Những kẻ đi bằng đầu gối - Dân Làm Báo

Những kẻ đi bằng đầu gối

Giáo Già (Danlambao) - Kể từ khi thay cha nắm quyền cai trị Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un [âm Hán Việt là Kim Chính Ân] đã có những hành động khiến Trung uốc bất mãn như:

Xử tử người dượng kiêm cố vấn tối cao Trương Thành Trạch, người thân cận với Bắc Kinh.

Tiếp tục xử tử mấy chục người thân cận dưới quyền ông Trạch bị cho là mạng lưới của Bắc Kinh ở thượng tầng lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Thanh trừng Tướng Choe Ryong-hae, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên, người rất thân với Bắc Kinh.

Trong 40 ngày bị coi là “nghỉ dưỡng bệnh” vừa qua cũng diệt thêm ít là 12 cán bộ cao cấp khác thuộc phe thân Bắc Kinh.

Vào tháng 4.2014 ban hành sắc lệnh chỉ thị mọi cấp phải từ bỏ “Giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình…

Không tiện trực tiếp trả đòn Kim Jong Un, Tập Cận Bình gián tiếp phản đòn bằng cách ra lịnh cho lãnh đạo CSVN là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt cầu thân với kẻ thù không đội trời chung với Bắc Triều Tiên là Nam Hàn, qua chuyến viếng thăm nước này, từ 1 đến 4 tháng 10.2014, với sự tháp tùng của tướng công an Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Công an, kẻ được coi là luôn trung thành với Trung quốc. Nguyễn Phú Trọng cũng được lịnh Bắc Kinh là tại bất kỳ nơi nào không được nhắc tới tình hữu nghị anh em Xã Hộ Chủ Nghĩa Bắc Triều Tiên - Việt Nam mà còn phải kịch liệt lên án việc “Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là điều không thể dung thứ”. [xem hình]

Mấy ngày sau, Bắc Kinh phần nào bối rối khi thấy Nguyễn Tấn Dũng thực hiện chuyến đi Âu châu từ 13 đến 15 tháng 10.2014. Chuyến đi này có thể khiến CSVN ngả về các quốc gia Tây phương, nhút là khi nghe tin từ đài VOV của Việt cộng nói rằng:

“Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với hãng Deutsche Welle (DW), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam là quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Chúng tôi kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển bền vững.

Chúng tôi không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. Chỉ có như vậy mới có thể có sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, đặc biệt là với các nước ASEAN và các đối tác chiến lược, toàn diện và truyền thống. Như vậy, chúng ta mới có thể cùng có lợi và phát triển bền vững”. 

Đồng thời Sở báo chí và thông tin của chính phủ Đức cũng phổ biến bản tin cho biết:

“Chủ tịch quốc hội Đức Norbert Lammert đã bày tỏ sự chờ đợi của ông là Việt Nam không những chỉ phát triển về kinh tế, mà còn phải phát triển cả cơ cấu dân chủ và quốc gia pháp trị nữa. Đối thoại
với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ông Lammert nhấn mạnh vai trò của Việt Nam là một đối tác chính trị và kinh tế nổi bật của Đức ở Á Châu. Đặc biệt là cho lần kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới thì điều này liên hệ đến những chờ đợi Việt Nam phải cởi mở chính trị hơn nữa. Ngoài nhiều đế tài khác, chủ tịch quốc hội còn đề cập đến việc Hiến pháp mới của Việt Nam đã không đạt được sự mong đợi của các đối tác phương Tây. Tây phương sẽ rất tán thành nếu Việt Nam có cao vọng xây dựng dân chủ và pháp trị hệt như khi xây dựng nền kinh tế thị trường. Dù thế nào đi nữa những quy luật pháp trị đứng đắn đóng vai trò quyết định cho sự phát triển các điều kiện giúp ổn định kinh tế. Tây phương mong muốn tòa nhà Quốc hội mới ở thủ đô Việt Nam Hà Nội, đã được thiết kế bởi một kiến ​​trúc sư người Đức, không chỉ là tòa nhà mới mà còn là địa điểm của một trật tự dân chủ mới. Trong năm kỷ niệm 2014/2015 Lammert lưu ý đến những kinh nghiệm lịch sử ở Đức. Đồng thời chủ tịch quốc hội nhắc lại Đức là nước đầu tiên trong Liên minh Âu Châu phê chuẩn hiệp định tự do thương mại của Liên minh Âu Châu và Việt Nam. Ông sẽ qua Việt Nam mùa xuân năm 2015 dự hội nghị thường niên của Liên minh Liên Quốc hội.” [xem hình]

Tin tức được phổ biến như vậy, nhưng có bao giờ và có ai thấy Dũng làm đúng những gì Dũng nói đâu; hay Dũng thường làm mọi chuyện ngược lại những điều Dũng nói, từ chuyện không từ chức mặc dầu không trị được tham những cho đến cương quyết cho khai thác bauxite ở Cao nguyên
Trung phần, bất kể mọi ngăn cản; khiến cho tới nay nó đang là mối đe dọa trầm trọng cho quốc gia trên nhiều lãnh vực, từ lỗ lã cho tới môi sinh… Hơn nữa, Dũng cũng cho các công ty Trung Quốc trúng thầu các công trình lớn nhỏ lộng hành trên khắp nước. Dũng có thái độ im lặng coi như để cho Vũng Áng thành một đặc khu tự trị [xem hình]… với nhiều quyền hạn vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp bình thường, dưới sự lộng hành càng lúc càng rõ mặt hơn của Trung Quốc, với khoảng 10.000 người Trung Quốc hiện hành và người Tổng giám đốc công ty Hưng Nghiệp Formosa Dương Hồng Chí vốn là một người gốc Hoa.

Tuy nhiên, mọi chuyện xảy ra vẫn không khiến Bắc Kinh yên tâm. Do vậy, Tập Cận Bình tức tốc gọi Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phùng Quanh Thanh, ủy viên Bộ Chánh trị, dẫn đầu một đoàn 12 tướng lĩnh khác sang Bắc Kinh, từ ngày 16 đến 18 tháng 10. 2014. Tất cả đều có vai trò quan trọng trong quân đội, gồm: 

1. Trung tướng Bế Xuân Trường – Phó tổng Tham mưu trưởng;
2. Trung tướng Lương Cường – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; 
3. Trung tướng Dương Đức Hòa – Tư lệnh Quân khu 2; 
4. Trung tướng Phương Minh Hòa – Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân; 
5. Trung tướng Võ Trọng Việt – Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; 
6. Trung tướng Phạm Hồng Hương – Tư lệnh Quân khu 3; 
7. Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam – Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân; 
8. Thiếu tướng Phan Văn Tường – Phó tư lệnh Quân khu 1; 
9. Trung tướng Vũ Văn Hiển – Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng;
10. Thiếu tướng Vũ Anh Văn – Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc; 
11. Thiếu tướng Vũ Chiến Thắng – Cục trưởng Cục Đối ngoại – Bộ Quốc phòng; 
12. Thiếu tướng Ngô Quang Liên – Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng. 

Để bày tỏ lòng trung thành với Trung Quốc, về nước, bên lề cuộc họp Quốc hội, hôm 20. 10.2014,
Phùng Quang Thanh [xem hình] đã trả lời phỏng vấn của các nhà báo, rằng: “Chúng tôi sang thăm và làm việc thì bạn đón tiếp rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị”. Trả lời câu hỏi: “Thưa ông, trong các cuộc làm việc, hai bên có bàn về việc phía Trung quốc đốc thúc nhiều hoạt động xây dựng trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như chuyện giàn khoan đã xảy ra ít tháng trước không?” Thanh nói: 

“Chúng tôi có trao đổi là bây giờ phải giữ nguyên hiện trạng trên biển Đông và phải thực hiện cho đầy đủ DOC. Tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng tranh chấp, không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm”. [Giáo Già in đậm và gạch dưới]

Như vậy là mất Hoàng Sa và bao nhiêu đảo ở Trường Sa rồi! Các hoạt động của Trung quốc đã làm tăng diện tích Đá Chữ Thập hơn 11 lần, từ 0,08 km vuông thành 0,96 km vuông… Sân bay trên đảo Phú Lâm đã được coi như hàng không mẫu hạm trên đất liền, có lợi hơn cả một hàng không mẫu hạm vì nó “đậu” sát bờ biển Việt Nam (chỉ cách Đà Nẵng hơn 300 km) và không thể bị đánh chìm! Nó khống chế hải trình thông thương Nam Bắc Thái Bình Dương rồi! Chưa đủ sao! Tạm thời giữ nguyên trạng như vậy hay nó sẽ mãi mãi như vậy. Đó là cái nguyên trạng được trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 18.10 dẫn đài Tiếng nói nước Nga cho hay: 

“Sau khi tiến hành các hoạt động khẳng định chủ quyền phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại ngang ngược lên kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông. Trung Quốc vừa công bố hình ảnh đường băng quân sự tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Với đường băng phi pháp này, không quân và hải quân Trung Quốc giờ đã có thể án ngữ chiến đấu cơ tại biển Đông với quy mô lớn gấp đôi căn cứ Mỹ tại đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương…”

Trong khi đó, các hãng tin Trung Quốc tiết lộ: “Ngày 17/10, tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã cho biết: Hai bên đã đạt được ba nhận thức chung nguyên tắc về tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai quân đội. Một là, thể theo phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, từng bước khôi phục và thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội phát triển lành mạnh. Hai là, tăng cường đoàn kết giữa hai quân đội, cung cấp sự bảo đảm vững chắc cho củng cố vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản ở hai nước, bảo vệ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Ba là, tuân thủ các nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng và hai nước Trung-Việt, phát huy vai trò tích cực vì xử lý thoả đáng vấn đề trên biển, giữ gìn cục diện hoà bình và ổn định”. 

Từ đó, báo Quân đội Nhân dân vuốt đuôi: “Chuyến thăm này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa quân đội hai bên và bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác hữu nghị giữa nhân dân và Quân đội hai nước”. 

Được bao nhiêu đó cũng chưa yên Tâm, Tập Cận Bình tiếp tục cho Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Hà Nội, để ngày 27 tháng 10.2014 hội kiến Phó Thủ tướng kiêm Bộ
trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh [xem hình Trì bên trái, Minh bên phải]. Lần này Dương Khiết Trì không còn gọi “đứa con hoang đàng CSVN” trở về nhà như 4 tháng trước, khi lực lượng của hai quốc gia Việt Trung đối đầu trên biển Đông quanh giàn khoan dầu HD 981; và ra lịnh không cho Minh đi Mỹ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Kerry.

Trái lại, trang web của Bộ Ngoại giao CS Việt Nam đưa tin cho biết: “Tại phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung quốc, ông Minh đã ‘khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc’.”

Mặt khác, tin được đài VOA phổ biến cho biết: “Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng dẫn lời ông Dương nói với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam rằng hai bên đã ‘khắc phục được những khó khăn gặp phải trong thời gian vừa qua’.” Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc được trích lời nói tiếp: “Hiện quan hệ song phương đang từng bước khôi phục, hai bên cần nắm chắc phương hướng phát triển quan hệ hai nước, xử lý thỏa đáng và kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác song phương”.

Trong khi đó, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh nói rằng ông Dương tới Việt Nam để giúp hàn gắn quan hệ Việt – Trung mà bà cho là đã “rơi vào tình thế khó khăn tạm thời vì các vấn đề lãnh hải”. Bà Hoa cũng cho biết rằng phía Trung Quốc muốn làm việc với Việt Nam để “tiếp tục cải thiện quan hệ song phương”.

Chưa yên tâm với Phùng Quang Thanh và Phạm Bình Minh, Tập Cận Bình lại cho triệu thêm Đại
tướng công an Trần Đại Quang [xem hình], Bộ trưởng Bộ công an, Ủy viên Bộ Chánh trị, ngày 26 tháng 10.2014, dẫn đầu phái đoàn sang Bắc Kinh hội kiến Ủy viên Bộ Chánh trị Trung quốc là Mạnh Kiến Trụ. 

Trước khi lên đường, trong phiên họp Quốc hội CSVN, Quang đã tuyên bố: 

“Các thế lực thù địch, phản động ráo riết gia tăng các hoạt động chống phá nhằm hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước; triệt để lợi dụng internet để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, kích động chống phá Đảng, Nhà nước”

Trong thời gian ở Trung Quốc, phái đoàn của Quang cũng tham dự hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ tư giữa bộ công an CSVN và bộ công an Trung Quốc.

Qua những nhận định trên, những kẻ đi bằng đầu gối [xem biếm họa của Babui được trích từ Dân Làm Báo] được Giáo Già ghi lại trong Thư Cho Con kỳ này đại loại gồm 4 thành phần thái thú trung thành với Bắc Kinh, đã tuân lịnh Tập Cận Bình, ít nhứt cũng
trên 4 lãnh vực ghi sau:

1. Nguyễn Phú Trọng tuân lịnh Tập Cận Bình đi Hán Thành dùng bàn tay bọc nhung tát thẳng vào mặt lãnh đạo Bắc Hàn cái tát đích đáng.

2. Phùng Quang Thanh hối hả đi Bắc Kinh ngay sau chuyến đi Âu châu của Nguyễn Tấn Dũng để cho Tập Cận Bình và đồng bọn yên tâm rằng quân đội CSVN trung thành với Trung quốc, cam kết không đứng về phía dân tộc VN “Chống Tàu Diệt Việt Cộng theo xu thế đang ngày càng lớn mạnh của quần chúng VN.

3. Nội các của Nguyễn Tấn Dũng, trên lãnh vực ngoại giao, sau khi có lời cảnh cáo là “đứa con hoang đàng”, chỉ biết nói mà không dám làm, đã chịu quỳ gối theo nụ cười tiếp đón Dương Khiết Trì của Phạm Bình Minh ngày 27 tháng 10.2014.

4. Trần Đại Quang cũng hối hả đi Bắc Kinh rút kinh nghiệm “phòng chống tội phạm” với 2 chữ “tội phạm” được dùng chỉ các “tổ chức chánh trị đối lập”, và rộng hơn là “quần chúng chống đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa”.

Nên nhớ, Bộ Công an CSVN trong những tháng sắp tới sẽ có 2 đại tướng, thay vì chỉ có một là Trần Đại Quang, như điều được Quang loan báo hôm Thứ Năm 20/3/2014, nhân cuộc họp “chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật”. Con số thống kê cho biết bộ này hiện nay có gần 200 tướng.

Được biết, guồng máy công an vô cùng rộng lớn với 8 tổng cục lại còn có một số bộ phận riêng như “Bộ tư lệnh cảnh vệ” và “Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động”. Nó mỗi ngày một phình lớn ra, nâng tầm quan trọng cho guồng máy đàn áp nhân dân, trước sự phẫn nộ của quần chúng từ kinh tế xã hội đến chính trị. Cũng nên biết thêm là tổ chức 'Cảnh sát cơ động' (K20) đang có một ông là trung tướng cầm đầu, với hai ông phó tư lệnh hàm thiếu tướng, chỉ huy 6 trung đoàn, 10 phòng nghiệp vụ3 tiểu đoàn đặc nhiệm (đóng ở Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn). Hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn mỗi nơi đều có quân số CSCĐ một trung đoàn.

Biết được những điều này người ta sẽ không ngạc nhiên khi lực lượng công an được tận dụng trong việc bảo vệ sự tồn tại của độc đảng độc tài, duy trì các “lợi ích” của đảng và nhà nước; chớ không dùng để ổn định trật tự xã hội, bảo vệ quyền lợi của người dân. Do đó, lúc nào và đâu đâu cũng có những trường hợp “dân oan” bị đàn áp, dân thường bị công an và côn đồ hành hung, sát hại… Điển hình là trong bài viết từ Hà Nội của nhà văn Võ Thị Hảo, nhan đề “Ai bảo kê cho tra tấn?”, viết: “Dư luận bàng hoàng và phẫn nộ với vụ án 5 công an TP Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã tra tấn, nhục hình, đánh đến chết anh Ngô Thanh Kiều ở tỉnh Phú Yên vào những ngày cuối tháng 3 năm 2014.” Bà này viết thêm: “Căn cứ danh sách những cái chết bất thường trong trụ sở công an do cộng tác viên của Pro&contra cung cấp, từ 8/8/ 2010 đến 18/8/2014 đã có tới 67 người chết theo dạng nói trên, trong đó có tới 36/67 trường hợp “tự tử”, trong đó có 29 người “treo cổ” ngay tại trụ sở công quyền hoặc trong buồng tạm giam của công an.” Cũng trong bài viết này bà Võ Thị Hảo nói rằng: 

“Ai cũng biết, lực lượng tham gia tra tấn, bức cung… trong ngành công an thường được bảo kê, bao che trước hết bởi đồng nghiệp và cấp trên của họ. Khi một vụ việc xảy ra, thường là cấp trên đổ tội cho nạn nhân và những nguyên nhân khác để thoát tội, thay vì điều tra làm rõ và khắc phục hậu quả. Đồng nghiệp biết cả, nhưng hoặc đồng lõa, ngại, sợ làm chứng, hoặc nói lên sự thật, thì bị trả thù. Chưa kể là việc dung túng của cơ quan điều tra – người cùng hội cùng thuyền với họ – khiến cho họ khi khoác chiếc áo đồng phục, cầm chiếc dùi cui trong tay là coi mạng dân như cỏ rác. Ngành kiểm sát và tòa án cũng nương tay xử nhẹ, chưa nói là thường xuyên bỏ lọt tội phạm…”

Có điều rất đáng lưu ý là một bản tin được đưa lên đài RFA ngày 31-10-2014 cho biết “…Sau khi Chủ tịch nước trình Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người hôm 23 tháng 10… thì ba cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam bị theo dõi, đánh đập, câu lưu, khám xét và tra tấn trong hai ngày thứ tư và thứ năm vừa qua. Đó là các ông Phạm Bá Hải, Nguyễn Văn Sóc và Chu Mạnh Sơn...”

Ngay cả ông Tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn là ông Emmanuel Ly Batallan [xem hình] cũng được
công an chiếu cố, qua bản tin được đăng trên nhiều diễn đàn điện tử như sau:

“Sáng ngày 5/11/2014, nhà báo độc lập Huỳnh Công Thuận thông báo việc vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyển, cùng chị Oanh (vợ thầy giáo Phạm Minh Hoàng) bị những người mặc thường phục bao vây và đe dọa. Ông Truyển đã mời chị Oanh vợ thầy giáo Phạm Minh Hoàng đến để yêu cầu họ dọn đi. Ngay lập tức một người mập mạp, bụng phệ đuổi chị Oanh đi với một thái độ hết sức xấc xược và dùng con dao gọt trái cây huơ trước mặt chị Oanh đe dọa… Thầy giáo Phạm Minh Hoàng báo tin cho ông Tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn… Khoảng 30 phút sau, ông Tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn Emmanuel Ly Batallan xuống đến nơi. Ông lấy máy chụp hình những người đang ngồi trước phòng trọ, thì những người này bỏ chạy tán loạn… Thầy Hoàng sau đó dẫn ông Emmanuel Ly Batallan sang phía nhà đối diện, nơi công an thường canh gác để quan sát thì những người trong nhà này cũng tránh đi nơi khác… Nhà mở cửa nên ông Tổng lãnh sự bước vào, thì những người mặc thường phục khóa trái luôn cửa bên ngoài, và một vài người siết cổ ông Tổng lãnh sự Pháp… Thầy Phạm Minh Hoàng thấy thế liền la lên: "Đó là ông Tổng lãnh sự Pháp!" thì một người trong số đó bảo: "Tổng thống tao còn làm luôn huống hồ Tổng lãnh sự."… Những người này nhốt ông Tổng lãnh sự Pháp trong vòng 10 phút rồi mở cửa cho ông qua phòng trọ của anh Truyển… Bản thân Nguyễn Bắc Truyển từ đầu năm đến nay bị hành hung 3 lần, ký giả Trương Minh Đức bị hành hung lần thứ tư trong năm. Theo anh Truyển thì sáng nay nhà bác sĩ Nguyễn Đan Quế, chị Dương Thị Tân, thầy Thích Thiện Minh đều bị canh gác và khiêu khích trắng trợn…”

Vấn đề bạo hành tra tấn gần đây của công an CS Việt Nam đã được 25 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đồng ký tên lên án gắt gao. Nó được phổ biến rộng rãi trên khắp các diễn đàn; đồng thời tố cáo trước các cơ quan công quyền, trong Bản Lên Tiếng kính gởi “Toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước; Quốc hội và Bộ Công an Việt Nam; Các Chính phủ dân chủ và các Cơ quan Nhân quyền quốc tế” [Xem toàn văn Bản Lên Tiếng” trong phần phụ đính].



__________________________________________

Phụ đính:


Bản lên tiếng về các vụ bạo hành tra tấn gần đây của công an Việt Nam
(Các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam)

Kính gửi:

- Toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước
- Quốc hội và Bộ Công an Việt Nam
- Các Chính phủ dân chủ và các Cơ quan Nhân quyền quốc tế 

Ngày 7-11-2013, phái đoàn thường trực của VN tại Liên Hiệp quốc ra thông cáo báo chí cho biết VN đã trở thành thành viên mới nhất của Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn và những hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, hạ nhục phẩm giá con người. Mới đây, ngày 23-10-2014, Chủ tịch nước Việt Nam đã trình Quốc hội phê chuẩn Công ước quốc tế ấy. Thế nhưng, kể từ hôm đó tới nay, đột nhiên bùng phát nhiều hành vi đối xử tàn ác, nhiều hành động tra tấn dã man, hạ nhục nhân phẩm giáng xuống những công dân vô tội do chính lực lượng công an thực hiện.

1- Ngày 29-10, cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải và tín đồ Hòa Hảo Lê Văn Sóc lên Đà Lạt để thăm một cựu tù nhân chính trị. Cuộc viếng thăm đó đã bị an ninh vào tận nhà can thiệp, sau đó lực lượng này (mặc thường phục) bám theo hai ông rồi đột nhiên xông vào hành hung họ cách dã man tại một ngõ vắng dẫn vào nhà trọ. Kết thúc là màn kịch công an sắc phục đến giải cứu.

Hôm sau, 30-10, hai ông ra Vinh để viếng thăm ủy lạo một số cá nhân và gia đình tù nhân lương tâm khác, trong đó có anh Chu Mạnh Sơn. Tuy nhiên, ngay khi vừa xuống sân bay, họ đã bị an ninh vây bắt với lý do (vu cáo) là đã hành hung và cướp giật tài sản một người dân tại Đà Lạt. Lực lượng này, trong đó có một sĩ quan an ninh, đã liên tục tra tấn (móc mũi giật ngược đầu, dí thuốc cháy đỏ vào cánh tay) và lăng nhục hai người như những phạm nhân thực thụ.

Trong khi đó, anh Chu Mạnh Sơn chưa kịp đón hai người bạn thì đã bị bắt đưa về đồn công an xã Nghi Ân và công an huyện Yên Thành. Tại hai nơi đó, anh đã bị các tay an ninh nhục mạ (gọi là đồ chó), đánh đập (với lời hăm dọa đánh cho chết, đánh cho ngu đần). Cuối cùng là bắt anh nộp phạt 2.500.000 đồng (nếu không thì chẳng trả lại xe máy và đồ đạc) vì “tội” vi phạm lệnh quản chế tại địa phương.

2- Ngày 01 và 02-11-2014, hàng trăm côn đồ được công an thuê mướn và chỉ đạo tại chỗ đã ngăn chặn các lối vào nhà nguyện của Hội thánh Tin lành Mennonite tại Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, mục đích là cản trở các tín đồ sinh viên sắc tộc H’Mong và công nhân thuộc khu công nghiệp Mỹ Phước đến thờ phượng thứ Bảy và Chúa nhật. Cùng lúc, lực lượng phối hợp ấy đã ném đá và bắn đạn vào nhà nguyện, xông vào bên trong đánh đập tín đồ, khiến nhiều người trọng thương (nhưng không dám đi bệnh viện cấp cứu) và còn lùng bắt những ai vì hoảng sợ mà bỏ trốn vào các khu rừng lân cận. Các nạn nhân và người dân sở tại đã gọi điện cho công an khu vực và chính quyền địa phương các cấp nhưng họ chẳng hề đến hiện trường để giải quyết và cứu nguy.

Từ lâu, nhà cầm quyền Bình Dương đã muốn xóa sổ cộng đoàn Tin lành (vốn nằm ngoài hệ thống quốc doanh) này và đã nhiều phen sách nhiễu chính vị đứng đầu là Mục sư Nguyễn Hồng Quang, hành hung lẫn cướp bóc nhiều chức sắc chức việc của họ và tàn phá trụ sở của họ (như vụ 76 mục sư nhân sự Tin lành Mennonite bị sỉ nhục, vu cáo, đánh đập ngày 9/6-12/6/2014 bởi cảnh sát cơ động và cảnh sát 113 tỉnh Bình Dương). Biến cố hôm 01 và 02-11-2014 là cao điểm (nhưng chưa phải là tận điểm) cho chiến dịch triệt hạ tôn giáo ấy.

3- Tối ngày 2-11-2014, cựu tù nhân lương tâm kiêm nhà báo tự do Trương Minh Đức đã bị một nhóm công an mặc thường phục chặn đường, đuổi bắt rồi đánh đập hết sức tàn nhẫn tại khu vực ngã 3 Suối Giữa (quốc lộ 13, Bình Dương). Ít nhất 8 tay đã tham gia vào cuộc truy sát này trong đó có một trung tá từng bắt giữ trái phép và đánh đập ông Đức trước đó tại nhà riêng ở Bến Cát, Bình Dương. Một số dùng mũ bảo hiểm liên tục đập mạnh vào mặt và đầu nhà báo. Những tên khác tiếp tục đấm đá vào mạn sườn, khiến ông cảm thấy vô cùng đau đớn và có nguy cơ bị gãy xương sườn. Sau khi đánh cho nạn nhân bất tỉnh, đám công an côn đồ còn cướp sạch những gì ông mang theo, gồm 1 máy tính xách tay, 1 máy tính bảng, 04 thẻ ATM và 600 USD.

Được biết đây là lần thứ ba trong vòng hai tháng, nhà báo Trương Minh Đức bị hành hung bởi những công an côn đồ mà trong cả ba lần đều có sĩ quan hiện diện. Lần nhất vào chiều ngày 08-09-2014 tại khu vực số 63 Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội. Lần hai vào nửa đêm ngày 11-9-2014, tại trụ sở công an thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương.

Từ 3 sự việc tiêu biểu trên đây, các Tổ chức Xã hội dân sự ký tên dưới đây đồng nhận định:

1- Khi phát biểu trước Quốc hội hôm 23-10, ông Trương Tấn Sang nói việc áp dụng Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc phải phù hợp với pháp luật và hiến pháp của Việt Nam (BBC 24-10-2014). Vậy phải chăng những sự kiện trên đây chính là các phương cách phù hợp hóa mà ông đề cập? Ngoài ra, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, nói việc phê chuẩn Công ước chống Tra tấn là “cơ sở pháp lý quan trọng” để “đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân…” của “các thế lực thù địch chống phá Nhà nước Việt Nam”. Vậy những hành vi nghênh ngang tàn nhẫn vừa thấy phải chăng là dàn dựng của các thế lực địch thù?

2- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa mới sang Italia (18-10) gặp Giáo hoàng Phanxicô để cho biết Nhà nước VN hoàn toàn tôn trọng tự do tôn giáo. Ông cũng vừa đến Ấn Độ (27-10) và tới thăm nơi Đức Phật thành đạo để tỏ ra mình cũng là một kẻ có tín ngưỡng. Vậy những gì ông vừa cho thuộc hạ làm tại giáo xứ Thái Hà (cướp hồ Ba Giang của họ cuối tháng 10 vừa qua), và tại nhà nguyện cộng đoàn Tin lành Mennonite Bến Cát như vừa nói phải chăng là cách ông tôn trọng và cổ vũ quyền tự do tôn giáo của dân ông?

3- Toàn dân Việt Nam ngày càng khốn đốn vì đồng tiền mất giá, nợ công oằn lưng (20 triệu/đầu người), môi trường ô nhiễm, y tế tồi tệ, học phí cắt cổ, cán bộ tham nhũng vòi tiền… Nay lại còn phải nơm nớp vì nạn công an ngày càng hành xử như côn đồ và cướp giật: hành hung, chửi bới, trấn lột từ thường dân đến các chiến sĩ dân chủ, tra tấn tới chết vô số người bị bắt vào đồn nhiều khi chỉ vì những chuyện không đâu. Và rồi chẳng có mấy công an thủ phạm bị nghiêm trị đúng pháp luật.

4- Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi tạo nên những công cụ mù quáng và tàn bạo, chỉ biết “còn đảng còn mình”, những kẻ hoàn toàn mất hẳn lương tâm, bất chấp luật pháp, chỉ biết làm theo lệnh, để mong chúng giúp giữ vững chế độ. Chủ trương thâm độc này chỉ làm dày hồ sơ tội ác và làm dài bản cáo trạng mà một ngày nào đó, nhân dân sẽ đưa ra vừa cho những kẻ chỉ thị vừa cho những kẻ thừa hành mà mặt mũi và tên tuổi đều đang được ghi nhớ.

Làm tại Việt Nam ngày 06 tháng 11 năm 2014
Các tổ chức xã hội dân sự đồng ký tên:

1) Bạch Đằng Giang Foundation: ThS. Phạm Bá Hải

2) Bauxite Việt Nam: GS Phạm Xuân Yêm, GS Nguyễn Huệ Chi

3) Cao trào Nhân bản: BS. Nguyễn Đan Quế

4) Con đường Việt Nam: Ông Trần Văn Huỳnh

5) Diễn đàn Xã hội Dân sự: TS. Nguyễn Quang A

6) Giáo hội Cao đài: Cts Hứa Phi, Cts Nguyễn Kim Lân, Cts Bạch Phụng

7) Giáo hội Liên hữu Lutheran VN-HK: MS Nguyễn Hoàng Hoa.

8) Giáo hội Tin lành Mennonite: MS Nguyễn Hồng Quang, MS Phạm Ngọc Thạch.

9) Hiệp hội Đoàn kết Công nông: Ông Nguyễn Mai

10) Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị Tôn giáo: Ông Nguyễn Bắc Truyển

11) Hội Anh em Dân chủ: LS. Nguyễn Văn Đài

12) Hội Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo: Cô Hà Thị Vân

13) Hội Bầu bí Tương thân: Ông Nguyễn Lê Hùng

14) Hội Cựu Tù nhân Lương tâm: BS. Nguyễn Đan Quế, LM. Phan Văn Lợi

15) Hội Nhà báo Độc lập: TS. Phạm Chí Dũng

16) Hội phụ nữ Nhân quyền VN: Cô Huỳnh Thục Vy, Bà Trần Thị Hài, Cô Trần Thị Thúy Nga

17) Hội thánh Tin lành Chuồng bò: MS Nguyễn Mạnh Hùng, MS Lê Quang Du.

18) Khối Tự do Dân chủ 8406: Kỹ sư Đỗ Nam Hải.

19) Lao động Việt: Cô Đỗ Thị Minh Hạnh

20) Mạng lưới Blogger: Cô Nguyễn Hoàng Vi

21) Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền: Linh mục Nguyễn Hữu Giải

22) Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy: Cụ Lê Quang Liêm, Phan Tấn Hòa, Tống Văn Chính, Lê Văn Sóc.

23) Phong trào Dân oan Liên kết đấu tranh: Bà Trần Ngọc Anh.

24) Tăng đoàn PGVNTN: Hòa thượng Thích Không Tánh, Thượng tọa Thích Viên Hỷ.

25) Văn phòng Công lý Hòa bình DCCT: LM Đinh Hữu Thoại.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo