Dù chỉ là bà mẹ chân quê - Dân Làm Báo

Dù chỉ là bà mẹ chân quê

(Dựa trên một câu chuyện có thật)

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Mặt Trời chếch bóng quá đỉnh đầu. Cái nắng giao mùa. Từ mùa mưa sang mùa khô. Oi bức và ngột ngạt như chuẩn bị đón những trận mưa cuối mùa. Mưa cuối mùa bao giờ cũng dữ dội.

Mảnh vườn khá rộng nhưng xơ xác và đìu hiu thấy rõ, sau hơn hai năm...

Gần hai giờ chiều.

Bà lững thững bước vào ngôi nhà mang dáng vóc liêu xiêu. Mái fibro, vách ván trông hom hem như hình bóng bà mẹ quê, sau cả đời chèo chống cho đàn con nhỏ, giờ nó đang rệu rã dần...  

Một cách mệt nhọc, bà tháo chiếc nón vải cũ, hững hờ bỏ đại lên cái bàn ố vàng. Se sẻ ngồi xuống chiếc ghế ốm yếu, bà với tay lấy ấm nước và khẽ khàng rót một ly đầy... 

Tiếng nước róc rách tựa tiếng lòng ai oán...

Chậm rãi và ôm chặt ly nước bằng cả hai bàn tay, bà uống từng ngụm một... 

Bà uống như cố nuốt hết nỗi nghẹn ứ trong cổ họng, có cả giọng nói của thằng Út Kha đầy uất ức mà nghe thống thiết... 

Dù mới ngoại ngũ tuần, tóc bà đã muối nhiều hơn tiêu. Dấu chân chim hằn rõ trên đuôi mắt. Vết nhăn sâu hoắm như vết dao cuộc đời, kéo dài từ cánh mũi đến tận khóe miệng cùng vầng trán khô cằn, làm người ta ngỡ bà ngoài sáu mươi. Đôi mắt vui tươi mà ấm áp, giờ đầy khắc khoải. Chỉ có đôi trái tai khá dầy dặn là không đổi. Mới có hai năm!

Lướt mắt ra khoảng sân nắng chói chang, chờ con Hai nó về mà sao chưa thấy...

Chống nhẹ tay lên bàn để làm thế đứng dậy, bà đến bên bàn thờ, vói tay lấy mấy thẻ nhang. 

Chiếc bàn thờ làm bằng cây cẩm lai là vật có giá nhứt trong ngôi nhà xiêu vẹo đó. Bà nhớ ơn những bà con không hề quen biết, đã giúp bà có số tiền để chuộc lại bàn thờ gia tiên, vì khi thằng Út Kha nó đi tù, bà đã buộc phải bán cho tiệm đồ gỗ quen biết, kiếm chút tiền lo cho thằng nhỏ.

Bà đốt ba nén, cắm trên bát nhang sứ màu trắng ngà. Chắp tay xá và lâm râm khấn vái... 

***

Như những cô thôn nữ khác, bà sanh ra và lớn lên trên mảnh đất Thủ Thừa - Long An hồn hậu.

Nghe nói, bà sanh ra trong một chiều mưa buồn rả rích. Bà cũng không biết có phải số phận của bà bắt đầu từ đó không nữa. 

Vô tư, hồn nhiên như những đứa con nít khác, bà lớn lên giữa bụt măng, bụi chuối hiền lành. Học hành, phụ giúp cha mẹ và vui chơi cùng chúng bạn. Dù sanh ở thôn quê, trong gia đình nông dân nghèo, bà lại thừa hưởng từ mẹ tính cách tháo vát, bươn chải và tự tin.

Bà lấy chồng sớm. Ông nhà là một nông phu chơn chất thiệt thà, yêu vợ thương con. Bà sanh được ba đứa. Con Hai Như, thằng Ba Uy rồi đến lượt thằng Út Kha kháu khỉnh chào đời. 

Mỗi lần một đứa là một kỷ niệm đầy ắp hạnh phúc, tuy đơn sơ trong mái nhà bình dị. Bà cũng chẳng mong gì hơn, ngoài việc con cái lớn khôn và có công ăn việc làm. Rồi sanh con đẻ cháu cho bà bồng ẵm. 

Như những bà mẹ quê khác, bà không biết gì về chánh trị hay thời cuộc, bởi vốn dĩ nó xa xôi. Quanh năm suốt tháng, bà quẩn quanh bên ao cá, chuồng gà cùng mảnh vườn với mít, với dừa và nhiều loại rau cải mà bà thích tự tay làm món ngon cho con cùng tụi bạn của nó, lâu lâu kéo về nhà bà nhậu và hát hò tưng bừng. 

Bà nghĩ đời mình vậy là may mắn, khi con Hai Như yên chỗ với đứa cháu ngoại gái xinh xắn ra đời, sống ở Sài Gòn, cuối tuần hai vợ chồng nó đưa con về ríu rít thăm ông bà. Khi thằng Ba Uy mở tiệm làm gì đó về kỹ thuật thông tin và quen được đứa con gái hiền lành, nết na. Khi thằng Út Kha học sắp xong, rồi ra trường đi làm, rồi vài năm sau cũng giống anh chị nó. Đề huề...

Bà không ao ước gì hơn. Đối với bà, vậy là đủ đầy. 

Bà thích âm nhạc và có giọng trong trẻo, ưng nhứt là nhạc Boléro man mác buồn nhưng không bi lụy. Hát cho vui, cho khuây khỏa sau cả ngày đầu tắt mặt tối với ruộng vườn. Khán giả duy nhất, không ai khác hơn là người cha của ba đứa con bà.  

***

Cuộc đời bà bồng bềnh nhẹ lướt trên giòng Vàm Cỏ Tây hiền hòa, dù nước lớn hay nước ròng. 

Cho đến một ngày...

Đó là cái ngày nghiệt ngã nhứt mà đời bà chưa bao giờ nghĩ, nó xảy ra với cả gia đình. Người quen báo cho bà thằng Út Kha vừa bị bắt đêm qua, tại Sài Gòn.

Bà không tin vào tai mình và gặng hỏi lại. Khi biết đó là sự thật, bà chết điếng. Người ta nói con bà nhận tiền của bọn phản động chống nhà nước. Chữ này, bà nghe nhiều lắm, từ hồi mấy chục năm trước lận. Thiệt ra, bà không quan tâm, vì bà chán chê cái chế độ này từ lâu, bởi những mảnh đời bần hàn như là chứng nhân bày ra nhan nhản trước mắt bà. Bà luôn dạy mấy đứa nhỏ "đói cho sạch, rách cho thơm", giúp được ai chút gì thì mở lòng ra. Mấy đứa nhỏ cũng hiểu lời mẹ dạy, cho nên hàng xóm, bè bạn có việc gì nhờ cậy là tụi nó hết lòng trong khả năng. Hỏi vậy làm sao bà tin nổi, thằng Út vì tiền mà đi làm chuyện bậy.

***

Bà nóng lòng chờ trời sáng, sau cả đêm lăn qua trở lại. Bà quyết đi tìm sự thật, coi ra làm sao mà con bà ra nông nổi vậy.

Ban đầu, bà không biết xoay sở ra sao, đường đi nước bước như thế nào, bà cũng không có vốn liếng chữ nghĩa cao thâm gì để lận lưng. Cả cái vụ gì gọi là in-tờ-nét bà cũng không biết xài nữa. 

Nhờ nhiều người thương và biết rõ thằng Út của bà nào giờ lương thiện, tử tế, người ta xúm vào giúp. Cả con Hai, thằng Ba cũng gác lại chuyện làm ăn, nhào vô phụ cha mẹ lo cho em. Người kiểu này, kẻ cách kia, cuối cùng bà cũng biết sự thật. Thằng Út Kha nhà bà không phải vậy. Bà mừng lắm vì đạo đức gia tiên không bị làm ô uế. Chỉ là người ta đơm đặt cho thằng nhỏ.

Bà thắc mắc, nếu kẻ xấu là cá nhơn đặt điều cho Út Kha nhà bà thì đâu có gì đáng nói, đằng này sự vu khống lại do nhà nước bày vẽ! Bà không sao giải thích được, vì đầu óc chân quê như bà chỉ hiểu: Nhà nước mần ra là để lo cho dân, chớ không mần nó ra để hãm hại dân. 

Cách hiểu của bà đơn giản mà không một ông công an nào, không một ông quan tòa nào trả lời nổi cho bà. Các vị luật sư cũng cười ý nhị, trước lý lẽ giản dị mà thuyết phục của một bà mẹ quê.

Ngày ra tòa, mấy ông quan tòa ngọng tò te, khi thằng Út Kha dõng dạc trước vành móng ngựa: "Tôi không chống Tổ quốc tôi, Dân tộc tôi. Tôi chỉ chống ĐCSVN".

Phiên tòa xong. Nhà nước phán cho con bà 8 năm tù...

Phiên phúc thẩm, nhà nước hạ xuống phân nửa...

Bà nghĩ, chắc nhờ một phần từ luật sư cũng như bà con cô bác rần rần kéo cả trăm người, giúp bà biểu tình, hô vang trước cổng tòa án, thằng Út con bà vô tội, nên nhà nước "đại hạ giá", bớt cho thằng nhỏ.

Bà mắc cười, khi nghĩ đến mấy cái bánh trung thu ế, sắp hết đát người ta bán một cái tặng một cái, vào dịp rằm tháng tám.

Hồi rằm tháng bảy, bà lu bu quá nên quên cúng cô hồn. Đâu khoảng một tuần sau, bà bị té dập đầu, hên là không bị nặng quá. Hàng xóm nói bà bị quở vì quên cúng. Bà hối hận vì vô ý và có lỗi với những người khuất mặt khuất mày, vì họ là những vong hồn bơ vơ, đói khát, cần bữa cơm đạm bạc cho ấm dạ, vậy mà bà cũng quên! 

Chị Sáu hàng bông, hàng xóm của bà, có chồng chạy xe thồ, vừa phụ vợ chở rau cải ra chợ, vừa làm thêm nếu bạn hàng kêu chở - anh Sáu - hồi năm ngoái bị đánh chết, vì không có đủ hai trăm đưa công an, an ủi bà: "Hổng sao đâu! Cô hồn chết chỉ nhắc chị thôi. Cái chị phải lo là lo cho cô hồn sống. Chị coi còn gì đáng giá trong nhà, cầm đỡ đi, mua đồ cúng tụi nó, cho thằng Út Kha nó đỡ bị hành hạ".

***

Hồi sáng, lục chén cơm nguội ăn với mắm sặc, uống vội ly nước mưa, trước khi ra khỏi nhà đến trại tù K3 Xuyên Mộc thăm Út Kha, đến giờ bà cũng không thấy đói. Bà nghe cái bụng cứ lâng lâng, như ngồi trên tàu vào bữa sóng lớn ngày mưa bão. Nó lao chao, chòng chành làm bà xây xẩm mặt mày...

Vậy là thằng Út Kha ở tù hơn hai năm rồi. Người ta nói "nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại". Con bà ở tù ròng rã bảy tám trăm ngày... Mà nó có giết người cướp của ai đâu. Có ăn chơi quậy phá như con mấy ông lớn đâu. Nó cũng đâu có tiền mà đi nước ngoài, rồi vô siêu thị xứ người ta để trộm cắp rồi bị bắt, lại còn không biết xấu hổ vác cái bản mặt nhơn nhơn lên tivi dạy điều lễ nghĩa. Bà giận lắm. Bà khinh bỉ cái nhà nước này chỉ biết ăn hiếp người nghèo, cô thế. Hèn gì người ta nói đâu có sai: Hèn với giặc, ác với dân. Đúng quá mà!

Hình ảnh thằng Út Kha - tái hiện trong đầu bà - lừ đừ, lơ ngơ, mệt nhọc ráng lết ra, hồi sáng, khi bà đến kỳ thăm nuôi nó. Lúc đó, bà ráng kềm lòng, vì không muốn tụi cai tù hả hê. Bây giờ, giữa không gian bốn bề im phăng phắc, nước mắt bà chảy dài trên má, trên môi. Nóng hổi. Bà để mặc cho những giọt lệ trong veo tự nhiên tuôn tràn như mưa lũ ngày giông bão. Bà nấc từng tiếng như con nít bị oan ức...

Thằng Út Kha bị trĩ, đau khớp gối và sốt cao, viêm mũi nữa. Hồi ở nhà, sáng nào nó cũng tập thể dục, tập tạ, người rắn rỏi và tràn đầy sinh lực. Mấy đứa con gái để ý nó nhiều lắm. Bây giờ nhìn nó hom hem, già sọm như tuổi trung niên gần bốn chục. Nước mắt bà tiếp tục lăn dài trong suy tư đó...

***

Nặng nề đứng dậy, bước ra sau bếp rửa mặt cho tỉnh táo hơn. Trước mắt bà quang cảnh vẫn hỗn độn với vách bếp sập hồi chập tối hôm qua, tại vì giông lớn. Bà chưa kịp dọn. Bà đã lo trong bụng, khi thấy chuyện này như là điềm gỡ. Y như rằng, sáng nay thằng Út cho biết. Rồi còn có ông nào điên điên khùng khùng, tự nhiên nhà tù đem vô nhốt chung với thằng nhỏ để hù dọa, quấy rối trong lúc nó đang bị bịnh nữa. 

Con Hai Như, thằng Ba Uy cũng gánh hậu quả thê thảm từ lúc Út Kha đi tù.

Thằng rể bà vì sợ liên lụy và không còn đường tiến thân, nên ép con Hai phải đoạn tuyệt gia đình bà. Con Hai nó không chịu, vì nó nói em nó đâu có tội gì đâu. Cha mẹ là người sanh nó ra, lo cho nó nên vóc nên hình. Làm sao nó bỏ được. Vậy là hai vợ chồng quyết định ly dị.

Thằng Ba Uy sắp làm đám cưới, cũng vì binh vực em mà nhà nước không tha. Công an nhào xuống cả bầy, rồi còng tay, lôi sềnh sệch thằng nhỏ từ ngoài lộ vô tới tận trong nhà. Sau đó nhốt thằng Ba gần cả trăm ngày, rồi thả ra với cái án treo mười lăm tháng. Tiệm làm ăn của nó cũng bị nhà nước phá đến nổi phải đóng cửa. Bên sui gia thấy ngại, người ta xin từ hôn luôn.

Ông nhà thì bịnh rề rề cả năm nay, khi chứng kiến cả ba đứa con vô tội của ông bị cái nhà nước khốn nạn này dồn vào đường cùng, không lối thoát...   

***

Ngửa mặt lên trời, hai cánh tay xương xẩu đưa lưng chừng, hai bàn tay gầy guộc nắm chặt run run, ánh mắt bà hiện lên nỗi đau cắt ruột. Tiếng thét bật ra. Tiếng thét vang vang giữa không gian trống trải. Tiếng thét từ lồng ngực ốm yếu của bà, bỗng như có ai đó khuếch đại dội lên đến tận Cao Xanh, nghe nhức buốt, thấu tới tận tim:

Thời đại này là thời đại gì đây!

Các người có còn là con người không! 

Tại sao nhẫn tâm phá tan nát gia cang người ta! 

Sao cái nhà nước này ác quá vậy, ông Trời ơi!!!

Những đám mây đen ùn ùn kéo tới. Dày đặc, vằn vện như bàn tay vô hình vẽ vội lên không trung bộ mặt vô định hình của Thiên Lôi thật dữ dằn. Bầu trời từ nãy giờ ngả nghiêng, chênh chao trong buổi chiều lòng bà tím ngắt. Gió hú từng cơn nghe rợn người. Những tiếng sét đinh tai nhức óc thay phiên nhau gầm lên vang động...

Mưa. Mưa xối xả. Mưa như những hồ nước khổng lồ từ trên trời, lật úp và dội xuống trần gian. Tràn trề. Lênh láng. Mưa xối thẳng xuống đầu bà, trong không gian bếp trống huơ trống hoác...

Đưa tay vuốt những giọt nước mưa mát lạnh trên mặt, bà tỉnh táo hơn. Môi mím chặt. Ánh mắt đầy tự tin xuất hiện trở lại... 

Bà quyết phải đi đòi và đòi cho bằng được quyền con người cho thằng Út nhà bà.

Dù có phải đi cùng trời cuối đất, bà nhất định phải làm cho Út Kha cũng là cho tất cả những ai đang bị cướp đoạt quyền con người. Bà sẽ đi. Bà phải đi...

...Dù chỉ là một bà mẹ chân quê, bà không cô đơn trên con đường đó..

(Kính tặng Bà Mẹ Chân Quê của TNLT Đinh Nguyên Kha)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo