Hàng rào phía bên kia... - Dân Làm Báo

Hàng rào phía bên kia...

Ánh Việt (Danlambao)Nhìn hình ảnh các đoàn viên thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện đứng phía bên kia hàng rào ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, bỗng nhiên thấy nhớ lại chiếc hàng rào ngày tôi còn học tiểu học, thời gian qua lâu nhưng tôi vẫn lưu giữ ký ức đến tận bây giờ.
Ngày ấy tôi học tại ngôi trường tiểu học nằm trên một con đường nhỏ. Tuy không tọa lạc trong trục đường chính nhưng đây là ngôi trường khá danh tiếng tại Sài Gòn. Ngày xưa chưa phân tuyến theo quận, huyện nên cha mẹ tôi cũng phải chạy bở hơi tai tôi mới được vào. Do học khá, tôi được phân công vào đội sao đỏ đi trực mỗi tuần. Nhiệm vụ là ghi tên các bạn nói chuyện ồn ào trong giờ xếp hàng vào lớp, hay xả rác, nói bậy, mua quà trước cổng trường, đi học trễ v.v... Ngày ấy tuổi nhỏ hiếu thắng, tôi thấy thỏa mãn khi lâu lâu bắt gặp và ghi tên được một bạn nào đó vi phạm, để tích lũy điểm thành tích mỗi tháng. Có khi chỉ là bới lông tìm vết cho ra tội của người khác, sao cho đủ sở hụi là 5, 10 bạn vi phạm gì đó trong một ca trực của mình. 

Như đã nói, trường tôi học nằm trên con đường khá nhỏ, nên giờ tan trường hay bị kẹt xe do phụ huynh đưa đón con đứng tràn ra các cánh cổng. Cổng chính nằm ở giữa, còn hai cánh cổng phụ nằm bên phải và trái cổng chính, tất cả trên một đường thẳng. Để tránh kẹt xe, nhà trường nghĩ ra cách cho đội sao đỏ chúng tôi tới ca trực được xuống sớm nửa tiếng, cầm hàng rào ra chắn hai bên cổng chính, nghĩa là chắn luôn chính giữa con đường, còn phụ huynh chỉ được đón con em ở hai bên cổng phụ, cấm bén mảng đến cổng chính, nơi đó là để cho ban giám hiệu và giáo viên thoải mái ra về, không bị kẹt xe bởi phụ huynh đứng tràn lan lúc cao điểm. Giờ cứ tống hết ra 2 bên cổng phụ, đường kẹt mặc đường, ai kẹt mặc ai, chỉ có những người được ưu tiên là khỏe. 

Đôi khi tôi thấy bất nhẫn lắm, chưa bàn đến chuyện những người có quyền trong một ngôi trường được ưu tiên, mà chặn luôn con đường đã là phạm luật. Phép vua thua lệ làng. Còn phụ huynh từ ngày bị dồn ép thì càng chen chúc ở hai cổng phụ chờ con, khiến cho đường đã chật còn chật thêm. Một ngày có người đàn ông dường như chịu hết nổi, quát vào mặt tôi: “Có chịu tránh ra không?” Lúc ấy thầy giám thị đứng gần giải thích gì đó, đại khái quy định này nọ tôi không nghe rõ, chỉ thấy người đàn ông la lớn: Mấy anh đừng lợi dụng con nít ra làm rào chắn kiểu này coi không được!” Sau đó ông ta rồ máy sấn tới, tôi sợ quá bỏ luôn hàng rào cho ông ta chạy qua. 

Sau vụ đó tôi bị ám ảnh bởi câu nói của người đàn ông, tôi lờ mờ đoán giống như mình đang bị lợi dụng để phục vụ cho lợi ích của người khác. Tôi xin ra khỏi đội sao đỏ và chú tâm học hành hơn. Chuyện nhỏ nhưng tôi thấy nó cũng gần tương tự với những người bạn đoàn viên thanh niên hôm nay. Chuyện nhỏ của tôi chỉ là trong một ngôi trường, một con đường, với thầy cô là những người có quyền, được ưu tiên, kính trọng; phụ huynh và học sinh là những người phụ thuộc vào những quy định và bắt buộc phải chấp hành, dù đôi khi thật vô lý! 

“Áo xanh tình nguyện” ngăn biểu tình  (ảnh Lê Dũng)

Còn chuyện của các bạn đã thành một câu chuyện lớn, mà có thể nguyên nhân sâu xa được bắt nguồn từ câu chuyện nhỏ của tôi. Từ việc phục vụ lợi ích cho những người quyền hành trong một ngôi trường đến việc bị đẩy ra làm bia đỡ cho một chế độ đã không còn được dân tin cậy cũng là một hệ quả mang tính thuyết phục, mà chúng ta suy cho cùng cũng chỉ là những nạn nhân. Thầy cô đã là lãnh đạo, phụ huynh bị dồn ép thì giống nhân dân, trường học thành trường đời, còn đội sao đỏ nhí chúng tôi ngày xưa có người nay đã thành những đoàn viên thanh niên cộng sản, sống theo lý tưởng thì cao đẹp nhưng tiếc là nói thì hay nhưng làm thì không hay cho lắm, lờ mờ nhận đoán ra bản chất chế độ nhưng còn chưa tin, chưa dám kết luận vì đã được tẩy não quá lâu. Tôi thì tự an ủi mình may mắn nhận ra bản chất chế độ này từ sớm, chỉ tiếc cho các bạn. Hãy mạnh tay đạp đổ hàng rào ngăn cản giữa các bạn và các bạn trẻ khác không - mặc - áo -xanh nhưng cũng đầy ắp lý tưởng như ngày thơ ấu tôi đã dỡ bỏ hàng rào bất công để cho người đàn ông tóc bạc chạy qua, dù dỡ trong sợ hãi vì lo bị kỷ luật. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo