẹ ra đi hết thì chắc cũng vừa lúc cho việc tổ chức liên hoan ăn mừng khánh thành tượng đài MVNAH, và đó sẽ là nơi có thể xem là duy nhất, "lưu giữ lại hình ảnh các mẹ" vì đa số các bà mẹ bằng xương, bằng thịt hôm nay_ không phải là hình ảnh_ phải đang sống rải rác, tản mạn trong những vùng sâu vùng xa nên rất khó gom tụ hội lại. Hầu "được tưởng nhớ công ơn suốt đời của các mẹ" vì đã sẽ phải chịu hy sinh đến nhịp sống sau cùng vì đảng trong căm lặng, mà thậm chí không dám nhận lấy chút lời cảm ơn. Thôi thì, hãy để tượng đài MVNAH tự thầm nói lên dùm cho Mẹ khi chẳng còn ai đến thăm, khi bóng đêm buông chùng đất nước. 

Và có lẽ, trong bất chợt nào đó giữa cơn mơ, qua tiếng nấc nghẹn, lời Mẹ vọng về từ tượng đài nghệ thuật nầy, như thì thầm bên tai: "Tao không muốn cho nó đi, nhưng mấy ổng bắt nó đi rồi con." 

Giá Trị Nghệ Thuật: 

Xét về giá trị nghệ thuật, tiêu biểu nhất là qua nhận xét của Trưởng ban thẩm định các tác phẩm điêu khắc và nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo, giảng viên trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam cho rằng: "Về mặt thẩm mỹ của tượng đài, đây là một công trình mang tính hoàng tráng, đa chiều về không gian, thời gian, đa dạng về phẩm chất nghệ thuật." (theo "Hơn 400 tỷ chỉ tương đương với nửa cây cầu!"). Tính chất hoành tráng mà theo nhà văn Nguyên Ngọc: "Tượng đài là cả một quả đồi lớn, cái đầu người (người mẹ) sẽ nhô lên thành một khối cao to đến hơn chục mét, tôi xin lỗi, cho tôi nói thật, tôi rất lo sẽ gây ra cảm giác không phải vĩ đại, mà là dị hợm, trẻ con nhìn thấy ắt sẽ hoảng sợ, người lớn đi qua đó ban đêm thanh vắng cũng có thể run…" (theo "Nguyên Ngọc: Dị ứng với suy nghĩ 'nhất thế giới'"). 

Tuy vậy, Nguyễn Phú Cường, Cục phó Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tiết lộ như sau: "Việc thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, giám sát kỹ thuật, nhờ Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng bộ định mức thể hiện tính nghiêm túc trong công trình." Và qua câu hỏi của phóng viên Nguyễn Hưng của VNexpress, về "Mô típ làm tượng to, đồ sộ được cho là đang đi ngược lại xu hướng của thế giớ không?", Phó vụ trưởng VVHVN Đoàn trả lời như sau: "… Việc này tôi cho là đừng nên bị ảnh hưởng bởi thế giới." Trong khi nhà văn Nguyên Ngọc lại có thêm vài nhận định trái ngược hơn, lần nữa: "Tôi nhớ Đài Chiến sĩ vô danh ở thủ đô nước Nga, là một tấm đá đen phẳng lì và sát mặt đất, hầu như không hề một chút nhô lên khỏi mặt đất. Con người đến đó để mà ưu tư về sự vĩ đại lặng lẽ và vĩnh hằng của hy sinh vô danh. Hẳn về người mẹ cũng nên tìm một cách nghĩ như vậy."

Mô hình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng từ mẫu hình mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, của tác giả Đinh Gia Thắng

Những tác phẩm nghệ thuật mang tính chất tưởng niệm thường mang nặng ý nghĩa qua hình ảnh trừu tượng hơn là một tác phẩm điêu khắc, vì vậy từ đặc tính bản chất đó, nó không đòi hỏi sự tinh xảo, chi tiết, và sống động, nhưng vẫn linh động, thầm kín, và sâu xa qua ấn tượng khó quên khi được nhìn thấy. Nó khêu gợi lòng thương cảm thiêng liêng hơn là tạo sự kinh hãi rợn người như mấy ngôi nhà ma cho khách thăm viếng với hình tượng khổng lồ ma quái trên nóc, hay chiếc đầu lâu to lớn rợn người ngay trên bực cửa bước vào để khách tham quan có thêm cảm giác hãi hùng là họ đang bước vào lòng địa ngục. Và có lẽ, nhà văn Nguyên Ngọc đã từng có nhiều kinh nghiệm thú vị rởn tóc gáy đó nên có nhận định như trên khi ngắm chiếc đầu của mẹ Thứ trên chỏm đồi nhân tạo, gần giống như một phương cách bôi nhọ, hạ nhục của kẻ thù phương Bắc khi xưa đối với tướng lãnh An Nam. 

Và ngay cả sự hoành tráng cũng chưa hẳn được xem là một nghệ thuật tuyệt tác, khi nó chỉ có mang đầy tính phô trương như quảng cáo một món hàng cho công chúng, với đầy thể loại lòe lẹt được mang vào mà không tạo nên sự nỗi bật của ý nghĩa nghệ thuật muốn diễn tả, tựa như đám lá che khuất thân cây khiến người ta có cảm tưởng đó là một khu rừng hổn tạp cành lá chằng chịt nhau. Nghệ thuật phải được phát sinh từ cảm xúc, và bày tỏ qua tư duy khoáng đạt, không cần theo đúng khuôn sáo hay mệnh lệnh ý kiến của ai. Càng không thể đem "việc thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, giàm sát kỷ thuật" để đánh giá nghệ thuật hay để "thể hiện tính nghiêm túc trong công trình", vì óc sáng tạo nghệ thuật của mỗi dân tộc cần mang đặc tính riêng biệt của nó nếu không đó chỉ là sự sao chép ý tưởng rồi gán ghép vụn dại, gượng gạo, và quái gỡ trong sự đối chọi hoặc chèn ép nhau. Sự nghiêm túc hay không chính là ý nghĩa sâu xa của nghệ thuật, dù có tô phết lớp hào nhoáng bên ngoài hay dùng chất liệu quí hiếm bên trong, cũng chỉ là khối vật thể vô hồn. 

Cuối cùng nhà phê bình mỹ thuật Bảo kết luận: "Trong điêu khắc, vấn đề xử lý khối vô cùng quan trọng thì ở tượng đài này tôi đánh gia tốt việc xử lý này khi tác giả sử dụng tốt khối âm và khối dương. Khối dương là chân dung mẹ, khối âm là 11 người con" 

Hai cái khối âm dương nầy đúng là một sự biểu hiện hài hòa của trời đất như dấu hiệu âm dương lưỡng thể (hay lưỡng nghi) của Lão giáo, nhưng dường như thiếu sự quân bình thiết thực giữa hai khối, và lưỡng nghi cũng bị đảo ngược. Đó có phải là sự sắp xếp ý tưởng của tác giả theo chủ đích hay là một sự ngẫu nhiên phát sinh ra một báo hiệu huyền bí trong vận hành thiên nhiên? 


Một Dấu Hiệu Tận Vong của ĐCSVN: 

Trong cái nhìn hạn hẹp của con người trước vũ trụ, những gì không thể phân giải theo toán học thường được xem là một sự ngẫu nhiên hợp lý, vì những sự kiện lần lượt xảy ra một cách rất tuần tự đến nỗi khó tin và đôi khi gần như phi lý, khiến người ta có cảm tưởng chân lý dường như đảo ngược hoàn toàn. Tuy nhiên, kết quả sau cùng soi sáng sự chân hữu rất ư là hợp lý một cách tuyệt vời, giúp con người có cái nhìn thông suốt hơn trong triết lý sống. 

Từ giai đoạn quyết tâm xây dựng tượng đài MVNAH đến việc xét lại giá trị chi phí, và giá trị nghệ thuật. Bàng bạc đâu đó, một dấu hiệu dường như đang hình thành qua lưỡng nghi nghịch cực, mà dĩ nhiên nó được nuôi dưỡng, tạo nên theo những sự kiện tất yếu trước đó (như được phân tích qua hai phần giá trị ở trên). Trong lưỡng nghi, phần đen và trắng được phân tương qua đường cong chữ S ngược, với hai tâm lực của hai miền âm dương trên cùng một đường thẳng, trong đúng khoảng vị trí ¼ tính từ mỗi đầu cực. Tóm lại, diện tích giữa hai lưỡng nghi luôn bằng nhau trong trạng thái quân bình tuyệt đối nhất. Nếu sự thay đổi nào đó xảy ra, như tâm lực di chuyển, hoặc lưỡng nghi mất quân bình v.v., thì đó là dấu hiệu yếu kém, nguy hại, thậm chí tuyệt vong.

Biểu tượng Lưỡng nghi

Trong trời đất, sự vận hành của âm dương luôn luôn tương xứng và đối hợp nhau trừ khi có sự xáo động âm dương quá lớn làm chấn động sự vận hành ôn hòa vốn có, như bão lụt, động đất, sụp lở v.v. Chính (hai điểm) tâm lực dẫn dắt sự di chuyển, và cũng chính nó có thể tạo nên sự quân bình trở lại theo sự điều hòa được thúc đẩy bởi những sự kiện chung quanh. Khi âm dương càng mất quân bình thì càng sinh ra sự xáo động mạnh mẻ, và nếu không có trợ lực bên ngoài từ những sự kiện tác động xung quanh lưỡng nghi thì sẽ dẫn đến sự phá vỡ đường phân tâm chữ S ngược, đưa đến sự tuyệt vong không sao tránh khỏi. 

Bà Mẹ là biểu tượng âm, và Cha luôn là biểu tượng dương, thì không thể đặt để những đứa con vào vị trí dương hay âm mà chúng chỉ được xem là những lực trung hòa phụ thuộc (một thí dụ cụ thể là dụng cụ cấm điện, để bảo đảm sự an toàn nhất, luôn có 3 cực: nóng, lạnh, và trung hòa). Tuy nhiên, theo tiết lộ của nhà phê bình mỹ thuật Bảo: "Khối dương là chân dung mẹ, khối âm là 11 người con." Đây chính là nghịch lý ! Và sự mất quân bình giữa 1 và 11 trong hai khối âm dương ! 

Có phải chăng đây là một dấu hiệu báo trước sự tan rả hay tận vong của ĐCSVN, xét trên lưỡng nghi và những sự kiện tác động trên đó qua hai tiêu biểu trong giá trị chi phí và giá trị nghệ thuật trên? Hơn nữa, sự quyết tâm thực hiện tượng đài MVNAH là một biểu hiện cho hậu ý mà theo linh cảm tự nhiên của con người trước khi mất cũng thường bày tỏ niềm mong ước sau cùng như làm một điều gì để lại mai sau. Như Phó vụ Đoàn đã nói: "… Như vậy rõ ràng sẽ thiệt thòi cho thế hệ sau, mình nên nghĩ cho những công dân tương lai của người Việt." 

Giả như một lần nữa, Việt Nam sẽ đứng trước một sự đổi mới toàn diện, những gì không cần thiết cho thời đại đi lên, cần được phá bỏ để nhường cho những xây dựng khác có ý nghĩa, hữu ích, thực tiển, và tốt đẹp hơn cho dân tộc, cho người dân. Nhưng khi đối mặt tượng đài MVNAH, dù nó không mang đầy đủ tính nghệ thuật, ngoài số chi phí khá to lớn và cái chữ Mẹ gắn liền trong đó, cũng sẽ khiến người dân chùng tay xóa bỏ. Và như thế, trong hậu ý của ĐCSVN nhằm lưu lại một di tích lịch sử nào đó sẽ chính là tượng đài nầy, được ghi dấu mãi về sau. 

