Thứ nhất, chuyện Bộ Quốc phòng bình chân như vại trước những hành động của Trung Quốc mở rộng vùng chiếm biển đảo Việt Nam ở Biển Đông từ năm 2007 đến nay là một thắc mắc chưa được ai trong đảng và nhà nước giải thích cho dân biết.
Sau đó đến hành động ngăn cấm, trong suốt 41 năm qua không cho tổ chức tưởng niệm 74 anh hùng liệt sỹ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh bảo vệ lãnh thổ chống quân Tầu xâm lược quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Duy trì kỳ thị, phân biệt kẻ Bắc người Nam trong đấu tranh chống quân xâm lược ngoại bang Trung Quốc của ai đó trong đảng Cộng sản Việt Nam là hành động vô cùng ấu trĩ, thiển cận và chia rẽ dân tộc không tha thứ được, nhất là đối với những kẻ vẫn có tâm địa nô lệ Tầu phương Bắc.
Rồi trong 37 năm qua, nhà nước còn cấm cả việc tổ chức lễ tưởng nhớ và tri ân trên 40 ngàn quân và dân của “phe mình” ở 6 tỉnh biên giới đã can trường chiến đấu và hy sinh chống 600,000 quân xâm lăng Trung Quốc từ 1979 đến 1990.
Đảng cũng cấm luôn không cho tổ chức truy điệu 64 chiến sỹ của Quân đội Nhân dân đã hy sinh chống quân Tầu chiếm 7 đảo và bãi đá tại chiến trường Trường Sa năm 1988.
Song song với những cấm đoán phản cảm vô trách nhiệm và xúc phạm đến danh dự Tổ Quốc là những lần nhà nước cho Công an đội lốt côn đồ chống phá và đàn áp người dân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc từ Sài Gòn ra Hà Nội từ 2011. Công an cũng đã ngăn chặn, đe dọa và tấn công các nhân sỹ, trí thức và những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền không cho họ lên tiếng hay hành động chống xâm lược Trung Quốc.
Tệ hại hơn, nhà nước còn bỏ tiền nuôi đám dư luận viên ấu trĩ, làm hề phản quốc để đội lốt người hiền lương xâm nhập vào hàng ngũ anh chị em dân chủ trong nước để tuyên truyền và xuyên tạc các mục tiêu tranh đấu chống kẻ thù xâm lược.
Nổi tiếng nói xiên nói quàng và cãi chầy cãi cối hăng nhất trong số họ có Trần Nhật Quang ở Hà Nội. Nhưng kẻ nào trong đảng hay trong chính phủ đã chủ trương ngăn dân chống Trung Quốc và cấm không cho truy điệu các chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh ở 3 mặt trận biên giới, Hoàng Sa và Trường Sa?
Và ai đã chỉ thị cho Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ra lệnh cho đảng bộ Đà Nẵng hủy bỏ lễ thắp nến tri ân 74 chiến sỹ VNCH hy sinh ở Hoàng Sa nhân dịp kỷ niệm 40 năm, dự trù diễn ra trong đêm 18/01/2014?
Sự kiện lịch sử này đã được Đảng bộ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng chuẩn bị cả năm trời lấy tên là “Hướng về Hoàng Sa” với chương trình ca nhạc có chủ đề “Hướng về biển đảo quê hương" tổ chức tại Công viên Biển Đông, nhưng giờ chót Ban Tổ chức buộc phải đưa ra lý do ngớ ngẩn vì “chuẩn bị chưa được chu đáo”!
Ai ở Việt Nam hồi ấy cũng xầm xí “lệnh hủy bỏ đến từ Trung Quốc” mà Bộ Chính trị không dám chống lại!
Sau đó để chữa cháy cho hành động mất chính nghĩa của mình và sau nhiều tranh cãi trong nội bộ, đảng CSVN đã phải đồng ý xây tượng đài tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cửa ngõ đi ra quần đảo Hoàng Sa từ Thế kỷ 17. Một số thân nhân của các liệt sỹ VNCH hy sinh chống quân Tầu ở Hoàng Sa đã được mời tham dự lể đặt viên đá đầu tiên xây đài ngày 17/01/2016.
Tượng đài “Người mẹ thắp lửa -Ngọn lửa Tưởng niệm và thắp sáng hy vọng" với “ý tưởng mẹ đứng trên bờ biển trông ngóng, làm ngọn hải đăng soi đèn cho những người con thấy đường trở về” đã được công khai tại buổi lễ, căn cứ theo trang điện tử Zing.VN.
Nhưng việc làm này không đủ giúp đảng CSVN lấy lại niềm tin đã mất trong dân bởi lẽ lâu nay Việt Nam chỉ biết phản đối Trung Quốc bằng nước bọt.
Bộ ngoại giao Hà Nội luôn luôn mở lại đĩa nhạc cũ mèm quen thuộc với câu: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”. Hay Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ biết ru ngủ nhân dân rằng: "Đảng khẳng định kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.”
Việt Nam nói nhiều nhưng hành động thì không nên phía Trung Quốc đã tự do chiếm đảo và dành biển. Họ luôn luôn lập luận không chứng minh được rằng: "Các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi có toàn quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của chúng tôi, cũng như các quyền lợi chính đáng về hàng hải.” (tuyên bố của Chủ tịch, Tổng Bí đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc (Hoa Thịnh Đốn) ngày 25/09/2015)
Bắc Kinh cũng đã đem quân, máy bay tác chiến, thiết lập đài radar và 8 giàn Hỏa tiễn địa không đến đồng trú tại đảo Phú Lâm (Trung Hoa gọi là Vĩnh Hưng), thủ phủ của Hoàng Sa để đe dọa an ninh Biển Đông.
Hai sân bay có khả năng dân dụng và quân sự đã được thiết lập ở đảo Chữ Thập và đảo Gạc Ma là hai vị trí chiến lược quan trọng trong dẫy Trường Sa. Từ Chữ Thập, cách Đà Nẵng khoảng 400 cây số, máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể tấn công Cam Ranh và miền Trung.
Và từ Gạc Ma, Trung Quốc có thể chận đứng đường tiếp viện của Quân Việt Nam đến Trường Sa và tấn công thẳng vào Nha Trang và miền nam Trung phần Việt Nam.
Trước đây, Việt Nam không quan tâm lắm về đe dọa của Trung Quốc vì tin rằng đường bay từ đảo Hải Nam đến Việt Nam quá xa nên không sợ bị tấn công bất ngờ. Giờ đây thì Trung Quốc đã có các sân bay và bến tầu ở vùng Trường Sa thì an ninh hàng hải và hàng không của Việt Nam nói riêng và toàn khu vực Đông Nam Á nói chung sẽ bị đe dọa trực tiếp.
Lý Khắc Cường - Biển Đông
Mới đây Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố kế họach tăng ngân sách quốc phòng và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông mà họ Lý cho là của Trung Quốc.
Trong diễn văn tại lễ khai mạc, của Kỳ họp thứ 4 Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc khoá 12 ngày 3/3/2016, theo Tân Hoa Xã (Xinhua) ông Lý xác định Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh áp dụng luật pháp để bảo vệ quyền tự do hàng hải và bảo vệ an ninh trong vùng biển của Trung Hoa, đồng thời sẽ nghiêm khắc đối phó với những vi phạm.
(“The pledges include boosting maritime law enforcement, ensuring freedom of navigation and security in Chinese waters and “appropriately dealing with infringements” of rights at sea.”--Xinhua)
Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi của mình ở nước ngoài và tăng ngân sách Quốc phòng tăng lên 7.6 phần trăm, hay 954 tỷ đồng Nhân tệ, tương đương với 146 tỷ US dollars.
(Premier Li Keqiang (李克強) also said during his work report delivered to the legislature yesterday that the government would increase its capacity to protect its interests overseas. The defence budget is planned to rise by 7.6 per cent this year to 954 billion yuan.)
Họ Lý nói với các Đại biểu: "Chúng ta sẽ tăng cường phối trí quân sự trên khắp mặt trận và trong mọi tình huống để sẵn sàng quyết liệt chiến đấu và bảo vệ biên giới, bờ biển và phòng không.”
(“We will strengthen in a coordinated way military preparedness on all fronts and for all scenarios and work meticulously to ensure combat readiness and border, coastal and air defence control".)
Liệu những lời đe dọa của Lý Khắc Cường có thấm vào tâm não lãnh đạo Việt Nam không, hay họ cứ nhởn nhơ mãi để tin vào lời đường mật “vừa lả đồng chí vừa là anh em” của lãnh đạo Trung Hoa ?
Nhiều người trong lãnh đạo Việt Nam nghĩ rằng Lý Khắc Cường có chủ ý nhắm vào Mỹ vì mới đây Bắc Kinh đã lên án Hoa Thịnh Đốn khiêu khích và chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Lãnh đạo đảng - Trung Quốc
Vậy các người lãnh đạo to đầu của đảng và nhà nước đã nói về chiến tranh biên giới với Trung Quốc và chủ quyền ở Biển Đông ra sao?
Vào dịp kỷ niệm 35 năm cuộc chiến biên giới (2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17/2/1979”.
Không thấy ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nói gì về chuyện có nên kỷ niệm hay không đối với cuộc chiến biên giới năm 1979, nhưng ông ta bày tỏ quan điểm về tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 01/07/2014, ông Trọng nói: "Ta đấu tranh toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trên tinh thần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh, đồng thời giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, không để nội bộ rối ren... Biển Đông là vấn đề lớn, quan trọng, hệ trọng, nhạy cảm, được toàn dân và nhiều nước trên thế giới quan tâm, cũng là vấn đề liên quan đến sự ổn định, phát triển của đất nước sắp tới, cũng như việc giải quyết quan hệ với TQ, người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.
Ông còn kéo thêm câu: "Trong lịch sử đã nhiều lần, ta luôn phải tìm cách chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển, đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền”.
Như vậy là ông Trọng muốn lập lờ bơi như con cá trong bể nước. Ông muốn khuyên dân phải tỉnh táo và khôn khéo để chung sống hòa bình, an thân với láng giềng “vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Người Việt Nam nào trong nước cũng biết thái độ nhũn như con chi chi này này chỉ giúp cho Trung Quốc được chân lân đến đầu rồi bóp cổ Việt Nam lúc nào không hay!
Nhưng mà chuyện lịch sử đâu có thể vì phải sống chung, dù mình không muốn, mà bẻ cong không cho con cháu ta biết những gì đã xẩy ra cho đất nước?
Bằng chứng là kè nội thù nào đã cấm không cho viết về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục?
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho biết ông “không giải thích được vì sao kiến thức lịch sử về vấn đề chủ quyền gắn liền với vận mệnh quốc gia dân tộc và có tầm quan trọng đặc biệt đối với giáo dục thế hệ trẻ nhưng chưa được đưa vào sách giáo khoa phổ thông môn Lịch Sử?” (Báo Giáo dục Việt Nam, 16/03/2016)
Thầy Hiếu trích lời GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử nói trong bản tham luận tại cuộc Hội thảo Khoa học Quốc gia về dạy học lịch sử trong trường phổ thông Việt Nam cuối năm 2015: "Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang bi hùng được viết bằng máu xương của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam từ thời kỳ Vương quốc Chăm Pa cho đến chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay.
Tư liệu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phong phú, chuẩn xác, ở cả trong nước và ngoài nước, không chỉ là quyền lợi thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ta mà hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.
Thế mà có cả một thời gian dài, vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để rồi lịch sử của một đất nước, một cộng đồng dân cư sinh ra trên bờ biển, chết không rời biển lại không có lấy một dòng nào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng!
Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”.
Cuối năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hứa sẽ đem cuộc chiến tranh biên giới chống Tầu và Biển đảo vào sách giáo khoa, nhưng bao giờ mới làm hay cứ mãi sợ “nhậy cảm” với Trung Quốc để phản bội Tổ Quốc?
Kẻ nội thù nằm đâu, ông Trọng có biết không? -/-
(03/016)