Nguyễn Bá Chổi (danlambao) - Mới ngày nào miền Bắc phải “cắn hạt muối làm ba” để cứu đồng bào miền Nam bị Mỹ Ngụy bóc lột đến chút muối cũng không có mà ăn, khiến họ, vốn đã hy sinh đến cái lai quần để đánh cho mỹ cút ngụy nhào, cũng chẳng khá gì. Rồi đến khi Miền Nam được giải phóng hoàn toàn, họ lại phải rán chày ra mỡ sắm được vài cái chén đất nung, bớt xén vài ki lô gạo tiêu chuẩn để mang vào Nam cứu nguy khẩn cấp họ hàng phải ăn toàn bo bo đựng trong vỏ dừa. Cũng may giải phóng kịp chứ muộn đi chút nữa là dân Miền Nam chết sạch; chứ có hòng ngồi đó mà chờ khúc ruột ngàn dặm hàng năm gửi về cho hàng chục tỷ Đô la Mỹ cút. Vậy mà bây giờ ngoài ấy vào, ai cũng giàu to, lấn át người mang tiếng được giải phóng chỉ còn cái giải... rút tụt quần phơi phần dưới rún.
Cú bắt đầu... giàu đầu tiên và tức thì là ngay sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh mang đến Muà Xuân Đại Thắng, kết thúc cuộc chiến tranh thần thánh-- thần thánh đây là thần thánh thứ thiệt tức thánh tổ Mác Lê nhọn, sắc như kim như cắt, chứ không phải loại thần thánh bên đạo thờ ông Giêu Su hiền khô để bọn xấu lột trần đóng đinh treo trên thập tự giá, khiến dân phòng Hà Nội ta coi chẳng ra chi, cứ nghêng ngang vào nhà thờ miệng chửi bới, lưng thắt dùi cui, tay vân vê thuốc lá cháy đỏ dí vào đám tu sĩ mê tín đang thờ bái, mà chẳng hề bị thánh vật -- là từng đoàn xe Môlôtôva ngày đêm tấp nập nhộn nhịp hồ hởi phấn khởi vào-không ra-có mà bọn chống phá cách mạng, nói xấu tổ Cò gọi chọt là “Bốn Vờ” tức “vờ-Vào vờ-Vơ vờ-Vét vờ-Về”, chất đầy chiến lợi phẩm. Nào những TV, tủ lạnh, xe ô tô, xe Honda, xe đạp, quạt điện, bếp điện, bếp ga, cái giường, tấm phản, manh chiếu, tấm ra (drap, tiếng Pháp), không tha một thứ.
Mai này không biết sử sách sẽ ghi lại thời kỳ quá độ của những đoàn xe 4V này kéo dài chính xác bao nhiêu năm mới thực hiện xong nghĩa vụ cao cả đảng giao phó. Vì tàn dư Mỹ Ngụy để lại thì quá nhiều; ngoài những thứ trên còn có những cái cọc sắt, dây kẽm gai, tấm vĩ sắt, cái bao cát, cái gì của mỹ ngụy cũng... qúy hơn độc lập tự do co ro xó bếp bấy lâu nay. Chỉ tính cái món đồng hồ có cửa sổ hay không cửa sổ, có người lái hay không người lái; đang xài được hay vứt đi của địch cũng đủ làm bát nháo thị trường buôn bán quà cáp về Bắc, hay tư trang cá nhân ngoài ấy nằm mơ cả đời vô sản cũng chẳng có ngày được tơ vương.
Đề cập cú... giàu đầu tiên của giải phóng liệt kê sơ sơ trên đây mang tính “đại trà” chung chung đa thành phần, mà không nhắc đến cú... giàu đầu tiên của mấy vị lãnh đạo chóp bu là một thiếu sót nghiêm trọng. Đó là cú giàu cực nhanh, cực gọn và nhất là cực nặng với mười sáu tấn vàng do phó thủ tướng Ngụy Nguyễn Văn Hảo bàn giao đầy đủ ngày 2/5/75. Đó là tài sản quốc gia nhưng bây giờ nó đã hoá ra con mà nhà họ Hát, “đố mày bắt được tao”.
Nhắc đến quan chóp bu Cách mạng bu quanh một đống vàng Ngụy “để” lại, thì cũng đừng nên quên quan tép riu cũng đầy cơ hội “hồi môn” của giải phóng, làm giàu như chơi. Người viết “được” trực tiếp chứng kiến trường hợp một anh cán bộ làm thuế vụ xã ngoài bắc vào ghé thăm một gia đình bà con ở vùng Tây Nguyên. Anh ta nói là đã bán hết tài sản ngoài đó, sắm được một chỉ vàng để làm vốn vào Sài Gòn sinh sống. Khoảng chưa đầy 5 tháng sau, Chổi có dịp đi theo người bà con kia ghé thăm anh cựu cán bộ thuế vụ xã. Anh ngụ trong một ngôi nhà hai tầng, rất khang trang với tiện nghi đầy đủ và khá sang. Anh ta nói anh mới mua nhà này và còn có hai ngôi nhà khác đang cho mướn. Chổi trố mắt lên vì vẫn nhớ chủ nhà chính là người mới hôm nọ vào Nam trên tay chỉ một chỉ vàng, tuy cách phục sức và da dẻ thay đổi nhiều. Hình như khám phá ra sự thua kém “phân bì”của khách, chủ nhà nói như trách anh khù khờ, “anh vào Nam mấy chục năm sao không về Sài Gòn mà sống?”.
Không cần phải ở thành thị, nhưng giải phóng xong MN bất cứ ở đâu cách mạng cũng làm giàu dễ như chơi. Chẳng hạn trên miền núi, người địa phương trồng cà phê, bao nhiêu công của vất vả chăm bón tưới tiêu vốn liếng phân, dầu, đủ thứ đến khi hái đóng bao chở về bị dân cách mạng mới di cư vào ở bên kia đường chặn lại dí súng tịch thu; hay lúa chưa kịp gặt cũng bị họ bao vây gặt lấy giữa ban ngày, nhưng khổ chủ không ai dám lên tiếng, vì biết phận mình là “kẻ có tội với nhân dân chạy theo Mỹ ngụy vào Nam” 1954. Rồi đất đồn điền cao su của người ta, họ tự động cắm ranh, đốn cây, chia lô, đem bán.
Nàng Thúy Kiều thuở trước phải lưu lạc 15 năm. “Mười lăm năm ấy biết bao là tình”. Nay Cách mạng giải phóng Miền Nam đã 36 năm. Ba mươi sáu năm giải phóng biết bao là giàu. Làm sao mà kể cho xiết. Xin chấm dứt bằng vụ tiền “vô như nước” biết được mới đây nhất:
“Vào lúc 3 giờ chiều ngày 2 tháng 12 năm 2011, cả trăm công an đã xông vào nhà tôi và chốt chặt các lối ra vào nhà, hành hung, đánh đập mẹ tôi - Mai Thị Yến, con gái tôi là Huỳnh Thục Vy, con trai tôi - Huỳnh Trọng Hiếu và hai cô em gái tôi là Huỳnh Thị Hường và Huỳnh Thị Thu Hồng. Họ đọc 3 quyết định xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó: phạt tôi 100 triệu đồng, con gái tôi - Huỳnh Thục Vy 85 triệu đồng, con trai tôi - Huỳnh Trọng Hiếu 85 triệu đồng. Tổng cộng 270 triệu đồng. Sau đó, họ tịch thu 1 máy ảnh Canon và 6 điện thoại di động của người nhà tôi và bắt luôn cháu trai tôi là Huỳnh Ngọc Lễ (lúc đó đang mặc áo No-U) lên xe chở về đồn công an vì “chống người thi hành công vụ” (do cháu xông vào bảo vệ Huỳnh Thục Vy đang bị đánh) Sau khi họ rút hết khỏi nhà tôi, hai em gái tôi đã kiểm tra lại tủ đựng tiền và phát hiện bị mất 3000 đô la, trong đó có cả đô la Mỹ, Úc, Canada” (trích “Bản Kháng Thư của Huỳnh Ngọc Tuấn”).
Nhờ giải phóng mà từ “cắn hạt muối làm ba”, nay người ta tiến lên cắn được đủ thứ. Nhà, Đất, Ruộng, Đồng, Rừng, Quặng, Biển, Đảo; cắn luôn đồng bào yêu nước, đạo lý tổ tiên; cắn luôn thần thánh. Cực kỳ là giàu vật chất, lại còn cực kỳ giàu thú tính.