Viết Lê Quân (Doanhnhansaigon.vn) - Sự bức xúc và bất mãn của dân chúng cũng xoáy sâu vào hiện tồn ngày càng nhiều quan chức nhà nước tìm cách tuồn nguồn tiền có được từ tham nhũng ra tài khoản ngân hàng nước ngoài, gửi vợ con ra nước ngoài và đến lượt mình có thể sẽ “biến” ra nước ngoài một khi có điều kiện thuận lợi... Với những quan chức nằm trong diện tham nhũng đậm đà như thế, hiển nhiên cách thức an toàn nhất của họ là đi theo xu hướng di cư của giới giàu có ra nước ngoài, vừa có thể rửa tiền bất chính, vừa an toàn hơn hẳn so với việc tiếp tục ở lại trong nước.
*
Không có gì bảo đảm mọi sự sẽ bất biến ở đất nước Trung Quốc, nhất là vào thời buổi tiềm ẩn đầy hậu họa khôn lường như hiện nay và sắp tới.
“Không có lòng yêu nước”
Nền kinh tế và có lẽ cả chính thể Trung Quốc đang phải chịu đựng những hệ lụy được gây ra từ chính những vấn nạn đã tích tụ trong lòng nó.
Một trong những hệ lụy như thế là câu chuyện về hiện tượng mua sắm bất động sản ở nước ngoài của giới nhà giàu Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết.
Những số liệu được dẫn từ Hiệp hội Chuyên viên địa ốc quốc gia (NAR) cho thấy, dân Trung Quốc và Hồng Kông đã trở thành nhóm khách hàng quốc tế lớn thứ hai mua nhà ở Mỹ trong thời gian từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2012. Doanh số của các vụ giao dịch bất động sản này lên đến 9 tỷ USD, chỉ xếp sau Canada. Con số này đã tăng 23% từ 7,3 tỷ USD cùa 12 tháng trước đó và tăng 88% so với doanh thu 4,8 tỷ USD của năm 2010.
Hiện tượng giới nhà giàu Đại lục đổ xô mua nhà ở nước ngoài lại trở nên hết sức đặc biệt và gợi ra nhiều nghi vấn, bởi điều có thể giải thích được ở những thị trường nhà London, Berlin, Paris tương đối sôi động thì lại thật khó thuyết minh trong bối cảnh thị trường bất động sản ở Mỹ và Canada vẫn khá trầm lắng.
Lẽ nào giới đầu tư bất động sản Trung Quốc lại nhìn thấy những cơ hội kinh doanh ở các thị trường mà chính dân bản xứ cũng không thể phát hiện ra? Hay người Trung Quốc đang quá dư dả tiền bạc? Hoặc còn có những nguyên do nào khác?
Chẳng thiếu gì lý do để những người giàu có hiện nay của Trung Quốc tìm đường ra nước ngoài. Đầu tiên và có vẻ hợp lý nhất luôn là việc họ muốn tìm kiếm cho con cái của họ những môi trường giáo dục hoàn thiện. Mỹ, Canada, Anh và Pháp đều là nơi tập trung những trường đại học tốt nhất thế giới.
Năm 2011, một công ty tư vấn có tên là Bain đã phải để mắt đến động cơ này. Theo thống kê của Bain, hàng năm lượng du học sinh Trung Quốc sang các nước phương Tây tăng hơn 20%. Bain cũng ước tính có khoảng 230.000 học sinh Trung Quốc đang học tập ở nước ngoài.
Những ẩn ý bên trong tất nhiên khó mà lộ ra ngoài. Không phải vô cớ mà trong mấy năm qua đã hiện hình một làn sóng của giai tầng nghèo khó chỉ trích dữ dội đối với lớp người giàu có ở Trung Quốc. “Không có lòng yêu nước” là tinh thần của sự chỉ trích mang đậm dấu ấn hằn thù như thế. Theo đó, những nguyên nhân ẩn giấu từ trào lưu di cư ra nước ngoài cũng dần lộ ra.
Cơ hội kinh doanh đã hết?
Vào tháng 5/2011, một cuộc điều tra của Công ty tư vấn Bain đã cho thấy có đến 60% người giàu Trung Quốc mong muốn định cư ở nước ngoài. Đây là số người giàu với tài sản bình quân trên 10 triệu USD. Trong số 2.600 người được điều tra, ít nhất có 10% gần như hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh.
Theo Bain, một hiện tượng có vẻ nghịch lý là càng giàu họ lại càng muốn ra nước ngoài. Đối với những ai đang có hơn 100 triệu nhân dân tệ, 27% đã rời Trung Quốc, còn 47% đang cân nhắc ra đi. Bến đỗ mới của những người này tập trung vào các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Australia hoặc một số nước châu Âu.
Viện Gallop - một tổ chức chức nghiên cứu của Mỹ - trong một bản nghiên cứu đã đánh giá, phần lớn người Trung Quốc cảm thấy bất an ngay cả khi quốc gia này có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn hẳn Mỹ và Tây Âu. Khi được lựa chọn giữa các tiêu chí “phát đạt”, “sống chật vật” và “khốn khổ” để phác họa về tình cảnh của mình, chỉ 12% người Trung Quốc thiên về “phát đạt”, trong khi có đến 17% “khốn khổ” và 71% “sống chật vật”.
Trong cách nhìn của Viện Gallop, những biểu trưng kinh tế - xã hội như vậy cho thấy dường như việc cảm thấy “không hạnh phúc” là nguyên do chính yếu khiến người giàu Trung Quốc chẳng mấy tha thiết gắn bó với quê cha đất tổ của họ.
Nếu so sánh về cơ hội đầu tư thì hiển nhiên tại Trung Quốc, các đại gia và giới quan chức vẫn có nhiều cơ hội hơn hẳn các nước phát triển để tìm ra tỷ suất lợi nhuận vài ba lần. Những cơ hội đó luôn tiềm ẩn trong đặc tính đầu cơ của những thị trường “hoang dã” vào thời kỳ đầu của tư bản chủ nghĩa, nơi mà hệ thống luật pháp luôn chịu sự chi phối nặng nề của sự lũng đoạn từ các nhóm đầu cơ và thế lực tài phiệt.
Thực tế ấy có thể đưa đến nhận định rằng, một khi những người giàu Trung Quốc đã chấp nhận đánh đổi môi trường nhiều cơ hội lấy môi trường đầu tư ít cơ hội hơn hẳn, điều đó cũng có nghĩa là về tâm trạng và tâm lý, họ muốn “rửa tay gác kiếm” sau khi đã cảm thấy đủ nhiều tiền và đủ trải nghiệm về rủi ro trong kinh doanh lẫn cơ chế chính sách.
Hậu họa khôn lường
Ngoài lý do kinh doanh và môi trường sống, còn những nguyên do nào khác để lớp người giàu Trung Quốc tìm đường rời xa tổ quốc của họ?
Có một thực tế là Trung Quốc vẫn đang được những kinh tế gia phương Tây ví như “nước nghèo giàu có”. Trong quốc gia này, rất nhiều người dân bị mất đất vào tay các doanh nghiệp bất động sản đã phải chứng kiến đất đai của họ bị thổi giá lên đến hàng chục lần so với giá đền bù. Đó cũng là điều mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phải công khai thừa nhận là “sự oán giận của người dân”.
Sự bức xúc và bất mãn của dân chúng cũng xoáy sâu vào hiện tồn ngày càng nhiều quan chức nhà nước tìm cách tuồn nguồn tiền có được từ tham nhũng ra tài khoản ngân hàng nước ngoài, gửi vợ con ra nước ngoài và đến lượt mình có thể sẽ “biến” ra nước ngoài một khi có điều kiện thuận lợi.
Một điểm trùng hợp cần ghi nhận là tỷ lệ “quỹ đen” của giới nhà giàu Trung Quốc chiếm đến gần 1/3 GDP, lại bằng với giá trị tham nhũng tại quốc gia này - cũng khoảng 1/3 GDP. Nhà nghiên cứu Vương Tiểu Lỗ của Quỹ Cải cách Trung Quốc - một tổ chức phi chính phủ độc lập, cũng đã tìm ra con số tham nhũng lên đến 9.600 tỷ NDT (khoảng 1.500 tỷ USD).
Với những quan chức nằm trong diện tham nhũng đậm đà như thế, hiển nhiên cách thức an toàn nhất của họ là đi theo xu hướng di cư của giới giàu có ra nước ngoài, vừa có thể rửa tiền bất chính, vừa an toàn hơn hẳn so với việc tiếp tục ở lại trong nước.
Vào năm 2011, hãng truyền thông BBC đã dẫn một bản báo cáo được công bố của Ngân hàng trung ương Trung Quốc về việc các quan tham Trung Quốc đã gửi ra nước ngoài đến 120 tỷ USD trong giai đoạn 1990-2008. Những địa chỉ được ưa chuộng gửi tiền là Mỹ, Australia, Canada và Hà Lan.
Cùng với sự bốc hơi tài chính là công cuộc “chảy máu chất xám” khi có đến 16.000 - 18.000 quan chức và nhân viên các công ty quốc doanh đã rời khỏi Trung Quốc trong thời gian đó.
Có lẽ, những người giàu Trung Quốc đã cảm nhận nỗi sợ hãi mà lịch sử đè nặng lên tâm trí họ, di truyền từ đời này sang đời khác. Với giới kinh doanh Trung Quốc, đặc biệt là những người giàu nhất, luôn mang một nỗi lo sợ mơ hồ về tương lai “cào bằng”, khi có thể xảy ra những biến động xã hội và chính trị, dẫn tới chính sách phân phối lại thu nhập.
Đã từng có tiền lệ về sự phân phối lại thu nhập vào thời Mao Trạch Đông, khi giới tư sản bị tước đoạt tài sản để dùng cho việc công hữu hóa tư liệu sản xuất. Nhiều thế kỷ trước ở Trung Quốc cũng xảy ra không ít lần “hồi tố” như thế.
Vì vậy, không có gì bảo đảm mọi sự sẽ bất biến ở đất nước Trung Quốc, nhất là vào thời buổi tiềm ẩn đầy hậu họa khôn lường như hiện nay và sắp tới.