Bùi Tín - Mồng Một Tết Ất Mùi vừa qua, tôi có bài viết ‘Chân Dung Quyền lực và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng’, trong đó có bức thư ngỏ gửi thủ tướng. Nhiều mạng tự do đăng lại bài ấy. Tôi không ngờ ngay ngày Tết lại có nhiều bạn đọc có ý kiến nhận xét, bình luận về lá thư ngỏ ấy. Có đến hơn 70 bài.
Những ý kiến đồng tình, tán thưởng, ‘xoa đầu’ không hiếm, dù đầu tôi đã bạc trắng, vẫn có tật phổng mũi gật gù khi được khen. Nhưng tôi thường chú ý hơn đến những ý kiến phản biện, gai góc. Tôi đã lường trước chuyện này.
Quả nhiên những lời ‘mắng mỏ’ không thiếu. Xin kể:
- B.T. từng ở lâu trong đảng CS mà chẳng hiểu gì về người CS cả! Làm gì còn người CS tốt, yêu nước, thương dân khi họ còn nắm quyền lực trong tay; nhà báo B.T. ngây thơ, lẩm cẩm rồi! không biết Ba Dũng là trùm ‘tư bản đỏ’ ư? chỉ ‘hứa hươu hứa vượn’, nói thì hay mà ‘làm như mèo mửa’; tay tổ lừa bịp đó!;
- Chán cho cái ông già nhà báo này quá! chỉ gây rối thêm! ông không biết Ba Dũng là tay xạo tổ bố, giả ca ngợi dân chủ nhân quyền, giả ca ngợi chế độ pháp quyền của thời đại, ba hoa rằng ‘người dân được làm mọi việc mà luật pháp không cấm '...nhưng chính Ba Dũng bỏ tù Ls Hà Vũ, bỏ tù cô Hằng, bỏ tù nhà báo Trương Duy Nhất, Ba Dũng cũng giả vờ thân phương Tây, nhưng thật ra là đi đêm với bành trướng Bắc Kinh đó, cùng một duộc với 15 ủy viên bộ chính trị khác mà thôi! Họ phân công nhau làm trò con khỉ!; đừng có van xin hão huyền, làm sao Ba Dũng từ bỏ được gia tài kếch sù do ổng và gia đình vơ vét được từ khi làm Thống đốc ngân hàng, làm sao tướng cướp CS có thể buông dao hoàn lương thành người lương thiện, huống gì là thành anh hùng cứu nước!
Cám ơn các bạn đã góp ý xác đáng. Những ý kiến ấy tôi dã biết, đã hiểu rõ khi cân nhắc để viết bức thư nói trên. Tôi xin trình bày rõ thêm như sau:
Tôi có ý định viết bài báo này sau khi đọc bài viết của ông Đào Như trên mạng Dân Luận (8/2/2015), có tít là: 'Vai trò lịch sử của mạng Chân dung quyền lực’. Trong bài, ông Đào Như nhận định CDQL đã ‘hoàn thành sứ mạng lịch sử, mở trận đánh lớn khốc liệt không khoan nhượng chống lại đảng CS Việt Nam, có ý chí loại trừ tận gốc rễ ảnh hưởng của đảng CS trong xã hội VN’. Theo ông Đào Như, mạng CDQL đã có công vạch mặt hàng loạt lãnh đạo bảo thủ giáo điều là nguy cơ tệ hại nhất: Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị, cũng như có công lớn biểu dương, nêu gương các nhà đổi mới Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt, và nay là Nguyễn Tấn Dũng. Ông kết luận đây là vai trò lịch sử của CDQL. Tôi cho rằng ông Đào Như đã quá ư lạc quan do chủ quan, lấy mong muốn của mình thành hiện thực, nhưng hiện thực ấy còn xa vời lắm lắm, vì ông thủ tướng nói rất hay, rất nhiều, rất chuẩn (về nhân quyền, về dân chủ, về chống bành trướng, về chống tham nhũng), nhưng không hề làm, lại toàn làm điều trái ngược.
Nhưng suy đi còn nghĩ lại, tôi không đồng tình với ông Đào Như nhưng rất quý trọng mong muốn chân chính của ông là chuyển hóa toàn bộ hệ thống cai trị kiểu chuyên chính độc đảng sang chế độ pháp quyền đa đảng trong hòa bình không bạo lực. Sẽ tránh được đổ máu, hỗn loạn, tang thương, đau khổ. Tôi càng hiểu mong muốn chính đáng ấy khi ông so sánh vai trò ông Nguyễn Tấn Dũng hiện nay với ông Gorbachev ở Liên Xô năm 1991, rồi so sánh ban chấp hành TW đảng khóa XI như quốc hội Douma của nước Nga hồi ấy, đã tuyên bố giải thể Liên bang Xô viết, giải tán đảng CS Liên Xô.
Tôi không đồng tình với ông Đào Như ở điểm này, vì tôi từng nghe, đọc khá nhiều về Gorbachev, một nhà chính trị cực kỳ nhân bản, suy nghĩ, nói và làm thống nhất, sáng suốt và quả đoán, tôi cũng từng 2 lần nói chuyện khá lâu với ông Dũng, trực tiếp ‘bắt mạch’ ông khi ông còn ở Kiên Giang và khi ông ra Hà Nội, thấy ở ông một cán bộ tầm thường lắm, được ông Võ Văn Kiệt cất nhắc, nhưng vẫn là con người tầm thường về hiểu biết, nắm vấn đề, giải quyết vấn đề; đó là con người luống tuổi, rất ít học, trưởng thành từ một người y tá được huấn luyện 3 tháng trong rừng, học thêm quá ít. Tôi không có định kiến với ông, nhưng tôi nghĩ từ Gorbachev đến Nguyễn Tấn Dũng là cả một khoảng cách rộng về nhân cách, hàng chục bậc thang về nhân thức hiểu biết rõ nền chính trị quốc tế khu vực và thế giới, càng lớn rộng hơn về nhân sinh quan, về lẽ sống ở trên đời. Ta sống vì ai? vì dân, vì đồng bào ta, vì nhân dân ta, vì dân tộc ta hay vì danh tiếng hão, vì chức tước, hưởng thụ, vì vợ con, tài sản riêng, nhà thờ họ riêng, tất cả chỉ là ảo ảnh, hão huyền khi xuôi tay chui vào 6 tấm. Tôi vẫn nghĩ ông Dũng có bộ mặt sáng sủa, dáng người cao ráo, nhưng vẫn cứ là ‘con người lùn tịt’ về nhiều mặt.
Chính vì lẽ ấy mà nhân cái ảo tưởng quá lớn của ông Đào Như, một trí thức sống xa quê hương, ở bang Illinois/Hoa Kỳ, tôi muốn nhắn gửi ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lá thư ngỏ nói trên để làm một cuộc thăm dò, một cú 'test' sinh động từ xa, biết rằng 99% nó là vô ích, tôi đã đoán trước thất bại. Tôi muốn qua đây cảnh tỉnh ông bạn Đào Như là chớ nên gửi niềm tin quý báu của mình ở nơi chưa đáng tin cậy, sẽ bị vỡ mộng.
Tôi vẫn cố thử một lần cuối còn có lý do là Đức Phật Thích Ca từng nói: trong con người nào cũng có ‘Phật tánh’. Một tên cướp cũng có thể ngộ ra lẽ phải, chôn dao, làm điều thiện cứu dân độ thế, thành Phật. May ra ông Dũng ngộ ra lẽ phải trong một đêm xét mình đến tận cùng, tự mình lột xác, ‘thành Gorbachev VN’, một cuộc đổi đời kỳ diệu.
Hy vọng quả thật mong manh, nhưng còn nước, còn tát.
Tôi cũng muốn qua bức thư được phổ biến rộng, toàn xã hội quan tâm và sẽ có nhiều ý kiến phong phú về thời cuộc. Tôi mong rằng cả 16 ủy viên bộ chính trị, cả 199 ủy viên TW phần lớn sẽ đọc bức thư này và suy nghĩ, cũng như đông đảo đảng viên CS và bà con ta ngoài đảng cũng cùng suy nghĩ về thời cuộc. Để những người lãnh đạo đảng CS nhận ra rằng tình thế đang cần đến một nhân vật xuất chúng - không phải Nguyễn Tấn Dũng thì có thể là ai đây? - nhân vật ấy sẽ tập trung quanh mình những người đồng tâm nhất trí, kén chọn một số trợ lý, cố vấn ưu tú, dựa hẳn vào các tổ chức xã hội dân sự đang dấn thân cho Tự do của dân tộc. Nhân vật ấy, nhóm tiên phong ấy sẽ đặt sang một bên cả hệ thống những học thuyết, chủ nghĩa, chế độ chính trị - kinh tế - văn hóa - đối ngoại đã cũ kỹ không còn sức sống, thay thế nó bằng hệ thống pháp quyền, nhân quyền, dân chủ đa nguyên về chính trị - kinh tế - văn hóa và đối ngoại. Dân chủ bầu cử, Tự do ngôn luận là 2 nét nổi bật trong hệ thống cai tri mới lấy dân làm gốc. Cả một trào lưu dân chủ quốc tế mạnh mẽ sẽ lập tức ủng hộ và tiếp sức cho ta, từ Philippin, Inđônếsia, Malaisia, Ấn Độ, Miến Điện, đến Liên Âu, Úc, Canada, Hoa Kỳ, trong khi ta duy trì quan hệ bình đẳng hòa bình với Trung Quốc.
Đất nước ta đang cần tiếp túc đổi mới cả hệ thống. Toàn dân ta đang mong chờ một sự lãnh đạo sáng suốt, minh bạch, quả đoán theo hướng tiến bộ và hiện đại. Tất cả những học thuyết, chủ nghĩa, chế độ cai trị, tên đảng, tên nước… không có gì là cố định, thiêng liêng, tồn tại dai dẳng, tất cả chỉ là phương tiện do con người tạo ra, là công cụ của nhận thức, khi không còn thích hợp thì đật nhẹ nhàng nhưng dứt khoát sang một bên - hay có thể đưa vào bảo tàng lưu niệm để làm răn - và tạo ra công cụ mới sắc bén, hiện đại có công suất cao hơn để kiến tạo phát triển và chia thành quả thật hợp lý cho toàn dân cùng hưởng... Trên dưới ôn tồn thuyết phục nhau, nghe theo lẽ phải, khi cần vẫy gọi nhau xuống đường có trật tự, có tổ chức để tỏ rõ ý chí xã hội là đông đảo, đồng nhất.
Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh đến tác dụng và vai trò lịch sử của các tổ chức và cá nhân đang giương cao ngọn cờ Nhân quyền, đòi Tự do, Dân chủ cho toàn dân, của Mạng Lưới các blogger tự do, của các tổ chức của Xã Hội Dân Sự đã vượt qua con số 30, trong đó có các mạng thông tin lề dân như mạng bô-xít, Dân Làm Báo, Việt Nam Thời Báo, Văn đoàn Độc lập, Phụ nữ Nhân quyền, đội bóng No-U, phong trào ‘Tôi không thích đảng Cộng sản!’, các tổ chức tín đồ đòi tự do tôn giáo,… Bất kỳ nhà hoạt động chính trị nào muốn làm nên lịch sử ắt phải dựa vào nhân dân và dân tộc, dựa hẳn vào các tổ chức Dân chủ và Nhân quyền trên đây, do đó là những tổ chức mang bản chất dân tộc và nhân dân sâu đậm nhất, đang là động lực chân chính, lành mạnh, lương thiện của toàn dân, đang lớn mạnh dần và sẽ được nhân lên gấp ngàn vạn lần khi thời cơ cách mạng bùng nổ.
Sự bùng nổ cách mạng sẽ tuyệt vời nếu như được diễn ra trong hòa bình không bạo lực, như ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên bang Nga, Tunisia, Miến Điện…, tránh để đổ máu như ở Romania dù ở đây là những xung đột không đáng kể.
Cần khắc phục tâm lý bi quan, thủ đoạn dọa dẫm là thay đổi cả hệ thống sẽ tất yếu dẫn đến hỗn loạn. Không nhất thiết là thế. Đó không phải là định mệnh. Đổi mới cả hệ thống không bạo lực là nét trội của thời đại. Ấn Độ, Miến Điện dân chủ hóa cũng là láng giềng vói Trung Quốc minh chứng cho điều đó. Điều kiện phải là tự do liên minh toàn diện với các nước dân chủ như Nhật bản, Ấn Độ, Philippin, Inđônếsia, Úc, Liên Âu, Hoa Kỳ… trong khi giữ quan hệ hòa bình, bình đẳng, hợp tác có đi có lại với Trung Quốc.
Chân thành xin lỗi các bạn nếu như tôi vẫn còn ‘lẩm cẩm, ngây thơ’ trong bài viết này.