Bệnh “tự ăn thịt mình” - Dân Làm Báo

Bệnh “tự ăn thịt mình”

Đào Tuấn Các quan chức ngành y tế và các lương y có quan tâm đến người bệnh khi đặt bút viết bản dự thảo Đề án viện phí? Rất khó trả lời khi mà khía cạnh y đức có vẻ là thứ thiếu nhất trong Đề án này. Bởi khi tung “quả bom viện phí” ra dư luận, chỉ thấy các vị Bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, và giám đốc các bệnh viện than vãn sự lạc hậu của mức viện phí, sự khốn khổ của ngành y tế khi phải chịu sự “bất công viện phí”. Nổi tiếng nhất là phát ngôn của một vị giám đốc một bệnh viện tỉnh: Các bệnh viện đang tự ăn thịt mình”.

Dân chúng được hứa hẹn, viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng. Nhưng ngành y tế chưa bao giờ hứa hẹn sẽ chấm dứt cảnh nằm viện kiểu cá hộp. Tất nhiên, càng không thể đảm bảo y đức sẽ tăng theo tỷ lệ viện phí.

Khi viện phí tăng, chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng 26%. Theo số liệu của BHXH, đến hết năm 2011, đã có 57 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, ngay khi đề án tăng viện phí chỉ mới là dự thảo, “câu hỏi số phận” đối với hơn 30 triệu người, chủ yếu là nông dân chưa có bảo hiểm đã được đặt ra. Còn nhớ hồi quốc hội thảo luận Luận BHYT, một dự án luật do Bộ Y tế đệ trình, Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tổng kết nhiều năm thí điểm BHYT bằng thực tế: “…Hàng chục triệu nông dân vẫn không có cơ hội tham gia”. Bà Mai đã dung chữ cực chuẩn là “không có cơ hội tham gia”, chứ không phải không tham gia. Không có cơ hội, rất đơn giản là bởi mức đóng tự nguyện, bấy giờ khoảng 350 ngàn đồng/năm/người đối với nông dân không hề là nhỏ. Hỗ trợ thế nào để vài chục triệu nông dân, hàng triệu công nhân trong khối doanh nghiệp tham gia “có cơ hội tham gia” bảo hiểm? Và khi họ “chưa có cơ hội” thì làm thế nào để họ chịu đựng được mức viện phí mới, cho đến giờ, vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhưng hơn ba chục triệu dân “chưa có cơ hội tham gia” bảo hiểm y tế chỉ là đối tượng “mắc bệnh hiểm nghèo” nhất khi bảo hiểm y tế tăng. 57 triệu người khác, đặc biệt là đối tượng người nghèo, cận nghèo, vẫn sẽ phải đối phó với những khó khăn không dễ vượt qua, nhất là khi họ không may mắc các bệnh hiểm nghèo. Rất đơn giản, 5% của mức viện phí mới không còn là 5% hiện nay, dù hiện mức đã khiến họ đã phải bán nhà để trả.

Năm 2008, khi thực hiện điều tra xã hội học, một viện nghiên cứu đã công khai nói về tình trạng nông dân ở Sơn La đã từ chối các dịch vụ y tế, đã “kiêng” đến bệnh viện, tự khám, tự chữa, thậm chí chấp nhận nằm nhà, chỉ để tiết kiệm tiền cho những thứ thiết yếu hơn. Miếng ăn chẳng hạn. Một hình thức đối phó không thể gọi khác hơn là “Tự ăn thịt mình”.

Trở lại với mức viện phí mới sẽ làm tăng 26% chi phí khám chữa bệnh. Con số 26% được Bảo hiểm xã hội đưa ra, đáng ngạc nhiên, xuất phát từ sự lo lắng của họ. Lo lắng, rất nực cười, vì Bảo hiểm lo ngại người dân sẽ không mặn mà tham gia bảo hiểm, vì chính họ cũng đang đề xuất nâng mức phí BHXH từ 4,5 lên bằng 5 tháng lương tối thiểu.

Lương thực thực phẩm, giáo dục, y tế, từ lâu đã được coi là những nhu cầu thiết yếu của một cuộc sống dù cũng chỉ ở mức độ tối thiểu. Viện phí hiện tại, dù lạc hậu tới 15 năm vẫn là cái gánh quá nặng đối với nông dân, đối với người nghèo.

Bởi vậy, khi viện phí mới chính thức được thông qua, các bệnh viện nói riêng và cả ngành y tế “đồng loạt vỗ tay” khi nghiễm nhiên thoát khỏi căn bệnh “tự ăn thịt mình”. Nhưng nông dân và người nghèo thì lại nhiễm, một cách trầm trọng hơn, chính căn bệnh này.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo