Nhân xem phim “Sám Hối” (1) - Nghĩ về Bôrít Paxtecnăc: Tự do hay là chết! - Dân Làm Báo

Nhân xem phim “Sám Hối” (1) - Nghĩ về Bôrít Paxtecnăc: Tự do hay là chết!

Tặng ông bà nhà văn Nguyễn Tường Thụy và 
nhà đấu tranh dân chủ kiên cường Bùi Thị Minh Hằng 
 nhân ngày NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ 
Đâu phải bao giờ nhân dân cũng thắng 
Nhà độc tài của mọi thời đại và anh 
Cần phải thức, mãi mãi thức trắng 
Dù anh đã nằm dưới cỏ xanh

Anh đã yêu đất nước mình như một chàng muzich 
Cái cách yêu quý phái chẳng hợp thời 
Anh đã yêu đến quằn quại, đến xùi bọt mép 
Mà thơ anh vẫn bị đe dọa cả đời! 

Những nhân vật của Đôxtôiepxki 
Như cua bò qua văn anh lổm ngổm 
Bầu trời xanh từng in dấu anh đi 
Treo anh lên vầng mây sớm 
Anh bay lên cùng khói bếp lầm lì 
Và rơi xuống cùng tuyết trắng...

Lara của anh [2] 
Mùa thu của mối tình chết 
Sông hồ kia từ độ khỏa thân 
Ôi lá phong vàng phủ dần gương mặt đẹp 
Tiếng cú kêu thất thần 
Em ở đâu con thiên nga bị giết? 
Thơ anh còn dò dẫm dấu bàn chân! 

Hỡi chàng Don Quichotte Zivago [3] 
Với cối xay gió số phận 
Một mình anh chiến đấu đến bao giờ? 

Trái tim nhà thơ 
Là trái mìn nổ chậm 
Mà tình yêu đến trước hẹn giờ 

Nhà độc tài bảo anh: 
“Cứ bốn người dân thì có bốn tên phản động!” [4] 
Phải bỏ tù cây sồi 
Ai cho mày tỏa bóng? 
Hắn định bắt đi đầy cả gió và thơ! 

Ôi bầu trời kia 
Anh đã vác trên vai như khổ giá 
Và nước Nga- người đàn bà anh yêu 
Tia nhìn nàng đóng đinh anh vào tất cả! 

Anh tàn phai cùng mùa thu 
Cuồng nhiệt cùng bão tuyết 
Tóc anh bạc mốc sương mù 
Anh là con tuần lộc già phương Bắc 
Một đời nghe tiếng sói tru 

Trên mồ anh cỏ tiên tri báo trước 
Về sự hết thời của bọn độc tài 
Ôi đất nước 
Anh đã yêu đến băng hoại cả đời! 

Khi nhà độc tài tìm cách bất tử 
Dẫu nằm xuống đất rồi anh chẳng được yên đâu 
Tôi nhìn thấy nhân dân ngồi phán xử 
Các thời đại đi qua, thơ lặng lẽ bắc cầu... 


Sài Gòn 21-7-1978 


_______________________________________

[1] Phim “Sám hối”: một phim hay của điện ảnh Gruzia ( Liên Xô cũ) sản xuất tại Tbilixi, lên án nhà độc tài vĩ đại ( ám chỉ Stalin- cũng là người Gruzia). Phim này khi chiếu ( nội bộ) cho giới báo chí văn nghệ sĩ ở Sài Gòn xem từ năm 1978, đã gây xúc động mạnh mẽ; mượn gió bẻ măng, xem xong phim này, ai cũng thấy hả lòng hả dạ vì được dịp “trả thù” bọn độc tài chuyên chế. Đ ến thời “mùa xuân văn nghệ cởi trói : 1986-1989, phim “Sám hối” mới được chiếu rộng rãi ở rạp cho dân xem. Nay ( 2005) phim này buồn thay, lại bị xếp vào loại phim “phản động”. 

[2] Lara: người yêu của bác sĩ Zivago, những nhân vật trong tiểu thuyết “Bác sĩ Zivago” của văn hào (kiêm thi hào) Nga: Borit Paxtecnăc 

[3] Zivago: nhân vật bác sĩ trong tiểu thuyết trên. 

[4] Lời tên độc tài trong phim “Sám hối” 

(Bài thơ này đã in báo “TUỔI TRẺ – CHỦ NHẬT” số 37-87 ra ngày 20-9-1987) 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo