Kính gửi: BBT Dân Làm Báo
Ngày 26-3 tại Hà Nội, trong cuộc hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới” do trường Đại học kinh tế Quốc dân, và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, Giáo sư Kenichi Ohno đã khẳng định: “Ngày nay, sau một vài năm đạt mức thu nhập trung bình thấp, bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi, mà đã trở thành thực tế ở Việt Nam”.
Và chuyến đi Nhật của Chủ tịch nước vừa qua là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã rơi vào bẫy Thu nhập Trung bình.
Điều làm tôi đau buồn và chua xót hơn nữa là sự kiện này làm tôi nghĩ nhiều về Trần Huỳnh Duy Thức. Con trai tôi đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ này từ những năm 2006 và đã liên tục nhắc lại nhiều lần tại phiên toà, trong đơn kháng cáo. Giờ thì nguy cơ đã trở thành hiện thực.
Trải qua gần 5 năm kể từ khi con tôi bị kết án đến nay, tôi không ngừng gửi đơn kêu oan và đơn đề nghị Giám đốc thẩm đến các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng chỉ nhận được sự hồi đáp không thoả đáng và vô căn cứ.
Nay tôi gửi đến BBT Dân Làm Báo nhờ phổ biến với mong muốn quý độc giả ủng hộ và kêu gọi các cơ quan chính quyền có trách nhiệm ban hành Kháng nghị Giám đốc thẩm để trả lại sự công bằng cho Trần Huỳnh Duy Thức.
Tôi tin rằng lẽ phải cuối cùng sẽ chiến thắng và con tôi sẽ được tự do.
Xin chân thành cám ơn BBT Dân Làm Báo đã hỗ trợ quảng bá.
Trần Văn Huỳnh.
PS: Đính kèm là công văn trả lời của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao 4290/VKSTC-V3 v/v trả lời thư khiếu nại - ngày 28/11/2013.
*
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*********
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 01 năm 2014
Kính gửi:
- Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
- Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
- Vụ 3 thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
Đồng kính gửi:
- Chủ tịch Nước
- Chủ tịch Quốc hội và quý Đại biểu Quốc hội
- Thủ Tướng chính phủ
- Trưởng ban nội chính trung ương
Về việc: Yêu cầu giám đốc thẩm cho Trần Huỳnh Duy Thức
Tôi tên Trần Văn Huỳnh, sinh ngày 29/11/1937, nguyên là giáo viên Anh văn thuộc Sở Giáo dục TP. HCM, được chuyển về Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM công tác tại Phòng Văn hóa Đối ngoại từ năm 1989 đến năm 2001 nghỉ hưu, hộ khẩu thường trú tại số 362/532C đường Trường Chinh, Phường 13, Quận Tân Bình, hiện ngụ tại số 439F8 Phan văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
Tôi gửi đơn này yêu cầu giám đốc thẩm đối với 2 bản án: Số 19/2010/HSST tuyên ngày 20/01/2010 tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP.HCM (dưới đây gọi tắt là Bản án Sơ thẩm) và Số 254/2010/HSPT tuyên ngày 11/05/2010 tại phiên tòa phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tối cao tại TP.HCM (dưới đây gọi là Bản án Phúc thẩm) kết án con tôi – Trần Huỳnh Duy Thức (dưới đây gọi là con tôi) – phạm tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS).
Đã trải qua gần 5 năm kể từ ngày con tôi bị bắt giữ và kết án, tôi đã lần lượt gửi đơn kêu oan đến Chủ tịch nước (CTN) và Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đề xin Giám Đốc thẩm vào các lần:
· Đơn kêu oan lần 1 ngày 5 tháng 4 năm 2011
· Đơn kêu oan lần 2 ngày 4 tháng 5 năm 2011
· Đơn kêu oan lần 3 ngày 20 tháng 6 năm 2011
· Đơn đề nghị Giám đốc thẩm vào ngày 1 tháng 6 năm 2011
· Đơn kêu oan lần 4 ngày 19 tháng 6 năm 2013.
