40 năm hải chiến Hoàng Sa - Dân Làm Báo

40 năm hải chiến Hoàng Sa

“40 năm đã trôi qua, nhưng chúng tôi không thể nào quên được trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Nhiều đồng đội của chúng tôi đến giờ vẫn còn lại dưới đáy sâu vùng biển này. Thân xác và hương hồn những người lính Việt đã hòa với cát đá, sóng gió đại dương để mãi mãi khẳng định rằng nơi này chưa một ngày nào chia lìa Tổ quốc...”.

Trần Nhật Vy - Quốc Việt (Tuổi Trẻ Online) - Ngày 11-1-1974, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Kèm theo những lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Quốc phái nhiều tàu đánh cá võ trang và tàu chiến xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Ngày hôm sau 12-1-1974, ngoại trưởng Việt Nam cộng hòa (VNCH) Vương Văn Bắc đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Quốc. Đồng thời, Bộ tư lệnh hải quân VNCH khẩn cấp tăng cường chiến hạm tuần tiễu tại vùng biển Hoàng Sa.

Đổ bộ, cắm cờ và khiêu khích

Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải, viết trong hồi ký: “Vào ngày 15-1-1974, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ16), hạm trưởng là trung tá Lê Văn Thự, được lệnh đưa địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam và nhân viên khí tượng ra Hoàng Sa để thay thế toán đang ở ngoài đó hết nhiệm kỳ. Cùng đi còn có hai sĩ quan công binh đi theo tàu để nghiên cứu việc tu sửa lại cầu tàu tại Hoàng Sa và một người Mỹ tên Gerald Kosh xin đi để biết đảo Hoàng Sa... Khi chiến hạm vừa khởi hành, tôi được báo cáo từ Hoàng Sa là thấy một vài ghe đánh cá xuất hiện rất gần bờ tại đảo Pattle. Tôi liền chuyển tin tức đó cho chiến hạm HQ16”.

Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa (Duncan) - nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974

Sáng 16-1, đến đảo Pattle (Hoàng Sa), HQ16 cho bốn nhân viên cơ hữu dùng xuồng chở sáu người trong đoàn công binh lên đảo do thiếu tá Hồng chỉ huy và trong khi chờ đoàn công binh trở lại tàu, hạm trưởng HQ16 “thấy trên đảo Quang Hòa bốn năm người ăn mặc như thường dân, có người ở trần, đi lại gần một dãy nhà đang cất dở dang”. Hạm trưởng Thự liền hỏi bộ chỉ huy và được biết trên đảo này không có “quân ta”.

Đến trưa 16-1-1974, HQ16 lại thấy “một chiến hạm Trung Quốc xuất hiện trong vùng”. Trung úy Đào Dân, sĩ quan phụ tá trên HQ16, ra lệnh đánh tín hiệu nhưng tàu lạ im lặng. Ông viết trong hồi ký: “Tôi liền hội ý với hạm trưởng và khai hỏa đại liên 30 li cố ý đuổi nó ra khỏi vùng đảo nhưng tàu lạ vẫn không nhúc nhích”. HQ16 tiến gần hơn khoảng 500m thì thấy rõ lá cờ Trung Quốc. Một mặt HQ16 báo cáo về bộ chỉ huy, một mặt dùng tay, cờ và loa phóng thanh tiếng Hoa “yêu cầu ra khỏi hải phận Việt Nam”. Lúc đó tàu Trung Quốc không trả lời, nhiều người lên boong tàu, “đa số mặc quần cụt, áo thun, một số mặc quân phục”. Mãi một lúc lâu, tàu Trung Quốc cũng lên tiếng “yêu cầu ngược lại”. Đồng thời, “nhiều tàu cá xuất hiện cạnh đảo Money và hàng trăm lá cờ Trung Quốc cắm rải rác dọc bờ cát trắng”.

Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng này, trung tá Thự phải báo cáo về bộ tư lệnh hải quân và xin được tăng viện. Khu trục hạm Trần Khánh Dư số hiệu HQ-4, do trung tá Vũ Hữu San làm hạm trưởng, được lệnh khẩn cấp hành quân ra Hoàng Sa.

40 năm đã trôi qua, cựu thượng sĩ Trần Dục hiện đang sống ở Huế vẫn không thể quên được cuộc hành quân đặc biệt này. “Khoảng giữa tháng 1-1974, khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư sắp hoàn thành nhiệm vụ tuần tra biển vùng 1 và chuẩn bị vào bờ. Đang tính toán lên bờ Đà Nẵng sẽ mua sắm quà tết gì cho gia đình thì bất ngờ nhận nhiệm vụ mới ở Hoàng Sa. Anh em binh sĩ, thủy thủ đoàn chưa rõ tình hình nhưng đoán nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi tết nhất rồi mà còn phải hành quân khẩn cấp chắc chắn phải có lý do quân sự”. Ông Dục lúc ấy là quản trưởng có trách nhiệm thay mặt hạm trưởng sắp xếp, điều động toàn bộ nhân sự trên tàu.

Cuộc hành quân lúc 0 giờ

Công tác chuẩn bị của khu trục hạm Trần Khánh Dư rất gấp rút. Buổi chiều, hạm trưởng San lên bờ họp trong khi bộ phận còn lại hối hả tiếp liệu, lương thực, đạn dược... Khoảng nửa đêm 16-1, tàu quay mũi rời Đà Nẵng hướng ra Hoàng Sa. Ngoài binh sĩ cơ hữu, tàu chở thêm một trung đội biệt hải do đại úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy. HQ-4 là chiến hạm thuộc lớp hiện đại nhất thời điểm ấy của hải quân VNCH nên tốc độ khá cao. Khoảng trưa 17-1, khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư đã gia nhập với tuần dương hạm HQ16 Lý Thường Kiệt có mặt từ trước.

Tư lệnh vùng 1 duyên hải Hồ Văn Kỳ Thoại “chỉ định trung tá Vũ Hữu San giữ chức vụ chỉ huy chiến thuật (OTC-officer in tactical command) phân đội hoạt động vùng Hoàng Sa, gồm tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ16) và khu trục hạm Trần Khánh Dư”. Trung úy hải quân Đào Dân kể: Vừa nhập vùng, HQ-4 hành động ngay. HQ-4 từ phía nam đảo Money chạy lên, HQ16 từ đảo Pattle chạy xuống kềm chặt hai chiếc tàu Trung Quốc vào giữa. Hai bên đấu khẩu nhau. Cuối cùng HQ-4 nổ máy đâm thẳng tàu địch đuổi nó ra khơi”.

Tàu cá vũ trang Trung Quốc cản đường chiến hạm VN tiến vào Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

Là một trong những sĩ quan thường xuyên có mặt trên đài chỉ huy cùng hạm trưởng San, cựu trung úy Phạm Ngọc Roa (hiện sống ở Lâm Đồng), phụ tá sĩ quan hải hành, kể: “Hạm trưởng San là một người thẳng thắn và nóng tính, sẵn sàng thực hiện ngay việc mình xác quyết là đúng. Trung tá San lệnh dùng cờ, quang hiệu lẫn loa phát tiếng Việt, Trung, Anh để đuổi tàu Trung Quốc. Lúc đầu tàu Trung Quốc còn im lặng, đậu lì. Sau đó họ cũng trả lời dối trá lại đây là vùng chủ quyền Trung Quốc, yêu cầu tàu VNCH phải rời ngay lập tức. Hai bên vờn nhau mãi không giải quyết được gì, trung tá San cảnh báo, rồi ra lệnh bẻ lái ủi thẳng vào chiếc tàu giả trang ngư nghiệp 407 của Trung Quốc theo hướng đẩy ra xa đảo. Mũi khu trục hạm Trần Khánh Dư cao lớn hơn, chồm lên đè bể một phần buồng lái chiếc tàu 407 làm nó và một chiếc gần đó hoảng sợ, phải lùi ra xa.

Ông Dân mô tả “Trước thái độ quyết liệt của HQ-4, tàu địch bỏ chạy về phía nam của hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa. Sau khi đuổi hai tàu địch, HQ-4 đổ bộ khoảng 20 người nhái lên đảo Money dẹp cờ Trung Quốc, cắm cờ VN. Còn HQ16 chuẩn bị đổ bộ 15 nhân viên cơ hữu lên đảo Robert do trung úy Lâm Trí Liêm chỉ huy. Toán này mang vũ khí đầy đủ, lương thực khô vài ba ngày”.

Thượng sĩ giám lộ Lữ Công Bảy trên HQ-4 kể: “Trung đội biệt hải lên đảo Vĩnh Lạc không phát hiện gì ngoài vài nấm mộ hình như mới đắp, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi chữ Trung Quốc với ngày sinh và chết mấy chục năm trước. Các chiến sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ lên, chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây là những nấm mộ ngụy tạo...”.

Đêm 17 rạng 18-1 là đêm cực kỳ căng thẳng. Phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích. Các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. Tàu HQ-4 và HQ16 dùng tín hiệu cảnh cáo: “Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay!”. Phía Trung Quốc đáp trả rằng Hoàng Sa là của họ!

TRẦN NHẬT VY - QUỐC VIỆT

* Trung tá hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San - Ảnh tư liệu

Sáng 17-1, theo nhà nghiên cứu Trần Đỗ Cẩm, “HQ16 quay lại đảo Cam Tuyền thấy hai tàu Trung Quốc vẫn còn đó. Ngoài ra, gần đảo Vĩnh Lạc (Money) lân cận cũng có tàu Trung Quốc xuất hiện với hàng trăm lá cờ Trung Quốc cắm rải rác dọc bãi cát trắng. Hạm trưởng HQ16 liền báo cáo “hai tàu cá Trung Quốc không tuân lệnh của chiến hạm VNCH ra khỏi lãnh hải VN và xuất hiện hai tàu chở quân của Trung Quốc đến gần đảo và trên bờ có cắm nhiều cờ của Trung Quốc”. Nhận được báo cáo, đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ra lệnh cho HQ16 đổ bộ nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc để triệt hạ cờ Trung Quốc.

Trung tá Thự cho một toán đổ bộ gồm một trung úy và 14 đoàn viên của chiến hạm trang bị M79 và súng cá nhân lên bờ bằng xuồng cao su để nhổ hết cờ Trung Quốc mới cắm và thay bằng cờ Việt Nam.

Các chiến hạm Việt Nam tăng viện, được lệnh phải giành lại các đảo vừa bị quân Trung Quốc đổ bộ xâm chiếm.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo