Thông tin tổng hợp về chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam 2015 - Dân Làm Báo

Thông tin tổng hợp về chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam 2015

VOA: Phát động chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam 2015

Trà Mi (VOA) - Gần 20 tổ chức xã hội dân sự và hàng trăm người Việt trong và ngoài nước cùng ký tên kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch kết nối trong-ngoài vận động cho nhân quyền Việt Nam 2015.

‘We are One 2015’ (Chúng ta là một) vừa được phát động rộng rãi trên các trang mạng xã hội là cuộc vận động kéo dài suốt năm nay với nhiều sinh hoạt tại Việt Nam và ở nước ngoài nhằm đánh động sự quan tâm của quốc tế về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và gia tăng áp lực thúc đẩy Hà Nội tôn trọng các quyền căn bản của công dân.

Chiến dịch vận động đề ra bốn bước gồm huy động 100.000 chữ ký trên trang nhanquyen2015.net cho thỉnh nguyện thư gửi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc trình bày về thực trạng nhân quyền trong nước, tổ chức các cuộc tọa kháng-tuyệt thực-thắp nến cả trong và ngoài nước để kêu gọi phóng thích tù nhân lương tâm, gặp gỡ chính giới các nước đề nghị nêu cao yếu tố nhân quyền khi giao thương-hợp tác với chính phủ Việt Nam.

Chiến chiến dịch kết thúc với Ngày Mặc Áo Trắng xuống đường của người Việt khắp nơi với các khẩu hiệu về dân chủ, nhân quyền, và chủ quyền ngay đúng ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12.

Có thể nói đây là lần đầu tiên có một chiến dịch kéo dài suốt năm, vượt ngoài giới hạn quốc gia, huy động sự tham gia của người Việt trong và ngoài nước hướng về nhân quyền Việt Nam.

Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Việt Nam, linh mục Phan Văn Lợi, một trong những người ký tên đầu tiên vào thư kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch ‘We are One 2015’ cho VOA Việt ngữ biết:

“Điểm đặc biệt của lần này thứ nhất là lá thư gửi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc để Hội đồng biết tình hình tại Việt Nam trong khi nhà nước Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng. Thứ hai, đây là chiến dịch dài gồm nhiều bước. Thứ ba, chiến dịch này quy tụ rất nhiều xã hội dân sự tại Việt Nam và người Việt cả trong lẫn ngoài nước cùng tham gia.”

Linh mục Phan Văn Lợi, một trong những người ký tên đầu tiên vào thư kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch ‘We are One 2015’

Những người khởi xướng chiến dịch nói đã đến lúc mọi người Việt, bất kể đang ở đâu, phải bắt tay nhau giải quyết vấn nạn nhân quyền Việt Nam, biến 2015 thành năm của hành động, của sự kết hợp giữa người Việt trong-ngoài vì nhân quyền của người dân và chủ quyền của đất nước.

Nhà hoạt động Phan Văn Lợi bày tỏ kỳ vọng:

“Điều chúng tôi mong trước nhất là khơi dậy ý thức đồng bào Việt Nam để họ thấy nhà cầm quyền cộng sản càng ngày càng vi phạm nhân quyền, càng ngày càng đẩy đất nước tới những bế tắc về xã hội, kinh tế, an ninh-quốc phòng. Thứ hai, khi kêu gọi đồng bào tham gia, chúng tôi muốn họ thấy rằng bây giờ toàn dân phải cố gắng để nhập cuộc. Không ai còn có thể dửng dưng trước vận nước, trứơc sự thao túng ngày càng lộng hành và nhiều tác hại của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Chúng tôi không hy vọng nhà cầm quyền sẽ trả lời, nhưng chúng tôi hy vọng rằng dân chúng sẽ càng ngày càng nhập cuộc để đòi nhà cầm quyền trả lại tất cả mọi quyền cho dân tộc Việt Nam.”

Trong thỉnh nguyện thư gửi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam yêu cầu Hội đồng và các nước thành viên theo dõi chặt chẽ chính sách nhân quyền của Hà Nội, áp lực chấm dứt các vi phạm lan tràn về quyền con người, và chất vấn về việc tuân thủ các cam kết nhân quyền với quốc tế.

Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Tuần trước, Cao ủy trưởng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc, Zeid Ra’ad Al Hussein, trong bản báo cáo trước Hội đồng hôm 3/3 về vi phạm nhân quyền trong năm 2014 đã nhắc tới Việt Nam là một trong các nước thu hẹp dân chủ cần quan tâm.

Ông Hussein nói tại Việt Nam, các ngòi bút độc lập và những nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với sách nhiễu của công an và nhà cầm quyền bằng nhiều hình thức từ bắt bớ, giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt, tới các cáo buộc hình sự và những bản án nặng tay theo các điều luật có nội dung mơ hồ về ‘chống nhà nước’.

Cao ủy trưởng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc cũng nhận xét rằng nhà nước Việt Nam ngăn chặn, cấm cản truyền thông độc lập, kiểm soát chặt chẽ phương tiện truyền thông cũng như giới hạn tiếp cận internet.

Đáp lại, đại sứ Việt Nam Phạm Quốc Trụ nói ông Hussein ‘có lẽ đã dựa vào những thông tin không kiểm chứng và không đáng tin cậy để đưa ra những bình luận tiêu cực về Việt Nam’.


*

RFA: Kêu gọi Tham gia Chiến dịch Tranh đấu cho Tự do-Dân chủ-Nhân quyền 2015

Gia Minh (RFA) - Gần 20 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và 160 người trong cũng như ngoài nước vừa phổ biến ‘Lời kêu gọi Tham gia Chiến dịch Tranh đấu cho Tự do- Dân chủ- Nhân quyền 2015’.

Nội dung chính

Lời kêu gọi nhắc lại năm nay đánh dấu 40 năm chính quyền cộng sản giành quyền cai trị trên khắp đất nước Việt Nam và hiện đang chuẩn bị nhân sự lãnh đạo sẽ được đưa ra vào kỳ đại hội đảng lần thứ 12.

Tuy nhiên theo những tổ chức và người ký tên thì những quyền căn bản của người dân về tự do, dân chủ nhân quyền lâu nay không được đáp ứng khiến cho ngay cả việc bảo vệ chủ quyền đất nước mà người dân muốn tham gia cũng không được. Một số điều luật thuộc Bộ Luật Hình sự như 79, 88, 258 sẵn sàng bỏ tù những tiếng nói góp ý chân thành với nhà nước về các vấn đề như chủ quyền, độc lập của đất nước, hay phê bình chính sách ngoại giao của chính phủ…

Những hội đoàn xã hội dân sự và những cá nhân tham gia ký tên trong lời kêu gọi nêu ra tình trạng sợ hãi của nhiều người dân trước biện pháp trấn áp mạnh tay của chính quyền. Nay họ cần phải vượt qua nổi sợ đó tham giá ký tên vào ‘Thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và các Cơ chế Nhân quyền Quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và chiến dịch Vận động Tự do- Dân chủ- Nhân quyền 2015 cho Việt Nam’.

Mục tiêu được đưa ra là thu thập cho được 100 ngàn chữ ký tại địa chỉ nhanquyen2015.net.

Đó là bước đầu của chiến dịch, sang bước thứ hai sau khi có được 100 ngàn chữ ký là hoạt động tuyệt thực- thắp nến, cũng như đấu tranh bằng những hình thức khác tổ chức vào khoảng cuối tháng 5 tới đây để tranh đấu cho những tù nhân lương tâm đang bị cầm tù vì chính kiến và hoạt động vì dân chủ, nhân quyền của họ. Bước thứ ba của chiến dịch được cho biết là tiến hành công tác ngoại vận đối với các tổ chức quốc tế, phái đoàn ngoại giao nước ngoài, các vị dân biểu, nghị sĩ tại những quốc gia có người Việt sinh sống. Bước cuối cùng là nhiều người cùng công khai xuống đường đòi hỏi quyền tự do, dân chủ, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước.

Thực tế đấu tranh

Linh mục Phan Văn Lợi thuộc Ban Điều hành Khối 8406, một trong những nhóm tham gia đưa ra lời kêu gọi vừa nói cho biết đây là tiếp nối những công việc mà những nhóm xã hội dân sự tại Việt Nam thực hiện lâu nay:

“Từ lâu nay chúng ta thấy phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam có những bước tiến, đó là sự xuất hiện các xã hội dân sự càng lúc càng thêm. Thứ hai nữa những xã hội dân sự đó bây giờ đứng chung với nhau không còn những tiếng nói riêng rẽ nữa. Và một khi những xã hội dân sự cùng đứng chung với nhau như thế thì trở thành tiếng nói lớn hơn để thấu đến người dân Việt Nam. Và chúng ta thấy rằng người dân Việt Nam, các giới đã đồng lòng, có những hoạt động cũng như những hỗ trợ rất tích cực cho các xã hội dân sự.

Rồi chúng ta cũng thấy chính động thái của các xã hội dân sự: các lần lên tiếng, các đề tài lên tiếng cũng làm cho nhà cầm quyền cộng sản thấy lòng dân và họ phải lo sợ; họ phải thấy rằng người dân càng ngày càng nhận định đúng đắn và càng ngày càng đòi hỏi, càng khao khát dân chủ tại Việt Nam. Và Đảng cộng sản nói chung và thành phần lãnh đạo đảng đang luôn luôn bị người dân dò xét, bị người dân chất vấn buộc nhà cầm quyền phải trả lời và phải làm những gì họ nói; bởi vì trong thực tế cộng sản nói một đàng mà làm một ngả. Nhất là Đảng cộng sản đang phải xét lại sự tồn tại, tính chính danh của mình. Đó là những gì mà tôi thấy xã hội dân sự nói riêng và phong trào tranh đấu nói chung đã làm được trong lúc này.”

Đề nghị cần làm

Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù chính trị vừa mãn hạn quản chế vào đầu tháng ba vừa qua, cho rằng lâu nay đã có nhiều thư kêu gọi ký tên rồi và nhiều người tham gia ký trên mạng nhưng trong thực tế vẫn chưa có những hành động cụ thể; do vậy cần có cách làm mang tính thực chất hơn để có thể đạt được mục tiêu mong muốn. Luật sư Nguyễn Văn Đài phát biểu:

“Mỗi một tổ chức xã hội dân sự hay mỗi một người đấu tranh, mà như tôi đã vào các diễn đàn như của BBC, Việt Tân, Người Việt Yêu nước, hay những nhóm tranh luận khác, tôi thấy nhiều bạn trẻ vào đó bấm ‘like’, họ có những ‘comments (bình luận) rất tích cực. Cho nên chúng ta phải dành thời gian để liên kết, kết bạn với họ rồi từ đó có thể tiến hành gặp mặt rồi kết nối lại với nhau từ không gian mạng đó sẽ trở thành không gian thực tế. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể giúp cho những người đó vượt qua sự sợ hãi thông qua sự chia xẻ kinh nghiệm của những người đi trước và những kiến thức mà chúng ta có được. Như vậy hiệu quả sẽ đi vào thực chất. Chứ như bây giờ chúng ta chỉ vào mạng kêu gọi, post bài như vậy mà trong khi đó rất nhiều bạn trẻ đã có thay đổi rồi mà chúng ta không kết nối được với họ như vậy chúng ta đã lãng phí đi tài nguyên, lãng phí đi thời gian để tập trung vào những việc có hiệu quả.”

Lời kêu gọi tham gia Chiến dịch Tranh đấu cho Tự do-Dân chủ-Nhân quyền 2015 nêu rõ ‘Nỗi đe dọa lớn nhất mà đất nước Việt Nam đang đối diện chính là sự sợ hãi của từng cá nhân’. Như lời linh mục Phan Văn Lợi vừa trình bày thì chính quyền Hà Nội cũng đang lo sợ khi người dân có những nhận định đúng đắn hơn về xã hội; nên theo ông để nhà cầm quyền thực hiện những đổi thay thì cần có sự tham gia của đông đảo người dân. Ông nói:

“Để cho nhà cầm quyền có những thay đổi theo chiều hướng tích cực thì chúng tôi nghĩ rằng cần có những cuộc xuống đường. Bây giờ các xã hội dân sự có thể đóng vai trò là men trong các nhóm quần chúng để làm sao các giới đồng bào từ công nhân, nông dân, trí thức phải xuống đường được và càng đông đảo chừng nào cả hằng trăm ngàn người lúc đó mới có cơ làm cho nhà cầm quyền phải thay đổi. Còn bao lâu mà chưa có những cuộc xuống đường như thế, người dân chưa ý thức, người dân chưa liên kết, và chưa có tác động mạnh mẽ hơn nữa của xã hội dân sự để có những cuộc biểu tình vĩ đại như chúng ta đã thấy ở bên Đông Âu trước đây, cũng như vừa rồi bên Trung Đông, thì nhà cầm quyền cộng sản vẫn ngoan cố để bảo vệ quyền lực.”

Kết nối những người lâu nay đang tham gia đấu tranh cho quyền con người, cho tự do-dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam là một yêu cầu mà theo luật sư Nguyễn Văn Đài cần phải làm cho được hiện nay. Ông cũng cho rằng ngoài biện pháp kết nối, những nhân tố này cần làm sao để có thể phát triển theo cấp số nhân mạng lưới hoạt động của họ thì mới mong có thể tiến nhanh đến mục tiêu mong ước.


*

RFI: 20 nhóm tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam gửi thư ngỏ đến LHQ 

Trọng Thành (RFI) - Hôm qua 10/03/2015, 20 tổ chức tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam công bố bức thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các định chế bảo vệ nhân quyền quốc tế, xác nhận tình trạng "vi phạm trắng trợn các quyền con người tại Việt Nam" đã được nêu trong nhiều báo cáo của Liên Hiệp Quốc gần đây. 

Nhóm khởi xướng cảnh báo nguy cơ đàn áp sắp tới nhắm vào những người tranh đấu nhân chiến dịch Vận động nhân quyền 2015 do nhóm khởi xướng, và kêu gọi quốc tế có biện pháp hỗ trợ.

Bức "Thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các cơ chế nhân quyền quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và chiến dịch Vận động Nhân quyền 2015", của 20 tổ chức dân sự trong và ngoài nước, khẳng định "nhà nước Việt Nam đã thất bại trong việc chu toàn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với những công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết", đặc biệt trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền trong nhiệm kỳ 2014-2018.

Nhóm khởi xướng thư ngỏ - bao gồm chủ yếu là các tổ chức dân sự tại Việt Nam không được nhà nước công nhận - thông báo kế hoạch thu thập chữ ký để yêu cầu trả tự do cho tù nhân lương tâm, hủy bỏ các xâm phạm, đàn áp nhắm vào cựu tù nhân lương tâm và bãi bỏ các điều khoản trấn áp 79, 88 và 258 trong Bộ Luật Hình sự. Bức thư ngỏ cũng tuyên bố nhiều hoạt động vì nhân quyền khác trong và ngoài nước, trong đó có chương trình "mặc áo trắng" nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 2015.

Bức thư ngỏ đặc biệt yêu cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc theo dõi "các nỗ lực và mức độ tiến bộ của Việt Nam", buộc Chính phủ Việt Nam phải đối diện với các "hậu quả vì hành động của mình".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A, thành viên ban trị sự Diễn đàn Xã hội Dân sự, một trong hai mươi tổ chức dân sự khởi xướng bức thư ngỏ, giải thích thêm về thông điệp gửi Liên Hiệp Quốc nói trên.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A tại Hà Nội 11/03/2015 nghe

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A: "Đây là một trong những bước của việc vận động cho nhân quyền của các hội đoàn ở Việt Nam. Trước kia, đã có (thông điệp) gửi người ở trong nước, cái khác lần này là gửi ra bên ngoài...".


*

BBC: Các hội đoàn 'kêu gọi dân chủ ở Việt Nam'

BBC - Gần 20 tổ chức, hội đoàn xã hội dân sự cùng gần 160 các nhà hoạt động dân chủ cho Việt Nam đã đồng đứng tên kêu gọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước tham gia vào một cuộc vận động lớn để đòi dân chủ và nhân quyền.

Một nhân vật ký tên vào lời kêu gọi này nói anh mong muốn các lãnh đạo Đảng và Nhà nước ‘lắng nghe nguyện vọng của người dân’.

‘Nguy cơ hiểm nghèo’

Theo nội dung lời kêu gọi được đăng tải trên mạng thì đây là một cuộc vận động lớn cho dân chủ Việt Nam kéo dài trong suốt năm 2015 nhân dịp kỷ niệm tròn 40 năm ngày thống nhất đất nước và sắp diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 12.

Họ nói sau 40 năm Đảng Cộng sản thiết lập quyền cai trị trên toàn bộ đất nước Việt Nam, ‘đất nước phải đối diện với nguy cơ hiểm nghèo nhất, đe dọa sự tồn vong của dân tộc – đó là viễn cảnh Việt Nam bị thống trị toàn diện bởi Bắc Kinh’.

“Tình trạng đen tối này xảy ra khi người dân không có tự do, nhân quyền, đất nước không có dân chủ khiến nhân dân Việt Nam không thể chọn lựa những người lãnh đạo xứng đáng, một chính phủ có khả năng và tâm huyết để thực sự tranh đấu cho sự tồn vong của đất nước theo đúng nguyện vọng của đại đa số nhân dân,” lời kêu gọi viết.

Lời kêu gọi này đi kèm với một lá thư ngỏ gửi đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tố cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam để mọi người tham gia ký tên.

Đứng tên trong lời kêu gọi này là một số hội đoàn dân sự như Diễn đàn Xã hội Dân sự, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam...

‘Bốn bước’

Cuộc vận động này, theo lời kêu gọi, bao gồm bốn bước.

Bước thứ nhất là thu thập chữ ký cho Thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Mục tiêu là thu thập đủ 100.000 chữ ký ủng hộ trên trang nhanquyen2015.net.

Sau khi hoàn thành mục tiêu của bước thứ nhất, cuộc vận động sẽ chuyển sang bước thứ hai là ‘tổ chức tuyệt thực, thắp nến và nhiều hình thức tranh đấu khác’ đồng loạt ở nhiều nơi vào khoảng cuối tháng Năm để tranh đấu cho những tù nhân chính trị còn đang bị giam cầm trong nhà lao.

Bước thứ ba là ‘thành lập những ủy ban, phái đoàn để thực hiện những buổi gặp gỡ với các Đại sứ quán, các cơ quan nhân quyền, các dân biểu tại các nước’ với mục đích là vận động những quốc gia, tổ chức này gây sức ép với chính phủ Việt Nam để thả các tù nhân chính trị.

Bước cuối cùng là một cuộc tuần hành ‘từ trong ra ngoài nước’ vì ‘tự do, nhân quyền, toàn vẹn lãnh thổ’ vào ngày Quốc tế Nhân quyền tức ngày 10/12.

‘Việc đúng thì tham gia’

Trao đổi với BBC, anh Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị, xác nhận về phong trào này và việc anh ký tên vào lời kêu gọi.

“Tôi muốn đất nước có dân chủ thật sự,” anh Trung nói.

Anh cho biết với kinh nghiệm về sự đàn áp của chính quyền đối với các phong trào dân chủ thì ‘khó nói trước được’ phong trào có thành công hay không.

“Việc gì đúng thì mình tham gia thôi,” anh nói thêm và cho biết anh sẽ vận động bạn bè biết về những vấn đề của Việt Nam hiện nay để ‘mọi người hiểu và tham gia’ cuộc vận động.

Khi được hỏi về thời điểm diễn ra cuộc vận động, vốn rất nhạy cảm, anh Trung nói:

“Tôi muốn lên tiếng cùng với mọi người để các lãnh đạo Đảng Cộng sản lắng nghe nguyện vọng của người dân để từ đó thực hiện những chính sách đem đến dân chủ, công bằng, văn minh thật sự cho người dân chứ không phải chỉ là những lời nói suông như trước nay.”



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo