Từ Nam Mỹ nhìn về quê hương - Dân Làm Báo

Từ Nam Mỹ nhìn về quê hương

Đỗ Nguyên (Danlambao) - Trên chiếc phản lực Airbus bay về phía Nam Mỹ Châu, tâm tình dậy lên nỗi hăm hở phấn khích. Không phải vì chuyến đi mà vì những tên người trong Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do đang hiện lên trên cái laptop mang theo, trong đó có một vài người thân quen đã bao nhiêu năm rồi tưởng đã yên vui với cuộc sống mới, và vì những địa danh xa lạ của miền Bắc chưa bao giờ được đặt chân đến. Tất cả như một tập hợp của một tình yêu đang sống lại mãnh liệt.

Máy bay xuống El Salvador, rừng cây xanh ngút ngàn và hơi nóng dội vào mặt làm bâng khuâng nhớ lại quê hương của tuổi thơ ngày nào. Nơi cuối phi đạo, sau các vòm cây, có 3 chiếc Lockheed P-3 máy bay không thám của Hải Quân Hoa Kỳ đậu im lìm trên sân. Bên cạnh máy bay Mỹ là một chiếc oanh tạc cơ A-37 và máy bay trinh sát O-2 của Không Quân El Salvador sơn màu xanh rằn ri ngụy trang cũng đậu im lìm sẵn sàng. Như Việt Nam, 12 năm nội chiến đẫm máu của chiến tranh lạnh đã chấm dứt vào năm 1992, nhưng bây giờ là cuộc chiến mới chống sự bành trướng nha phiến đang tràn lan lên toàn cầu. 

Xuống máy bay chưa kịp định hướng để chuẩn bị cho chương trình kế tiếp, bất ngờ một nhân viên an ninh El Salvador xuất hiện với con chó Labrador xông xộc đánh hơi. Anh ta mặc đồng phục đen mang giày bốt cao bóng loáng, trang bị vũ khí tận răng như cảnh sát Mỹ. Liếc nhìn dây đeo súng của ông an ninh cao thon đen xạm, thấy khẩu loại 1911 nòng 45, hỏa lực chính xác và mạnh hơn 9 mm của cớm Mỹ, loại này chỉ có Lực Lượng Đặc Biệt Spec Osp của Mỹ mới xài thôi. Ăn một viên 45 thì gục ngay tại chỗ, không nhúc nhích hay bò lết đi đâu được. 

Không hiểu tại sao con chó Lab lấy mỏm hất cái ba lô nhỏ tôi mang theo khịt khịt liên tục rồi nằm mọp xuống nhìn tôi lấm lét. “Tiêu tùng rồi, mình trở thành người tình nghi buôn bán thuốc phiện...” Các hành khách đổ xô mắt nhìn tôi, tò mò theo dõi. Đầu óc hoang mang cố nhớ cái ba lô ôm khư khư bên người, lỡ có ai lén lút gài trộm một gói ma túy vào trong - như đã có nhiều vụ xảy ra làm người bị hàm oan bị rũ tù! 

Ông an ninh ra dấu tôi mở cái ba lô ra để khám xét tại chỗ trước sự chứng kiến của đám đông hành khách. Trong ba lô chẳng có gì ngoài một số giấy tờ linh tinh, một tập hồ sơ của chuyến đi kẹp trong bìa cứng (3 ring folder) và một phong bì lớn đựng vài ngàn đô la. 

Anh ta yêu cầu mở tung hết các ngăn ngoài của chiếc ba lô, tìm thấy và lôi ra cái thẻ ID nhân viên của chính quyền Hoa Kỳ mà tôi luôn luôn mang theo. Anh trố mắt nhìn vào cái thẻ như vừa tìm được một chiến lợi phẩm quan trọng. Sau đó bỏ đi không khám nữa. Đang mừng thầm vì tai qua nạn khỏi và rủa thầm cái con chó đánh hơi sảng, tôi ngồi xuống thu dọn lại cái ba lô của mình. Nhưng khi nhìn lên thì ông đồng phục đen lại đang đứng sừng sững trước mặt, bên cạnh còn có thêm 2 ông mặt thường phục như an ninh chìm, tay cầm máy truyền tin. 

Một trong hai ông an ninh chìm hình như là xếp, có khuôn mặt tròn sần sùi đe dọa như Tướng Manuel Noriega, người buôn lậu ma túy đã bị quân đội Mỹ bắt ở Panama năm 1989. Ông xếp này nói tiếng Anh rất giỏi và yêu cầu được đích thân khám lại một lần nữa. 

Sau màn khám xét, ông ta lúng túng gợi chuyện và phân trần. Anh là nhân viên của chính phủ Mỹ? Chúng tôi chỉ làm phận sự của mình, chó của chúng tôi được huấn luyện đánh hơi mùi tiền để bắt giữ những kẻ tình nghi buôn bán ma túy. Understood, tôi bình thản bắt tay anh thông cảm và rất thán phục lối làm việc chuyên nghiệp không thiên vị của các đơn vị an ninh chống ma túy của El Salvador. Các nhân viên Hải Quan cũng thế, ngồi im lìm trang nghiêm làm việc, không trò chuyện vớ vẩn, không vòi tiền mãi lộ để được đóng dấu cho đi nhanh. Họ đối xử bình đẳng với hành khách bản xứ cũng như người nước ngoài. 

Chính quyền Hoa Kỳ viện trợ El Salvador khoảng 200 triệu đô la mỗi năm vào các chương trình chống nha phiến và Bộ Ngoại Giao Mỹ phụ trách phần huấn luyện kỹ thuật cho các đơn vị an ninh El Salvador. 

El Salvador giống như Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh lạnh Hoa Kỳ yểm trợ chính quyền do quân đội lãnh đạo, Liên Xô và Cu Ba tài trợ các nhóm phiến Cộng. Cuộc chiến đã giết đi 75 ngàn người của một dân số chỉ hơn 5 triệu người. 

Ngày 16 tháng Giêng năm 1992, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc và sự hổ trợ của Hoa Kỳ, các phe tham chiến ngồi lại với nhau và ký Hiệp Định Mexico (Mexico Peace Agreements). 

Khác với Hiệp Định Paris của Việt Nam đã bị phe Cộng Sản vi phạm và xe bỏ, Hiệp Định Mexico được tôn trọng và hòa bình tự do dân chủ đã đến trên đất nước này. 

Chính quyền El Salvador theo tam quyền: hành pháp, tư pháp và lập pháp. Sau một thời gian phe hữu cầm quyền, năm 2009 phe tả (FMLN party) lên nắm chính quyền là Tổng Thống Mauricio Funes. Đặt biệt, nhiệm kỳ Tổng Thống là 5 năm và chỉ được làm một lần để tránh nạn độc tài, qui luật này hay hơn Mỹ vì Tổng Thống Mỹ ở nhiệm kỳ 2 đôi khi thấy phát sinh một số dấu hiệu độc đoán và hay chú tâm tới di sản chính trị (legacy) của mình hơn là hợp tác với các đảng đối lập vì quyền lợi của quốc gia. Trong Quốc Hội El Salvador, một vài Dân Biểu thuộc phe Cộng Sản được tự do hoạt động. Quân Đội và Cảnh Sát được cải tổ chỉnh đốn và giải giới phần nào để phù hợp với tình thế mới. 

Giống như Nam Hàn, Nhật Bản, Phi, Âu Châu, Úc Châu, máy bay quân sự của Mỹ vẫn đồn trú ở đây, không phải trong kế hoạch xâm lược chiếm đất mà là một sự bảo đảm ổn định chủ quyền và sự thịnh vượng của El Salvador, như chính là sự ổn định của Hiệp Chủng Quốc vậy. 

Từ giã El Salvador với núi rừng xanh thẩm như Việt Nam và những người bản xứ lịch sự dễ thương. Tôi tiếp tục bay về phương Nam để tiếp nhận thêm những ngưỡng mộ mới. 

Peru 

Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Lima nhắc nhở các công dân Mỹ lưu ý đến nạn cướp giật trên đường phố, nhất là ở các ngã tư đèn xanh đèn đỏ quân gian hay nhào vô xe để giật xách tay, máy chụp hình v.v. An ninh của Bộ Ngoại Giao Mỹ còn gởi văn thơ nghiêm cấm các nhân viên của chính phủ Mỹ bén mảng đến khu vực Cusco vì quân phiến Cộng Shining Path đang bí mật tổ chức bắt cóc nhân viên Mỹ. Nhưng chỉ tới ngày thứ 2 ở Lima thì sự cảnh giác của tôi tan theo mây khói vì cái không khí êm đềm, hòa bình và tự do của Lima, cũng như Peru nói chung. 

Cảm giác đầu tiên của tôi khi bước trên đường phố của Thủ đô Lima là giật mình trước nền văn minh và văn hóa của nước này. Dân Peru cũng bị thuộc địa Tây Ban Nha thôn tính bao nhiêu thế kỷ như thực dân Pháp đã chiếm Việt Nam 100 năm. Peru không có 4 ngàn năm văn hiến như Việt Nam nhưng tại sao họ lịch sự và văn minh như vậy? 

Một con đường hẻm nhỏ tươm tất sạch sẽ ở Thủ đô Lima, Peru. Ảnh Đỗ Nguyên. 

Không có một cọng rác trên đường phố, không băng rôn giáo dục quần chúng, không hình tượng cha già của dân tộc, không một người công an đứng gác. Tòa nhà bên tay phải là cơ quan hành chính của một thị xã nhỏ bên bờ sông Amazon, Peru. Ảnh Đỗ Nguyên. 

Cảm phục lớn nhất của tôi là dân Peru từ thành phố hoa lệ Lima cho đến các thôn làng nhỏ trong rừng sâu Amazon là không xả rác vì thế những thành phố nhỏ tuy nghèo nhưng vẫn đẹp và thơ mộng vì trên đường, trong công viên hầu như không có một cọng rác. 

Cái đẹp và văn minh khác của Peru là không hề thấy một cái băng rôn biểu ngữ lên lớp dạy dỗ nhắc nhở, coi dân chúng như đàn gia súc ngu dốt cần phải được hướng dẫn giáo dục. Hầu như không thể tìm ra một hình tượng ở nơi công cộng vì thế khó mà biết ai là vị cha già của dân tộc Peru. Căn bệnh tôn thờ lãnh tụ không có trong huyết quản của dân tộc này. 

Không có nạn đĩ điếm mời mọc trên đường phố, không có hành khất, con nít, hàng rong bu lại làm phiền người nước ngoài. Tôi đi trên đường phố mà cảm thấy tự do thoải mái thân ái như đi trên chính quê hương của mình, vì không hề bắt gặp một ánh mắt tò mò dò xét ông từ đâu đến vậy, cha này chắc có tiền. Khi ngừng lại hỏi tìm đường hay vào một cửa tiệm để mua một món đồ thì người Peru lịch sự chừng mực trò chuyện nhưng không hề bu lại để ép buộc mua hàng. Nơi thôn quê thì các cô bán quán thích trêu ghẹo rất hồn nhiên và thân thiết. Con nít trong các làng nhỏ thật dễ thương và lễ độ, cười với chúng nó một cái là chúng nó đi bộ theo cả mấy cây số, như đi theo một người anh mà không hề xin xỏ một điều gì. 

Trong các xóm nghèo lao động Shanty Town, nơi đã từng là chiến trường đẫm máu với quân khủng bố Cộng Sản Shining Path, không thấy bóng một người cảnh sát nào nhưng cuộc sống của người dân ở đó rất trật tự. Các nhà giữ trẻ được tổ chức rất khoa học. Thức ăn trưa cho các em được nhà bếp trung tâm nấu và phân phối rất vệ sinh. Người nấu đội bọc ni lông lên đầu không cho tóc rơi vào thức ăn. Và thức ăn thì đầy đủ chất dinh dưỡng như cơm và khoai tây, tốt hơn đồ ăn có quá nhiều chất béo cho con nít Mỹ. 

Dưới đây là một vài danh sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund) về các nước có con số tổng sản phẩm quốc nội của họ bình quân đầu người, GDP hay gross domestic product per capita, tính theo giá thị trường hiện tại đô la Mỹ từ năm 2010-2011. Thống kê chứng minh được các quốc gia Cộng Sản độc tài có mức sản xuất thu hoạch trung bình cho mỗi đầu người yếu kém, kể cả Trung Cộng. 

LUXEMBOURG: 115.809 USD 
AUSTRALIA: 66.371 USD 
USA: 48.328 USD 
JAPAN: 45.870 USD 
SOUTH KOREA: 22.424 USD 
CZECH REPUBLIC: 20.436 USD 
TAIWAN: 20.083 USD 
LATVIA: 13.618 USD 
LITHUANIA: 13.262 USD 
RUSSIA: 12.993 USD 
PERU: 5.904 USD 
CHINA: 5.417 USD 
CUBA: 5.200 USD (theo ước tính của CIA vào năm 2010) 
EL SALVADOR: 3.855 USD 
PHILIPPINES: 2.345 USD 
SUDAN: 1.959 USD 
VIETNAM: 1.374 USD 
LAOS: 1.320 USD 
NORTH KOREA: 1.200 USD (theo ước tính của CIA vào năm 2009) 

Khu chợ ở xóm lao động nghèo khổ nhất của xã hội Peru, Shanty Town, nơi từng là chiến trường đẫm máu giữa quân phiến Cộng Shining Path và quân chính phủ. Ảnh Đỗ Nguyên. 

Peru không có ảnh hưởng của Mỹ nhiều như El Salvador, nhưng cùng một cảnh ngộ là bị 2 nhóm phiến Cộng Shining Path và MRTA (Túpac Amaru Revolutionary Movement) xâm nhập, đặt chất nổ, tàn sát giết chóc bao nhiêu người vô tội. Dân Peru như dân miền Nam trước đây gọi các nhóm phiến cộng này là quân khủng bố terrorists. Peru may mắn hơn Việt Nam là các nhóm phiến Công bị tiêu diệt gần hết, trong khi đó quân khủng bố Việt Cộng trở thành nhà cầm quyền nên vẫn còn mang cái bản chất khủng bố và thói quen dùng luật rừng của họ. 

Shining Path và MRTA tôn thờ chủ thuyết Marxism–Leninism. Shining Path thì thiên về Mao Trạch Đông nhiều hơn. Năm 1992 an ninh tình báo của Tổng Thống Peru là Alberto Fujimori đã bắt sống thủ lãnh của Shining Path là Abimael Guzmán. Hiện nay hoạt động của nhóm này chỉ còn là các nỗ lực bắt cóc tống tiền và các đường dây buôn lậu ma túy. 

Năm 1997 quân khủng bố MRTA bắt cóc 72 con tin và chiếm giữ Tòa Đại Sứ Nhật ở Lima hơn 1 tháng, Tổng Thống Fujimori ra lịnh các toán Biệt Kích Commando đào các đường hầm rồi bất ngờ trồi lên tấn công quân MRTA ngay trong Tòa Đại Sứ. Toàn bộ 14 tên khủng bố bị tiêu diệt. 

Cuộc hành quân giải cứu con tin do chính TT Fujimori cùng với Chỉ huy trưởng tình báo Julio Salazar và Vladimiro Montesinos thiết kế, và sự giúp đỡ bí mật của quân đội Hoa Kỳ. Các lính Commando Peru đã được huấn luyện trong căn cứ Biệt Kích Mỹ ở Panama. Cuộc đột kích thành công này đã mang lại niềm tự tin và kiêu hãnh cho dân Peru sau một thời gian dài bị phân hóa nội bộ và sự thao túng của quân phiến Cộng. 

TT Alberto Fujimori là người có công lớn đánh tan quân khủng bố Cộng Sản, bình định lại được đất nước, phát triển kinh tế, mang lại niềm tin cho dân Peru. Tuy nhiên ông cũng không thoát được những ham muốn bình thường của con người là ham quyền cố vị, dùng hậu thuẫn của mình ở quốc hội để được ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 3 và bị lên án tham nhũng, vi phạm vào những luật lệ nhân quyền như thành lập các toán ám sát, nghe lén báo giới v.v. Sau khi từ chức rồi đào thoát qua Nhật, ông bị bắt giải về Peru khi đang viếng thăm Chí lợi. Hiện cựu Tổng Thống Alberto Fujimori đang ngồi tù và mang chứng bệnh ung thư lưỡi. 

Peru theo chế độ tự do dân chủ, và trong thể chế này người có công lớn cho quốc gia không được hưởng đặc ân đặc quyền và vẫn bị bắt ngồi tù nếu vi phạm luật lệ. 

Trời đã thật khuya, tôi đi bộ trên con đường Circuito De Playas với những người bạn Peru và quân nhân của Hoàng Gia Anh. Cảnh sát Peru đi xe mô tô xa xa quan sát coi chừng, họ sẵn sàng bảo vệ khách nước ngoài. Tôi đã yêu mến đất nước và người dân nơi đây rồi, dù chỉ một thời gian ngắn ngủi. Phía xa dưới kia màu đen của biển đêm, tôi biết đang có những đợt sóng tuyệt vời của dân lướt sóng surfer đang ầm ì dội vào bờ. Biển Thái Bình Dương ơi, xin gởi đến quê hương bên kia lời chào tự do dân chủ của Nam Mỹ, gởi lời chào quyết thắng đến những tên người trong Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do

Peru, Lima tháng 3 năm 2013 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo