Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của Human rights Watch (HRW) hôm nay bình luận: “Đây không chỉ là bi kịch của riêng gia đình, mà còn của cả nước”. Ông tố cáo chính quyền Việt Nam “xô đẩy con người vào tình cảnh tuyệt vọng”, và kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam gây áp lực để trả tự do cho ba blogger trên...
*
(AFP) - Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của Tạ Phong Tần - một blogger nổi tiếng ở Việt Nam sẽ ra tòa vào tuần tới vì “tuyên truyền chống Nhà nước” - đã qua đời vì tự thiêu. Linh mục Đinh Hữu Thoại, một người thân của gia đình hôm nay 30/07/2012 cho AFP biết, bà Liêng bị phỏng rất nặng và đã mất trên đường đến bệnh viện.
Blogger Tạ Phong Tần, 43 tuổi, trước đây là công an, đã bị giam từ tháng 9/2011. Bà Tần sẽ ra tòa ngày 7/8 tới cùng với hai blogger khác, bị kết tội là đã “bóp méo sự thật, nói xấu Đảng và Nhà nước” khi đưa hàng trăm bài viết lên trang web “Câu lạc bộ nhà báo tự do”, được thành lập từ tháng 9/2007.
Theo lời kể của các nhà hoạt động công giáo và các luật sư với AFP, cũng như các tin tức khác trên mạng, thì bà Đặng Thị Kim Liêng, 64 tuổi, đã tự thiêu sáng nay trước trụ sở ủy ban tỉnh Bạc Liêu, quê quán của bà Tần. Luật sư Lê Quốc Quân đồng thời là nhà tranh đấu công giáo cho biết: “Bà Liêng rất lo lắng cho con gái (…), rất lo về phiên tòa xử con bà (…), sợ rằng sẽ không còn được gặp lại con”.
AFP không liên lạc được với gia đình, còn chính quyền chưa xác nhận tin trên.
Bà Tạ Phong Tần, người đã sử dụng blog để tố cáo nạn tham nhũng và hệ thống tư pháp bất công của Việt Nam, có nguy cơ lãnh án 20 năm tù. Tương tự đối với blogger Phan Thanh Hải tức Anh Ba Sài Gòn, chuyên viết về các đề tài hết sức nhạy cảm như tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, và blogger Nguyễn Văn Hải, được biết nhiều với bút danh Điếu Cày.
Ông Phil Robertson, HRW
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu ra trường hợp của Điếu Cày trong dịp Ngày tự do báo chí hồi tháng Năm. Ông tuyên bố: “Chúng ta không được quên các nhà báo như blogger Điếu Cày, mà việc ông bị bắt năm 2008 trùng hợp với làn sóng trấn áp các nhà báo công dân tại Việt Nam”. Trong báo cáo công bố vào tháng Giêng, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nhấn mạnh, chính quyền đã “tăng cường trấn áp” các nhà ly khai trong năm ngoái, bắt giam hàng chục nhà đấu tranh hòa bình.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW hôm nay bình luận: “Đây không chỉ là bi kịch của riêng gia đình, mà còn của cả nước”. Ông tố cáo chính quyền Việt Nam “xô đẩy con người vào tình cảnh tuyệt vọng”, và kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam gây áp lực để trả tự do cho ba blogger trên.
*
HRW nói về vụ thân mẫu Tạ Phong Tần
BBC - Khi biết tin thân mẫu bà Tạ Phong Tần tự thiêu, tổ chức theo dõi nhân quyền từng trao giải thưởng cho bà Tần nói đây là 'tấn bi kịch' và gửi lời chia buồn.
Nghe thông báo tin bà Đặng Thị Kim Liêng qua đời vì tự thiêu, ông Phil Robertson, Giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch, tổ chức đã trao giải nhân quyền cho bà Tần trong năm 2011 nói: "Đó là điều bi thảm khi bà thấy phải có hành động như vậy.
"Tôi xin gửi lời chia buồn tới gia quyến và những người có liên quan.
"Điều chính là bà Tạ Phong Tần đáng ra không phải ra tòa.
"Bà không làm gì trái với những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
"Viết blog, thực hiện quyền tự do biểu đạt, nói ra quan điểm của mình... - tất cả những điều này phải được bảo vệ thay vì trấn áp."
"Ở đây chúng ta thấy sự thiếu dung tha của chính quyền Việt Nam đối với những quan điểm trái với cái nhìn của chính quyền."
Dự kiến phiên xử bà Tần cùng hai thành phiên khác của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do sẽ diễn ra vào ngày 7/8.
Gia đình bà Liêng nói bà muốn gặp bà Tần trước phiên xử nhưng chính quyền không cho phép và cũng có cáo buộc bà bị chính quyền dọa nạt.
'Dũng cảm và kiên định'
Ít ngày sau khi bị bắt hồi tháng Chín năm 2011, bà Tần cùng bảy nhà hoạt động nhân quyền khác đã được Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman Hammett.
Human Rights Watch nói giải thưởng "ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị."
Ông Robertson nói Human Rights Watch nhận thấy sự thắt chặt kiểm soát của chính quyền và Đảng Cộng sản đối với người dân kể từ sau Đại hội Đảng XI hồi đầu năm 2011.
Theo Human Rights Watch, ngày càng có nhiều người bị xét xử và bỏ tù bởi những cáo buộc vô lối của chính quyền.
Ông Robertson nói:
"Đây không phải là cách đi lên của một đất nước đang phát triển nhanh.
"Nó tạo ra tình trạng trong đó tham nhũng và những hành vi sai trái của chính quyền bị che đậy vì người ta sợ bị trừng phạt khi công khai những gì mình biết."
'Nêu ra lo ngại'
Trong phỏng vấn với BBC hôm 30/7, ông Robertson cũng kêu gọi các nước chú ý hơn tới vấn đề nhân quyền ở Việt Nam như Hoa Kỳ đã và đang làm.
Ông nói Ngoại trưởng Hillary Clinton mới đây đã nêu ra vụ trấn áp các nhà báo của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do trong đó có bà Tạ Phong Tần với chính quyền Hà Nội.
Bà Tạ Phong Tần (trong trang phục cảnh sát)
được giải thưởng nhân quyền của Human Rights Watch
Ông nói: "Có nhiều điều khác mà các nước khác có thể làm và đó là điều rất quan trọng.
"Các nhà tài trợ không nên chấp nhận tình trạng nhân quyền hiện nay như chuyện đã rồi.
"Họ cần chú ý tới việc công khai nêu ra lo ngại về chuyện chính quyền Việt Nam hạn chế quyền tự do lập hội, bày tỏ chính kiến và tự do hội họp.
Human Rights Watch nói các nước tài trợ cho Việt Nam đã không tuân thủ các nguyên tắc nhân quyền của chính họ khi để mặc chính phủ Việt Nam hạn chế quyền tự do của người dân.
Tổ chức này cũng nói các nước cũng không giúp gì cho chính người dân Việt Nam khi họ im lặng vì "sự quản trị tốt ở Việt Nam suy cho cùng vẫn phụ thuộc và chính người dân nói ra và hành động dựa trên những kiến thức họ có."