Diễn tiến tư tưởng Phan Châu Trinh - Dân Làm Báo

Diễn tiến tư tưởng Phan Châu Trinh

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Chữ “tư tưởng” có hai nghĩa; 1) Nghĩa rộng là hệ thống suy tư về những vấn đề trọng đại có tính thuần lý, nhằm hướng dẫn con người theo một đường lối nào đó, ví dụ tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Thiên Chúa giáo… 2) Nghĩa hẹp là sự suy nghĩ hay ý kiến của một người về các vấn đề thông thường trong cuộc sống. Sự suy nghĩ nầy sẽ hướng dẫn người đó hành động nhằm thực hiện các ý định của mình. Phan Châu Trinh (PCT) là một nhà hoạt động hơn là một nhà lý thuyết, nên ở đây, xin trình bày diễn tiến tư tưởng PCT theo nghĩa thứ hai.

1.- Hạt giống Cần Vương: Đầu tiên, PCT hấp thụ tư tưởng Cần vương ngay khi còn niên thiếu. Nguyên vào năm 1885, vua Hàm Nghi rời Huế, mở cuộc Cần vương chống Pháp. Phụ thân của PCT là Phan Văn Bình, người huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, gia nhập nghĩa quân Cần vương do Nguyễn Duy Hiệu tức Hường Hiệu chỉ huy ở Quảng Nam. Ông Bình phụ trách vận lương ở đồn điền A Bá, đem theo PCT mới 13 tuổi, lên chiến khu, luyện tập võ nghệ để gia nhập Cần vương. Năm 1887, Nguyễn Thân đem quân đánh Tam Kỳ. Ông Hường Hiệu nghi ngờ những người gốc Tam Kỳ làm phản, ra lệnh giết ông Bình. Lúc đó, PCT 15 tuổi, về sống với người anh Cả, theo Nho học trở lại.

2.- Nền tảng Nho giáo: Dùi mài kinh sử hơn 10 năm, PCT (28 tuổi) đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên năm 1900 và đỗ phó bảng năm 1901. Vì người anh Cả từ trần, PCT ở nhà chịu tang 2 năm, rồi ra Huế năm 1903, giữ chức thừa biện bộ Lễ. Thừa biện là một chức sự nhỏ khởi đầu sự nghiệp quan lại ở triều đình, chuẩn bị để được phân phối phụ trách những chức vụ quan trọng hơn. Khi học hành theo Tứ thư, Ngũ kinh, rồi đỗ đạt và ra làm quan, chắc chắn PCT là một người thấm nhuần tư tưởng Nho giáo.

3.- Tư tưởng Duy Tân: Khi ra Huế làm quan, PCT tiếp xúc với học giới cấp tiến. Nhờ vậy, PCT đọc được bài “Thiên hạ đại thế luận” của Nguyễn Lộ Trạch (1843-1898), người làng Kế Môn, tỉnh Thừa Thiên. Ông Trạch học giỏi nhưng không thích thi cử, nhiều lần viết điều trần lên vua Tự Đức, đề nghị canh tân đất nước, nhưng không được vua chấp nhận. Nhân đề tài kỳ thi đình tại Huế năm 1892, Nguyễn Lộ Trạch viết bài “Thiên hạ đại thế luận”. (Luận bàn chuyện đại thế trong thiên hạ)

Trong bài nầy, Nguyễn Lộ Trạch trình bày tình hình suy thoái của Trung Hoa, sự tiến bộ và phát triển của Nhật Bản, sự chậm tiến và yếu kém của Việt Nam, và ông đưa ra những đề nghị chỉnh đốn giáo dục, chấn hưng nông nghiệp, công nghệ, thương mại, truyền bá khoa học kỹ thuật Âu tây. Một lần nữa, kế sách nầy không được triều đình xét đến. Mãi cho đến khi Nguyễn Lộ Trạch qua đời năm 1898, thì tác phẩm của ông mới được giới sĩ phu đầu thế kỷ 20 chú ý và nghiên cứu.

Ngoài Nguyễn Lộ Thạch, PCT còn đọc nhiều sách mà đương thời gọi là “tân thư” (sách mới) của các tác giả Trung Hoa là Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, và của các tác giả Tây phương được dịch qua chữ Hán và du nhập vào Việt Nam như Montesquieu, Rousseau, Voltaire, Diderot ...

Nhận thấy duy tân là sinh lộ có thể cứu nước, PCT từ quan năm 1904, bắt đầu dấn thân vào con đường duy tân. Lúc đó, làm quan là cánh cửa công danh phú quý cho các nhà khoa bảng, nhiều người ước mơ. Thế mà PCT dứt khoát từ quan, dấn thân tranh đấu vô vị lợi, chứng tỏ tấm lòng yêu nước thiết tha tiềm ẩn trong tâm tư PCT từ những ngày đầu lập thân. Phải nói đây là một quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cả một đời người. Như thế, từ tư tưởng Nho giáo, PCT chuyển qua tư tưởng duy tân.

Phan Châu Trinh trở về Quảng Nam, và cùng một số thân hữu như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện... mở cuộc vận động duy tân. Các ông không đặt tên cho phong trào của mình. Về sau sử sách gọi đây là Phong trào duy tân (PTDT). Các ông không trình lên triều đình Huế chương trình duy tân, mà các ông tự đứng ra vận động duy tân trực tiếp với dân chúng về nhiều mặt.

Chủ trương duy tân của các ông bao trùm ba lãnh vực: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Xin chú ý “khai dân trí” không phải chỉ mở mang hiểu biết của dân chúng giáo dục, kỹ thuật, khoa học, y tế, kinh tế…, mà còn mở mang hiểu biết về chính trị, về dân quyền, về dân chủ. Chấn dân khí là nâng cao tinh thần dân chúng, và hậu dân sinh là phát triển đời sống dân chúng (dân sinh) được trọng hậu, sung túc.

Để nâng cao dân trí, PTDT kêu gọi bỏ chữ Nho (chữ Hán), bỏ lối thi cử từ chương cổ điển, chuyển qua dùng Quốc ngữ, vì Quốc ngữ dễ học, dễ viết, dễ nhớ, dễ phổ biến và có thể dùng làm phương tiện để phát triển đất nước. Phong trào duy tân Quảng Nam lập được khoảng 40 lớp, dạy Quốc ngữ tại các huyện trong tỉnh nhà. (Theo lời kể của bà Phan Thị Liên, con gái đầu của PCT cho người viết tại Đà Nẵng vào cuối thập niên 60. Bà Liên khi nhỏ là học sinh của một trong những trường nầy.)

Chẳng những ở Quảng Nam, năm 1905 các ông còn đi vận động duy tân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận. Tại Bình Định, các ông dùng tên chung là Đào Mộng Giác, viết các bài thơ “Chí thành thông thánh thi” (PCT) và bài phú “Danh sơn lương ngọc phú” (Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp), đả kích lối học từ chương, thức tỉnh đồng bào, kêu gọi lòng yêu nước của sĩ phu. Bài thơ “Chí thành...” của PCT có những câu hô hào rất hùng hồn: “...Vạn dân nô lệ cường quyền hạ / Bát cổ thi văn túy mộng trung / Trường thử bách niên cam thóa mạ / Bất tri hà nhựt xuất lao lung...”. (Vạn dân làm tôi tớ dưới ách cường quyền / Mà vẫn say sưa trong giấc văn chương tám câu / Suốt cả trăm năm bị người mắng nhiếc / Không biết ngày nào ra khỏi tù ngục...) Tại Bình Thuận, PCT khuyến khích các nhân sĩ địa phương lập công ty thương mại Liên Thành và mở trường Dục Thanh dạy quốc ngữ.

Sau phương Nam thì đến phương Bắc. Năm 1906 PCT đến Hà Nội, giúp các nhân sĩ Hà Nội lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Phan Châu Trinh còn đi diễn thuyết ở một số tỉnh gần Hà Nội để kêu gọi duy tân.

4.- Tư tưởng Dân Quyền: Nhân chuyến ra Hà Nội năm 1906, PCT tiếp tục qua Nhật Bản quan sát vì lúc đó, Nhật Bản rất nổi tiếng sau cuộc canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng. Trên đường đi, tại Quảng Châu (Trung Hoa), PCT gặp Phan Bội Châu, và cả hai cùng qua Nhật Bản. Từ Nhật Bản trở về, PCT khẳng định với Phan Bội Châu: "Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được." (Phan Bội Châu, Tự phán hay Phan Bội Châu niên biểu, đăng trong sách Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Chương Thâu sưu tầm, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 116.)

Kết quả cuộc “đề xướng dân quyền” nổi bật nhứt là các cuộc biểu tình rầm rộ, xin hạ thuế, giảm xâu của dân chúng các tỉnh miền Trung, từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1908. Phan Châu Trinh không tổ chức các cuộc biểu tình nầy, nhưng những bài viết và hô hào của PCT ảnh hưởng mạnh mẽ đến quần chúng, nhứt là quần chúng Quảng Nam, đã đưa đến các cuộc biểu tình nầy.

Biểu tình bùng nổ đầu tiên ở Quảng Nam ngày 11-3-1908. Pháp bắt liền PCT đang ở Hà Nội ngày 31-3. Lúc đó, Louis Bonhoure (quyền toàn quyền Đông Dương từ 28-2-1908 đến 23-9-1908) cho rằng thơ văn PCT, tuy không tỏ ra bạo động như Phan Bội Châu, nhưng nguy hiểm hơn Phan Bội Châu cho sự thống trị của người Pháp. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối cùng nhà Nguyễn tập 2, Houston: Nxb. Văn Hóa, 2000, tt. 618-619.) Ngoài ra, Pháp còn bắt các nhà vận động duy tân khác trên toàn quốc như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền...

Nhờ Hội Nhân Quyền Pháp can thiệp, PCT không bị tử hình như Trần Quý Cáp, mà bị đầy đi Côn Lôn (Côn Đảo), và bị đưa về an trí ở Mỹ Tho giữa năm 1910. Theo yêu cầu của PCT, Pháp cho ông cùng với con trai là Phan Châu Dật rời Sài Gòn qua Pháp ngày 1-4-1911. (Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Nxb. Đà Nẵng, tt. 205-2012.)

5.- Tư tưởng Dân Chủ: Nước Nhật tuy tiến bộ, nhưng là nước quân chủ, nên PCT chỉ học được “dân quyền”. Qua Pháp, tiếp xúc với văn hóa Pháp, cái nôi của cách mạng 1789, PCT tiến thêm một bước nữa, tiếp thu tư tưởng dân chủ. Do quan niệm dân chủ, PCT mạnh dạn gởi thư “Thất điều” ngày 15-7-1922, kể bảy tội của vua Khải Định (trị vì 1917-1925) nhân dịp nhà vua sang Pháp tham dự cuộc đấu xảo (triển lãm) quốc tế tại Marseille. Bảy điều đó là: “Tôn bậy quân quyền, lạm hành thưởng phạt, thích chuộng sự quỳ lỵ, xa xỉ quá độ, ăn bận không phải lối, tội chơi bời, chuyến đi tây có sự ám muội.” Thư nầy được báo chí Pháp dịch đăng ở Paris, gây một tiếng vang lớn trong dư luận thời đó.

Khi PCT từ Pháp về Sài Gòn tháng 6-1925, thì ông được tin vua Khải Định từ trần ngày 6-11-1925 ở Huế. Phan Châu Trinh liền gởi điện tín cho khâm sứ Pháp tại Trung Kỳ, đề nghị đình chỉ việc tôn lập vua mới và lập Hội đồng nhân sĩ bàn việc cải cách quốc gia. (Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 53.)

Trong tháng 11-1925, PCT diễn thuyết hai lần tại Nhà Hội Thanh Niên ở Sài Gòn: Ngày 19-11 về đề tài “Đạo Đức và luân lý đông tây”; lần thứ hai ngày 27-11-1925 về đề tài “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”. Trong bài thứ hai, PCT cho rằng quân chủ là một chế độ có tính cách “nhân trị”, nghĩa là việc cai trị dựa trên ý kiến chủ quan cá nhân của nhà vua, chứ không dựa trên luật pháp, dễ đưa đến độc tài, chuyên chế. Trong bài nầy, PCT nhấn mạnh: “...Vì cái độc quân chủ mà nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân Việt Nam ta...” (Nguyễn Văn Dương, sđd. tr. 813) Ông hô hào thiết lập chế độ “dân trị tức pháp trị”, tổ chức xã hội trên căn bản pháp luật công bình. Mọi thành phần xã hội, từ người đứng đầu quốc gia đến người cùng đinh, đều phải chịu sự chế tài của luật pháp, đều được xét xử như nhau trước pháp luật.

Sau hai bài diễn văn nầy, sức khỏe PCT yếu dần. Qua đầu năm 1926, bịnh phổi của PCT càng ngày càng nặng. Ông từ trần tại Sài Gòn lúc 9g30 tối 24-3-1926, lúc 54 tuổi.

6.- Chống cộng sản và chống cầu viện: Điểm đặc biệt trong diễn tiến tư tưởng PCT là ông dừng lại ở tư tưởng dân chủ và chống chủ nghĩa cộng sản (CS). Xin chú ý ở Âu Châu từ sau bản “Tuyên ngôn cộng sản” (The communist manifesto) năm 1848, và sau sự thành công của cách mạng CS ở Nga năm 1917, phong trào CS lên rất cao vào đầu thế kỷ 20. Tại Pháp, đảng CS được thành lập cuối năm 1920. Trong đảng nầy, có một người Việt là Nguyễn Ái Quốc (NAQ), về sau có tên là Hồ Chí Minh.

Vua Khải Định chỉ đến Pháp trong một thời gian ngắn vào năm 1922 mà cũng biết đến đảng nầy. (Eugène Teston và Maurice Bercheron, L’Indochine moderne, Paris: Librairie de France, 1931, tr. 55.) Vua Khải Định mà biết, thì chắc chắn PCT ở Paris lúc đó cũng biết, nhưng ông không tin vào chủ nghĩa CS. Khi được tin NAQ hoạt động cho CS, PCT viết thư gởi NAQ vào năm 1922, cho rằng việc NAQ theo quốc tế CS để giành độc lập cho Việt Nam, “thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi”. (Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945, Amarillo TX: Nxb. Chuông Rè, 2000, tr. 39.).

Về việc nhờ nước ngoài để chống Pháp, thì tại Hà Nội năm 1907, PCT viết bài “Hiện trạng vấn đề” bằng chữ Nho (chữ Hán), đăng trên Đại Việt Tân Báo (tức Đăng Cổ Tùng Báo đổi tên), theo đó, trong phần kết luận, PCT viết như sau: “Vậy xin nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi bằng học”. (Huỳnh Thúc Kháng dịch, và đăng trên báo Tiếng Dân ở Huế số 613, ngày 9-8-1933.)

Vì PCT hô hào dân quyền, chống cầu ngoại viện, kêu gọi phát triển dân chủ, can gián NAQ đừng theo CS, mà đảng CS đả kích PCT. Trong một bài thơ, Tố Hữu mỉa mai PCT như sau: “Muôn dặm đường xa, biết đến đâu?/ Phan Châu Trinh lạc lối trời Âu...” (Bài “Theo chân Bác”, Tố Hữu viết năm 1970.)

Trên thực tế, PCT không lạc lối ở trời Âu, mà ông đã học được kinh nghiệm dân chủ ở trời Âu. Ngược lại, chính HCM mới lạc lối ở hội nghị Tours (Pháp) năm 1920 và sau đó lạc lối qua tận Moscow (Nga) năm 1923, rồi nhập cảng chủ nghĩa CS về làm hại đất nước chúng ta cho đến ngày nay.

Kết luận

Dù sống dưới chế độ quân chủ, tư tưởng PCT chuyển biến theo hướng ngược lại, từng bước theo tiến trình hoạt động của ông: từ Cần vương, qua Nho giáo, rồi duy tân, tiến lên dân quyền và dừng lại ở dân chủ, mà ngày nay, một thế kỷ sau PCT, cả thế giới đang cố gắng thực hiện.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của ông, PCT luôn luôn tranh đấu bất bạo động. Ông đã góp phần vận động cải cách văn hóa, thay thế chữ Hán bằng Quốc ngữ, và nhất là ông đã góp phần chuyển hóa rộng rãi tâm lý và não trạng (mentality) của cả một dân tộc, từ quan niệm quân chủ, tiến đến dân quyền và dân chủ, chuẩn bị tâm lý và tinh thần quần chúng cho hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ông chủ trương bất bạo động từ năm 1904, đi trước cả phong trào bất bạo động của Gandhi ở Ấn Độ.

Đặc biệt, PCT diễn thuyết rất hay đến nỗi vua Khải Định, tuy đã từng bị PCT chỉ trích khi qua Pháp năm 1922, vẫn khen PCT là người có tài hùng biện. (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch, Tp. HCM: Nxb Văn Hóa-Văn Nghệ, 2012, tr. 339.)

Cuối cùng, như đã viết ở trên, điểm đặc biệt là PCT dừng lại ở tư tưởng dân chủ, chống lại chủ nghĩa CS. Chủ nghĩa CS thất bại trên thế giới và tại Việt Nam, chứng nghiệm sự sáng suốt của PCT. Dân chủ là giấc mơ của PCT cách đây 100 năm. Dân chủ hiện vẫn còn là giấc mơ của toàn dân Việt Nam ngày nay và dân chủ là điểm hẹn của dân tộc Việt Nam trong tương lai.

Thực dân Pháp và cộng sản Việt Nam lên án PCT, nhưng giới học giả Hoa Kỳ nhận rõ chân giá trị tư tưởng PCT, nên tổng thống Barack Obama, trong bài diễn văn ngày 24-05-2016 tại “Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình” ở Hà Nội, đã tiết lộ rằng khi đại học Fulbright mở ra vào mùa thu 2016 tại Sài Gòn, thì sinh viên, học giả, giới nghiên cứu có thể tập trung tìm hiểu nhiều vấn đề, trong đó có cả “triết lý Phan Chu Trinh” (“philosophy of Phan Chu Trinh”).

Phải nhấn mạnh tất cả các điều trên đây để thấy rõ sự sáng suốt của PCT, thấy rõ viễn kiến của PCT, cũng như thấy rõ công trình tiên phong vận động văn hóa và dân chủ bất bạo động của PCT, một người yêu nước thiết tha, sáng suốt, vô vị lợi, trọn đời tận tụy hy sinh phục vụ dân tộc.

03.04.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo