Thiên Di - (TBKTSG) - Không hiểu sao thời nay lại xuất hiện ngày càng nhiều những cách nói kiểu “miệng nhà quan có gang có thép” qua những phát biểu như “... Với những giải pháp đưa ra, không giảm được ùn tắc thì mới là lạ!”, hay “Bệnh nhân nằm ghép chỉ trả 50% viện phí là không hợp lý”, thậm chí “...Vậy là khoan sức dân lắm rồi!”.
Vẫn hiểu, do trong học trình đào tạo các cấp, thuật “ăn nói” (speech skills) vẫn chưa là bắt buộc. Song, tần số xuất hiện những câu “có gang, có thép” đó có vẻ nhặt hơn, nhanh hơn - nhất là ở cấp cơ sở vốn tiếp xúc hàng ngày với dân - lại đang làm cho dân ngày càng xa cách, ngán ngẩm.
Vấn đề ở chỗ những câu nói trên có phải là do miệng lưỡi vô tình hay là vì xem nhẹ dân mà nói và quyết theo ý chí chủ quan. Khi đã dứt khoát “chủ trương” và dứt khoát phải đạt mục tiêu đề ra, thì đó không còn là hớ hênh trong ăn nói nữa, mà do chủ ý là như thế. Và đây mới là “vấn đề của mọi vấn đề”: một khi không lấy “dân làm trung tâm” của kế hoạch, chính sách, từ thu phí giao thông đến tăng phí bệnh viện và điều chỉnh thuế thu nhập...; một khi chưa suy đi nghĩ lại thấu đáo để trả lời câu hỏi: “Liệu dân có kham nổi không?”, thì sẽ dễ sa đà vào ý muốn đạt mục đích cho bằng được, dân nghĩ, dân nói thế nào cũng mặc.
Để trả lời cho được câu hỏi cơ bản “Liệu dân có kham nổi không?”, không thể cứ đứng từ vị trí “cửa quan” mà phải từ vị trí “thứ dân”. Liệu có “quan” nào tự nhủ, phát biểu như vậy có khiến người dân đặt câu hỏi như: “Ông ấy, bà ấy có chịu đi xe buýt hàng ngày - có nằm bệnh viện hai người một giường - có sống với thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng... hay không”?
Thành ra, e rằng vấn đề không chỉ là ăn nói như thế nào mà là suy nghĩ như thế nào và từ vị trí nào. Về vấn đề này, giáo khoa thư đạo đức Hồ Chí Minh sẵn có những trích đoạn khuôn mẫu: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”(1). Nếu không chỉ học thuộc lòng giáo huấn trên mà là nhập tâm, biến thành “kim chỉ nam” thì chắc rằng sẽ không có những chủ trương như đã và đang thấy, không chỉ riêng với chuyện thu phí giao thông mà thôi.
Nếu nhập tâm được giáo huấn tối quan trọng sau: “Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”(2), thì đã hoặc sẽ biết đứng trở lại vị trí người dân mà nảy ra chủ trương, vạch kế hoạch, làm dự án... sao cho dân hiểu và đồng tình. Nói đến đây không thể không nhắc đến một cách nói quen thuộc sau này: “Hy vọng dân đồng thuận”. Nội hàm của cách nói này cho thấy người vạch ra chính sách, chủ trương đã thấy trước rằng nếu làm cho bằng được kế hoạch đó, sẽ mâu thuẫn với dân chúng nên mới phải “hy vọng”.
Trong khi đó, theo từ nguyên, “đồng thuận” (consensus, con- cùng; sensus- chiều), lại khác hẳn: có cùng chiều, như văn hào Saint-Exupéry đã từng định nghĩa: “Yêu, chính là cùng nhìn về một phía”, mới là đồng thuận. Một khi không cùng chiều, không cùng nhìn về một phía, làm sao đồng thuận được? Càng không thể ép buộc, áp đặt mà bảo là “đồng thuận”.
Làm sao để dân đồng thuận, cùng nhìn với người dân? Hồ Chí Minh đã dạy rất rõ và rất dễ hiểu rằng: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”(3).
Thiên Di
__________
(1, 2, 3) http://tutuonghochiminh.vn/examine/chi-tiet.d-652.aspxBottom of Form