Công lý lạ lẫm sẽ thành quen qua bản án ngày 16 tháng 8 năm 2013 - Dân Làm Báo

Công lý lạ lẫm sẽ thành quen qua bản án ngày 16 tháng 8 năm 2013

Luật sư Đặng Dũng (VOA) - Trong khi tranh luận giữa Phương Uyên và bên công tố chưa rõ ai đúng ai sai thì việc tòa án áp dụng Điều 258 để ra án phạt đối với Uyên Phương thì tên của tội danh Điều 258 là “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” mặc nhiên xác nhận Đảng chỉ là tổ chức mà thôi. Theo tôi đây là luận điểm cực kỳ quan trọng vì Đảng đúng theo nguyên nghĩa là tổ chức chính trị nhưng từ lâu nay, não trạng của rất nhiều người đang cầm quyền thì cho rằng Đảng trên, lãnh đạo Nhà nước... tức là Đảng là Nhà nước.

Nếu nhận định như vậy thì nay với bản án ngày 16/8/2013 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, và các cá nhân nào bị kết án theo Điều 88 có thể yêu cầu tái thẩm bản án mà họ đã phải chịu, vì trước đây các cá nhân bị kết án theo Điều 88 luôn luôn bị kết án là chống Đảng tức là chống Nhà nước CHXHCNVN, nhưng bản án ngày 16/8 không chấp nhận việc đồng hóa Đảng là Nhà nước. Với tất cả sự thận trọng cần có của tôi, các cá nhân Luật sư Nguyễn văn Đài, Lê Nguyên Sang... cần nghiên cứu kỹ xem bản án ngày 16/8/2013 có thể nhờ đó mà được tái thẩm hay không?...

*

Khi đọc báo, blog lề Dân tường thuật vụ án xét xử hai sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên cùng với việc giảm án đáng kể cho cả hai, là luật sư biện hộ và bào chữa cho hai nguyên luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân ngày 27 tháng 11 năm 2007, tôi nhớ lại buổi chiều tuyên án: chúng tôi gồm có các Luật sư Trần Lâm, Lê Công Định, Bùi Quang Nghiêm, Đặng Dũng và một bác luật sư già trong Đoàn Luật sư Hà Nội, đều hy vọng có sự thay đổi quan trọng trong việc Hội Đồng Xét Xử (HĐXX) sắp đưa ra một bản án. 

Thật vậy thời gian nghị án của HĐXX cấp phúc thẩm quả là khá lâu. Sau khi việc tranh luận giữa các luật sư và đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bị rút ngắn đột ngột, đến lượt hai nguyên luật sư bị cáo nói lời sau cùng, tiếp theo là phần vào nghị án của HĐXX.

Trước đó cả 5 luật sư đều thống nhất là biện hộ, bào chữa theo hướng yêu cầu HĐXX tuyên hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân “vô tội”. Tôi có nói với Luật sư Lê Công Định trong khi dài cổ chờ đợi việc nghị án rằng “chỉ cần có việc tuyên án vô tội hay giảm đáng kể hay gì gì đó... thì nền công lý và tư pháp Việt Nam sẽ được thế giới... hoan nghênh vì đó là sự ‘độc lập’ của ngành tư pháp Việt Nam, điều mà cả thế giới đều mong đợi - có lẽ nó giống như sự chờ mong sau này của Việt Nam ở phía Mỹ khi là thành viên của WTO, rằng nền kinh tế Việt Nam nên được công nhận là nền kinh tế thị trường chăng?”

Thời gian nghị án trên 2 giờ mà vẫn chưa thấy HĐXX xuất hiện. Có chăng việc hoãn tuyên để xin ý kiến của... ai đó hay cấp cao hơn là Bộ Chính trị đối với việc kết án về tội an ninh quốc gia đặc biệt nghiêm trọng này. Nên nhớ là chúng ta thường nghe nói là án thường “bỏ túi” hay đã có lần sau khi nghị án chóng vách, báo chí nước ngoài đã loan tin là thời gian nghị án nhanh quá, nhanh hơn cả thời gian đánh máy ra một bản án dài lê thê khi kết án một người nào đó vi phạm điều luật 88 của Bộ Luật Hình sự hiện hành.

Còn đối với việc nghị án và tuyên án trong bản án ngày 16 tháng 8 năm 2013 như chúng ta đã được báo chí, blog lề Dân loan tin là kéo dài từ 10 giờ 30 sáng đến tận 15 giờ 30 chiều là rất dài - còn theo báo chí lề Đảng và đài VTV thì không dám tường thuật trung thực việc xét xử.

Dưới góc nhìn của luật sư, tôi nhận thấy:

Trước hết là việc các thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuống Long An để xét xử ở cấp phúc thẩm. Đây là điều cũng bình thường vì không dại gì mà lại xét xử vụ án này ở TPHCM sẽ gây sự chú ý của rất nhiều người quan tâm, trong và ngoài nước.

Điều kế tiếp là thành phần của HĐXX xử là ba thẩm phán của TANDTC: Trương Thị Minh Thơ, Phan Thanh Tùng và Trương Vĩnh Thủy. Tôi đã có dịp tham dự các vụ án dân sự do hai thẩm phán Minh Thơ và Thanh Tùng xét xử. Bà Minh Thơ là người miền Nam, dễ mến, là cháu của nguyên đại biểu Quốc hội nổi tiếng thương dân là bà Hoài Thu, lo về dân nguyện.

Thẩm phán Phan Thanh Tùng (người gốc Thanh Hóa), nguyên là thẩm phán từ Quận 4 chuyển lên làm thẩm phán tại TAND thành phố, rồi lên làm Phó Chánh án rồi lên làm thẩm phán TANDTC khu vực phía Nam. Ông còn trẻ và có năng lực tốt nên thăng tiến rất nhanh. Tôi còn nhớ mãi việc tôi bức xúc trong việc tố tụng mà tôi bị một nữ thẩm phán làm khó dễ, ông đã ngồi lắng nghe, ghi nhận và đã góp ý với thẩm phán đang thụ lý một vụ án mà tôi tham gia để yêu cầu thẩm phán này phải cư xử cho đúng với những yêu cầu của tôi. Luận cứ, thái độ của Thẩm phán Tùng theo tôi, hơn hẳn các đồng sự của ông về sự sắc bén và ôn tồn nhã nhặn với các luật sư.

Thẩm phán thứ ba theo tường thuật thì truy đuổi các luận cứ của hai sinh viên yêu nước. Thẩm phán Trương Vĩnh Thủy thì phản ứng gay gắt nhất, luôn cay cú ăn miếng trả miếng với 2 sinh viên... Cũng theo thông tin blog, thông tin báo lề Dân thì điều ngạc nhiên là đại diện Viện Kiểm sát (VKS) Tối cao đã chấp nhận luận cứ của Nguyên Phương Uyên bằng cách chuyển việc truy tố hai sinh viên theo Điều 88 sang truy tố theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Theo Luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam thì căn cứ các Điều 221, 249 của bộ luật này, khi có căn cứ theo tình hình trong buổi xét xử, đại diện VKS có quyền rút quyết định truy tố hay kết luận về tội nhẹ hơn và tiếp tục việc xét xử; nếu xảy ra điều này thì HĐXX yêu cầu những người tham gia tố tụng tại phiên Tòa trình bày ý kiến việc truy tố đó. Trước đây, có một Kiểm sát viên tên Hoàng Minh Khôi (nếu tôi nhớ không lầm) đã áp dụng điều này để rút quyết định truy tố trong một vụ án hình sự về kinh tế là điều Kiểm sát viên được quyền làm nhưng sau đó người này không còn xuất hiện với vai trò đại diện VKS tại các phiên Tòa nữa.

Việc chuyển tội danh: nếu đúng theo báo chí lề Dân tường thuật lại căn cứ qua việc xét hỏi và trình bày luận cứ của hai sinh viên yêu nước không có sự hiện diện biện hộ, bào chữa của luật sư - vì trước đó hai người đã từ chối luật sư bào chữa. Đây là luận điểm mà chưa có bài báo nào luận bàn, càng khó luận bàn khi báo lề Đảng thì không dám bàn, còn blog, báo chí lề Dân thì cũng chưa thấy ai đưa ra quan điểm có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, tôi thấy cần cung cấp thông tin này để mọi người cùng suy xét đối với các vụ án mà tên gọi là an ninh quốc gia còn có khi gọi là “tội phạm chính trị”, điều mà Nhà nước VN luôn phủ nhận.

Điều quan trọng cần lưu ý là nếu đúng như chúng ta biết thông tin qua mạng Internet thì việc rút một phần quyết định truy tố và kết luận về tội nhẹ hơn bằng cách đổi tội danh từ Điều 88 qua Điều 258 của Bộ Luật Hình sự. Viết đầy đủ điều 258 như sau: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” (nguyên văn ), tội này có hai khoản và không phải là tội phạm an ninh quốc gia mà là tội xâm phạm trật tự quản lý hành chánh và không phải là tội đặc biệt nghiêm trọng như Điều 88, mà tội phạm theo Điều 258 là tội ít nghiêm trọng do bị kết án là 3 năm cho hưởng án treo.

Do không phải là tội phạm an ninh quốc gia, không tái phạm nguy hiểm thì không có quản chế nhưng không hiểu sao qua các thông tin trên mạng thì bản án đối với Nguyễn Phương Uyên lại có phần quản chế đến 5 năm. Xin trích đăng nguyên văn Điều 38 về quản chế của Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2009:

“Điều 38. Quản chế:Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 39 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

“Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.

Thời hạn quản chế là từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù”.

Như vậy căn cứ theo bản án mà chúng ta biết qua mạng Internet thì cô sinh viên yêu nước Phương Uyên bị án phạt 3 năm tù treo, không phải là án phạt tù nên không thể bị hình phạt bổ sung là quản chế được. Thực hư như thế nào cần phải có bản án được Tòa Phúc thẩm TANDTC cấp cho hai sinh viên này trong thời hạn 10 ngày sau khi án tuyên thì mới biết được như thế nào.

Việc chuyển đổi tội danh của hai sinh viên yêu nước từ tội phạm theo Điều 88 sang Điều 258 còn có một nội dung rất quan trọng đó là việc chống Đảng không đồng hóa với tội chống Nhà nước được và Đảng chỉ là tổ chức chính trị mà thôi. Tại sao như vậy? Vì, cũng lại căn cứ qua phần biện hộ cho chính mình thì Phương Uyên biện luận rằng cô không chống Nhà nước mà chỉ chống Đảng, bị truy xét theo quan điểm của đại diện VKS Tối cao thì cho rằng Đảng lãnh đạo đất nước nên Đảng là Nhà nước. Trong khi tranh luận giữa Phương Uyên và bên công tố chưa rõ ai đúng ai sai thì việc tòa án áp dụng Điều 258 để ra án phạt đối với Uyên Phương thì tên của tội danh Điều 258 là “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân mặc nhiên xác nhận Đảng chỉ là tổ chức mà thôi. Theo tôi đây là luận điểm cực kỳ quan trọng vì Đảng đúng theo nguyên nghĩa là tổ chức chính trị nhưng từ lâu nay, não trạng của rất nhiều người đang cầm quyền thì cho rằng Đảng trên, lãnh đạo Nhà nước... tức là Đảng là Nhà nước.

Nếu nhận định như vậy thì nay với bản án ngày 16/8/2013 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, và các cá nhân nào bị kết án theo Điều 88 có thể yêu cầu tái thẩm bản án mà họ đã phải chịu, vì trước đây các cá nhân bị kết án theo Điều 88 luôn luôn bị kết án là chống Đảng tức là chống Nhà nước CHXHCNVN, nhưng bản án ngày 16/8 không chấp nhận việc đồng hóa Đảng là Nhà nước. Với tất cả sự thận trọng cần có của tôi, các cá nhân Luật sư Nguyễn văn Đài, Lê Nguyên Sang... cần nghiên cứu kỹ xem bản án ngày 16/8/2013 có thể nhờ đó mà được tái thẩm hay không?

Về luận cứ của Nguyễn Phương Uyên và vai trò của luật sư:

Việc hai sinh viên Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha từ chối việc bào chữa của các luật sư là một việc làm hài lòng phe công tố và HĐXX.

Thật vậy là luật sư, chúng tôi luôn lo ngại việc sẽ bị chính các bị cáo nói lời từ chối tại trước và trong phiên tòa. Tại sao có sự việc như vậy, điều mà ở nước ngoài gần như không xảy ra vì xét về tương quan kiến thức luật pháp và khẩu biện giữa bị cáo và phía công tố thì gần như một sự chênh lệch rất lớn.

Tuy nhiên cần phải ghi điểm cho cả hai phía đại diện công tố và phía bị cáo Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Hai sinh viên này không phải là sinh viên Luật, họ là sinh viên trường …Đại học Công nghiệp Thực phẩm.Vậy ai trang bị kiến thức này cho họ?

Câu trả lời khi Phương Uyên được phỏng vấn đã trả lời tất cả “đi một ngày... tù học một sàng khôn” nên em đã tích lũy kinh nghiệm chiến đấu cho chính số phận của em một cách can trường và khí phách qua các lần tiếp xúc với luật sư và với ngay cả chính các bạn tù đồng cảnh ngộ. Hình ảnh của em thật đẹp. Tuổi trẻ Việt nam đang đấu tranh cho dân chủ cho đất nước và dân tộc này hãy đọc lại nhiều lần các luận cứ tự bảo vệ của em trước Tòa.

Trước đây Luật sư Lê Công Định và chúng tôi đã từng khen Luật sư Lê Thị Công Nhân là can trường và khí phách trong vụ án cô bị xét xử theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự thì nay với Phương Uyên trong phiên xử 16/8/2013, luận cứ tự bảo vệ của em đã làm bàng hoàng Đại diện VKSNDTC và HĐXX.

Điều lo ngại của các luật sư, người thân, bạn bè đấu tranh cho dân chủ của Uyên Phương là đúng nhưng khi được tường thuật lại và khi nghe chính em trả lời các đài, báo nước ngoài, thì là luật sư tôi cảm thấy Uyên Phương thực sự là người chiến thắng... trên nền luật pháp hiện hành VN, trên cả đỉnh Olympia ở vào tuổi của em là học sinh, sinh viên dưới mái trường Đại học mà nay là dưới mái nhà tù nghiệt ngã. Các Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thọ nếu còn sống và nếu được bảo vệ cho Nguyễn Phương Uyên và bị từ chối chắc cũng phải khen tặng bị cáo có một không hai này.

Ghi điểm cho phiên tòa này cũng dành cho đại diện VKSNDTC và cho các thẩm phán trong HĐXX, bởi vì các vị đã làm được điều mà các đồng nghiệp của quí vị không dám làm. Theo dõi diễn biến của phiên tòa qua thông tin trên mạng, tôi chia sẻ với các quí vị đã làm điều xưa nay chưa từng có. Là công chức tòa án hay VKS chấp hành mệnh lệnh từ trước đến nay, quí vị đã trình diễn trong một vụ án mà công lý XHCN có dấu hiệu của sự độc lập tương đối nào đó. Lãnh đạo của quí vị ở quí tòa và quí viện khi tiếp khách nước ngoài có thể cho EU hay Hoa Kỳ thấy sự “độc lập” trong khi xét xử khá là mong manh đấy chứ. Đứng dưới góc độ của hai bị cáo Phương Uyên, Nguyên Kha, việc chấp nhận luận cứ của cả hai em để rút lại hay chuyển đổi tội danh, công nhận các bị cáo này có lý là một việc làm vẫn rất là hiếm hoi, càng hiếm hoi trong những vụ án mà áp lực của dư luận trong và ngoài nước là rất lớn.

Đến đây lại thấy quyết định từ chối luật sư của Phương Uyên và Nguyên Kha là điều rất hay. Thật vậy, việc các luật sư giữ quan điểm bảo vệ cho hai em và biện hộ cho hai em vô tội là điều hoàn toàn đúng. Do đó nếu phải linh động chuyển đổi tội danh như Phương Uyên và Nguyên Kha đã làm sẽ là một điều gây bối rối cho các luật sư trong phiên tòa cấp phúc thẩm. Thật vậy tại cấp sơ thẩm đã bào chữa vô tội cho bị cáo nên khi lên phúc thẩm luật sư cũng phải theo quan điểm biện hộ như cấp sơ thẩm. Điều đáng khen ngợi Phương Uyên là em đã “lái” được phía công tố sang buộc tội chính em theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự và chấp nhận bị xử phạt theo điều này càng cho thấy ở Phương Uyên có bản lãnh hiểu biết pháp lý và chính trị của em khi chuyển hướng tội danh chấp nhận được để phía công tố không phải... trắng tay trong vụ án.

So với các vụ án hình sự kết án những công dân yêu nước, đấu tranh cho dân chủ cho dân tộc và đất nước này, tất cả chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng và mãn nguyện và cầu mong các vụ án tương tự trong tương lai thì cái thế tam giác: phía bị cáo, luật sư - công tố, đại diện VKS - HĐXX sẽ làm được các điều mà trong vụ án ngày 16/8/2013 đã làm được. Khi đó các lãnh đạo VN sẽ mạnh dạn hơn khi đối thoại và tiếp xúc với giới trí thức, dân oan về điều mà các công chức dưới quyền họ đã làm được trong vụ án Phương Uyên - Đinh Nguyên Kha vừa qua.

Để kết luận về công lý lạ lẫm sẽ thành quen qua bản án ngày 16 tháng 8 năm 2013, chúng ta còn cần phải lưu tâm các điểm sau:

Cần phải xem lại biên bản phiên Tòa ngày 16 tháng 8 năm 2013, điều này bị cáo có quyền yêu cầu. Sau đó cần phải có bản án, sẽ được cấp cho Phương Uyên, Nguyên Kha 10 ngày sau khi có án tuyên.

Cần phải xem lại bản án có hình phạt bổ sung về quản chế hay không? Đối với bản án 3 năm tù treo là tội ít nghiêm trọng thì không bị quản chế?! Căn cứ Điều 38 Bộ Luật Hình sửa đổi.

Cần hết sức lo ngại việc bản án nếu bị phía công tố kháng nghị giám đốc thẩm bản án, thì... bản án được tất cả chúng ta quan tâm sẽ lại mang đến sự thất vọng cho chúng ta. Khả năng này là rất ít nhưng nếu phe bảo thủ thắng thế thì mọi điều có thể xảy ra. Hãy vui vì nền công lý của chúng ta đã đi được một bước dài và mong rằng tình hình sẽ là không thể đảo ngược lại được. Mong lắm thay.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo