Hà Nội tiếp tục Phong trào Không Bán Nước - Dân Làm Báo

Hà Nội tiếp tục Phong trào Không Bán Nước

CTV Danlambao - Mặc dù Trung cộng đã dời giàn khoan HD981 khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 15.7, sớm hơn 1 tháng so với thông báo trước đó của nước này với lý do muốn tránh các rủi ro có thể xảy ra khi cơn bão Rammasun (Thần Sấm) tiến vào Biển Đông, song, ý thức được hành vi xâm lược của Trung cộng luôn hiện hữu và không chỉ giới hạn bởi HD 981, một số nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội đã tiếp tục “Phong trào Không Bán Nước” bằng việc đi đến các tụ điểm công cộng, tiếp cận với người dân để phát nước miễn phí, phát tờ rơi và gửi đi thông điệp yêu nước cũng như thể hiện trách nhiệm công dân của mình với Tổ quốc.

Đây cũng là lần thứ ba sự kiện này được diễn ra tại Hà Nội. Trước đó phong trào Không Bán Nước cũng đã được thực hiện tại Sài Gòn, Hải Phòng và Nha Trang.

Trao đổi với cộng tác viên Dân Làm Báo, anh Bạch Hồng Quyền, một người năng động với các phong trào đấu tranh bất bạo động đường phố cho biết:

“Yêu nước không chỉ là bản năng của mỗi người dân. Nó còn là bổn phận, trách nhiệm và tình cảm của mình. 

Việc Trung cộng rút giàn khoan HD981 không thể được coi là một lý do để chúng ta ngừng các hoạt động thể hiện tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo. HD981 đã hiện hữu trên vùng biển Việt Nam, làm nhức nhối bao trái tim của con dân Việt Nam. Đồng thời, qua việc ngang nhiên "đến" và "đi" của HD981, Trung cộng đã gián tiếp gửi một thông điệp đến thế giới xem như biển Đông là sân nhà của họ. Hơn nữa, đâu phải chỉ có HD 981! Trong nhiều năm trở lại đây Trung cộng đã từng bước xâm lược Việt Nam và đương nhiên sẽ tiếp tục. 

Trong khi đó, chúng tôi và rất nhiều người dân Việt Nam yêu nước khác đã từng bị bắt giữ trái phép, bị đánh đập, bị theo dõi, bị vu khống chỉ vì tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa chống xâm lược Trung cộng, thể hiện lòng yêu nước và tri ân với thế hệ tiền nhân đã ngã xuống để bảo vệ máu thịt của Đất nước này. 

Đây là lần thứ hai tôi tham gia hưởng ứng Phong trào Không Bán Nước và rất mong sẽ có nhiều người cùng đồng hành với mình. Đó cũng là một việc làm nhỏ bé mà tôi và các bạn khác có thể làm được trong lúc này. Tuy nhỏ bé nhưng chúng tôi tin rằng đây là một việc làm cần thiết và nếu kiên trì sẽ được nhiều người hưởng ứng tham gia. Đây cũng là một hành động chính đáng để thể hiện thái độ của một công dân trước vấn đề chủ quyền quốc gia vốn là một quyền chính đáng, là nhân quyền cần được bảo vệ của mỗi công dân.”





Khi được hỏi về thái độ và phản ứng của người dân, anh Trương Văn Dũng, một người đã có rất nhiều đóng góp cho các hoạt động đấu tranh đường phố ôn hòa, cho biết:

“Khác hẳn lần truớc - tôi và các bạn đi mời nước, phát tờ rơi tới từng người - tức là chủ động tiếp cận với người dân thì lần này, khi nhóm vừa xuất hiện với khẩu hiệu KHÔNG BÁN NƯỚC, nhiều người đã chủ động tới hỏi han, làm quen. Ngoài việc nhận những ly nước và uống rất... tự nhiên, các tờ rơi do Mạng Lưới Blogger Việt Nam soạn thảo cũng rất được quan tâm.”

Một số người lớn tuổi (hưu trí) còn hỏi khá chi tiết về tổ chức dân sự này. Anh Dũng cho biết:

“Đa số người dân có phản ứng rất tích cực về việc làm này của nhóm. Không giống lần trước còn bỡ ngỡ và chưa vượt qua tâm lý e ngại, lần này chúng tôi tự tin hơn. Và chính sự hưởng ứng rất nhiệt tình của rất nhiều người dân quanh đó đã khích lệ chúng tôi rất nhiều. 

Có một câu chuyện nho nhỏ xin chia sẻ với quý độc giả Danlambao. Đó là câu chuyện về một người đàn ông chừng 50 tuổi tới xin một tờ rơi. Ông này đọc sơ nội dung rồi nói đó là những “tài liệu xấu” vì nó là của Mạng Lưới Blogger Việt Nam. 

Tôi hỏi: “ông thấy nó xấu ở chi tiết nào?” thì ông ta không trả lời được. Nhiều người phản ứng lại ông ta: “Chúng tôi không thấy nội dung nào xấu cả. Họ nói đúng. Ông không đọc thì đừng nói linh tinh”. 

Chúng tôi hy vọng Phong trào Không Bán Nước được nhiều người hưởng ứng và cùng thực hiện. Bị quản chế như cô Phạm Thanh Nghiên ở Hải Phòng còn làm được. Hay một người như cựu Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển ở Sài Gòn, hoặc như Blogger Mẹ Nấm với vòng an ninh bủa vây ở Nha Trang cũng làm. Và tôi rất ấn tượng với người đàn ông quẩy đôi quang gánh với khẩu hiểu MẤT NƯỚC LÀ CHẾT ở Sài Gòn. 

Đây là lần thứ ba sự kiện này được diễn ra tại Hà Nội và tôi đã tham gia hai lần. Chừng nào mối họa xâm lăng của Trung cộng còn hiện hữu, chúng tôi còn đấu tranh, dù chỉ là qua những việc làm thật giản dị, nhỏ bé.”









CTV Danlambao xin mượn câu nói của anh Trương Văn Dũng và một đoạn văn của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình trong bài viết “Chúng ta phải mít-tinh dã ngoại Biển Đông & thoát lời nguyền Dâng Nước 2020!” để kết thúc bản tin này:

“Chừng nào mối họa xâm lăng của Trung cộng còn hiện hữu, chúng tôi còn đấu tranh. Dù chỉ là qua những việc làm thật giản dị, nhỏ bé” - Trương Văn Dũng.

“Tại sao chúng ta không thể tiếp nối những cuộc mít-tinh dã ngoại, cà phê nhân quyền hoặc nghịch ngợm thả tín hiệu bong bóng bay, hoặc tiếp tục cuộc chơi: “Nước biển thì free, nước nhà thì không thể” chẳng hạn. Phải tiếp nối, tiếp tục cho đến khi mặt trời đen biến thành mặt trời hồng thôi, các bạn ạ.” - Nguyễn Thị Thanh Bình.

Phải tiếp tục vì MẤT NƯỚC LÀ CHẾT!



___________________________________

Bài liên quan đã đăng:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo