Bài thi viết "Cộng sản & Tôi": Những mẩu chuyện nghiệt ngã - Dân Làm Báo

Bài thi viết "Cộng sản & Tôi": Những mẩu chuyện nghiệt ngã

Nguyễn Việt (Danlambao) - Thưa quí vị trong thôn Danlambao,

Cảm hứng từ câu chuyện của anh Trần Quốc Việt, và hưởng ứng tham gia viết về đề tài "Cộng sản & Tôi", cho nên tôi viết ngoáy vài mẩu chuyện nhỏ từ ký ức tuổi thơ của tôi với chế độ CSVN. Viết chỉ vì muốn viết để cho thế hệ trẻ thời này hiểu được những gì xảy ra chung quanh chúng là bất công, là đi ngược lại quyền làm người mà thế giới tự do nhìn vào sẽ chua chát và đôi khi khinh rẻ ý thức hệ giới trẻ hôm nay, chẳng hạn như Thái Lan, và Nhật Bản...

Câu chuyện kiểm kê tài sản

Khoảng thời gian chết đói 1976-1978, CSVN đã mở chiến dịch "to lớn" mà sau này tôi mới biết là đánh tư sản mại bản. Chỗ tôi ở là một vùng ngoại ô cách trận đánh cuối cùng của sư đoàn 18 không xa, và cũng liệt vào vùng kinh tế mới khỉ ho cò gáy gọi là xã TB. Dân ở đây toàn nông dân, và chỉ có một cái chợ nho nhỏ để bán đồ tạp phô. Thế nhưng để hưởng ứng đánh tư sản mại bản, các đồng chí ủy ban xã bắt loa kêu gọi mọi người phải kê khai tài sản sẵn sàng, và bọn chúng bắt đầu đi từng nhà lục soát. Đại đa số nhà dân ở đây có một cái nhà mái tôn với bốn bức vách, một cái phản để ngủ. Ai giàu lắm thì có nhà cây ba gian và tủ thờ, v.v... 

Nhà tôi thì thuộc loại: 

Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho 
Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ. 

Ấy thế mà nhà có gốc "ngụy" cho nên bọn họ được chỉ thị là phải quan tâm trên hết. Bọn chúng đưa một toán du kích cùng với tên công an xã vào nhà thường là sáng sớm, hoặc là gần cuối ngàỵ. Đó là được ưu tiên quan tâm mà cách mạng khoan hồng cho những gia đình nợ máu ngụy, tên công an xã bô bô như thế.

Thực chất là bọn chúng biết tỏng nhà tôi chẳng có thứ gì, điều mà hắn muốn, cũng như hầu hết các gia đình "ngụy" biết là bọn chúng lục lạo các giấy tờ, sách báo "phản động, đồi trụy" còn xót lại. Quả thực là nhà chúng tôi còn rất nhiều hình ảnh, giấy tờ của ba tôi từ thời còn trong trường sĩ quan Thủ Đức, cho tới hành quân Dakto rồi hình ở các chi khu chung quanh Kontum. Chúng tôi phải bọc nylon rồi nhét trong máng xối ở trên nóc nhà. Do đó, ngoài đàn bà con nít, cái thùng gạo rỗng tếch và con mèo đen ốm nhom, chúng tôi chẳng còn gì đáng giá. Cũng nhờ thế, mà sau này chúng tôi được liệt vào hạng nhà nghèo nhất xóm, và khi đóng thuế lúa thì được "discount" (ha ha được bớt chút đỉnh). Kiểm kê như thế xảy ra ít nhất là hai lần tôi còn nhớ được từ thằng bé như con nhái bầu (người ta ví đầu to, đít teo, bụng bự vì thiếu dinh dưỡng).

Câu chuyện hợp tác xã

Sau nạn đói và bắt đầu chiến tranh với Trung Quốc anh em, và bây giờ cái loa phường ra rả hàng ngày rằng bành trướng Bắc Kinh đã và đang nã hằng ngàn trái pháo vào 6 tỉnh miền Bắc nước ta. Lúc đó, con nít nghe thì nghe, nhưng ở địa phương thì chẳng đả động gì về miền Bắc, mà chỉ lo gom lương thực, và trai tráng trên 18 tuổi phải đi "bộ đội cụ hòe tình nguyện" cho chiến trường Campuchia, nhưng không đi thì bị đập cửa bắt nhốt ngay trong đêm. Song song với chiến dịch đi Campuchia thì là luật hợp tác xã kiểu không giống ai. Phân chia đất đai, ai nhiều thì bị cắt bớt, còn ai thiếu thì phải "chi" mới cho. Do đó các "bà mẹ Việt Nam anh hùng" bắt đầu trải nghiệm được sự đểu cáng của CS. Số là, các nhà địa chủ trong xã, trước kia là nơi nuôi dưỡng du kích, do đó, đa số đều là "Mẹ VN anh hùng” ráo trọi. Lần này, bị nhà nước lấy đất, lấy xe nông cụ "xe máy cày" đưa cho các "hộ" từ Bắc vào (Bắc 75), cho nên mấy mẹ VN anh hùng biến thành mẹ VN lên đồng. Phần lớn chửi rủa không tiếc lời, vì có công với cách mạng, đâu có sợ "con cháu cách mạng". Quả thực lúc đó, tụi CA nó không dám làm gì cả. Chỉ rùm beng xóm làng là có một bà mẹ VN anh hùng (chuyện có thật 100% ai nói láo bị xe cán) đã lột đồ 100%, hai tay cầm tấm ảnh lớn HCM che trước bụng, vừa đi ngoài đường lộ lớn (quốc lộ 1) vừa la: “Bác Hồ ơi là Bác Hồ ơi bây giờ con bị mất đất mất của như thế này.” Chạy đằng sau là một đám con nít tò mò, trong đó không có tui nha. Con ngụy tuy nghèo, nhưng gia giáo nghiêm chỉnh. Mẹ tôi cấm chạy nhông ngoài đường, và nhất là những vụ rùm beng là vào nhà đóng cửa lớn, chừa cửa sổ cho tôi ngó ra. Rùm beng rồi chuyện đâu cũng vào đấy. Mấy bà mẹ Việt Nam ra canh đất, đuổi đánh người canh nông mới trên đất của mình. Có lần chất củi đốt cả xe máy cày. Thời đó, công an còn hiền, cho nên đưa qua đẩy lại rồi thì huề cả làng (nếu mà là thời bây giờ thì nó đánh cho sặc máu). Mấy bà mẹ Việt Nam ấm ức lẩm bẩm chửi ai thì chỉ có trời biết.

Chuyện bế quan tỏa cảng

Miền Nam Việt Nam phần lớn sống về nghề nông, và nông thôn nơi tôi ở thì cũng là toàn nông dân. Vâng nông dân không chỉ trồng cây trồng lúa, mà khi tới mùa, họ sẽ dùng nông phẩm để bán và đổi với những thứ tiêu dùng khác. Để duy trì giá thành thấp nhất để phục vụ cho chiến trường Campuchia và Trung Quốc, CSVN đã dùng chính sách bế quan tỏa cảng ngay trong địa phương thuộc phạm vi xã (tương đương với phường). Có nghĩa rằng nông phẩm không được đưa ra khỏi xã với bất cứ hình thức nào. Xã nơi tôi ở phạm vi chiều dài khoảng 30 km dọc theo quốc lộ 1. Do đó, nông phẩm khi thu hoạch xong, có dư thì phải bán cho "nhà nước ", còn ai cố tình mang ra khỏi phạm vi xã thì liệt vào tội buôn lậu. Trên 1 kg đều có thể bị buộc tội và bị tịch thu tại chỗ, không chứng không từ. Do đó, thời lúc bấy giờ, CA huyện đã xây đồn chặn dọc theo quốc lộ 1 và thực hiện chính sách "triệt để". Trong dây chuyền chốt chặn cố định, thì những bà buôn lậu kiên cường vẫn đi buôn như thường. Đi buôn gạo, ngũ cốc, buôn phân hóa học, buôn cà phê, và cả hàng quốc cấm "mủ cao su”. Họ hàng gần của tôi có một bà buôn lậu như thế, cho nên rất rành các chốt kiểm soát. Đa số thời đó, hối lộ cũng không xong, và khét tiếng nhất là bốt Dầu Giây. Các bà buôn lão luyện là phải quen nhà xe. Mỗi phương tiện xe đều có chỗ chứa ngầm. Do đó thời kỳ đầu, các bà buôn vẫn có thể xoay xở. Sau một thời gian, tụi CA nó nhận ra mặt từng con buôn, cho nên bắt đầu khám xe kỹ hơn, cũng là thời kỳ CA biết ăn hối lộ. Nói tới bốt chặn gắt gao, thì các nhà xe cũng có những người lì lợm. Họ cho xe vượt trạm. Có nghĩa là cho xe chạy chậm như sắp ngừng lại, và lựa lúc CA đang đi ra sau để leo lên xe thì rồ máy dzọt.

Thực ra các ông tài xế liều mạng này, cũng phải gặp xui xẻo khi gặp một tên CA thuộc loại ôn thần. Tên này có biệt danh Ba Chỉa. Tên thật thì không ai truyền mà tên xấu thì thằng con nít như tôi còn nhớ. Tên Ba Chỉa này không biết thuộc công an nào, nhưng hắn mặc đồ thường phục, cùng ba đệ tử, sử dụng một xe con cóc màu vàng. Người ta nói, chiếc xe này đã được độ máy, cho nên, những xe vượt trạm trong giờ Ba Chỉa chưa đi nhậu thì coi như bị rượt theo, cho tới cùng. Xe nào ngoan cố, hắn nổ súng bắn bể lốp xe liền. 

Chuyện buôn lậu bằng xe không xong, thì con buôn sau đó giải nghệ. Nông phẩm bị ứ, và nhà kho của địa phương cũng đầy. Gần kế bên nhà tôi, có một nhà đi vượt biên, cho nên căn nhà bị tịch thu và chưng dụng thành nhà kho tí hon. Nông phẩm ở đây chứa đầy nhóc, chỉ làm mồi cho chuột, và mốc meo. Hàng tháng, huyện cho xe xuống lấy và cứ thế xoay vần hết năm. Có điều sau năm 1980, mùa màng được tốt, không như 1979 thì đói cả miền Nam, ai cũng biết. Do đó các thứ ngũ cốc dư dả mà lại không ai mua. Các nông dân, cũng như thanh niên không có việc khác sau khi thu hoạch đã nghĩ ra cách buôn lậu mới: xe thồ. Những nông dân này rất cần cù, ốm o mà thồ, hay cõng thuốc lá, thuốc rê, nông sản vượt rừng trèo suối đi cả 10 km. Thanh niên ốm tong teo, mà thồ hoặc đạp xe đi đường rừng cao su lên các địa điểm làm bột khoai mì, bột củ chóc (dong ta) cách đó 20 km. Khi con buôn rầm rộ quá, thì tụi CA xã bắt đầu đưa chiến dịch lập công ngu xuẩn. Chúng cho du kích phục kích cả ngày lẫn đêm để bắt bất cứ ai buôn kiểu thồ như thế. Cứ mỗi tối khoảng 8-9 giờ tối là du kích bắt được vài người đưa về kho và tịch thu hết. Lúc đầu, tịch thu nông phẩm, sau đó chúng có sáng kiến mới, tịch thu cả xe đạp. Thuốc lá, thuốc rê thì bọn chúng tịch thu, và thủ tiêu đi đâu mất. Những nông phẩm tươi như củ mì, củ dong đâu có để được lâu, chúng bỏ vào kho, thì vài ngày sau là nó thúi, và mốc meo. Những khổ chủ của những chiếc xe năn nỉ, vái lại cũng không được lấy xe, cuối cùng thì những chiếc xe đạp, xe thồ đều bị chảy xệ vì để ngoài sương nắng, và du kích được tự do trưng dụng mang về nhà tu sửa, sơn quét lại cho con cháu nó dùng. Thời buổi làm ăn khó khăn mà gặp các ôn thần địa phương thì coi như con bò trắng răng.

Câu chuyện công an và du kích

Trước 1975, du kích VC đã làm cho biết bao nhiêu nhà tang hoang và khủng bố tinh thần, thì thời sau 1975 những tên du kích địa phương không khác gì mấy. Ở địa phương tôi ở, du kích được chia ra từng vùng đại khái có du kích xã, và du kích khu vực. Du kích xã thì đóng đô ở ngay ủy ban xã dưới sự chỉ huy của công an xã. Du kích khu vực chia thành nhiều toán nhỏ và thường la cà dòm ngó từng nhà. Khi chúng thích thì có thể vào đại nhà người ta ngồi tán dóc. Lúc chúng kiếm cơm thì la cà ngoài chợ. Chuyện thích thú của chúng là đi đập cửa nhà người ta sau nửa đêm vì để bắt những thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, hay bất cứ lý do nào công an muốn. Nhà kế bên chúng tôi có hai thanh niên chốn nghĩa vụ quân sự, và vì thế, ngay sau đó, bọn du kích và công an đập cửa rầm rầm vào nửa đêm, và khám xét. Khám chán chê, chúng lại đập qua nhà chúng tôi đòi khám xét vì nghi ngờ thanh niên trốn qua. Đâu có ai trốn nghĩa vụ mà ngủ ở nhà. Đại đa số là chạy vào rẫy hay ngủ ké nhà bạn ở chỗ khác. Du kích và công an cố tình khuấy rối với mục đích chính là vòi vĩnh ca phê cà pháo của nạn nhân. Sau vài lần tập kích ban đêm với chiến lợi phẩm nhỏ mọn như thế, hết đợt, chúng lại để cho mọi người yên thân. Năm nào cũng như năm nào, tới mùa thì bổn cũ soạn lại, và cứ thế nó như là một qui luật bất di bất dịch.

Có một lần công an nơi tôi ở bị mất mặt tại chốn công cộng và làm cho tôi nhớ mãi. Câu chuyện bắt đầu từ hai anh em nhà hàng xóm đi buôn lậu theo kiểu lấy công làm lời bằng cách đạp xe chở khoảng 100 kg củ mì tươi đi tiêu thụ. Trong khi đó, công an và du kích lồng lộn bắt ngày bắt đêm. Có một lần người em bị chính tên trưởng công an xã bắt tại trận vào buổi chiều nhá nhem tối. Hắn còn xô người này té xe, và bạt tai mấy cái. Được người báo tin, người anh vốn là lính mũ nâu VNCH, cho nên nóng máu chạy lên nói phải quấy giằng co ngay chỗ hiện trường. Tên công an rút súng hùng hổ chĩa vào người lính mũ nâu. Bằng động tác bất ngờ, mà cũng chẳng ai ngờ thời lúc bấy giờ, ông mũ nâu cướp súng, bẻ lọi tay tên công an và đấm cho hắn rụng một cái răng. Sau đó, hai anh em lấy súng, bỏ chạy ra quốc lộ và dzọt lên Sài Gòn trốn. Thời đó, quản lý hộ khẩu không có thể thông từ vùng xa lên Sài Gòn, cho nên, chúng nó không thể kiểm ra được hai thanh niên đánh tên công an xã, và vì thế, bọn chúng trả thù bằng cách khủng bố gia đình. Mỗi đêm, chúng mang du kích tới khám nhà và chửi bới. Tên công an còn cay cú hơn là khi hắn say xỉn thì bất kể ngày đêm, tới nhà đập cửa chửi bới bọn “ngụy” điên cuồng. Người nhà để cho tên công an nguôi ngoai vài tuần thì bắt đầu vuốt ve hắn bằng cafe thuốc lá. Lâu lâu mua cho hắn ký đường, thậm chí là hắn cần vật dụng trong gia đình, hay phân bón cho rẫy thì cũng phải mua đưa đến tận nhà.
Khoảng một hai năm sau, tên công an này bị cho về vườn không biết lý do (thường thường trưởng công an xã dễ được đưa lên làm chủ tịch xã). Chuyện đánh công an nổi tiếng cả vùng, mà có thể là cả tỉnh cũng bị chìm xuồng. Thù xưa oán cũ cũng huề cả làng, người hùng mũ nâu lại xuất hiện trở về ở với vợ con như trước. 

Chuyện tưởng đâu chấm dứt từ đây, nhưng cái xã bé tí mà sao lại có nhiều chuyện công an nổi danh nhất vùng. Chuyện là tên công an thay thế lại là người em họ của tên cũ. Không biết nó có thù thay cho thằng anh họ hay không, nhưng chuyện lớn nhất vùng lại xảy ra. Khoảng Tết Nguyên Đán 85 hay 86, bản thân tôi là thằng nhóc đang nằm mắc bệnh thủy đậu và đang sốt li bì thì nghe đùng đùng hai tiếng. Mẹ tôi tức tốc bay ra đóng cửa cái dầm dà khóa chốt cái rột, rồi cả nhà chạy tuốt ra sau nhà nằm xấp xuống. Sau đó nhà tôi bị động cửa rầm rầm, rồi lại nghe cái đùng. Từ thời cha sanh mẹ đẻ bây giờ mới biết tiếng súng AK lần đầu. Thời còn nằm ngửa chắc cũng đã nghe rồi, nhưng có lẽ nhe lợi cười vì tưởng tiếng pháo. Tôi thấy cả nhà xanh mặt luôn mà không biết chuyện gì. Xong nằm im cả 20-30 phút không dám hó hé. Sau đó, người ta bu kín cả đoạn đường trước nhà, chuyện mới ngã ngửa. Tên trưởng công an xã nhậu nhẹt đầu năm, rồi gây lộn với ai đó, sau đó hắn đi về lấy súng AK bắn vào nhà hàng xóm kế bên, và ghé qua nhà tôi đập cửa bằng báng súng, sau đó bắn một phát xuống cái chốt ở dưới, xuyên qua cửa, đục một cái lỗ sâu hoắm ở dưới đất. Ngày hôm sau, công an đòi đào lên lấy đầu đạn, mà cũng chẳng thấy. Đây có lẽ là vụ công an bắn nhà dân đầu tiên ở huyện này. Kết quả là người nhà của tên này đến tận nhà xin lỗi cũng như là yêu cầu không thưa gửi lên trên, và hắn bị về vườn sớm. Thực ra, thời đó, nhà gốc "ngụy" như chúng tôi đâu dám thưa gửi ai, huống gì là công an xã. Thiệt tình mà nói, nếu tụi nó làm tàng còn kéo tới ban đêm nữa thì nhà chúng tôi cũng phải cúng trà, cà phê và nhang đèn cho chúng thôi. Đôi khi nó có tật giật mình, cho nên bỏ ngành công an làm nông dân lại từ đầu.

Thưa quí ông bà cô chú bác và anh chị em trong thôn, nhân ngày quốc hận hay quốc hạn, Nguyễn Việt chia sẻ những câu chuyện trong nhà ngoài ngõ thời Cộng Sản vào thời gian 1975-1980. Chuyện xảy ra thì nhiều, nhưng trí nhớ ốm đói của Nguyễn Việt tạm thời chỉ nhớ có bấy nhiêu. Còn vài chuyện ủy ban xã nhưng dài dòng văn tự khó viết thành tiểu luận, cho nên nếu có bạn nào hưởng ứng viết thêm về nơi mình ở thì nó cũng na ná như nhau. Chúc quí độc giả trong thôn kiên trì xả xì trét lên những tên DLV con ông cháu đãng để mở mang trí óc chúng, hòng có đất nước VN ngày một tốt hơn.

Kính chào,

29/4/2015




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo