c- Kim Il-sung (1912--1994):
Ông ta là một nhân vật mang nhiều tính chất hào quang giả tưởng nhất trong số những nhật vật cộng sản khác, tuy mỗi người mỗi cách nhưng tựu trung cũng không ngoài mục đích tự đánh bóng cá nhân hầu đánh lừa những thế hệ sau và mãi được sùng bái như vị thánh nhân cộng sản mặc dù chính họ luôn tự hào là những người vô thần. Phần lớn những ghi nhận về cuộc đời của ông ta và dòng họ qua những bài tường thuật của cá nhân ông ta đưa ra và được ấn hành bởi chính nhà cầm quyền độc tài toàn trị của mình trong phạm vi khép kín hoàn toàn của miền Bắc Triều Tiên.
Ông ta tên thật là Kim Sŏng-ju (Kim Il-sung chỉ là cái tên cách mạng sau nầy) được sinh ra trong một gia đình khá giả (không phải là nghèo khổ như bản tiểu sử tự viết của ông ta như là một nguồn tin tuyên truyền chính thức trên trang korea-dpr “Biography of the Great Leader Kim Il-sung” (“Tiểu sử của vị Lãnh đạo Vĩ đại Kim Il-sung”), mà tác giả Andrei Lankov (Andreĭ Nikolaevich Lanʹkov) của tác phẩm “The Real North Korea: Life and Politics in the Failed Stalinist Utopia” (“Bắc Triều Tiên thực sự: Đời sống và Chính trị trong Ảo tưởng Đại đồng bị Thất bại của Stalin”) được ấn hành vào năm 2013, nơi trang 4, cũng không thừa nhận là nghèo khổ) so với cuộc sống nông thôn lúc bấy giờ với hai người em trai trong một khu làng nhỏ, dòng họ có đạo Tin Lành thuộc Giáo hội Trưởng lão của dân Ái Nhĩ Lan. Sau cuộc xâm chiếm của Nhật vào tháng 8/1910 trên toàn bán đảo Triều Tiên vốn còn trong chế độ quân chủ, đến năm 1920, lúc được 8 tuổi, gia đình cậu bé Sŏng-ju trong số những người miền Bắc Triều Tiên phải trốn chạy sang vùng Manchuria (Mãn Châu) tiếp giáp biên giới thuộc Trung Quốc --lúc bấy giờ vùng đó còn thuộc về Quốc dân Đảng, tuy không tránh khỏi có một vài nhóm cộng sản nhỏ tồn tại-- để tránh nạn đói kém (như nhiều học giả Tây phương tin là vậy, vì Nhật đàn áp rất mạnh bạo, thí dụ như chỉ trong năm 1912, đã có đến 52.000 người bị cầm tù, nhưng theo tiểu sử tự viết cho là vì gia đình ông ta có những hoạt động chống Nhật nên phải lánh nạn).
Khi định cư tại Manchuria (Mãn Châu), người cha cậu bé mở tiệm thuốc Bắc và cho con cái vào trường từ bậc tiểu học theo học bằng tiếng Trung Hoa. Khi còn đang ở trung học, người cha của chàng thanh niên Sŏng-ju sớm qua đời vào khoảng đầu năm 1926, lúc mới 32 tuổi, sau đó cậu ta bị tù vào mùa Thu năm 1929, lúc 17 tuổi, vì tham gia trong tổ chức học sinh bí mật, và tiếp theo sau là bị đuổi ra khỏi trường lúc đang theo học cấp lớp 8 (tuy thế vào thời buổi lưu vong lúc bấy giờ, không có nhiều gia đình thuộc miền Bắc Triều Tiên có thể chu cấp lo cho con cái ăn học ở bậc trung học). Đó là một nhóm nhỏ tồn tại không lâu với khoảng ít hơn 12 người, được dẫn dắt bởi một thành viên thuộc Tổ chức Thanh niên Cộng sản Mãn Châu. Sau khi ra tù vào khoảng tháng Năm, cậu ta tham gia vào nhóm du kích Cộng sản Trung Hoa được tạo nên phần chính là những thanh niên Triều Tiên để chiến đấu chống lại những Nhật vốn đang chiếm đống ở Machuria (Mãn Châu). Kế đó là người mẹ của anh ta cũng qua đời vào năm 1932, lúc anh ta được 20 tuổi, anh ta tham gia vào một nhóm du kích đang hoạt động ở làng Antu nhỏ bé thuộc hướng nam của Manchuria. Anh ta được một kỳ cựu cộng sản đàn anh, ủy viên chính trị người Trung Quốc, Wei Zhengmin vốn là người có quan hệ gần gũi với những thành viên cao cấp của Mao Zedong, dẫn dắt, nâng đỡ và dần dần nắm được những vị trí quan trọng và được đại diện đi dự Đại hội Cộng sản lần thứ 7 ở Moscow. Đây cũng là khoảng thời gian anh ta dùng cái tên Kim Il-sung vào năm 1935 --Il-sung nghĩa là “một ngôi sao”. Có nhiều nguồn tin cho là cái tên đó được dùng trước đây bởi nhà lãnh đạo kháng chiến nổi tiếng, Kim Kyung-cheon, nhưng theo tiểu sử tự viết cho là cái tên đó là của người chú của Kim Sŏng-ju đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Nhật, nên Sŏng-ju dùng cái tên đó để tưởng nhớ và vinh danh người chú mình.
Tuy nhiên, theo tiểu sử tự viết và được sửa đổi, thêm bớt nhiều lần sau nầy để trám những chổ sơ hở và khoảng trống thời gian giữa những sự việc bởi Ủy ban Tuyên truyền miền Bắc Triều Tiên:
Vào năm 13 tuổi, 1925, cậu bé Kim Sŏng-ju vượt sông Yula vào trong phía đông bắc Trung Quốc nhằm mục đích tái lập quê hương. Lúc 14 tuổi, cậu bé thành lập nhóm “Hiệp hội Lật đổ Chế độ Quân chủ”, một tổ chức thanh thiếu niên cách mạng Triều Tiên lần đầu tiên xuất hiện đặt cơ bản trên những nguyên tắc của chủ thuyết Mác-xít--Lênin-nít. Hai năm sau, vào lúc 16 tuổi, chàng thiếu niên dẫn dắt cuộc đấu tranh chống lại dự án làm đường rầy của Nhật nối liền hai thành phố Jilin--Hoiryung trong mục đích mở đường xâm chiếm Munchira. Khoảng đầu tháng 7/1930, lúc được 18 tuổi, chàng thanh niên Sŏng-ju triệu tập cuộc họp gồm những thành viên hàng đầu của Đoàn thể Thanh niên Cộng sản và Đoàn thể Thanh niên Phản Quân chủ để giải thích về Lý thuyết Juche (Lý thuyết Tự Lực) tại Chialun. Hai năm sau, lúc khoảng 20 tuổi chàng thanh niên đó thành lập Quân đội Cách mạng Nhân dân Triều Tiên vào ngày 25/04/1932 từ một nhóm kháng chiến quân du kích khoảng 18 người ở làng Antu mà cũng chính do anh ta thành lập trước tiên.
Thật ra, lý thuyết Juche được đưa ra trong bài bài diễn văn của Kim Il-sung vào ngày 28/12/1955 (lý thuyết đó chưa xuất hiện vào năm 1932) mà vị cố vấn hàng đầu về lý tưởng thuyết lý, Hwang Jang-yeop, đã khám phá ra trong bài diễn văn đó là Kim Il-sung đang tìm cách phát triển phiên bản của riêng mình về Chủ thuyết Mác-xít--Lênin-nít để trở thành một giáo điều của Bắc Triều Tiên --có nghĩa là ông ta đang thành lập một giáo thuyết về bản thân.
Trong Tác phẩm “The Real North Korea: Life and Politics in the Failed Stalinist Utopia” của Andreĭ Nikolaevich Lanʹkov được ấn hành vào năm 2013, nơi trang 5, và 52--53, cũng có nhắc đến vị “thần đồng cách mạng” 14 tuổi, Kim Il-sung là một sự kiện hoàn toàn ảo tưởng. Và nơi trang 12--13 của tác phẩm “Kim Il-sung: The North Korean Leader” của Dae-Sook Suh được ấn hành vào năm 1988, cho thấy sự thật về nhóm kháng chiến du kích đầu tiên ở làng Antu không phải do Kim Il-sung thành lập.
Vào tháng 6/1937, lúc khoảng 25 tuổi, vì những cấp chỉ huy trước đây lần lược qua đời trong chiến trận, Kim Il-sung dẫn dắt đám quân du kích Bắc Triều Tiên, khoảng vài trăm người được biết đến như là “sư đoàn Kim Il-sung” thuộc Đội quân Thứ hai của Đội quân Thông lộ Thứ nhất của cộng sản Trung Hoa, tấn công vào ngôi làng Poch’onbo nhỏ bé, gần biên giới Trung Hoa và Triều Tiên vốn bị chiếm giữ bởi Nhật. Trong khoảng một ngày chiếm đống ở đó, đội quân du kích phá nát những văn phòng chính phủ, đốt cháy đồn cảnh sát, trường tiểu học, và sở biêu điện Nhật --về sau được cộng sản Bắc Triều Tiên tán dương là một chiến thắng vĩ đại nhất của “sư đoàn Kim Il-sung”-- nhưng cuối cùng vào sáng sớm hôm sau chỉ còn lại khoảng 1/3 số quân phải rút chạy qua biên giới Trung Hoa đến Manchuria (Mãn Châu). Kim Il-sung bị truy đuổi bởi những binh lính Nhật, phải đi xuyên Trung Hoa hàng trăm dặm đường, vượt qua sông Amur vào trong vùng đất Liên Xô.
(Sông Amur (màu xanh dương đậm) gần như cắt giữa vùng đất phía
đông Trung Hoa. Kim Il-sung phải vượt hàng trăm dặm đường
xuyên qua Trung Hoa để thoát hiểm đến biên giới Liên Xô)
Theo tác phẩm “Kim Il-sung: The North Korean Leader” của Dae-Sook Suh, được nhắc đến ở trên, nơi trang 33--34 cho biết lý do nào Kim Sŏng-ju được nắm quyền chỉ huy vào năm 1937 trong Đội quân Thứ hai --là đội quân hỗn hợp gồm phần lớn là du kích quân cộng sản Bắc Triều Tiên và một phần của cộng sản Trung Hoa. Sau khi người lãnh đạo của Đội quân Liên kết (là Đội quân Thứ hai) ở Manchuria (Mãn Châu) là Chu Chin người Triều Tiên trốn chạy vì bị đe dọa thanh trừng bởi cộng sản Trung Hoa qua biến cố minsaengdan (tình báo), Wang Detai người Trung Quốc, được đề cử thay quyền để tiến hành cuộc thanh trừng những người cộng sản Bắc Triều Tiên sau đó vì bị nghi ngờ là tình báo Nhật qua biến cố trên. Trong vai trò là một thông dịch viên hiếm hoi thời đó, Kim Sŏng-ju, dần dần được những nhà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa tin dùng, và nhờ có 8 năm giáo dục ở Manchuria theo tiếng Trung Hoa, anh chàng Sŏng-ju lại được ủy viên chính trị Trung Quốc, Wei Zhengming, bảo trợ nên được lên thay Wang Detai, nắm quyền chỉ huy Đội quân Liên kiết nhằm phục vụ theo mệnh lệnh và kế hoạch của cộng sản Trung Hoa. Cuộc xung kích vào làng Poch’onbo cũng là mệnh lệnh của đảng Cộng sản Trung Hoa.
Trong khoảng thời gian lẩn tránh từ năm 1937 đến 1945 ở trại quân bí mật của Liên Xô tại làng đánh cá Vyatskoye, huyện Khabarovsky thuộc tỉnh Khabarovsk Krai, Kim Il-sung không còn có bất kỳ hoạt động quân sự nào. Đến khoảng năm 1940, Kim Il-sung, lúc đó được 28 tuổi, gặp gỡ Kim Jong-suk vốn là cô gái mồ côi 21 tuổi trong lực lượng du kích chỉ phụ trách việc nấu nướng, may vá, và giặt giũ. Sau khi thành hôn, vào năm 1941, bà ta hạ sanh Kim Jong-il (sau nầy được chọn là người kế nghiệp của triều đại họ Kim) vốn có tên tiếng Nga là “Yuri Irsenovich Kim” và tục danh là “Yura”. Kế tiếp là Kim Man-il được ra đời vào năm 1944, cũng có tên Nga là “Alexander” và tục danh là “Shura” (sau nầy bị chết đuối khi đang chơi đùa gần một cái ao ở thủ đô Pyongyang thuộc miền Bắc Triều Tiên, với người anh của mình vào khoảng mùa hè 1947 hoặc 1948). Vào năm 1946, sau khi trở lại miền Bắc Triều Tiên, đứa con gái duy nhất ra đời là Kim Kyŏng-hŭi (sau nầy có ông chồng là Jang Sung-taek bị hành quyết vì tội phản quốc và tham nhũng vào năm 2013). Bà ta qua đời vào năm 1949 tại thủ đô Pyongyang, và nguyên nhân cái chết của bà ta không được nhắc đến trong phần tiểu sử chính thức của nhà nước cộng sản Triều Tiên, mặc dù có tin là bà ta mất trong lúc hạ sanh đứa con chưa chào đời. Nhà nước cộng sản Triều Tiên cũng không thừa nhận là Kim Jong-il được sinh ra trong một trại quân bí mật của Liên Xô thuộc tỉnh Khabarovsk. Trại quân bí mật được dựng nên thành trại quân ở vùng núi Baekdu của miền Bắc Triều Tiên vào năm 1942, không phải là 1941, nơi mà có điềm báo trước bởi một con nhạn, sự xuất hiện của cầu vòng kép, và một ngôi sao sáng, mới trên vùng trời rừng núi Baekdu ở biên giới.
(Kim Il-sung và Kim Jong Suk trong bộ quân phục Sô-Viết
trong khi sinh sống trong một trại quân bí mật của Hồng quân
Liên Xô)
(Tiểu sử tự viết chính thức không thừa nhận rằng Kim Jong-il
được sinh ra vào năm 1942 tại một căn cứ quân sự bí mật của
Liên Xô thuộc tỉnh Khabarovsk Krai, nơi mà Kim Il-sung đang
giữ chức Thiếu tá trong quân đội Sô-Viết để chỉ huy một nhóm
người cộng sản Bắc Triều Tiên còn lại sau khi trốn chạy qua đó.
Trong ảnh là cha mẹ cậu bé, Kim Il-sung and Kim Jong Suk)
(Người vợ chính thức thứ nhất, Kim Jong-suk, vào năm 1941
tại làng đánh cá Vyatskoye, huyện Khabarovsky, tỉnh Khabarovsk
Krai, Liên Xô, được tôn vinh là một nữ đồng chí anh hùng bậc
nhất, dù chỉ với nhiệm vụ là nấu ăn, may vá, giặt giũ, và thêm
vai trò làm mẹ sau nầy. Sớm qua đời vào năm 1949, lúc 30 tuổi)
Sau khi Tướng Ivan Mikhailovich Chistiakov, vị chỉ huy Đội quân Thứ 25 Viễn đông thuộc Hồng quân Liên Xô tiến chiếm miền Bắc Triều Tiên từ tay Nhật vào tháng 8/1945, hỏi ý kiến Thống chế Kirill Afanasievich Meretskov về sự chọn lựa quyết định chính trị giữa hai thành phố Hamhŭng và Pyongyang nơi nào nên đặt Tổng hành dinh của Đội quân Thứ 25. Thống chế Meretskov đã chọn Pyongyang và từ đó trở thành thủ đô của Bắc Triều Tiên. Đây là một dấu tích quan trọng của Hồng quân Liên Xô để lại trên miền Bắc Triều Tiên mà sau nầy mặc dù nhà nước cộng sản Triều Tiên muốn xóa đi hình ảnh của một chính phủ bù nhìn do Liên Xô lập nên cũng không sao tẩy được. Và người đứng đầu thứ chính phủ bù nhìn đó chính là Kim Il-sung.
Thật ra, Joseph Stalin lúc đầu không có ý định chọn Kim Il-sung, nhưng theo báo cáo cho biết là không còn một vị lãnh đạo cộng sản gốc Triều Tiên nào còn sống sót ngoài Kim Il-sung qua cuộc Thanh trừng Vĩ đại trong giai đoạn 1936--1938, nên buộc phải chọn ông ta và đưa về nước vào lúc mới 33 tuổi để trở thành vị anh hùng của nhân dân miền Bắc Triều Tiên sau khi Hồng quân Liên Xô đã ổn định xong tình hình quân sự. Bước kế tiếp của các tướng lãnh Liên Xô là thiết lập những hạ tầng cơ sở hành chánh, những tổ chức công đoàn cho công nhân, xây dựng đường xá, trường học, bệnh viện, v.v. và nhất là thành lập quân đội Bắc Triều Tiên. Trong suốt giai đoạn 1945--1948, sự hiện diện liên tục của một số lượng lớn binh lính Liên Xô thường hay có hành động côn đồ, cướp bốc ngang nhiên là nguồn gốc gây bất bình chính yếu giữa những dân địa phương và chính quyền quản trị Liên Xô
(Thống chế Kirill Afanasievich Meretskov của Đội quân Thứ 25
Viễn đông thuộc Hồng quân Liên Xô, là một trong những người
chỉ huy tiến chiếm miền Bắc Triều Tiên từ tay Nhật vào năm
1945, sau đó cùng những tướng lãnh khác lập ra nhà nước
cộng sản Triều Tiên trong quỹ đạo Liên Xô)
(Kim Il-sung, “thần đồng cách mạng”, vào năm 1946, lúc 34 tuổi,
sau khi được vị tướng toàn quyền Ivan M. Chistiakov đưa về nước
vào tháng 9/1945 đặt vào vị trí lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào tháng
2/1946 như một chính phủ bù nhìn của Liên Xô với cái nét còn
non choẹc lẫn ngu ngơ khiến nhiều người dân ngỡ ngàng)
Sau khi được yên vị quyền lãnh đạo nhà nước cộng sản Bắc Triều Tiên, ông ta bắt đầu đánh bóng tên tuổi mình bằng tiểu sử tự viết và liên tục thay đổi, thêm bớt sao có lợi cho triều đại họ Kim theo tình hình hiện tại. Công cuộc xây dựng lề lối sùng bái vị “Lãnh tụ Vĩ đại” được vận động mạnh mẽ và pho tượng của Kim Il-sung cũng xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1949 để buộc dân chúng Bắc Triều Tiên phải cúi mình tôn thờ như là một truyền thống.
Theo tư liệu lưu trữ, cuộc Chiến tranh Triều Tiên (06/1950--07/1953) chính là do ý tưởng khởi động của Kim Il-sung nhằm thống nhất đất nước trong tham vọng nắm toàn quyền cai trị khi được tình báo cho biết là Hoa Kỳ đang cắt giảm chương trình phòng thủ, bao gồm miền Nam Triều Tiên, và những hạn chế về việc dự trữ bom nguyên tử dưới thời Tổng thống Truman, Hoa Kỳ. Đề nghị nầy thuyết phục được Joseph Stalin và ông ta đồng ý cho phép hành động với sự trợ giúp phần hậu cần của Trung cộng. Kết quả là đưa đến khoảng 2.5 triệu thường dân cả hai miền bị thương vong hoặc bị tàn sát và hơn 1.5 triệu cán binh (Bắc Triều cộng và Trung cộng) vong mạng hoặc bị thương, cũng như con số khoảng hơn 1/2 triệu binh lính đồng minh. Tổng cộng thiệt hại nhân mạng là khoảng 4.5 triệu người chỉ trong ba năm chiến tranh, nhưng tham vọng của Kim Il-sung không bao giờ đạt được.
Trong khoảng thời gian chiến tranh đó, Kim Il-sung thành hôn không chính thức (không có tiệc cưới) với Kim Sŏng-ae, một nữ thư ký riêng trong gia đình, cũng là tình nhân ngấm ngầm từ lúc người vợ thứ nhất còn sống, vào năm 1952. Bà ta là một người có trình độ, nên nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy hành chánh, và sau nầy trở thành kẻ đối đầu đáng sợ cần phải bị tiêu diệt bởi đứa con ghẻ Kim Jong-il trong cuộc đua tranh giành quyền lực.
Có nguồn tin cho rằng bà ta qua đời vì tai nạn xe ở Beijing vào tháng 6/2011, và cũng có tin cho biết bà ta vẫn còn sống trong tình trạng sứ khoẻ yếu kém, đứa con trai thứ hai trong ba người con là Kim Pyong-il, lúc bấy giờ là vị đại sứ Ba Lan, có trở về thủ đô Pyongyang nhiều lần để thăm viếng bà ta. Như qua bài viết trên newfocusintl “Kim Il-sung’s wife was declared insane over 20 years ago” (“Người vợ của Kim Il-sung được công bố là bị điên cách đây trên 20 năm”) vào ngày 18/09/2012, cho biết tin tức qua đề tựa là từ Trung tá Kim Jin-no (biệt danh) trong Bộ An ninh của Bắc Triều Tiên sau khi đào thoát khỏi chế độ cộng sản và được bảo vệ bởi chính quyền miền Nam Triều Tiên. Theo Trung tá Jin-no, bà Sung-ae đã từng được liệt kê như là bị điên loạn từ lúc đầu thập niên 1900s, ngay cả trước khi cái chết của người chồng mình, Kim Il-sung. Bà ta rõ ràng có biểu hiện yếu kém về tinh thần trước thời gian nầy. Tuy thế, Trung Tá Jin-no đưa ra nhiều thí dụ của cách mà bà ta được trị liệu theo mệnh lệnh của đứa con ghẻ mình, Kim Jong-il, vị Lãnh tụ Kính yêu, mà qua đó đưa đến tình trạng suy sụp tinh thần hơn dưới sự giám sát chặt chẽ của nữ ý tá tâm thần riêng, tên là Kim Soon-hee được cử đến và những người canh gác bảo vệ quanh nơi an trí vốn không được phép nhận lệnh hoặc đối đáp với bà ta. Những nhân viên phục vụ khác như là tài xế, nội trợ luôn bị thay đổi sau ba tháng. Hai đứa con của bà ta xem như bị tống đi khỏi nước qua chức vụ làm việc ở hải ngoại.
Kim Il-sung cũng được biết đến với nhiều quan hệ tình dục bí mật khác, và có ít nhất một đứa con rơi tên là Kim Hyŏn-nam (được sinh ra vào năm 1972) giữ chức Trưởng Bộ Tuyên truyền và Khích động thuộc Đảng Lao động từ năm 2002
(Hình người vợ chính thức thứ hai, Kim Sung-ae, vào tháng
6/1994, sau nầy bị loại khỏi chính trường vì tranh giành quyền
lực với đứa con ghẻ, Kim Jong-il, và bị cô lập đưa đến tình
trạng loạn trí đến hết cuộc đời còn lại)
Những chính sách được áp dụng ở Liên Xô, luôn được Trung cộng và Triều cộng nháy theo trực tiếp như là cuộc thanh lọc hàng ngũ, kế hoạch năm năm phát triển kinh tế, trưng thu cải cách ruộng đất và cả cung cách tạo dựng truyền thống sùng bái trong dân chúng. Do đó, miền Bắc Triều Tiên cũng có cái gọi là Lý thuyết Juche hay còn được gọi là Chủ thuyết Kim hoặc ngắn gọn hơn là Kim-xít như ở Trung cộng có Mao-xít, ở Liên Xô có Stalin-nít, Mác-xít, Lênin-nít, ở Đức có Phát-xít và ở Việt Nam có Tư tuởng Hồ Chí Minh hoặc ngắn gọn là Hồ-xít. Ngoài ra, miền Bắc Triều Tiên còn có thêm Lịch Juche, không giống như lịch thường dùng trong nhiều nước, thí dụ năm 2014, theo Lịch Juche là năm 103. Theo Lịch Juche, năm thứ nhất được bắt đầu tính từ năm 1912 vốn là năm sinh của vị “Lãnh đạo Sống mãi”, Kim Il-sung, với hơn 500 pho tượng khắp đất nước, đó là chưa kể đến những đài kỹ niệm “Cuộc đời Bất diệt” và hàng trăm bài hát ca tụng ông ta.
Mặc dù những thất bại nặng nề trong những kế hoạch kinh tế theo Liên cộng và Trung cộng, ngày hôm nay phần lớn những người dân miền Bắc Triều Tiên vẫn tin tưởng rằng ông ta là một vị thánh nhân vĩ đại nhất trong lịch sử Triều Tiên và chính ông ta chỉ dạy cách làm đường rầy, cách trồng lúa, cách dệt vải, quản trị hảng xưởng, v.v. Và mặc dù cũng chính ông ta là người gây ra trên 1 triệu việc giết chóc vô tội vạ bất kỳ ai, theo Giáo sư Rudolph Joseph Rummel của Đại học Hawaii, qua những trại tập trung, lao động cưỡng bức, và hành hình, nhưng đám tang của ông ta được dân chúng Bắc Triều Tiên than khóc kéo dài đến 10 ngày và hàng trăm ngàn người tham dự từ khắp nơi trên vùng miền Bắc, gần như là một hình thức bắt buộc nếu không muốn bị kết tội và tống vào lao tù khổ sai sau đó.
(Chủ nghĩa sùng bái ở miền Bắc Triều Tiên đạt đến mức độ cao
khó tưởng, những khách viếng trong nước cúi rạp người trước
hai pho tượng đồng cao 25 mét, ngất ngưởng của hai cha con họ
Kim tại thủ đô Pyongyan, ngay cả trong những dịp cưới, người
dân cũng phải kéo nhau đến dâng hoa và cúi lạy trước tượng đài)
Qua bài viết điểm sách của John M. Handley trên trang unc.edu. “Hell on Earth: Life in Kim Il-Sung's Gulag” (“Địa ngục trên Trần gian: Cuộc sống trong Lao tù Khổ sai của Kim Il-sung”) của tác giả Kang Chol-hwan and Pierre Rigoulot được chuyển dịch bởi Yair Reiner và ấn hành vào năm 2001, giới thiệu một nạn nhân tiêu biểu chính là tác giả Kang Chol-hwan kể về 10 năm lao tù khủng khiếp từ lúc 9 tuổi ở trại lao động Yodock (còn có tên chính thức là Kwan-li-so (khu hình phạt lao động) Số 15) vốn là một trại tù chính trị nơi mà anh ta và gia đình mình bị bắt giữ vì sự tố cáo của bà nội vốn là người có chức vụ cao cấp trong đảng cộng sản Triều Tiên, về việc mất tích của ông nội. Sau khi được thả ra, anh ta lại bị đe dọa tống trở lại lao tù khổ sai đó chỉ vì nghe lén đài truyền thanh từ miền Nam Triều Tiên, nên tìm cách trốn thoát vào năm 1992 đến miền Nam Triều Tiên. Cho đến lúc sắp qua đời, bà nội của anh ta mới nhận thức được về những thứ đạo đức giả của “Thiên đường Công nhân” mà Kim Il-sung tạo dựng và hết lời xin lỗi gia đình anh ta, cũng như cảm thấy rất hối tiếc khi quyết định trở lại miền Bắc Triều Tiên từ Nhật nơi mà hai ông bà gặp nhau trước đây. Và cũng trong tác phẩm đó phơi bày những cảnh khốn khổ, bệnh hoạn, thiếu dinh dưỡng, và bị hành hạ, hành quyết như thế nào đối với những người tù và việc thủ tiêu những trẻ sơ sinh từ nơi đó.
Có lẽ “thành tựu” lớn nhất của Thiên đường cộng sản Bắc Triều Tiên do Kim Il-sung dựng nên theo Lý thuyết Juche, là Tháp Khách sạn với độ cao 330 m vốn được bắt đầu xây dựng vào năm 1987 (và nếu đúng theo kế hoạch, nó được khai trương vào năm 1989, đã có thể là một khách sạn cao nhất thế giới và đứng hạng thứ 7 trong kỳ quan chọc trời) với tổn phí ban đầu là khoảng 750 triệu. Tuy nhiên, công trình xây dựng bị kéo dài mãi đến năm 2012, chỉ tạm được xem như hoàn tất vì còn thiếu sự trang hoàng nội thất. Và mãi đến nay, năm 2014, cũng chưa được chính thức khai trương. Điều nầy khiến cho báo chí Tây phương đặt cho Tháp Khách sạn cái tên mới là “Khách sạn Tận thế” vì nó đã phải mất 25 năm trời xây dựng nhưng chỉ là bề ngoài và bộ xương bên trong.
(Tháp Khách sạn hay còn có tên khác là “Khách sạn Tận thế”)
“Thành tựu” kế tiếp đáng kể, sau 49 năm cầm quyền liên tục của Kim Il-sung, và 17 năm kế vị quyền lực độc đoán của Kim Jong-il, đã tạo ra nhiều lớp thế hệ vui lòng chấp nhận cuộc sống giữ bốn bức tường sắt che kín thông tin từ nước ngoài và luôn luôn tin tưởng vào những gì được giảng dạy từ cấp sơ học đến bậc đại học, không bao giờ có chút gì hoài nghi “tài năng thiên bẩm” nơi những vị “Lãnh tụ Vĩ đại” của mình. Và họ luôn cảm thấy an toàn nhất khi được bao bọc bằng bốn bức tường sắt ngăn cách thế giới bên ngoài. Như qua bài viết trên dailymail.co.uk “Hamburgers were invented by Kim Jong Il in 2009!” của Ruth Styles vào ngày 25/04/2014, trong chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên của nhà nhiếp ảnh người Pháp, Eric Lafforgue, cho biết là một nữ sinh Anh ngữ tại Đại học Nghiên cứu về Hải ngoại, ở thủ đô Pyongyang, cũng đã mơ hồ tin tưởng rằng cái bánh mì kẹp thịt nướng (hamburger) là một phát minh của vị “Lãnh tụ Kính yêu” Kim Jong-il. Sự tin tưởng và kính trọng của nữ sinh Anh ngữ đối với vị lãnh tụ của mình hoàn toàn thuần khiết và nồng nhiệt đến nổi cô ta tin tưởng rằng nếu bước chân ra khỏi miền Bắc vào miền Nam Triều Tiên, chắc chắn là cô ta sẽ bị bắn chết bởi người miền Nam.
(Cô Kim, một học sinh Anh ngữ tại Đại học Nghiên cứu về Hải ngoại
tại thủ đô Pyongyang, cũng là hướng dẫn viên cho phóng viên Anh
Quốc đang trong một nhà hàng vắng khách, và bếp nấu gần như ít
được dùng đến vì khó có người dân miền Bắc Triều Tiên nào có khả
năng chi trả cho món ăn Tây phương như là bành mì kẹp thịt nướng
(hamburger) mà cô Kim tin rằng món ăn đó được phát minh bởi vị
“Lãnh tụ Kính yêu”, Kim Jong-il)
Cô ta thật đáng thương như con chim vốn quen với cái lồng nên sợ thế giới bên ngoài đã làm biến dạng đôi cánh trở thành một hình thức vô dụng, vướng víu và nặng nề hơn. Nếu có ai đó nói với cô ta rằng những vị “Lãnh tụ Kính yêu” của cô ta có không ít hơn vài dinh thự nghĩ mát trên thế giới, có lẽ, cô ta cũng không dám tin là sự thật, vì cô ta vẫn tin rằng mọi người ở miền Bắc Triều Tiên đều có mức sống ngang nhau. Và vì mấy khi, cô ta được phép đọc thông tin nước ngoài, vả lại chuyện được ra ngoại quốc du lịch là ước mơ chỉ có thể mơ ước đối với cô ta trong Thiên đường cộng sản của Kim Il-sung, trong khi mà một phi trường Sunan cấp quốc tế của thủ đô Pyongyang chỉ có một chuyến bay duy nhất đến Beijing.
(Trên bản khởi hành tại phi trường Sunan quốc tế của thủ
đô Pyongyang, Bắc Triều Tiên, chỉ cho thấy một chuyến
bay duy nhất đến Beijing và trên chiếc bàn dài không máy
tính, không gì cả ngoài tờ giấy trắng và một nhân viên lẽ loi
ngồi sau nó chờ khách du lịch hiếm hoi)
__________________________________
Bài đã đăng:
Những tài liệu tham khảo:
Kim Il-sung (1912--1994):
1- Trên trang en.wikipedia “Kim Il-sung”; “Kim Jong-suk”; “Kim Sŏng-ae”; “Juche”; “Kim Jong-il”; “Kim Man-il”; “Kim Kyong-hui”; “Korean War”; “Death and state funeral of Kim Il-sung”.
2- Bài viết trên globaltravels.pwp.blueyonder.co.uk “Kim Il Sung (1912-1994)”.
3- Tiểu sử chính thức của Bắc Triều Tiên trên trang korea-dpr “Biography of the Great Leader Kim Il Sung”.
3- Tác phẩm “The Real North Korea: Life and Politics in the Failed Stalinist Utopia” của Andrei Lankov (Andreĭ Nikolaevich Lanʹkov) được ấn hành vào năm 2013.
4- Tác phẩm “Kim Il Sung: The North Korean Leader” của Dae-Sook Suh được ấn hành vào năm 1988.
5- Tác phẩm “From Stalin to Kim Il Sung: The Formation of North Korea, 1945-1960” Andreĭ Nikolaevich Lanʹkov được ấn hành vào năm 2002.
6- Bài viết trên newfocusintl “Kim Il-sung’s wife was declared insane over 20 years ago” vào ngày 18/09/2012.
7- Bài viết điểm sách của John M. Handley trên trang unc.edu. “Hell on Earth: Life in Kim Il-Sung's Gulag” của tác giả Kang Chol-hwan and Pierre Rigoulot được chuyển dịch bởi Yair Reiner và ấn hành vào năm 2001.
8- Bài viết trên dailymail.co.uk “Hamburgers were invented by Kim Jong Il in 2009!” của Ruth Styles vào ngày 25/04/2014.