Nguyễn Trung Tôn (Danlambao) - "...Ngồi trong mâm tiệc, lắng nghe những câu chuyện rất đời thường mà lòng tôi ngổn ngang suy nghĩ trước những câu chuyện tâm tình hết sức bình thường của những người bạn. Tôi tự dưng thấy mình trở nên “lạc lõng”, lòng bỗng thấy nhói đau vì suy nghĩ của tôi hoàn toàn khác với các bạn của mình. Tôi nhận thấy rằng những gì các bạn của tôi vừa than thở, thực ra không phải là “Bất khả kháng” hay phải trông đợi vào một vị Phù Đổng Thiên Vương nào cả. Nếu tất cả mọi người đều nhận ra rằng những gánh nặng bất công và mọi mối đe dọa tới đời sống sinh hoạt của họ từ đâu mà có; nếu họ mạnh dạn hơn để ngửng cao đầu, thẳng thắn đấu tranh loại trừ cái xấu, chống lại bất công, do một nhóm người nhân danh đầy tớ, thâu tóm quyền hành, lũng loạn quốc gia, vì lợi ích cá nhân xem nhẹ sơn hà, chính là tập đoàn Cộng sản thì mọi vấn đề nhức nhối nói trên đều được giải quyết..."
*
Vào trung tuần tháng 9 tôi tham gia một buổi họp mặt nhân kỷ niệm ngày nhập ngũ, cùng với bạn bè đồng ngũ trong huyện. Không khí vui vẻ của buổi gặp mặt được thể hiện qua những cái bắt tay thân mật, những lời thăm hỏi xã giao. Bạn bè lâu ngày gặp lại cùng nhau quây quần quanh mâm cơm thân mật. Mọi người nâng cốc cụng ly.
Tôi không uống rượu nên bị bạn bè trêu là “đàn bà”. Nhưng chẳng sao, chỉ là vui đùa với nhau! Tôi tôn trọng các bạn của mình ngồi cùng mâm, cầm bát đũa đợi mọi người vui vẻ với nhau. Sau khi chén chú chén anh, rượu vào lời ra, những câu chuyện đời thường của mỗi người xung quanh cuộc sống xã hội bắt đầu được đưa ra trao đổi, tâm tình. Ở lứa tuổi nửa đời người như chúng tôi, hầu hết ai cũng có con đã, đang học đại học, hoặc đã lấy vợ gả chồng. Những trăn trở của những người đã một thời khoác trên mình màu xanh áo lính như chúng tôi tưởng chừng như rất giản đơn nhưng lại vô cùng phức tạp và dường như cũng là những trăn trở chung của cả xã hội Việt Nam trong giai đoạn này.
Một vài người bạn than thở vì đang phải gắng hết sức để lo tiền cho các con ăn học (có những người có tới 2 đứa con đang học đại học), hàng tháng phải chi phí cho các cháu từ 5 tới 7 triệu đồng. Có người lại than thở: Khổ quá thôi các ông ạ! Con tôi học đại học xong rồi nhưng bây giờ không có tiền chạy việc nên vẫn lông bông. Có người không có khả năng “chạy việc” đành phải cho con xin vào làm công nhân cho một số công ty nước ngoài tại Việt Nam, nhưng muốn vào làm công nhân ở các công ty này thì con của họ phải giấu đi chiếc bằng đại học mà cả gia đình đã dốc bao công sức để có được. Có người tắc lưỡi cho con đi nước ngoài làm O Sin (xuất khẩu lao động) để kiếm tiền trả nợ. Cũng có người nhờ có mối quan hệ, chạy chọt được cho con vào làm công chức nhưng cũng đang phập phùng lo sợ bởi nguy cơ bị “giảm biên chế” do không có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của sếp.
Chuyện lo cho con cái học hành và sự nghiệp cũng đã đủ làm cho những người làm cha mẹ như chúng tôi đau đầu khổ sở. Bởi lẽ, để kiếm ra đồng tiền bằng nghề nghiệp chân chính thực ra không hề đơn giản chút nào. Với mỗi người một sào ruộng cả năm thu hoạch được khoảng 500kg thóc trị giá khoảng 3 triệu đồng, với hàng loạt các chi phí như: tiền thuê máy cày bừa, tiền công cấy, tiền thuốc trừ sâu, tiền dịch vụ bảo nông, tiền thuế, tiền đóng góp “kính thưa” các khoản… trăm thứ nhìn vào đó. Nên các gia đình phải chịu khó chăn nuôi thêm con lợn, con bò, gà vịt để có thêm thu nhập. Nhưng để có thể phát triển thêm trong lĩnh vực chăn nuôi thì lại phải vay vốn ngân hàng để xây chuồng trại, mua con giống, mỗi năm có thể bán được khoảng 3-4 chục triệu đồng. Số tiền đó quay sang chi trả cho các khoản như: thức ăn chăn nuôi, tiền lãi ngân hàng, tiền thuốc thú y,… trừ các chi phí may ra cả gia đình một năm cũng chỉ thu nhập được khoảng 10 triệu đồng từ các nguồn chăn nuôi (đó là chưa kể tới những rủi ro dịch bệnh) có khi người chăn nuôi trắng tay thua lỗ. Vì vậy muốn có tiền để lo cho con cái học hành, chạy việc, người dân phải chấp nhận làm thêm mọi thứ công việc, bất chấp đó là việc gì, kể cả việc đi buôn lậu, đi làm thuê cho các đại gia, đi làm O sin ở nước ngoài, thậm chị nhiều người sang Trung Quốc tham gia vào những việc làm như: chế biến, vận chuyển các hàng hóa độc hại về Việt Nam tiêu thụ. Có người vay vốn ngân hàng để mua sắm phương tiện làm ăn, như: công nông, xe tải, may móc phục vụ nông nghiệp hay buôn bán hàng hóa tại các chợ. Những người này lại than phiền về việc thường bị các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, phòng thuế và hàng loạt những nhóm nhân danh nhà nước hay đám cò mồi, yêu cầu phải “làm luật”.
Không những thế ai cũng than phiền về tệ nạn tham nhũng tràn lan trong xã hội. Từ chuyện không may gia đình có người ốm đau đi viện hay khi có việc gì liên quan tới giấy tờ thủ tục hành chính phải tới “cửa quan”…
Hàng loạt những câu chuyện mà những người bạn của tôi (những người đã một thời mang danh “Chiến sỹ trong Quân đội nhân dân Việt Nam), một thời chúng tôi đã từng đứng trước cờ đỏ sao vàng mà tuyên thề rằng: “Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam…” hay “không lấy cái kim sợi chỉ của Nhân dân…” thì ngày hôm nay chúng tôi lại đã đang bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của cái gọi là “Con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội”.
Không chỉ thế! Ngày hôm nay mỗi khi ngồi xuống mâm cơm (một sinh hoạt thường nhật của mọi gia đình) hầu hết mọi người đều chỉ biết nhắm mắt tắc lưỡi ăn đại cho xong, nhưng thực ra trong lòng ai nấy đều lo nơm nớp, không biết những thức ăn mà mình dùng hàng ngày có chứa những độc tố gì? Rồi tới những đồ dùng gia dụng, những đồ chơi trẻ em, hay những thứ hàng hóa đẹp mắt ở ngoài thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc, đều là mối lo ngại của tất cả mọi người. Nhưng dường như đối với hầu hết người dân Việt nam, trong đó có những người đã từng một thời là chiến sĩ như chúng tôi, đều tắc lưỡi xem những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam hiện nay vẫn là “bất khả kháng”. Hầu hết những người bạn của tôi đều than thở rằng: “Không có bất cứ một giải pháp nào để chấm dứt được những vấn nạn này, vì ở Việt Nam hiện nay chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo”. Các bạn của tôi thở ngắn than dài, nhưng không ai có thể đưa ra được một sáng kiến nào để mà thể hiện cái tinh thần “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam”. Hầu hết đều cho rằng trách nhiệm thay đổi thực trạng xã hội này là phải nhờ vào một thế lực siêu nhân nào đó, hay là một Phù Đổng Thiên Vương tái thế, chứ không thể bởi những “người dân phàm” như chúng tôi!
Ngồi trong mâm tiệc, lắng nghe những câu chuyện rất đời thường mà lòng tôi ngổn ngang suy nghĩ trước những câu chuyện tâm tình hết sức bình thường của những người bạn. Tôi tự dưng thấy mình trở nên “lạc lõng”, lòng bỗng thấy nhói đau vì suy nghĩ của tôi hoàn toàn khác với các bạn của mình. Tôi nhận thấy rằng những gì các bạn của tôi vừa than thở, thực ra không phải là “Bất khả kháng” hay phải trông đợi vào một vị Phù Đổng Thiên Vương nào cả. Nếu tất cả mọi người đều nhận ra rằng những gánh nặng bất công và mọi mối đe dọa tới đời sống sinh hoạt của họ từ đâu mà có; nếu họ mạnh dạn hơn để ngửng cao đầu, thẳng thắn đấu tranh loại trừ cái xấu, chống lại bất công, do một nhóm người nhân danh đầy tớ, thâu tóm quyền hành, lũng loạn quốc gia, vì lợi ích cá nhân xem nhẹ sơn hà, chính là tập đoàn Cộng sản thì mọi vấn đề nhức nhối nói trên đều được giải quyết.
Tôi nhận thấy những nhức nhối trên cần phải được xử lý ngay bằng chính tinh thần trách nhiệm của mỗi một người trong xã hội. Tương lai Việt Nam đời con đời cháu chúng ta sẽ ra sao nếu ngày hôm nay chúng ta cứ mãi cúi đầu cam chịu!!???
Thanh hóa ngày 01/10/2014
Nguyễn Trung Tôn
ĐT:01628387716