Bản dịch tiếng Việt của tổ chức VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền (VETO! Human Rights Defenders‘ Network) - Hà Nội, ngày 25/10/2016 – Hôm qua 24/10/2016 dân biểu của nhiều quốc hội trên thế giới đã gửi một thư ngỏ đến cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (*) để kêu gọi chính phủ Hà Nội trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho luật sư Nguyễn Văn Đài và bà phụ tá Lê Thu Hà của ông.
"Chúng tôi vui mừng khi biết rằng Việt Nam đã tham gia ký kết vào Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Công ước này cấm việc giam giữ độc đoán, bảo đảm quyền xét xử công bằng và qui định rằng các tù nhân phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm.Dựa trên những qui định này, chúng tôi là những dân biểu ký tên dưới đây trân trọng yêu cầu chính phủ Việt Nam khẩn thiết cứu xét lại trường hợp của ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà", bức thư viết.
Bức thư được bà Marie-Luise Dött, Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức, khởi xướng và được 73 dân biểu thuộc 14 quốc gia trên 4 lục địa tham gia ký chung (**). Các tổ chức đứng ra vận động cho việc ký bức thư này – gồm có VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền (VETO!), tổ chức Dân biểu Ủng hộ Nhân quyền trong Khối ASEAN (APHR), tổ chức Đoàn kết Cơ đốc Toàn cấu (CSW) – đã hoan nghênh việc trao gửi bức thư này và kêu gọi chính phủ Việt Nam đáp ứng các yêu cầu ghi trong đó.
"Ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà đã cung cấp một dịch vụ quý báu cho công chúng khi bảo vệ cho quyền của các công dân Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần phải //rút//lại các cáo buộc và cần cho họ được phép tự do thực hiện các quyền của họ. Việc tiếp tục giam cầm họ sẽ tạo ra một vết nhơ trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam và trong sự tin tưởng của thế giới", ông Charles Santiago phát biểu. Ông Santiago là Chủ tịch của APHRvà dân biểu của Quốc hội Mã Lai ký vào bức thư chung nói trên.
Luật sư Nguyễn Văn Đài và phụ tá của ông là bà Lê Thu Hà đã bị bắt giam vào ngày 16/12/2015 tại Hà Nội và bị cáo buộc tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 88 của Bộ luật Hình sự. Nếu bị kết án mỗi người có thể bị giam đến 20 năm trong tù.
Ông Đài là một trong số những nhà hoạt động nhân quyền được nhiều người biết đến nhất ở Việt Nam. Ông từng bị giam 4 năm tù và giữ thêm 4 năm quản chế vì có hoạt động về nhân quyền. Ngay trước khi bị bắt hồi tháng 12 năm 2015, ông đã bị bắt cóc và đánh đập sau khi tổ chức một buổi huấn luyện về quyền của công dân theo Hiến pháp Việt Nam. Trước khi bị bắt bà Lê Thu Hà cũng đã từng bị bắt giữ và thẩm vấn về việc làm chương trình Lương Tâm Tivi, một kênh truyền hình về các vấn đề bất công xã hội trên YouTube.
"Ông Nguyễn Văn Đài đã có 15 năm hoạt động giúp đỡ pháp lý cho những nhóm yếu thế trong xã hội trong đó có các nhóm thiểu số tôn giáo. Ông đã ở tuyến đầu của những người đấu tranh ôn hòa cho việc cải tổ dân chủ và bảo vệ nhân quyền. Việc bắt giữ ông Đài và bà Hà càng nhấn manh một thực tế là các công dân Việt Nam vẫn không được tự do thực hiện các nhân quyền của họ và được vận động cho nhân quyền của người khác", ông Benedict Rogers, Trưởng Toán Nghiên cứu Đông Á của CSW phát biểu.
Bên cạnh việc kêu gọi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho cả ông Đài và bà Hà, các dân biểu đã yêu cầu chính quyền Việt Nam phải bảo đảm làm sao cho việc giam giữ họ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và được tiếp xúc với luật sư.
"Sự ủng hộ quốc tế to lớn cho trường hợp này cho thấy có một sự đồng thuận về nguyên tắc phổ quát trong nhân quyền. Không ai có thể dửng dưng khi thấy một nhà bảo vệ nhân quyền bị bắt và bị giam cách ly gần một năm trời mà không cho tiếp xúc với ai. Chúng tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ nghe lời kêu gọi của những nhà lập pháp này và trả tự do ngay cho ông Đài và bà Hà vì họ đã chỉ thực hiện các nhân quyền chiếu theo Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên", ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành VETO!, phát biểu.
(*) Thư của 73 dân biểu gửi cho thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
(**) Các quốc gia có dân biểu ký vào thư ngỏ cho luật sư Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà: Campuchia, Chad, Đức, Nam Dương, Litva, Mã Lai, Nepal, Hòa Lan, Bồ Đào Nha, Slovak, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ, Zimbabwe.
Bản tiếng Đức