Vũ Nhật Khuê (danlambao) - Những dự đoán và mong đợi của truyền thông, ý nguyện của người dân có thỏa đáng trong kết luận của Thủ tướng chính phủ về vụ Tiên Lãng? Còn quá sớm để đến chi tiết cụ thể. Kết luận của Thủ tướng chỉ gãi đúng vào chỗ ngứa nhất của dư luận là tuyên bố các quyết định về giao đất, thu hồi và cưỡng chế ở Tiên Lãng do chính quyên huyện và xã đều vi phạm pháp luật. Nhưng cách giải quyết của thủ tướng đầy mâu thuẫn.
1. Mâu thuẫn trong nhận định về nguyên nhân: Kết luận nhận định do "nguyên nhân khách quan" ở đây nhằm chỉ vào những bất cập của Luật đất đai và các quy định hướng dẫn thi hành như là các nghị định, thông tư, thông tư liên tịch. Nhưng kết luận là "nguyên nhân chủ quan do yếu kém về lãnh đạo của chính quyền huyện, xã". Nếu là nguyên nhân khách quan thì không phải là lỗi của chính quyền địa phương mà là lỗi của toàn hệ thống từ quốc hội đến chính phủ xuống tỉnh thành rồi mới đến huyện. Mà dù lỗi chủ quan của chính quyền địa phương thì cũng là do việc bổ nhiệm, dùng người của cấp trên khi dùng người có năng lực yếu kém.
2. Mâu thuẫn trong đánh giá báo cáo của lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Lúc thì Thủ tướng hoan nghênh các báo cáo nghiêm túc và kiểm điểm của lãnh đạo Hải Phòng. Nhưng mặc khác thì tuyên bố là Hải Phòng đã ít nhất có 3 lần báo cáo khác nhau. 2 lần trước thì chưa nghiêm túc và thiếu sót. Các báo cáo của thành ủy Hải Phòng là nghiêm túc sao phải làm đến lần thứ 3 vội vã? Ngay cả 3 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu thành ủy Hải Phòng làm rõ trong cuộc họp ngày 10.2 cũng không được làm rõ chi tiết mà chỉ chung chung là chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang làm sai pháp luật.
3. Mâu thuẫn trong xử lý nội dung vụ việc. Kết luận này thì Thủ tướng giao trách nhiệm về cho thành phố Hải Phòng chỉ đạo điều này, chỉ đạo điều kia nhưng quả bóng cuối cùng thì đá về lại chính quyền huyện Tiên Lãng. Nơi mà chính nhận định nguyên nhân trong kết luận của Thủ tướng cũng đã cho là "yếu kém của chính quyền". Xử lý hậu quả đầy mâu thuẫn này khiến người ta liên tưởng đến vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt cháy cứ đưa qua đẩy lại ở Long An thị vụ việc cũng chỉ giậm chân tại một chỗ.
Kết luận của Thủ tướng thì khá mơ hồ và nhiều nghĩa. Người dân ở Tiên Lãng thì vui mừng (qua thông tin của báo lề đảng" khi thấy nỗi oan của mình được Thủ tướng quan tâm là sẽ "chỉ đạo xử lý" nhưng chưa biết khi nào dứt điểm có kết quả. Dư luận thì tạm lắng vì Thủ tướng tuyên bố huyện và xã làm sai pháp luật nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì chỉ lấp lửng ở chỗ "khách quan". Lãnh đạo của Hải Phòng thì cũng thở phào nhẹ nhõm vì sau 3 lần "trả bài" cũng được Thủ tướng khen ngợi và không có ai bị kỷ luật gì. Các chốt thí ở huyện và xã cũng đã "tế thần" xong ở mức xử lý nội bộ tạm đình chỉ công tác và tự kiểm điểm.
Kết luận của Thủ tướng được hoan nghênh hay chỉ trích cũng như việc nhận định về lá cờ được cắm trên túp lều tạm của gia đình vợ con ông Đoàn Văn Vươn tại ngôi nhà bị san phẳng. Có người thì bảo rằng đến giờ này mà vẫn còn tôn thờ lá cờ này sao? Nhưng người khác cho là phải treo lá cờ đỏ đó lên để cho người thấy rằng chính cái lá cờ này mới là nguyên nhân đưa đẩy người ta đến cảnh bần cùng.
Nhưng cần nhớ một điều, khi mà truyền thông đại chúng nằm trong tay đảng thì coi chừng sự hoan nghênh "của nhân dân" TRÊN BÁO CHÍ chỉ là những cái vỗ tay hoan hô của bồi bút.