Aung San Suu Kyi: Biểu tượng của khát vọng dân chủ - Dân Làm Báo

Aung San Suu Kyi: Biểu tượng của khát vọng dân chủ

Nam Anh (Tạp chí Phía Trước) dịch - Cũng như nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi đã trở thành biểu tượng quốc tế của cuộc đấu tranh dũng cảm và hòa bình trước sự áp bức.

Đối với người dân Miến Điện, Aung San Suu Kyi là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất và có thể là niềm hi vọng duy nhất rằng một ngày kia, đất nước sẽ không còn nằm dưới sự cai trị của chế độ quân phiệt. 


Là một nhà hoạt động dân chủ và là lãnh đạo của đảng đối lập Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (National League for Democracy party – NLD), trong vòng 17 năm vừa qua, bà đã trải qua hơn 10 năm dưới sự quản thúc của chế độ quân phiệt Miến Điện. 

Năm 1991, bà đã được giải thưởng Nobel Hòa bình vì những nỗ lực dân chủ hóa Miến Điện. Tại buổi lễ trao giải, Chủ tịch Hội đồng xét giải Nobel Hòa bình, Francis Sejested, đã gọi bà là “một ví dụ nổi bật về sức mạnh của những người không có quyền hành”.Sau một thời gian ở hải ngoại, Aung San Suu Kyi trở lại Miến Điện năm 1988. 

Giam lỏng 

Ngay sau khi quay lại, bà đã bị quản chế tại gia ở Rangoon trong 6 năm, tới khi bà được trả tự do vào tháng 7 năm 1995. Bà lại bị quản chế vào tháng 9 năm 2000, khi bà cố gắng đi tới thành phố Mandalay như là một sự thách thức đối với lệnh hạn chế di chuyển. 

Bà được thả vô điều kiện vào tháng 5/2002, nhưng chỉ 1 năm sau, bà đã bị bắt vào tù sau cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và đám du thủ du thực hỗ trợ bởi chính quyền quân phiệt. 

Sau cuộc giải phẫu phụ khoa tháng 9 năm 2003, bà được phép trở về nhà, nhưng vẫn bị quản chế. Trong những thời kì bị giam cầm, bà Aung San Suu Kyi đã tận dụng để nghiên cứu và tập thể dục. Bà đã ngồi thiền, học tiếng Pháp và tiếng Nhật, cũng như giải trí bằng cách đánh những bản nhạc của Bach trên đàn piano. Thời gian gần đây, bà được cho phép gặp những đảng viên cao cấp của NLD, và được cho phép gặp một số nhà ngoại giao như đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Razali Ismail. 

Trước đó, bà Aung San Suu Kyi thường bị biệt giam, không được gặp hai đứa con trai của bà hoặc chồng – một học giả người Anh Micheal Aris. Tháng 3 năm 1999, bà đau đớn khôn cùng khi biết chồng bà đã mất vì bệnh ung thư. Chính quyền quân phiệt đã cho phép bà tới Anh để nhìn mặt chồng lần cuối, nhưng bà đã từ chối đề nghị này vì lo ngại rằng bà sẽ không được phép quay lại Miến Điện. Aung San Suu Kyi thường nói rằng việc bắt giữ bà chỉ khiến bà cương quyết hơn trong việc hi sinh phần đời còn lại cho những người dân Miến Điện. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Razali Ismail đã nói rằng bà là một trong những người ấn tượng nhất mà ông từng gặp. 

Cuộc sống tại hải ngoại 

Bà Aung San Suu Kyi là con gái của anh hùng giải phóng dân tộc – tướng Aung San. Ông đã bị ám sát trong thời kì chuyển tiếp tháng 7 năm 1947, chỉ 6 tháng trước khi Miến Điện độc lập. Bà Aung San Suu Kyi chỉ có 2 tuổi vào thời điểm đó. 

Năm 1960, bà đến Ấn Độ với mẹ bà – Daw Khin Kyi, người được chỉ định là đại sứ Miến Điện tại Delhi. Bốn năm sau, bà đến học trường đại học Oxford tại Anh, nơi đây bà đã học triết học, chính trị học và kinh tế học. Cũng tại đây, bà đã gặp người chồng tương lai. 

Sau khi thôi sống và làm việc tại Nhật và Bhutan, bà ổn định cuộc sống với vai trò một người nội trợ và nuôi nấng hai người con, Alexander và Kim. Nhưng Miến Điện không bao giờ rời khỏi tâm trí của bà. Khi bà trở lại Rangoon vào năm 1988 – lúc đầu để chăm sóc mẹ đang lâm bạo bệnh – Miến Điện đang là trung tâm của những biến động chính trị lớn. Hàng ngàn sinh viên, người lao động và sư sãi đã xuống đường để đòi hỏi dân chủ hóa. 

Bà đã tuyên bố trong một bài diễn văn ở Rangoon, 26 tháng 8 năm 1988: “Tôi không thể, với tư cách là con gái của ba tôi, im lặng trước những gì đang diễn ra.” 

Và bà Aung San Suu Kyi đã nhanh chóng trở thành thủ lãnh của cuộc nổi dậy chống tướng độc tài Ne Win. Chịu ảnh hưởng bởi phong trào đấu tranh bất bạo động cho dân quyền của người Mỹ da đen của mục sư Martin Luther King và Thánh Mahatma Gandhi ở Ấn Độ, bà đã tổ chức những cuộc xuống đường và đi khắp đất nước, kêu gọi cho cải cách dân chủ một cách hòa bình và bầu cử tự do. Nhưng những cuộc biểu tình đã nhanh chóng bị đàn áp bởi quân đội, những người nắm quyền sau cuộc đảo chính ngày 18 tháng 9 năm 1988. Chính quyền quân phiệt đã tổ chức bầu cử tháng 5 năm 1990. Đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ của bà đã thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử, mặc dù bà vẫn bị giam lỏng và không được cho phép ra ứng cử. 

Nhưng chính quyền quân phiệt đã từ chối chuyển giao quyền lực, và đã tiếp tục nắm quyền đến tận bây giờ. 

Một số cột mốc trong tiểu sử bà AUNG SAN SUU KYI 

1989: Bị quản chế tại gia vì những lãnh đạo Miến Điện tuyên bố tình trạng thiết quân luật. 

1990: đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ (NLD) đã thắng trong cuộc tổng tuyển cử, quân đội đã không công nhận kết quả. 

1990: thắng giải nhân quyền Rafto 

1991: thắng giải Nobel Hòa bình 

1995: được trả tự do, nhưng bị hạn chế di chuyển 

2000-02: bị quản chế tại gia lần thứ hai 

Tháng 5/2003: bị bắt sau cuộc đụng độ giữa NLD và lực lượng của chính phủ 

Tháng 9/2003: được cho phép chữa trị bệnh, nhưng vẫn bị quản chế 

© BBC MMVII



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo