SGTT.VN - Phòng chống tham nhũng (PCTN), một bài toán khó giải cho các nhà lãnh đạo. Nó vừa là khái niệm trừu tượng nhưng lại rất cụ thể. Trừu tượng vì “ai tham nhũng, ở đâu tham nhũng chứ đơn vị tôi, cơ quan tôi không có tham nhũng”. Nó rất cụ thể vì bây giờ, đi đến đâu, chỗ nào, cơ quan nào cũng thấy tham nhũng tuy tính chất, mức độ có khác nhau.
Sau hội nghị Trung ương 4 khóa XI về chỉnh đốn Đảng là hội nghị toàn quốc về PCTN, một lần nữa Đảng lại thể hiện quyết tâm cao sẽ đẩy lùi bằng được tệ tham nhũng. Quyết tâm đã rõ nhưng còn biện pháp để biến quyết tâm thành hành động thì hình như còn đang bàn, đang thảo luận, đang tìm kiếm và xem ra chưa có một giải pháp nào có tính đột phá!
Có một điều rất rõ là luật PCTN được Quốc hội thông qua năm 2005 nhưng bốn năm sau, khi sửa đổi, bổ sung bộ luật Hình sự (2009), chẳng thấy ai quan tâm bổ sung các tội phạm về tham nhũng quy định tại Mục A Chương XXI bộ luật Hình sự cho phù hợp với luật PCTN. Cụ thể, trong Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh PCTN năm 2000 quy định bảy hành vi tham nhũng thì tương ứng trong bộ luật Hình sự quy định bảy tội danh là tội phạm về tham nhũng. Tuy nhiên, khi luật PCTN ra đời, quy định 12 hành vi tham nhũng chứ không phải bảy thì Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung vẫn giữ nguyên bảy tội danh mà không có sự bổ sung, sửa đổi nào cho phù hợp với luật PCTN. Trong khi có người lại đề nghị bỏ án tử hình với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ (Quốc hội đã không đồng tình)!
Dư luận từng rất quan tâm phiên tòa xét xử ông Huỳnh Ngọc Sĩ (áo trắng, đi giữa), nguyên phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM, kiêm giám đốc Ban quản lí dự án đại lộ Đông Tây tội nhận hối lộ. Ảnh: Nguyễn Thanh
Chưa hết, luật PCTN là căn cứ pháp lý để đấu tranh với tệ tham nhũng nhưng từ khi ban hành đến nay, hình như ít có ai quan tâm nên các quy định của luật vẫn chưa đi vào cuộc sống. Không tin, cứ làm một khảo sát nhỏ sẽ biết ngay có mấy quan chức, người dân biết luật PCTN quy định bao nhiêu hành vi tham nhũng, hành vi nào là tham nhũng…
Luật là thế còn mô hình ban Chỉ đạo PCTN thì nhiều người đang nhầm tưởng nó là cơ quan của Chính phủ. Phải hiểu rằng, ban Chỉ đạo PCTN là tổ chức trực thuộc ban Chấp hành Trung ương chứ không phải là cơ quan nhà nước. Thủ tướng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Quốc hội là trưởng ban thì đó cũng chỉ là sự phân công của ban Chấp hành Trung ương, bộ Chính trị, ban Bí thư. Trưởng ban không nhân danh chức vụ nhà nước mà nhân danh bộ Chính trị, ban Bí thư khi thực thi nhiệm vụ. Trong điều kiện hiện nay, nếu không muốn để mọi người nghĩ rằng ban Chỉ đạo PCTN là cơ quan nhà nước hay của Chính phủ thì nên giao đồng chí Thường trực Ban Bí thư làm trưởng ban. Ở địa phương tùy thuộc vào đặc điểm tổ chức, cán bộ mà giao cho bí thư tỉnh ủy hoặc phó bí thư hoặc chủ tịch UBND hoặc chủ tịch HĐND làm trưởng ban chỉ đạo. Dù có giao nhiệm vụ cho ai thì khi thực hiện nhiệm vụ, nhất thiết phải nhân danh ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo phải đề ra quy chế hoạt động, xây dựng các đề án PCTN và thường xuyên hoặc theo định kỳ (hằng tháng, hằng quý, hằng năm) phải báo cáo cho Thường vụ (nếu là ban chỉ đạo ở địa phương), cho ban Bí thư, bộ Chính trị (nếu là ban chỉ đạo ở Trung ương)...
Đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Nếu chỉ hô hào, quyết tâm mà không hành động, không có biện pháp thiết thực thì tham nhũng lại “mỉm cười” chế nhạo!
Đinh Văn Quế, nguyên chánh tòa Hình sự TAND Tối cao
(Theo PL.TP.HCM)