Và tôi nhận được thông báo số 4290/VKSTC-V3 ngày 28 tháng 11 năm 2013 v/v trả lời đơn kêu oan lần 4 ngày 19 tháng 6 năm 2013 theo công văn số 1065/VPCTN-PL ngày 15/08/2013 từ Văn Phòng Chủ tịch nước chuyển đơn của tôi đến VKSNDTC.(Đính kèm)
Nội dung trả lời của VKSNDTC là việc làm tiếp tục thiếu khách quan và không dựa vào pháp luật, mang tính chủ quan của cá nhân, né tránh vấn đề và thể hiện sự thiếu tôn trọng luật pháp.
Những căn cứ trong thông báo nêu ra để nói rằng không có cơ sở để giám đốc thẩm là hoàn toàn không dựa vào quy định của BLTTHS và điều 273 BLTTHS, mà chỉ nêu ra nhận định chủ quan.
Thông báo chỉ dựa vào hồ sơ (bút lục) tại cơ quan điều tra, rồi đưa ra kết luận là: “Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Trần Huỳnh Duy Thức về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan, không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.
VKSNDTC trả lời như vậy là không đúng vì BLTTHS qui định việc xét xử phải dựa trên lời nói, bằng lời nói và những chứng cứ phải được xem xét toàn diện đầy đủ tại tòa
Điều quan trọng là đã có nhiều những vi phạm nghiêm trọng các thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra và cả xét xử, do vậy những gì được lưu trữ trong hồ sơ vụ án này bằng giấy tờ thì không thể đảm bảo tính khách quan.
Thông báo trả lời này không được gửi đến văn phòng chủ tịch nước là nơi chuyển đơn của tôi đến VKSNDTC và lại do 1 kiểm soát viên thừa ủy quyền ký thông báo.
Theo qui định của điều 273 BLTTHS thì ngay cả khi bản án đã có hiệu lực thì vẫn phải tiến hành Giám Đốc Thẩm bản án nếu xét thấy có một trong những lý do nêu sau đây:
1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;
2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;
4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.
Tôi xin làm rõ các lý do này như sau:
1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ: thông qua diễn tiến phiên toà cho thấy việc điều tra xét hỏi tại toà không được tôn trọng.
a. Luật sư không được và có cơ hội biện hộ cho bị cáo.
Cả 2 phiên tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm đã không tuân thủ các qui định của pháp luật về tố tụng hình sự, có sự không vô tư của chủ tọa phiên tòa và một số thành viên của Hội đồng Xét xử (HĐXX) nên nó đã không đảm bảo được quyền bình đẳng trước tòa án giữa các bị cáo, người bào chữa với các kiểm sát viên như yêu cầu tại Điều 19 của BLTTHS trong việc đưa ra chứng cứ tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa án. Do vậy phiên tòa này đã không thể xem xét tất cả các tình tiết của vụ án để có thể xác định được sự thật của nó một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội như yêu cầu tại Điều 10 và Điều 66 của BLTTHS. Tại phiên tòa, con tôi cùng các bị cáo khác và cả những luật sư bào chữa đã liên tục bị ngắt lời khi phát biểu, trả lời xét hỏi và tranh luận dù rằng tất cả các ý kiến đều liên quan đến vụ án; thời gian tranh luận đã bị hạn chế; cả lời nói cuối cùng của bị cáo cũng bị cắt. Những điều này đã làm cho phiên tòa không đảm bảo được tính pháp lý cần có theo luật định.
b. Các bằng chứng bảo vệ cho bị cáo cũng không được xem xét tại toà.
Trong quá trình điều tra có yêu cầu cơ quan điều tra in ra các tài liệu là chứng cứ xác định vô tội đối với con tôi trong các hộp thư điện tử bị thu giữ tài khoản và mật khẩu nhưng không được đáp ứng. Tại phiên tòa Phúc thẩm con tôi đã trình bày vấn đề này trước HĐXX, đồng thời yêu cầu được đưa ra những chứng cứ xác định vô tội mà con tôi có được. Nhưng HĐXX phúc thẩm đã hoàn toàn không để ý đến yêu cầu này, và cũng không trả lời yêu cầu chính đáng được pháp luật bảo vệ của con tôi.
Đây rõ ràng không chỉ là việc không đảm bảo các thủ tục tố tụng mà còn dẫn đến chứng cứ của vụ án bị sai lệch, không đầy đủ và thiếu khách quan.
c. Không có giám định khách quan và tranh luận cho việc tìm ra sự thật để có thể có được kết luận đúng đắn.
Một loại chứng cứ khác mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng để kết tội con tôi là kết quả giám định về văn hóa đối với nội dung các tài liệu mà con tôi làm ra. Trong đơn kháng cáo con tôi cho rằng kết quả giám định này không đảm bảo pháp luật và đề nghị HĐXX phúc thẩm yêu cầu người giám định ra tranh luận tại tòa. Nhưng yêu cầu này cũng không được đáp ứng mà cũng không hề giải thích lý do.
2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án:
a. Tùy tiện thay đổi đối tượng khách thể của Điều 79 BLTTHS: Tôi muốn nói đến đối tượng của điều luật. Xem xét vấn đề dưới góc độ khoa học, những lập luận mà các bản án đưa ra hoàn toàn không đảm bảo tính biện chứng. Mà những vấn đề biện chứng là cơ sở khoa học căn bản cho việc xây dựng luật pháp của Việt Nam. Vì không đảm bảo tính biện chứng khoa học nên các bản án, cáo trạng và cả kết luận điều tra đã tạo ra những mâu thuẫn, rất vô lý và phi thực tế.
b. Không đảm bảo tính khoa học trong việc chứng minh tội phạm: Việc thay đổi tùy tiện đối tượng khách thể của Điều 79 BLTTHS còn tạo ra sự bế tắc khi xem xét vấn đề dưới góc độ khoa học luật về tội phạm. Quan hệ biện chứng của diễn biến tội phạm phải là: từ mục đích phạm tội hình thành nên hành vi phạm tội; hành vi này được thực hiện sẽ gây ra hậu quả phạm tội. Phải có hậu quả hoặc hậu quả có thể xảy ra nếu hành vi được thực hiện đầy đủ (trong trường hợp phạm tội chưa đạt) thì mới hình thành nên tội phạm. Đây là điều bắt buộc trong quan hệ biện chứng một cách khoa học. Trong vụ án này, các việc làm của những bị cáo nhằm thay đổi các vấn đề do Hiến pháp qui định đã bị qui kết thành những hành vi phạm tội bằng cách thay đổi mục đích phạm tội theo đúng Điều 79 BLTTHS qui định: từ “nhằm lật đổ một chính quyền nhân dân nào đó” thành “nhằm thay đổi thể chế chính trị, cơ chế kinh tế” – tức là thay đổi các vấn đề do Hiến pháp qui định. Chính điều này đã dẫn đến sự mâu thuẫn.
3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử: Tại phiên tòa Sơ thẩm con tôi đã nhiều lần trình bày bị truy bức nhục hình trong quá trình điều tra nên những chứng cứ bằng lời khai tại cơ quan điều tra không đảm bào tính khách quan. Nhưng HĐXX sơ thẩm đã không hề quan tâm xem xét đến ý kiến này của con tôi.
a. Không chứng minh được diễn biến của hành vi phạm tội: Điều này đòi hỏi chứng minh được người phạm tội đã chuẩn bị như thế nào, công cụ gây án là gì, gây án bằng cách nào và cách đó làm sao tạo ra được hậu quả.
b. Sử dụng các khái niệm không được luật hóa, không được định nghĩa một cách rõ ràng để qui kết tội phạm: Phương thức “Bất bạo động”, âm mưu “Diễn biến hòa bình” được nêu ở đây là gì và làm sao chúng có thể lật đổ được chính quyền nhân dân nào đó. Bất bạo động, diễn biến hòa bình thì hoàn toàn chưa được luật hóa tại bất kỳ văn bản luật nào của Việt Nam.
4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự: Việc kết án không đúng điều luật vì những cơ sở để kết án hoàn toàn không đủ bằng chứng dựa trên luật.
Khách thể của điều luật là không có. Không có chính quyền nhân dân nào là đối tượng bị xâm hại. Cả hai Bản án Sơ thẩm và Bản án Phúc thẩm đều không chỉ ra được chính quyền nhân dân nào mà con tôi hành vi hướng đến lật đổ. Điều này cũng tương tự như một bản án kết tội ai đó phạm tội giết người nhưng không hề đưa ra tên và mô tả người bị hại.
Thật bất công và oan cho con tôi khi những hành động bị quy là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” tựu trung chỉ là những đóng góp thiết thực và xây dựng. Đến nay những dự báo và đóng góp đó đã minh chứng cho sự nghiên cứu và nhận định của con tôi là chính xác. Việc cuốn sách “Trần Huỳnh Duy Thức và Con đường nào cho Việt Nam” đã là bằng chứng sống động và hùng hồn nhất cho sự vô tội của con tôi. Ngay vào lúc này, sau gần 5 năm ở tù một cách oan trái, con tôi vẫn tin tưởng vào pháp luật, vào tương lai của đất nước, luôn lạc quan hướng về phía trước mà không hề oán trách. Và con tôi vẫn luôn tin tưởng vào những việc mình làm, tin tưởng chúng sẽ được nhìn nhận một cách đúng đắn. Con tôi chưa bao giờ mất đi lòng tin vào những điều tốt đẹp trong suốt gần 5 năm qua.
Qua những gì đã trình bày như trên, tôi thấy hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để đưa vụ án này ra xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm để trả lại sự vô tội cho con tôi. Kể từ phiên tòa Phúc thẩm, gia đình tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, với tinh thần trách nhiệm cao không chỉ đối với con tôi mà còn đối với pháp luật và đất nước. Gia đình tôi thấy rõ, một cách đúng pháp luật, những việc làm của con tôi không vi phạm pháp luật. Không những vậy, đó còn là những việc làm đáng trân trọng.
Ngày 23 và 24/12/2013 vừa qua, Chủ tịch nước (CTN) đã làm việc với TANDTC và VKSNDTC. Tôi nhận thấy chủ đề tập trung chính của CTN với hai nơi này trong năm nay là chống oan sai, nhất là nâng cao hiệu quả giải quyết các đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm. CTN nhấn mạnh như vậy và khẳng định rằng Tòa Án phải thực sự mang lại công lý và chỉ bảo vệ công lý. Đây là nguyên tắc rất đúng đắn và sáng suốt về pháp quyền. Điều này sẽ ngăn cản các cơ quan tư pháp viện dẫn bảo vệ những mục tiêu ngoài pháp luật quy định.
Vì tất cả những lẽ trên, bằng đơn này tôi chính thức yêu cầu ông Viện trưởng VKSNDTC và ông Chánh án TANDTC xem xét lại vụ án này theo thủ tục giám đốc thẩm.
Kính thưa quý vị
Tôi xin được gửi đơn này đến tất cả quý vị với tư cách là những người đứng đầu Cơ quan quyền lực cao nhất nước – nơi làm ra những bộ luật bảo vệ nhân dân, đất nước; và thi hành cũng như giám sát việc thực hiện luật pháp. Kính mong quý vị bằng vào quyền hạn và trách nhiệm của mình xem xét và làm những gì cần thiết để giúp con tôi được xét xử Giám đốc thẩm vụ án này đúng theo luật định.
Xin trân trọng cảm ơn.
Dù trong tù nhưng con tôi luôn động viên tôi và gia đình, cho rằng những vấn đề mà con tôi gặp phải trong vụ án này cũng là bình thường trong quá trình phát triển của đất nước. Con tôi luôn tin tưởng rằng vấn đề sẽ được nhanh chóng làm sáng tỏ, không chỉ với con tôi mà còn đối với việc thực thi pháp luật của đất nước. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng chính phủ có nêu ra: "Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép". Điều đó cho thấy việc tôn trọng quyền con người và khẳng định quyền làm chủ của nhân dân được đưa ra để giải quyết các vấn đề của đất nước dựa trên Hiến pháp 2013. Chúng ta phải tôn trọng cơ sở này. Nên khi bác đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án, tôi đề nghị phải dựa trên luật và Hiến pháp 2013. Nhờ niềm tin đó mà tôi đã viết đơn này, và cũng chính bằng niềm tin đó, để thể hiện niềm tin đó đến Quí Vị quan tâm giải quyết vấn đề theo đúng pháp luật, đúng tinh thần Nhà nước pháp quyền - tinh thần “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” như tuyên bố tại Điều 2 Hiến pháp.
Tôi xin được kính đơn cũng bằng tinh thần và niềm tin như vậy.
Xin trân trọng kính chào.
Đính kèm bản sao:
1. Đính kèm công văn số 4290/VKSTC-V3 v/v trả lời thư khiếu nại - ngày 28/11/2013
2. Bản án sơ thẩm số: 19/2010/HSST ngày 20/01/2010
3. Bản án phúc thẩm số: 254/2010/HSPT ngày 11/05/2010
Kính đơn,
Trần Văn Huỳnh