Phóng Sự Lao Động Việt: Sinh viên nghèo lao động vất vả kiếm cơm - Dân Làm Báo

Phóng Sự Lao Động Việt: Sinh viên nghèo lao động vất vả kiếm cơm

Hồng Hạc (Lao Động Việt) - Trong giới sinh viên thì số lượng sinh viên nghèo, nhiều lắm. Rất nhiều sinh viên phải bươn chải làm nhiều việc bán thời gian, thậm chí làm ca đêm. Bị giới chủ trả tiền công với mức rẻ bèo là hiện tượng phổ biến.

"Bưng cơm không lương, chủ cho ăn no để chiều đi học"

Tuấn, sinh viên năm nhất đại học kinh tế Sài Gòn, kể: “Trong thành phố này, mọi thứ đều đắt đỏ kinh khủng, mà cháu thì sinh viên ở quê lên tỉnh, chân ướt chân ráo, quờ đâu cũng thấy tốn tiền, phải đi làm thêm thôi!”.

“Lúc đầu đi bưng cơm cho quán sinh viên phía trước ký túc xá, không có lương bổng gì, cứ làm vậy, bưng xong cơm cho bạn bè, được chủ cho một dĩa cơm ăn no bụng để chiều lại đi học. Làm được gần hai tháng, cháu liên lạc kiếm việc khác. Hiện nay cháu đang làm việc cho nhóm nấu tiệc cưới khá nổi tiếng ở sài Gòn, mức lương cũng đỡ hơn, mỗi ngày kiếm được 50 ngàn đồng”.

“Cháu làm một buổi thôi, nhưng thực chất không phải một buổi, sáng cháu đi học, đến trưa thì vào chỗ làm, bưng bê thức ăn lên xe, theo xe đến nơi tổ chức tiệc, có khi đi xa cả mấy chục cây số, đến 23h đêm mới về đến phòng trọ. Buổi chiều được chủ cho ăn một ổ bánh mì thịt lúc 18h. Nói chung là rất mệt, nhưng có việc là quá tốt rồi. Mỗi tuần cháu đi làm ba buổi”.

"Bị trung tâm giới thiệu việc làm lừa"

“Tuy công việc nặng vậy chứ nhiều bạn xin cũng không được đó, vì nhiều bạn đi dạy, tưởng là ngon ăn, ai dè bị trung tâm giới thiệu việc làm nó lừa, lấy tiền thế chân xong, nó chỉ bậy bạ, mình dạy được một buổi là nghỉ luôn, cuối cùng, tiền mất tật mang. Thử hỏi trong thành phố này có quá đông giáo viên, sinh viên như vậy, lấy đâu cơ hội cho những sinh viên mới vào trường như mình chứ!”.

"“Thường thì bưng cơm bình dân ở Tân Bình, vì chủ cũng nghèo nên họ thông cảm, trả lương sòng phẳng, còn lại toàn là tào lao, " sinh viên Trung

Cùng tâm trạng với Tuấn, Nguyễn Thanh Trung, sinh viên năm thứ ba đại học khoa học xã hội và nhân văn Sài Gòn, kể: “Đi làm kiếm sống giữa đất Sài Gòn này cũng thiên hình vạn trạng lắm, cũng cười ra nước mắt lắm!”.

“Thường thì sinh viên đi bưng cơm cho các quán cơm bình dân ở khu vực Tân Bình là dễ chịu nhất, vì chủ quán cơm cũng là lao động nghèo, nên họ dễ thông cảm, trả lương sòng phẳng, còn lại thì miễn bàn, toàn là tào lao, không ép cách này cũng ép cách khác, chỗ nào sòng phẳng thì mức lương quá thấp, chỗ nào hứa trả lương cao thì cù chì cù mài không dễ gì lấy được đồng bạc…”.

Sinh viên miền Trung và Hà Nội khó kiếm việc làm thêm hơn so với sinh viên miền Nam, nhưng bù vào đó, lượng sinh viên miền Trung ít hơn và giá thành ở miền Trung cũng dễ thở hơn, sinh viên miền Bắc như ở Hà Nội chẳng hạn, lượng sinh viên khó khăn cũng thấp hơn so với miền Nam, việc kiếm chỗ làm thêm dễ chịu hơn nhiều.

Hà, sinh viên năm cuối đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Công việc làm thêm ở Hà Nội cũng vất vả lắm, nhưng mức lương có cao hơn miền Nam, dễ thở hơn, ví dụ như cháu đi bưng cà phê, từ 5h chiều đến 11h tối, mỗi ngày được trả 50 ngàn đồng, được cho ăn một bữa cơm tối, nói chung là sống được”.

Hồng Hạc, Lao Động Việt

* GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo