Jamil Anderlini ở Bắc Kinh và Ben Bland ở Phnom Penh, Financial Times - Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước - Bắc Kinh đã in bản đồ bao gồm cả Biển Đông vào trong hộ chiếu mới nhất của nước họ, làm ít nhất một trong các nước láng giềng thêm giận dữ.
Việt Nam đã có gửi khiếu nại chính thức đến Bắc Kinh về vấn đề trên. “Phía Việt Nam đã lưu ý về vấn đề này và hai bên đang thảo luận, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả”, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết.
Các quốc gia khác đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines, cũng quan ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng buộc các cán bộ di trú [Philippines] thừa nhận yêu sách của họ mỗi khi một công dân Trung Quốc trình visa nhập cảnh hoặc xuất cảnh với hộ chiếu mới.
Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh hiện vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã làm lu mờ một loạt các sinh hoạt trong Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương tại Campuchia, trong đó có sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Những bất hòa giữa các quốc gia Đông Nam Á chủ yếu tập trung về việc làm thế nào để đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng tỏ thái độ quyết đoán hơn.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ diện tích tại Biển Đông, bao gồm cả những lãnh thổ thuộc các nước láng giềng nhỏ hơn, và trong những năm gần đây Bắc Kinh đã gay gắt hơn trong việc khẳng định những tuyên bố trên.
Phía Trung Quốc đã in ‘đường chín đoạn’ vào trong bản đồ bao gồm toàn bộ diện tích ở Biển Đông, trong đó có cả các bờ biển thuộc chủ quyền Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và một phần nhỏ của Indonesia.
Diện tích đường chín đoạn được cho là có các lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cũng kết hợp các hòn đảo tự trị thuộc Đài Loan, nước mà Bắc Kinh lâu nay vẫn tuyên bố là lãnh thổ của họ.
Cho đến gần đây, hầu hết các chính quyền khu vực đã nhìn nhận đường chín đoạn và bắt đầu các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.
Trung Quốc đã cố ý làm suy yếu quan điểm của những nước khác bằng cách đưa CNOOC, một công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc, vào hoạt động trong vùng và kêu gọi các tập đoàn nước ngoài đến đấu thầu quyền thăm dò trong các lô gần bờ biển của Việt Nam mà Hà Nội đã đã cấp phép cho ExxonMobil của Mỹ và Gazprom của Nga.
Các sự kiện trên cộng với đường chín đoạn trong hộ chiếu đã làm cho nhiều nước trong khu vự quan ngại và nghi ngờ về sự thành thật của Trung Quốc trong việc đàm phán một thỏa thuận chung.
“Đây được xem như là một sự leo thang khá nghiêm trọng vì Trung Quốc cấp hàng triệu hộ chiếu mới và hộ chiếu người lớn có giá trị đến 10 năm”, một nhà ngoại giao cao cấp tại Bắc Kinh cho biết, và yêu cầu giấu tên bởi tính nhạy cảm của vấn đề. “Nếu Bắc Kinh sau này thay đổi quan điểm thì họ buộc phải thu hồi tất cả những hộ chiếu đó”.
Bộ An ninh Trung Quốc giám sát việc thiết kế và phát hành hộ chiếu mới tại nước này, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết và từ chối bình luận thêm. Cũng như bản đồ gây nhiều tranh cãi ở Biển Đông, hộ chiếu cũng bao gồm các hình ảnh danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc và hai điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Loan.
“Bản đồ trong hộ chiếu Trung Quốc không nhằm vào bất kỳ cụ thể một quốc gia nào”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một văn bản gởi cho Financial Times hôm thứ Tư. “Trung Quốc sẵn sàng chủ động trao đổi với các nước có liên quan”.
Từ năm 2010, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các quan điểm gay gắt hơn về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản đang kiểm soát và quản lý quần đảo Senkaku, còn được gọi là Điếu Ngư ở Trung Quốc.
Chính phủ Nhật Bản cũng rất quan tâm về bản đồ trong hộ chiếu mới của Trung Quốc nhưng quy mô của bản đồ quá nhỏ và những hòn đảo không hiện ra rõ nên Tokyo đã không nêu vấn đề này với phía Bắc Kinh, các nhà ngoại giao quen thuộc với vấn đề Nhật–Trung cho biết.
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu phát hành hộ chiếu mới cách đây khoảng năm tháng và đây cũng là lần đầu tiên họ cấp chip điện tử trong hộ chiếu.
“Tôi nghĩ rằng đó là một bước rất độc của Bắc Kinh trong số hàng ngàn các hành động nham hiểm khác”, ông Nguyễn Quang A, cựu cố vấn cho chính phủ Việt Nam cho biết. “Khi người dân Trung Quốc vào thăm Việt Nam, chúng tôi phải chấp nhận nó [bản đồ] và đóng dấu vào các hộ chiếu của họ. . . Tất cả mọi người trên thế giới cần phải lên tiếng chứ không chỉ nhân dân Việt Nam”.
Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, nói rằng bao gồm các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc trong hộ chiếu mới “có thể chứng minh chủ quyền quốc gia của chúng tôi nhưng nó cũng có thể làm rắc rối thêm vấn đề đang có [giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tuyên bố lãnh thổ trong Biển Đông"]. Giáo sư Shi nói rằng có khả năng rằng quyết định bao gồm bản đồ này đã được thực hiện ở cấp Bộ trưởng chứ không phải là ở cấp lãnh đạo ở trên.
Chính phủ Đài Loan nói với Financial Times rằng họ đã “thấy” hộ chiếu mới nhưng chưa nộp đơn khiếu nại chính thức với phía Bắc Kinh.
“Trung Quốc phải đối mặt với thực tế về sự tồn tại của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nền tảng độc lập của chúng tôi”, người phụ trách về Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan cho biết. “Chúng ta nên đặt sang một bên những tranh chấp và đối mặt với thực tế và cùng nhau làm việc để hướng tới sự phát triển hòa bình và ổn định trong khu vực eo biển Đài Loan”.
Gu Yu ở Bắc Kinh, Nguyễn Phương Linh ở Hà Nội và Sarah Mishkin ở Đài Loan đã bổ sung thêm một số chi tiết trong bài viết này.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012