Giấy mời và dân chủ - Dân Làm Báo

Giấy mời và dân chủ

Nguyễn Văn Thạnh (Danlambao) - Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các bạn đã đọc bài viết “Nhật ký làm việc với PA61 - An ninh thành phố Đà Nẵng”, xin cảm ơn một số bạn đã đồng cảm và lo lắng cho tôi, mong được biết tin buổi làm việc tiếp theo.

Theo hẹn, sang 06.02.2013, tôi lên làm việc, không biết do cuối năm, do cũng chẳng còn gì để “làm việc” hay do bài viết làm việc với an ninh được công khai minh bạch mà hai anh cán bộ làm việc rất nhanh gọn. Họ đưa ra một số bài viết được họ in xuống từ web PTCĐVN, Danluan, họ hỏi đây có phải là những bài tôi viết không?

Tôi đọc qua từng bài. Tôi xác nhận một số bài có thể là tôi viết vì viết đã lâu nên tôi không nhớ hết, tiêu đề và nội dung tổng quát là của tôi nhưng để xác nhận cần phải xem lại thật kỹ mới kết luận được vì không biết có bị biên tập, thêm bớt gì không? Họ yêu cầu tôi trình bày ngụ ý từng bài viết. Tôi trả lời là “từng câu chữ đã mang ý nghĩa của nó, còn người đọc cảm nhận sao là quyền mọi người-một việc luôn có người khen, kẻ chê. Người khác cho chẳng có gì, còn an ninh các anh thì có thể suy diễn ra đủ thứ. Tôi không có nghĩa vụ phải nói lên cảm nhận của mình”. Chỉ có như vậy, sau đó trao đổi vài điều linh tinh mang tính cá nhân. Cuối cùng, họ chúc tết, tôi cảm ơn, chúc lại và ra về.

Qua đây tôi cũng có một bài viết nhỏ, nhằm trao đổi để các bạn biết thêm một điều “là một công dân, chúng ta có rất nhiều quyền lực”, nếu chúng ta biết, chúng ta sử dụng hay cùng nhau đấu tranh để giữ lấy thì chúng ta đã có một thể chế dân chủ tốt hơn là bị “đè đầu, cỡi cổ” như thời gian qua.

Thể chế chính trị dân chủ với quan niệm rằng “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, nhân dân là chủ thể của đất nước, “nhân viên nhà nước” chỉ là người làm thuê. Không cần quan tâm ai lãnh đạo, vai trò của họ là làm thuê. Chúng ta thường nghe câu trích dẫn “cán bộ là công bộc, là đầy tớ của nhân dân” (lời CT HCM). Tuy nhiên dân chủ không thể có được chỉ bằng ý tưởng, bằng lời nói dù là của lãnh tụ, mà nó phải được thực hiện trên thực tế. Thực tế dù nhỏ nhặt nhất như chuyện giấy mời.

Lâu nay, khi an ninh VN có mối nghi ngờ ai đó phạm luật thì họ ra giấy mời, phát đến “đối tượng” mời lên làm việc. Tiếng là giấy mời cho vẻ lịch sự nhưng thực chất thì không khác một “lệnh”: họ qui định hẳn thời gian đi làm việc, không quan tâm đến công dân có bận công việc gì không và thường họ đưa giấy rất cận ngày-chiều hôm nay đưa, sáng mai đi làm việc. Nhiều nơi còn cửa quyền đến mức ghi “có việc quan trọng”, “không đi chịu trách nhiệm trước pháp luật”, “yêu cầu đi đúng giờ”.

Sự vô lý đó có mặt ở khắp nơi và trong một thời gian rất dài. Rất nhiều người là nạn nhân từ thói hành xử này: căng thẳng, mệt mỏi, rối loạn cuộc sống cá nhân; mất việc; thậm chí là phá sản như trường hợp anh Trần Huỳnh Duy Thức. Công ty anh Thức bị nghi ngờ trộm cướp viễn thông, thế là công an mời anh làm việc suốt 21 ngày, dù anh là tổng giám đốc công ty họ cũng chẳng quan tâm là anh có bận việc không. Kết quả là công ty anh lâm vào khó khăn, phá sản dù anh chẳng phạm tội trộm cước viễn thông. Rất, rất nhiều doanh nhân bị tai bay vạ gió giống anh.

Để đất nước chúng ta thật sự dân chủ, chúng ta cần có những qui định rõ ràng nhằm bảo đảm thực hiện được trong thực tế cuộc sống chứ không chỉ lời hay ý đẹp.

Giáo dục cho công dân, cho nhân viên nhà nước biết quyền và nghĩa vụ của họ. Những người hiểu biết, luật sư,... viết bài để giúp mọi người biết họ có quyền gì khi bị mời, quyền lực cơ quan công an đến đâu?

Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa công dân và nhà nước. Trong nhà nước pháp quyền, công dân với nhà nước phải bình đẳng. Công dân có cuộc sống, công việc của công dân, họ đóng thuế để thuê nhân viên nhà nước thực hiện các công việc chung như: giữ trật tự xã hội, chống tội phạm, bảo đảm an ninh. Để có thể thực hiện được công việc được giao phó, nhân viên nhà nước có quyền hành-cái gọi là “công lực”. Tuy nhiên nhiều nhân viên công lực không biết quyền lực này cũng có giới hạn, họ cũng phải bình đẳng trước pháp luật. Họ có xu hướng nhân danh nhà nước, nhân danh pháp luật để lạm quyền. Họ không biết rằng phận sự họ làm cũng như bao công việc khác như giáo viên đi dạy, thầy thuốc chữa bệnh, công nhân làm đường,... suy cho cùng bảo đảm an ninh cũng chỉ là một việc như bao việc trong cuộc sống. Họ phải có trách nhiệm với công việc. Họ không thể “hành dân” để được việc của mình. Hiện nay nhà nước đã có luật bồi thường oan sai, tuy nhiên người viết luật rất khôn khi dành “cái cán” cho cán bộ nhà nước khi qui định người bị oan phải chứng minh thiệt hại. Rất khó chứng minh là người giám đốc bị mời đi làm việc một ngày thì thiệt hại bao nhiêu? Chúng ta cần đấu tranh để quốc hội ra luật: trong trường hợp nhân viên an ninh muốn công dân cộng tác để được việc mình thì phải thỏa thuận với công dân về thời gian, phải chi trả thiệt hại khi công dân nghỉ việc. Trong trường hợp lạm quyền, hành xử sai luật thì nhân viên phải bồi thường thiệt hại bằng tiền của mình chứ không thể lấy tiền nhà nước (tiền thuế dân) ra bồi thường. (Đây là ý tưởng của tôi, bạn nào đồng ý xin liên lạc để hình thành nhóm vận động).

Những người lên tiếng cổ xúy cho dân chủ nên lập một cổng thông tin chia sẻ, đấu tranh, kiện cáo khi bị “mời” đi làm việc một cách không tự nguyện.

Người mời đi làm việc nên chuẩn bị tâm lý không có gì phải sợ. Cơ quan công an hay có một luận điệu “anh có gì chúng tôi mới mời anh, không có lửa làm sao có khói”, kiểu lập lờ như vậy làm nhiều người tự nhiên thấy mình là “tội phạm”, đâm ra lo lắng, sợ hãi. Với tôi họ cũng nói như vậy, tôi bác bỏ ngay. Tôi nói “biết đâu được, nhỡ các anh hoang tưởng thì sao, thấy đâu cũng là tội phạm, các anh mời tôi, hay các anh rảnh quá, muốn làm phiền người khác thì sao?”. Nền pháp trị phải có bằng chứng chứ không thể dùng cảm tính “nghi ngờ” được.

Không nên có tâm lý chờ ơn lòng tốt của cán bộ công an. Họ hay nói là chúng tôi làm việc nhanh thôi, sẽ làm cho anh không bị theo dõi, không bị làm phiền, chúng tôi muốn tốt cho anh, muốn giúp anh khỏi bị công an hiểu lầm,... Nên nghi ngờ tất cả, có thể có người tốt nhưng khối người chẳng ra gì, gây không biết bao nhiêu oan sai cho dân lành. Nên hỏi kỹ tên, tuổi, số hiệu, ghi chép rõ ràng các điều đó. Yêu cầu làm việc với người có danh tính rõ ràng, chúng ta cứ nói thẳng là thời buổi thật giả lẫn lộn, lừa đảo khắp nơi. Nên ghi âm cuộc làm việc, ít nhất là bằng điện thoại. Ghi âm là quyền của bạn, không phải sợ gì. Nếu họ yêu cầu tắt máy ghi âm, bạn có thể từ chối vì pháp luật không cấm việc này. Bạn nên tấn công lại là “các anh có khuất tất mới sợ sự minh bạch. Ghi âm là quyền tự bảo vệ mình của công dân”.

Nên nhớ một quyền đó là “chúng ta có quyền im lặng, từ chối trả lời”, không cần thiết là họ hỏi gì trả lời đó. Công an có tính cù nhầy và hay hỏi nhiều câu rất vớ vẩn.

Nên minh bạch. Thời buổi này không gì tốt hơn minh bạch. Trong thể chế mà tư pháp không độc lập, chính quyền trên dưới một giuột thì để bảo vệ mình không gì tốt hơn là công luận. Chính công luận sẽ làm chùn bước âm mưu khép tội bẩn thiểu.

Vài dòng chia sẻ, kinh chúc quí bạn hữu đón tết ngập tràn niềm vui!

Đ.N, 06.02.2013




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo