Nhiều điều khó hiểu trong vụ cưỡng chế đầm ở Tiên Lãng - Dân Làm Báo

Nhiều điều khó hiểu trong vụ cưỡng chế đầm ở Tiên Lãng

Thiên Bình (thanhnien) Một phân tích đáng lưu ý của luật sư Trần Vũ Hải, đoàn luật sư Hà Nội: “Qua xem một số bức ảnh hiện trường và theo một số người dân chứng kiến vụ việc hôm xảy ra cưỡng chế, có vẻ có việc nã đạn tại khu vực nhà của ông Quý (em ông Vươn). Có thể sau khi 6 chiến sĩ công an huyện, huyện đội bị bắn, Công an TP về tăng cường đã cho nổ súng vào căn nhà, nơi trước đó những người bắn công an ẩn nấp. Nếu có việc nã đạn, sẽ để lại nhiều vết tích trên các bức tường và sàn nhà. Có thể những vết tích này quá rõ ràng, chứng minh có việc nã đạn quá mức cần thiết. Đây có thể là nguyên nhân ngôi nhà này đã bị san phẳng, để xóa đi hiện trường”. 
*

Đúng 1 tháng trôi qua kể từ ngày 5.1, ngày xảy ra vụ cưỡng chế đầm thủy sản ở Tiên Lãng gây chấn động dư luận khi những người nông dân dùng súng bắn bị thương 6 công an, bộ đội, đến nay vẫn còn hàng loạt điều khó hiểu chưa có lời giải đáp thỏa đáng. 

Chúng tôi có trong tay bản kế hoạch tổ chức cưỡng chế đầm thủy sản (kế hoạch số 104) do ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND H.Tiên Lãng, ký ngày 24.11.2011 (trước khi cưỡng chế hơn 1 tháng). Trong đó, mục tiêu của UBND H.Tiên Lãng là cưỡng chế cả hai khu đầm, một của ông Đoàn Văn Vươn, một của ông Vũ Văn Luân. 

Huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ… 

Bản kế hoạch được chuẩn bị rất chi tiết, ngoài các cán bộ Phòng TN-MT, dân quân tự vệ, đoàn thể địa phương, ông Hiền chỉ đạo huy động tối đa lực lượng công an. Nguyên văn một đoạn trong bản kế hoạch 104: “Công an huyện, gồm 1 đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ huy, huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng (cảnh sát điều tra, cảnh sát trật tự, cảnh sát phòng cháy, cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự)”. 

Về lực lượng bộ đội, bản kế hoạch nêu: “Ban Chỉ huy quân sự huyện gồm 1 đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ huy, huy động lực lượng cơ quan ban chỉ huy quân sự huyện, lực lượng dân quân tự vệ để xử lý các tình huống về vật liệu cháy, nổ, khí độc và giải quyết các đối tượng liên quan”. 

Trên tường nhà ông Vươn trước khi bị phá có một số vết lõm giống như vết đạn bắn 
Ảnh: Thiên Bình 

Trong bản kế hoạch số 104 cũng có mục “Xử lý các tình huống khác có thể xảy ra”. Ở điểm 4 mục này nêu rõ: “Trường hợp đối tượng đe dọa sử dụng hoặc sử dụng chất cháy nổ, chất độc thì các lực lượng công an, quân sự phải kịp thời ngăn chặn không để xảy ra hậu quả xấu và không dừng việc cưỡng chế”. 

Như vậy, có thể thấy H.Tiên Lãng đã lường trước được khó khăn, đã tính tới giải pháp gia đình ông Vươn, ông Luân dùng vũ khí, vật liệu nổ. Nhưng điều đáng nói là ông Lê Văn Hiền chỉ đạo phải kiên quyết thực hiện, “không dừng việc cưỡng chế”. 

Thêm vào đó, câu hỏi lớn đặt ra là chính quyền đã tính tới sẽ có vật liệu nổ, có vũ khí, vậy có lực lượng đi rà phá mìn hay không? Nếu có, tại sao lực lượng này không phát hiện ra mìn được chôn dưới đất? Chỉ đạo “không dừng việc cưỡng chế” của ông Hiền cũng trùng khớp với cách mà ông Phạm Văn Mải, Trưởng công an huyện đã thực hiện. Ngay khi mìn nổ, dù là tình huống nguy hiểm, nhưng ông Mải không cho rút quân, chờ tăng cường lực lượng, tổ chức rà soát mà vẫn tiếp tục áp sát. Để rồi người nhà ông Vươn đã bắn ra, khiến 6 người, trong đó có cả ông Mải bị thương. 

Trong các cuộc cưỡng chế, lực lượng công an thường chỉ đóng vai trò đảm bảo an ninh trật tự, nếu xảy ra chống đối thì lực lượng này mới làm nhiệm vụ xử lý. Nhưng trong vụ này, đích thân trưởng công an huyện đã dẫn đầu một mũi tiên phong tiến vào nhà ông Vươn. Đây là điều rất khác so với thông lệ các cuộc cưỡng chế. Tại sao chính quyền và lực lượng công an huyện lại kiên quyết cưỡng chế, kiên quyết áp sát đến như vậy? Điều này chỉ có ông Hiền, ông Mải mới có thể trả lời. 

Thêm vào đó, dù đã tình nghi có thể có thuốc nổ, có vũ khí, nhưng tại sao công an huyện lại vẫn đi vào khu cưỡng chế qua ngõ nhà của ông Vươn, ông Quý dựng ở bên ngoài (không nằm trong khu vực cưỡng chế)? Trong khi theo quan sát tại thực địa khu đầm, nếu nghi ngờ có mìn, lực lượng cưỡng chế hoàn toàn có thể đi nhờ qua đường của gia đình chủ đầm khác để tiếp cận khu vực 19,3 ha đầm nằm trong diện cưỡng chế của nhà ông Vươn. Như vậy sẽ an toàn hơn và có thể sẽ không xảy ra vụ nổ súng. 

Nhà của ông Vươn bị đập, đốt phá - Ảnh: Lê Quân 

Ai đập nhà và tại sao lại đập? 

Đây là điều chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu nhưng đến nay vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Ban đầu ông Lê Văn Hiền nói rằng người dân bức xúc đập. Trong khi nhiều nhân chứng thấy một chiếc máy xúc đập nhà vào sáng 6.1. Những người dân xung quanh đó không ai dại gì mang máy xúc ra đập nhà. Nếu ông chủ đầm Kết có ý định chiếm đầm thì cũng không có nhu cầu đập nhà, vì khi tiếp quản khu đầm ông này cũng cần một căn nhà để cho người trông đầm ăn ở, sinh hoạt. 

Như vậy, chỉ có thể do lực lượng của một cơ quan, tổ chức nào đó đập nhà, hoặc chỉ đạo, thuê hoặc nhờ người đến đập… Ít nhất việc này cũng diễn ra trước mắt công an xã, chính quyền xã Vinh Quang. 

Chúng tôi đã có trong tay biên bản bàn giao hiện trường của H.Tiên Lãng cho xã Vinh Quang vào chiều ngày 5.1. Với biên bản này, ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, không thể chối bỏ trách nhiệm về việc để xảy ra đập nhà, xâm phạm khu vực cưỡng chế của những người lạ mặt. 

Phân tích đáng lưu ý của luật sư 

Một phân tích đáng lưu ý của luật sư Trần Vũ Hải, đoàn luật sư Hà Nội: “Qua xem một số bức ảnh hiện trường và theo một số người dân chứng kiến vụ việc hôm xảy ra cưỡng chế, có vẻ có việc nã đạn tại khu vực nhà của ông Quý (em ông Vươn). Có thể sau khi 6 chiến sĩ công an huyện, huyện đội bị bắn, Công an TP về tăng cường đã cho nổ súng vào căn nhà, nơi trước đó những người bắn công an ẩn nấp. Nếu có việc nã đạn, sẽ để lại nhiều vết tích trên các bức tường và sàn nhà. Có thể những vết tích này quá rõ ràng, chứng minh có việc nã đạn quá mức cần thiết. Đây có thể là nguyên nhân ngôi nhà này đã bị san phẳng, để xóa đi hiện trường”. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo