Dr. Nikonian - Bác Tư, người đã mất ruộng vườn, trôi dạt lên Sài gòn kiếm sống, lại biểu lộ một thái độ hoàn toàn khác. Bác ấy nói:
- Để chờ xem mấy ổng có làm đúng như đã nói chiều nay hông đã chú Hai ơi! Cái dụ nói mà hổng làm, đánh trống bỏ dùi này tui rành sáu câu hồi còn ở miệt dưới mà!
- Ờ, thì mình phải ghi nhận chuyện mấy ổng đã dũng cảm nhận sai lầm và chịu sửa sai chớ!
- ĐM! Bộ cứ làm sai be bét, đến khi nát như tương rồi bắt tui phải biết ơn vì đã sửa sai sao chú Hai?
Bác Tư xe ôm vốn luôn luôn đúng giờ. Nên tôi rất ngạc nhiên khi không thấy bác ấy chờ ở chỗ hẹn. Dáo dác một lúc, mới tìm được bác ấy đang chúi mũi đọc báo mạng ở một quán net gần đó. Chờ một lúc mới thấy bác ấy bước ra, mặt đỏ phừng phừng. Bác ấy oang oang thuật lại cuộc họp báo chiều nay của văn phòng Thủ tướng về vụ Tiên Lãng, kèm theo một câu bình luận như đinh đóng cột (sau khi đã văng tục rõ to).
…
Cái kim trong bọc mãi cũng lòi ra. Khác với vụ Thái Bình, tuy liên quan cả ngàn người với qui mô lớn hơn nhiều so với vụ Tiên Lãng nhưng đã được ém nhẹm khá thành công. Trái lại, vụ Tiên Lãng không hề là cây kim trong thời đại một bác xe ôm cũng có thể vào Internet, cả nước theo dõi sự việc với một sự quan tâm đặc biệt. Kèm theo rất nhiều phỉ nhổ, miệt thị dành cho bọn tham quan vô lại.
Vụ Tiên Lãng cũng ghi dấu một cột mốc vô tiền khoáng hậu trong lịch sử truyền thông nước nhà. Chưa bao giờ, người ta nghe được nhiều tiếng nói đồng thuận như thế từ báo chí chính thống dành cho một người nông dân phạm tội tày trời là nổ súng vào lực lượng thi hành công vụ. “Công vụ” ở đây, là huy động cả trăm bộ đội, công an, quân khuyển… để cướp đoạt mồ hôi nước mắt của một người dân đã có công khai hoang lấn biển. “Công vụ” ở đây, là một bộ máy chính quyền sống bằng tiền thuế của chính những người nông dân đó, lại thuê máy cẩu, xã hội đen… đập phá, cướp bóc nhà cửa, thành quả lao động mồ hôi nước mắt của nhân dân.
Sự ô nhục của những người đại diện chính quyền ở Tiên Lãng, xứng đáng được ghi vào sách như ông Đỗ Hữu Ca, giám đốc Công an Hải Phòng đã huênh hoang tự nhận. Chỉ có điều, đó là những trang sách đen, rất đen tối trong lịch sử và trong lòng nhân dân.
Lòng dân không yên, đến mức người ta đã phải nhìn nhận ông Đoàn văn Vươn đã không có lựa chọn nào khác để phản kháng lại bộ máy tham quan vô lại nơi địa phương mình ở. Ngòi thuốc súng mà ông Vươn đã châm, hoàn toàn có thể lan rộng trên phạm vi cả nước, khi mà nơi đâu cũng có những vụ việc bất công như đã xảy ra ở Tiên Lãng.
Để yên dân (không chỉ ở Tiên Lãng), đâu còn lựa chọn nào khác là thừa nhận những sai lầm của chính quyền Tiên Lãng – Hải Phòng. Trên đất nước mà 80% dân số là nông dân, không phải chỉ có một mình bà Ba Sương, hay Đoàn văn Vươn là những nạn nhân oan khuất duy nhất của một hệ thống luật pháp bất minh và luôn dành rất nhiều ưu đãi cho kẻ mạnh, kẻ có quyền như ở Tiên Lãng.
Rõ ràng, vụ Tiên Lãng chỉ là một sự vụ điển hình, nổi cộm của một lỗi hệ thống rất trầm trọng. Đoàn văn Vươn, bằng phát súng của mình, đã xé toạc sự bưng bít bấy lâu nay để trưng ra trước công luận cái ung nhọt lưu niên ấy.
Không có lựa chọn nào khác hơn là thừa nhận và rạch toang cái ung nhọt ấy, trước khi nó phát tán thành những cuộc bạo động đẫm máu hơn trên phạm vi cả nước, đe doạ sự tồn vong của cả một hệ thống. Vì đẩy người nông dân đến chỗ cùng cực là điều đại kỵ, như Mario Puzzo đã nhận xét: thằng nông dân mất đất còn đau đớn hơn thằng thị dân mất vợ.
Cho nên, cả tôi lẫn bác Tư đều không ngạc nhiên gì lắm với quyết định chiều nay sau cuộc họp với Thủ tướng: “Chính quyền sai toàn diện trong vụ Tiên Lãng”. Sai đứt đuôi, sai từ quyết định thu hồi (nói trắng ra là cướp đất), sai từ huy động quân đội công an cưỡng chế, cho đến sự trả thù đê tiện bằng cách đập phá, cướp bóc. Kể cả những lời đôi chối, tiền hậu bất nhất của các quan chức to béo kia, cũng thể hiện sự thô bỉ và dối trá cùng cực, như họ vẫn quen làm với chính nhân dân mình.
Tôi, gã thị dân chưa hề biết cày một tấc ruộng mau mắn thở phào nhẹ nhõm. Với kết luận chiều nay, tôi đã mau mắn hy vọng tất cả bọn quan chức phản động (không gì chính xác hơn từ “phản động” với bọn cường hào mới này) ở Hải Phòng phải ra trước vành móng ngựa. Tôi đã hình dung ngày về trong sự yêu mến của nhân dân mình của anh em ông Vươn, như những người hùng. Bất kể án phạt như thế nào, họ xứng đáng được tôn vinh vì sự can đảm và kiên định của mình.
Nhưng bác Tư, người đã mất ruộng vườn, trôi dạt lên Sài gòn kiếm sống, lại biểu lộ một thái độ hoàn toàn khác. Bác ấy nói:
- Để chờ xem mấy ổng có làm đúng như đã nói chiều nay hông đã chú Hai ơi! Cái dụ nói mà hổng làm, đánh trống bỏ dùi này tui rành sáu câu hồi còn ở miệt dưới mà!
- Ờ, thì mình phải ghi nhận chuyện mấy ổng đã dũng cảm nhận sai lầm và chịu sửa sai chớ!
- ĐM! Bộ cứ làm sai be bét, đến khi nát như tương rồi bắt tui phải biết ơn vì đã sửa sai sao chú Hai?
Cãi không lại với ngôn ngữ đầy dân dã của bác Tư, bỗng tự dưng nhớ lại một câu tuy chẳng liên can của một người trẻ học rộng tài cao:
“Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem lòng yêu nước là tội phạm, thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước, hãy thay đổi luật pháp ấy”.
Đúng thế, nếu không thay đổi tận gốc luật pháp ấy, thì những người trung nghĩa như bà Ba Sương hay anh em Vươn-Quí vẫn chưa phải là nạn nhân cuối cùng.
Bonus:
Tôi biết ơn những người vấp ngã
Trên con đường đi tìm tiếng nói,
có những người vấp ngã sau khi đã đi được một đoạn.
Có những kẻ đã đặt bẫy cho họ vấp ngã.
Có những kẻ đã xô cho họ vấp ngã.
Có những kẻ đã cười thích thú khi chứng kiến những người vấp ngã.
Có những kẻ đã nhổ nước bọt lên những người vấp ngã.
Tôi biết ơn những người vấp ngã.
Tôi biết ơn đoạn đường mà những người vấp ngã đã đi được,
trước khi họ vấp ngã.
Họ vấp ngã,
nhưng mỗi lần họ vấp ngã
họ đã làm cho con đường của chúng ta ngắn thêm một đoạn.
Tôi tin chắc trong chúng ta sẽ còn nhiều người tiếp tục bước tới.
bước tới, bước tới, từ nơi những người đã vấp ngã,
không ngừng bước tới, bước tới,
và ngày chúng ta giành lại được tiếng nói,
chúng ta sẽ nói,
chúng ta sẽ hát ca,
và trong tiếng nói của chúng ta sẽ có tiếng nói của những người đã vấp ngã,
và trong lời hát ca của chúng ta
sẽ có lời hát ca của họ.
(thơ Nguyễn Tôn Hiệt)