Bình Kết: 

Trong cách nhìn Phong thủy, tượng đài MVNAH đã làm thay đổi cả lưỡng nghi, ngoài ra quang cảnh chung quanh theo mô hình sơ đồ cho thấy những biểu tượng rõ nét nhất về sự chuyển mình của vận mệnh nước Nam theo nguyên lý trời đất, như sau: 

Phần đầu của Mẹ trông như là chiếc thủ cấp (đầu người bị chém) của Mẹ-Việt-Nam, với gương mặt đượm đầy nỗi thống khổ, và dòng máu uất hờn vẫn tuôn chảy, loang đầy trong hồ nước bên dưới. Quả đồi ngất cao được tạo nên bằng những đống xương của dân tộc, những đứa con của Mẹ-Việt-Nam, từ hơn 4.000 ngàn năm dựng nước. Những khối trụ phía trước chính là nắm hương nhang tế mộ Mẹ, nơi viện bảo tàng được xây bên trong. 

Tất cả hình ảnh, biểu tượng của tượng đài MVNAH đều mang tính âm (Mẹ, nước, nấm mồ) một cách nặng nề như trong những nghĩa trang. Chúng không có một biểu tượng nào để dung hòa tính âm như hình ảnh "Thanh Gươm" (dương) và "Vành Khăn Tang" (âm) trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.

"Thanh Gươm": dương tính, và "Vành Khăn Tang": âm tính

Như đã phân tích ở phần trên, sự quân bình của lưỡng nghi là dấu hiệu mưu cầu sự bình yên mà người thiết kế đã ứng dụng một cách thực tiển khi xây dựng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, không ngoài mục đích: Cầu mong những tử sĩ được yên nghĩ. Và nếu sự quân bình đó bị phá hủy, tất nhiên sẽ có nhiều thay đổi, xáo trộn mãnh liệt trong vận hành của lưỡng thể để nó có thể trở về trạng thái tương hợp kết giao theo quy luật càn khôn của vũ trụ. 

Tuy nhiên sự quân bình đó đã bị phá vỡ: Nghĩa trang bị đập phá, Thanh Gươm bị cắt ngắn, Ngũ hành bị xoáy động qua việc trồng cây đại thụ trước mộ phần v.v. Đây cũng là một sự kiện tác động rất mạnh trên lưỡng nghi nơi tượng đài MVNAH, vì sự bất quân bình nơi đây sẽ luân chuyển trong càn khôn, hội tụ lại theo lực hấp dẫn tự nhiên nhằm dung hòa trạng thái dù phải tự hủy hoại nơi nào đó khi có quá nhiều âm tính hay dương tính. Sự tái tạo trật tự càn khôn là một định luật không thay đổi được, và nó chính là mầm phát sinh ra sự sống. Một vài hình ảnh sau đây, là bằng chứng về định luật của càn khôn trong vũ trụ:

Sự vận hành quân bình của càn khôn (Kết quả của sự phá hủy quân bình của trong vũ trụ) lưỡng nghi tạo nên Black hole, khoảng trống đen.

Trên bình diện một nước, chắc chắn đó là một biểu hiện tận vong cần thiết cho sự tái lập của càn khôn. Tượng đài MVNAH đang xây dựng dở dang và sẽ phải hoàn tất công trình, là sự tất yếu trong chuyển hóa của vận mệnh quốc gia. Điều nầy cho thấy, khó có thể phủ nhận, đó là: Một dấu hiệu tận vong của ĐCSVN ! 

Xin chúc mừng Việt Nam ngày mới! 


*

Phụ chú: Những lãnh tụ, lãnh đạo của đảng cs Tàu, Việt Nam từ mọi cấp, rất tin vào khoa phong thủy, tử vi dù họ luôn tự xưng là những kẻ vô thần. 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo