Hơn 2000 ngư dân xã Quảng Xuân biểu tình yêu cầu bồi thường sau thảm họa Formosa, ngày 07.12.2016 - Dân Làm Báo

Hơn 2000 ngư dân xã Quảng Xuân biểu tình yêu cầu bồi thường sau thảm họa Formosa, ngày 07.12.2016



Và hơn 400 học sinh trường tiểu học Cồn Sẻ nghỉ học để chống lạm thu

GNsP (06.12.2016) - Hơn 400 học sinh trường tiểu học Cồn Sẻ thuộc Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình tiếp tục nghỉ học bước sang ngày thứ hai, vào ngày 06.12.2016. 

Các bậc phụ huynh kiên quyết không cho con em đến trường nếu như Ủy ban Nhân dân Thị xã Ba Đồn, Phòng Nội vụ Thị xã Ba Đồn và Phòng Giáo dục Thị xã Ba Đồn không giải quyết thỏa đáng những khiếu nại của phụ huynh. 

Nhiều khoản thu không cần thiết 

Các khiếu nại đã được phụ huynh gửi đơn đến các cấp có thẩm quyền trước niên khóa 2016-2017, vào ngày 25.07.2016. Nội dung chính nhằm phản ánh tiến trình giáo dục của nhà trường không có phẩm chất, cũng như cần làm rõ và minh bạch các khoản thu – nhà trường yêu cầu học sinh đóng – được phụ huynh đánh giá là lạm thu suốt nhiều năm nay. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các khiếu nại vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

Mỗi năm, mỗi em học sinh đóng chi phí học phí hơn 1 triệu đồng, trong đó có nhiều khoản thu được phụ huynh cho là không cần thiết, bao gồm: tiền điện và tiền nước 50.000 VNĐ/1 em; Giấy thi 30.000 VNĐ/1 em; Ủng hộ bão lụt 30.000 VNĐ/1 em; Khuyến học của xã 10.000 VNĐ/1 em; Quỹ phụ huynh 80.000 VNĐ/1 em; Trang trí lớp học 50.000 VNĐ/1 em, … 

Một phụ huynh tên Hiệp có con em theo học tại trường tiểu học Cồn Sẻ phản ánh: “Có những khoản nó nằm ngoài luồng, không có trong quy định để nhà trường thu thêm như đóng tiền ngày 20 tháng 11, đóng tiền tết trung thu hằng năm, mỗi em 30 ngàn nhưng mỗi em chỉ nhận được ít bánh ít kẹo. Tôi nghĩ rằng, ngày tết trung thu nếu như nhà trường có kinh phí thì tổ chức, hoặc các cơ quan đoàn thể nào cho quà các em thì tổ chức, còn ở đây lại thu tiền của học sinh để tổ chức cho học sinh.” 

Chỉ lác đác vài em học sinh đến lớp học tại 
trường tiểu học Cồn Sẻ, nếu các cơ quan có thẩm quyền 
không giải quyết thỏa đáng các khiếu nại của các bậc phụ huynh. 

Cơ sở trường tiểu học Cồn Sẻ xuống cấp 

Các bậc phụ huynh cũng cho biết, cơ sở vật chất của trường xuống cấp một cách trầm trọng nhiều năm nay, gây nguy hại đến tính mạng và sức khỏe của các em học sinh, nhưng không được nhà trường quan tâm. Ông Hiệp cho hay: 

“Cơ sở vật chất càng ngày càng xuống cấp. Khu vệ sinh của các em không được đầu tư, rất bẩn thỉu và chưa có nơi nào bẩn như ở trường tiểu học Cồn Sẻ. Cửa làm bằng kính, bị vỡ, nhưng không sửa chữa, trong khi đó ban giám hiệu nhà trường thu tiền hàng năm. Phòng ốc thiếu ánh sáng, hệ thống làm mát. Trang thiết bị của trường, học sinh đều phải đóng tiền nhưng không đáp ứng được nhu cầu của các em.” 

Một phụ huynh khác tên Kính cho biết thêm: “Nhất là vào mùa hè chẳng có quạt, có nước uống cho các em hằng ngày. Thầy hiệu trưởng, ông Nguyễn Minh Khai đã làm tại trường Cồn Sẻ hơn 25 năm nay, nhưng không có gì vượt trội so với các trường khác mà chất lượng giáo dục ngày càng sa sút. Nhiều em học không biết chữ nào, nhưng các thầy cô vẫn cho lên lớp nên chúng tôi không vừa lòng.” 

Phòng học tại trường tiểu học Cồn Sẻ 
thiếu ánh sáng, tường mốc, quạt trần hư… 

Lên lớp theo “quy trình” 

Ông Lưu có con em theo học tại trường tiểu học Cồn Sẻ tiếp lời: “Vào năm 2015, các bậc phụ huynh phải chung tiền mua quạt mới gắn vào phòng học cho các em học sinh, mua hai cái quạt mới. Những em học sinh ở đây học tại trường tiểu học Cồn Sẻ có học lực khá và giỏi nhưng khi lên cấp hai học trong xã thì lại là học sinh yếu và kém. Trình độ giáo dục của thầy cô ở trường này không đảm bảo chất lượng so với các trường khác.” 

Nhiều học sinh theo học tại trường tiểu học Cồn Sẻ đã học xong lớp 5 nhưng vẫn chưa biết đọc, biết viết thông thạo của một em học sinh lớp 1 bình thường. Khi cha mẹ phát hiện ra trình độ học vấn thực của con em, họ đã đề nghị thầy hiệu trưởng cho các em ở lại học lớp 1 nhưng thầy cương quyết không cho và tự ý phê duyệt cho các em lên lớp theo đúng “quy trình”. 

Giáo viên thiếu đức hạnh 

Nhiều phụ huynh còn phản ánh rằng, một vài thầy đã đứng trên bục giảng trong tình trạng say khướt, thậm chí có thầy đã bị đưa ra tòa vì mải mê cờ bạc và ăn cắp đồ của người dân. Ông Hiệp cho biết: 

“Nhiều thầy cô không đủ phẩm chất giảng dạy cho các em. Cách đây 3 năm, năm 2013, có một thầy giáo mê cờ bạc, ăn cắp đồ của người dân ở đây… nhưng trường vẫn bao che cho thầy ấy và vẫn cho thầy ấy dạy ở trường. Sau một thời gian phụ huynh học sinh làm đơn khiếu nại nhiều lần thì thầy được đưa đi chỗ khác, nhưng cũng lại rơi vào cờ bạc, trộm cắp nên bị ở tù. Có thầy giáo uống rượu, say sỉn và ngủ ngay trên bàn học của giáo viên…” 

Đa số các bậc phụ huynh nơi đây mong rằng, Phòng Giáo dục Ba Đồn hãy thuyên chuyển ông Nguyễn Minh Khai đã làm hiệu trưởng ở trường tiểu học Cồn Sẻ suốt 25 năm nay, thay đổi phương pháp giáo dục, tu bổ lại trường học để các em học sinh có thể tiến thân trong con đường học vấn. 

Ông Hiệp mong muốn: “Một đất nước muốn đi lên thì người đứng đầu phải vì dân vì nước. Một gia đình muốn phát triển tốt, con cái ngoan hiền thì người làm cha làm mẹ phải gương mẫu. Học sinh của trường Cồn Sẻ muốn phát triển tốt thì phải có một người lãnh đạo và ban giám hiệu nhà trường tốt. Nếu như sự giám sát của ban giám hiệu nhà trường đối với giáo viên lỏng lẻo thì chất lượng giảng dạy của thầy cô sẽ xuống cấp.” 


Như GNsP đã loan tin, hơn 400 em học sinh thuộc trường tiểu học Cồn Sẻ đồng loạt nghỉ học bắt đầu từ ngày hôm qua, ngày 05.12.2016. Và, các em đã cầm băng rôn biểu ngữ ngay trước cổng trường. Ngay sau đó, thầy cô đi đến từng nhà em học sinh khuyên răn và mong các em quay trở lại trường học. 

Tuy nhiên, các em chỉ được đến trường khi các khiếu nại của các phụ huynh được giải quyết một cách thỏa đáng. Ông Kính nói: “Trong thời gian các cháu nghỉ học, chúng tôi sẽ thuê giáo viên về dạy thêm cho các cháu. Nếu họ không trả lời với chúng tôi thì dân chúng tôi sẽ biểu tình trong những ngày tới.” 

Người dân thuộc Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ thảm họa ô nhiễm môi trường biển do nhân tai Formosa xả thải và cũng chịu nhiều ảnh hưởng lũ lụt do đập thủy điện gây ra. 

Với những “tai nạn” liên tiếp xẩy ra trong ngành giáo dục gần đây, từ việc các cô giáo đi “phục vụ” các quan ở nhà hàng đến ông bộ trưởng nói “ngọng”, đã đến lúc phải xem lại “tính chất” của nền giáo dục được qui định tại khoản 1 Điều 3 Luật Giáo dục: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo