Hoài Hương (VOA) - Từ một cái gai chỉ gây khó chịu cho các quan hệ song phương, vấn đề nhân quyền gần đây đã trở thành một chướng ngại đối với quan hệ chiến lược mà cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều tỏ ý muốn đẩy mạnh. Nói là vật chướng ngại là bởi vì càng ngày càng có nhiều tiếng nói có trọng lượng trong chính phủ Hoa Kỳ, đòi liên kết các quan hệ quốc phòng, quan hệ chiến lược Mỹ-Việt với những tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền. Chính trong bối cảnh đó, hồi đầu tuần này một cuộc điều trần về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đã diễn ra tại Hạ Viện Hoa Kỳ dưới quyền chủ tọa của Dân biểu Christopher Smith, và có sự hiện diện của nhiều dân biểu nổi tiếng khác.
Hình: VOA - Hoài Hương - Nạn nhân của nạn buôn người, cô Vũ Phương Anh (thứ nhì từ bên phải), phát biểu trước tiểu ban nhân quyền của Ủy ban đối ngoại Hạ-viện Hoa Kỳ
Câu chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách tuần này xin được dành để tường thuật ý kiến của những nhân vật tham gia cuộc điều trần này. Mời quý vị theo dõi.
Đối với Việt Nam, quan hệ chiến lược với Mỹ cực kỳ hệ trọng tại thời điểm này khi cường quốc Hoa Kỳ là lực đối trọng duy nhất với một nước Trung Quốc đang lên, và giữa lúc Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hành động gây hấn, đòi chiếm hầu hết vùng Biển phía Nam được người Việt Nam gọi là Biển Đông, khu vực được tin là giàu trữ lượng dầu hỏa và khí đốt, nguồn cung cấp nhiên liệu thiết yếu để Trung Quốc duy trì đà phát triển ở mức hiện tại.
Về phía Hoa Kỳ, quan hệ chiến lược với Việt Nam cũng vô cùng quan trọng như một mắt xích trong chiến lược đối ngoại mới của Hoa Kỳ chuyển hướng sang Châu Á, trong cái gọi là “thế kỷ Á Châu”.
Trong bối cảnh đó, hôm thứ Ba 24 tháng 1, Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc điều trần mang chủ đề “Examining Ongoing Human Rights Abuses in Vietnam - Xem xét những hành động vi phạm nhân quyền đang diễn ra tại Việt Nam.” Chủ tọa cuộc điều trần là Dân biểu Christopher Smith, đại diện của Đảng Cộng hòa tại bang New Jersey, người đã đề xướng Dự luật Nhân quyền Việt Nam, HR 1410.
Khai mạc cuộc điều trần, dân biểu Chistopher Smith phát biểu:
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục vi phạm trắng trợn các quyền con người. Dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đáng quan tâm về tự do tôn giáo, trên thực tế, Việt Nam tiếp tục là một trong những nước vi phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất thế giới.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiểm soát các cộng đồng tôn giáo, hạn chế nghiêm ngặt và trừng phạt các hoạt động tôn giáo độc lập, và đàn áp thô bạo các cá nhân hoặc các nhóm mà họ cho là thách thức quyền lực của họ. Tôi đồng ý với kết luận của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, yêu cầu đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước đáng quan tâm về tự do tôn giáo.”
VOA - Hoài HươngCuộc điều trần về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam tại Hạ Viện Hoa Kỳ dưới quyền chủ tọa của Dân biểu Christopher Smith và các dân biểu Ed Royce và Al Green, và đặc biệt là dân biểu Donald Payne
Ngồi bên cạnh chủ tọa, còn có các dân biểu Ed Royce (Orange County) và Al Green (Texas) đã từng làm việc bên cạnh cộng đồng người Việt trong nhiều năm qua, và đặc biệt là dân biểu Donald Payne, người được Tiến sĩ Nguyễn đình Thắng, Giám đốc Tổ chức Cứu nguy người Vượt biển (BPSOS) vinh danh là người trong quá khứ đã sát cánh với thuyền nhân Việt Nam trong những giờ phút đen tối nhất.
Từ băng ghế dành cho các nhân chứng, cựu Dân biểu Cao Quang Ánh nêu bật những hành động vi phạm tự do tôn giáo, và kết luận với lời kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ hãy hành động.
Ông Cao Quang Ánh: “Quốc hội phải hành động, tôi hy vọng rằng Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam sẽ được thông qua, và Việt Nam sẽ bị đưa trở lại vào danh sách đáng quan tâm về tự do tôn giáo. Quốc hội cũng nên thông qua dự luật trừng phạt Việt Nam do dân biểu Ed Royce đề xuất, cùng các luật lệ khác khả dĩ có thể buộc Việt Nam phải chú ý hơn tới những gì họ đang làm đối với nhân dân của chính họ.”
Một nhân chứng quan trọng khác xuất hiện trước tiểu ban đặc trách nhân quyền của Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Hoa Kỳ là Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Tổ chức cứu nguy Người Vượt Biển (BPSOS).
Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng lưu ý nên phân biệt hai hình thức buôn người khác nhau, một là những chương trình do nhà nước điều hành, hoặc hoạt động với sự cho phép và dưới sự bảo vệ của nhà nước, như các hoạt động buôn người dưới chiêu bài chính sách xuất khẩu lao động, và thứ hai là nạn cưỡng bức lao động không những tại các trung tâm phục hồi mà còn xảy đến cho nhiều nhân vật bất đồng chính kiến bị tống giam.
Tiến sĩ Thắng nói: “Trong các nhà tù bên trong Việt Nam ngay trong lúc này, nhiều nhân vật bất đồng chính kiến đang bị buộc phải lao động để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Đó là hình thức nô lệ mới tệ hại nhất mà nhà nước Việt Nam không muốn ai đề cập tới.”
Tiến sĩ Thắng kết luận phần phát biểu của ông như sau:
“Tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Dự Luật Nhân quyền cho Việt Nam. Tôi cũng xin nói lên sự ủng hộ dành cho lời kêu gọi, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào hạng Ba trong phúc trình sắp tới về Tình trạng Buôn Người. Tôi cũng xin ủng hộ việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Tôi cũng muốn kêu gọi Bộ Ngoại giao của chúng ta, hãy tường trình đầy đủ hơn về những vụ vi phạm nhân quyền, những hành động ngược đãi tệ hại dưới tay của cảnh sát, việc sử dụng các biện pháp tra tấn, và các vụ tấn công nhắm vào các nhóm sắc tộc thiểu số ở Việt Nam. Những tội ác và các vụ vi phạm đó đã không được Bộ Ngoại giao của chúng ta tường trình đầy đủ.”
Nói chuyện với Ban Việt ngữ Đài VOA sau cuộc điều trần, Tiến sĩ Thắng cho biết như sau:
“Hôm nay là ngày rất quan trọng bởi vì Quốc hội vừa tái nhóm họp cho phần 2 của khóa họp Quốc hội 2 năm. Và dự trù sẽ có một số đạo luật về vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, chống buôn người và vấn đề tỵ nạn liên quan tới người Việt sẽ được đưa vào Quốc hội, thành ra trước khi các vị dân biểu họ thúc đẩy cho những đạo luật đó, họ cần cập nhật xem tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam nó đến đâu. Ngày hôm nay thì mọi người đều đồng ý rằng tình hình Việt Nam ngày càng tệ hơn, thì đó là những điều mà Quốc hội cần lắng nghe, mà không riêng gì người Việt mà những tổ chức người Mỹ họ đều thừa nhận rằng Việt Nam đi giật lùi về vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền.”
Một nhân chứng khác tại cuộc điều trần là ông Nay Rong, Giám đốc Tổ chức Nhân quyền Người Thượng Tây Nguyên. Ông tố cáo những hành động ngược đãi người Thượng vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam.
Ông Nay Rong: “Chúng tôi bị đối xử như những kẻ thù ngay trên quê hương chúng tôi. Hàng trăm người tù tại nhà tù Hà Nam phải gánh chịu những hành động ngược đãi vô cùng tệ hại trong tình trạng bị cô lập, trong khi hàng ngàn người Thượng khác, gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em cũng đang lặng lẽ chịu đựng trong các làng mạc, luôn phập phồng sợ hãi dưới sự kiểm soát của cảnh sát."
Nhưng có lẽ nhân vật được chú ý nhất trong cuộc điều trần là một nạn nhân của nạn buôn người mà nhiều người đã được nghe tên. Cô Vũ Phương Anh xuất hiện trước tiểu ban nhân quyền của Ủy ban đối ngoại Hạ-viện Mỹ trong tư cách là nhân chứng. Cô kể lại cảnh bị ngược đãi như thế nào khi cô và nhiều phụ nữ bị buôn sang Jordan lao động đình công vì các điều kiện làm việc và lương bổng không đúng như hợp đồng mà họ tưởng đã ký.
Cô Vũ Phương Anh: "Cô Vũ Thu Hà là người đại diện cho công ty xuất khẩu lao động Việt Nam đã hướng dẫn những người bảo vệ đến từng phòng để đánh đập bọn tôi. Những người phụ nữ Việt Nam thì cũng rất là nhỏ bé như tôi thôi, mà lại gầy gò ốm yếu vì không có được ăn, lúc đó đã rất bệnh rồi, nhưng mà những người bảo vệ cũng như cảnh sát Jordan đã nắm tóc của chị Hoàng, chị Ánh cũng như của Vang và Ngọc đập đầu họ xuống nền đất gạch như vậy làm máu mồm máu mũi chảy ra. Chính mắt tôi đã nhìn thấy cái cảnh đó, tôi nghĩ là mấy người đã bị xỉu rồi mà họ cũng không tha. Họ cầm tóc và họ lôi đi đúng như một con vật. Tôi cảm thấy rất là đau lòng.”
Cô Vũ Phương Anh cho biết đã hai lần cô bị đụng xe một cách khả nghi, lần cuối xảy ra trước cuộc điều trần có 5 ngày. Và cũng như lần trước, trong tai nạn lần này xảy ra ở Texas, một chiếc xe không có biển số xe đã đâm vào xe của cô.
Dân biểu Chris Smith, chủ tọa cuộc điều trần hứa sẽ có biện pháp nếu cô Phương Anh trở thành mục tiêu của các hành động trả thù vì đã xuất hiện trước tiểu ban đặc trách nhân quyền của ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ.
Dân biểu Chris Smith: “Cô Vũ, tôi ngưỡng phục sự can đảm của cô, và tiểu ban đặc trách nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ lấy làm cảm kích về sự hiện diện cũng như những lời chứng của cô tại cuộc điều trần này. Trong chuyến đi cuối cùng tới Việt Nam, tôi cũng đã gặp nhiều người can trường khác phải đấu tranh cho các quyền làm người cơ bản ở trong nước. Thật đáng tiếc là rất nhiều người vẫn tiếp tục bị chính quyền đàn áp. Linh mục Lý đang ở trong tù trong tình trạng sức khỏe yếu kém và Luật sư Nguyễn văn Đài vẫn bị quản thúc tại gia.”
Cô Phương Anh không phải là người duy nhất gặp rắc rối với Việt Nam. Người đã cứu vớt cô khỏi bước đường cùng tại Jordan, và vận động đưa cô sang Hoa Kỳ với sự tiếp tay của các cộng đồng người Việt hải ngoại, Tiến sĩ Nguyễn đình Thắng cũng gặp khó khăn với phía Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng giải thích: “Gặp thường xuyên đấy, chẳng hạn như chúng tôi không bao giờ được về Việt Nam, chẳng hạn như khi Tổng Thống Đài Loan trao giải thưởng về dân chủ, nhân quyền cho tôi thì bên Việt Nam họ phản đối vv… Thực sự thì cái đó chúng tôi không để ý bởi vì khi mà một quốc gia dân chủ trao cho mình một cái giải thưởng rất là cao quývề dân chủ thì bị một quốc gia thiếu dân chủ lên án thì đó là chuyện rất là bình thường, không lên án mới là chuyện lạ, thành ra chúng tôi cũng không để ý. Cái điều quan trọng là làm sao chúng ta không sợ, ác thì phải sợ cái điều thiện, chứ đứng bao giờ để người thiện lại phải sợ kẻ ác.”
‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, mời quý vị đón nghe chương trình này, được phát thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy mỗi tuần. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin mới nhất, xem phóng sự video, bình luận và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý thính giả và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.