Phương Bích - Gần đây, trên mạng Facebook đang dấy lên tin đồn, Hồ Duy Hải sắp phải chết thay cho người nhà bà phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Không phải nói kháy, hay nói xã giao, nhưng tin đồn như thế là rất mang tiếng cho bà Hoa.
Tôi nghĩ cho dù kẻ giết người bất cứ là ai, thì dư luận cũng không muốn bênh vực kẻ giết người. Vu oan giá họa cho người nhà bà Hoa cũng là một tội ác. Thế nên mới cần xét xử nghiêm minh. Nếu cơ quan điều tra của Việt Nam không làm được, để dư luận phản đối dữ quá thì có thể thuê cảnh sát quốc tế điều tra. Ở đời cái gì chả thuê được? Đất ông cha để lại còn cho nước ngoài thuê 50 năm được, thì làm rõ mấy vụ giết người có gì mà không thuê được? Các dự án kinh tế lớn vẫn thuê kiểm toán quốc tế đấy thôi?
Tôi có đưa đề xuất của mình lên Facebook, một bạn bảo: Ý kiến của chị hay quá. Nhưng thuê cảnh sát quốc tế điều tra nhỡ may lại đúng như tin đồn thì sao? xấu mặt cả trung ương chết.
Bạn khác lại bảo: Nếu có khuất tất, sẽ không điều tra lại đâu.
Ừ nhỉ? Thế mà tôi không nghĩ ra. Nhưng luật sư Trần Vũ Hải có chia sẻ, trước đây Bộ công an Việt Nam đã từng mời chuyên gia Đức sang giải một án oan có tự tử, hay mưu sát. Cho dù chuyên gia chỉ cung cấp kết quả điều tra, chứ không có quyền tham gia tố tụng, nhưng như thế là không phải không thể. Chứ chả nhẽ dân ta cứ chịu chết với bao nhiêu vụ án oan như Nguyễn Thanh Chấn và Trần Văn Chiến hay sao? (1)
Đi tìm tài liệu nói về cho nước ngoài thuê đất 50 năm, lại thấy cái này còn khủng khiếp hơn (2).
Trích:
"Vụ án ở Nhà máy cơ khí xe lửa Gia Lâm Hà Nội. (3)
... Giám đốc Võ Văn Khang bỗng dưng bị chết. Tám cán bộ đảng và công đoàn nhà máy bị bắt, vì Giám đốc công an Hà Nội lúc đó là ông Long, cho đây là vụ giết người. Bức cung khốc liệt, và cả tám người này đều “nhận tội”. Thế là án đã “nhanh chóng được phá”. Thành tích được mau chóng báo cáo lên các cấp trên để được khen ngợi.
Nhưng Đại úy Tích ở Công an Hưng Yên khi khám nghiệm tử thi nạn nhân được vớt lên ở cửa sông Hồng đã quả quyết báo cáo lên Cục trưởng Cục Cảnh sát Lê Hữu Qua là nạn nhân đã tự sát. Cục trưởng Qua lúc đó đã yêu cầu Đại úy Tích làm tường trình, và ông cùng đồng nghiệp kiên quyết chống lại kết luận giám đốc Khang bị giết. Được Thứ trưởng Lê Quốc Thân ủng hộ, Giám đốc Công an Hà Nội là ông Long cũng quyết đấu lại Cục trưởng Lê Hữu Qua, được Đại úy Tích phu tá và được Cục trưởng Lê Hồng Hà ủng hộ quan điểm.
Cuộc đấu tranh để tìm công lý này vô cùng cam go, và nó kéo dài đến bốn năm “bất phân thắng bại”.
Cục trưởng Lê Hữu Qua sau này kể lại:…Có lần Trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ đã gọi chúng tôi đến bắt báo cáo thật cụ thể. Cục Cảnh sát nhân dân đã phải chở một xe tải “đạo cụ” đến nhà riêng ông Thọ để “diễn” lại hiện trường vụ án theo quan điểm của chúng tôi, y như một gánh hát tuồng! Cả tiết lợn cũng phải mua về để rắc lên nền, giả làm vết máu người. Xem kỹ, nghe kỹ, ông Thọ ra lệnh tiếp tục làm sáng tỏ. Cả những ám hiệu định giết người diệt khẩu mà tôi biết cũng được báo cáo ngay với ông Thọ để ngăn chặn. Có cuộc họp cả Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn dự để nghe hai bên, một bên là Lê Quốc Thân và Giám đốc Công an Hà Nội, một bên là tôi và các đồng nghiệp của Cục, đã tranh cãi quyết liệt. Lê Quốc Thân đã chỉ vào tôi mà quát: Kéo dài vụ án thế này, Lê Hữu Qua phải là người chịu trách nhiệm hoàn toàn. Khi một bác sĩ pháp y, nguyên là thiếu tá của chính quyền Bảo Đại phát biểu trong cuộc họp, ông ta đập tay vào cái bảng lớn treo trên tường và hét lên: - Nếu nạn nhân bị giết thì đốt hết sách vở đi! Nói xong ông ta lấy thuốc độc trong túi ra… nuốt, và chết tại chỗ! Bác sĩ giáo sư Tôn Thất Tùng hoảng quá, rút khăn tay trong túi quần ra lau mồ hôi như tắm trên mặt. Các gói mì chính (bột ngọt) để khi ông ăn phở cho vào rơi lả tả theo xuống nền nhà. Tôi phải nhặt các gói mì chính đó bỏ vào túi áo của ông và nói: - Giáo sư cứ bình tĩnh phát biểu.
Bốn năm trời tranh cãi, hồ sơ biên bản vụ án đã lên cả tạ giấy. Bất phân thắng bại nên cuối cùng phải mời một đoàn chuyên gia của Bộ Công an Cộng hòa Dân chủ Đức sang giúp. Người Đức đã đi một chuyên cơ gồm 10 chuyên gia các lĩnh vực. Trong đó có một chuyên gia được mệnh danh là “chuyên gia thắt cổ”. Ông này có một bộ sách dày, có hình vẽ và ghi chép tỉ mỉ các vụ án thắt cổ có từ thời Hy-Mã cổ đại đến sau này. Với ông chuyên gia này, chỉ cần nhìn hiện trường có người thắt cổ, ông có thể kết luận đúng đến 50% là nạn nhân bị thắt cổ hay tự thắt cổ. Những chuyên gia Đức khẳng định rằng, hung thủ luôn để lại dấu vết ở hiện trường. Và đã có dấu vết thì nhất định tìm ra hung thủ. Và quả thật, chỉ sau một thời gian ngắn, vụ án đã được làm sáng tỏ với những luận cứ khoa học không thể chối cãi, không thể tranh luận gì nữa. Tám cán bộ “nhận tội” khi bị bắt đã được tha bổng."
_______________________________________________