Nguyễn Xuân Nghĩa (Danlambao) - Cần khẳng định lời bào chữa của luật sư (đã chuyển thành văn tự) cho chị Trần Thị Nga là theo hướng phủ định hành vi của chị Nga qua đó bác kết tội của Viện Kiểm sát. Luận cứ tập trung vào 11 video clip được phát hành trong thế giới ảo do internet tạo ra là: không thể kết luận đó là của thân chủ (chưa luận đến nội dung trong đó có vi phạm pháp luật của nhà nước cộng sản hay không), rồi đi đến kết luận cuối cùng rằng: thân chủ vô tội...
Tôi không có tài liệu nào kể lại chị Trần Thị Nga nói gì trong phiên tòa. Phủ nhận hay thừa nhận 11 video clip. Tôi mong chị Nga thừa nhận 11 video là bằng chứng (đối với bên buộc tội); là sản phẩm tinh thần và trí tuệ (đối với nhà hoạt động dân chủ) đích thị là của chị. Lâu nay bạn bè, dân chúng kính quý chị vì chị đã dám làm video clip để đưa lên tiếng nói phản đối chế độ CS của chị ra dư luận. Bây giờ bỗng nói rằng: không phải! thì giá trị tinh thần kia còn hay không. Ai nghe mà tin rằng không phải của Trần Thị Nga thì có còn kính trọng chị nữa không! Tôi nghĩ dù có ai là người trong cuộc công cuộc tranh đấu biết (nếu) chị phải nói thế để xử lý tình huống, trước sau chị vẫn là người đấu tranh chống chế độ độc tài v.v... vẫn phải... suy nghĩ. Nhưng trước tiên, ngay trong phiên tòa, bất luận kiểu gì, chị cũng đã một lần phản bội lại 11 sản phẩm tinh thần của chị. Nếu (quan trọng hóa vấn đề) nó giống như một người mẹ bỏ con trong lúc khốn khó, dù biết sau này tìm lại... Và nữa... cái khẩu hiệu: ta mới là người kết án còn hiện diện ở đó hay không.
Tôi nhắc lại chữ nếu để người đọc hiểu rằng tôi chỉ nêu ra luận cứ này theo hướng chỉ của chữ nếu. Tôi vẫn mong không phải vậy! Tôi tin vào tinh thần dũng cảm và hy sinh cho tự do của người phụ nữ mà tất cả chúng ta đang yêu quý.
Dấn thân đấu tranh chống cường quyền trong chế độ độc tài, chỉ biết sử dụng bạo lực qua sự gian ngoan, xảo trá của luật pháp do họ tạo ra rất khó. Ai đó nói điều gì đó khác với đám đông trước chính đám đông đó đã khó, nói chi đến trước luật pháp. Nó luôn dụ mị ta bằng mỹ từ nhân đức suông: Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Nó luôn cho ta con đường thoát hiểm tạm thời bằng các video clip, văn bản, băng ghi âm, ghi hình... nói trái ngược những điều ta đã nói lúc còn bình yên. Nhà cầm quyền cổ vũ ta làm điều này. Ta không làm thế, nói thế mà họ mạo ra được thế nữa là đó là tiếng nói của chính ta, chữ viết của ta, hình ảnh của chính ta.
Ở một phiên tòa chính trị gian lận do chính hệ thống tư pháp gian lận tiến hành, dù có luật sư giỏi đến đâu, dùng các nghiệp vụ né tránh/ thực tế cũng là gian lận như đỗ thừa cho thế giới ảo v.v... ta cũng không thắng được họ. Ta chỉ có thể thắng được họ trên tinh thần bất khuất mà thôi! Tinh thần chịu đựng khổ ải tù đầy lâu dài mà thôi... Giá trị của người hoạt động cho lý tưởng ở chỗ này, có lôi kéo được mọi người cho các đồng đội ở bên ngoài làm phong phú thêm, mạnh thêm đội ngũ hay không, có làm cho kể thù run sợ, kính trọng ta hay không... quan trọng nhất là ở thời điểm người hoạt động dân chủ nhân quyền đứng trước vành móng ngựa của kẻ độc tài, sau đó là ở trong nhà tù của kẻ độc tài. Chính vì vậy mới có câu nhà tù là trường học cho người tranh đấu...
Luật và luật sư
Bởi vì đấu tranh chống chế độ độc tài chính là đấu tranh chống lại bộ luật của họ nên tôi ước có một luật sư dấn thân cho dân chủ như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định... bàn đến chủ đề luật và luật sư như: luật là gì, luật có cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, làm mới hay không? Chỉ dấu nào cho thấy phải sửa luật, bỏ luật hay làm mới một điều luật nào đó, sự khác biệt nội dung, hình thức và cách giải thích để hiện thực hóa điều luật giữa luật của nhà nước dân chủ so với độc tài...
Nhân đây cũng nói: Các luật sư dấn thân đang mắc nợ anh chị em dấn thân. Chúng tôi rất cần được chia sẻ các kiến thức trên.
Tại sao tôi chỉ nhờ các luật sư dân chủ chia sẻ điều này? Các luật sư của hệ thống tư pháp Xã hội chủ nghĩa không thiếu. Nhưng vì trong ghế trường đại học, họ đã học về "bộ luật của nhà nước XHCN", ra trường hành nghề theo Kim chỉ nam chỉ về hướng bảo vệ nền tư pháp xã hội, xã hội chủ nghĩa... Kiến thức của họ không mới, tinh thần không sáng tạo... Chưa thấy ai đủ tư cách luật gia dám đấu tranh đòi xóa bỏ một điều luật lạc hậu như 88, 79... Xã hội đang có nhu cầu biểu tình hay không? Đang có! Nhưng chưa thấy luật sư nào lên tiếng vài ngoài luật sư đã nằm trong biên chế quốc hội. Những luật sư đang hành nghề luật, phải và sẽ va chạm với các vụ án liên quan đến người biểu tình lại gạt trách nhiệm kêu gọi ra luật biểu tình sang người bên Quốc Hội, dù người bên đó không phải luật sư...
Chúng ta đều biết các luật sư VN rất sợ bào chữa trong các vụ án chính trị. Điều này quá dễ giải thích.
Ở các vụ án hình sự họ còn đưa ra được các lập luận: thân chủ tôi là người có công với cách mạng, là người phạm tôi lần đầu, là người bị lôi kéo... Ở các vụ án chính trị, cãi thế không có giá trị. Còn cãi: thân chủ của tôi đúng, thân chủ của tôi có tinh thần yêu nước, biểu tình chống Trung Quốc là phù hợp với điều A, B, C trong Hiến pháp, đòi hỏi tự do, dân chủ nhân quyền, xóa bỏ độc tài là nhu cầu chính đáng, phù hợp với thời đại, nhân loại... Tòa phải xử theo bộ Luật Mẹ là Hiến pháp. Hiến pháp phải bãi bỏ chữ "theo quy định của pháp luật", bãi bỏ các thông tư, nghị định A, H, Z... Không ai đủ lá gan...
Vì đang có không nhiều luật sư dám tranh tụng trong các phiên tòa chính trị nên luật sư nào lâm trận đều được xã hội, quần chúng, giới luật sư quan tâm và tin cậy. Họ nổi bật lên, có uy tín nhờ tham gia các vụ án chính trị.
Nhưng ngay các luật sư nhận bào chữa cho các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền cũng không đủ can đảm tìm đến các lập luận mang tính phá cách. Các bản bào chữa của họ đơn điệu, nhạt nhẽo, thiếu tính luật gia. Ngoài tìm ra ít nhiều sai sót của cơ quan điều tra quy chiếu vào Luật tố tụng, quanh quẩn vẫn chỉ là: trong môi trường internet không có cơ sở xác định thân chủ tôi làm ra nó.
Giá trị của luật sư nằm ở chỗ này. Không có lập lý nào của họ làm thay đổi cái án bỏ túi thì nên tìm ra các lập lý nâng cao giá trị các hành vi của thân chủ. Đó là cách bảo vệ thân chủ tốt nhất.
Viết đến đây, tôi phải dừng lại để dành những phút xúc động cho Ls Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định và sự kính trọng cho Ls Trần Vũ Hải trong vụ án năm 2010 của chúng tôi.
P/S: Luật như một dẻo đất hoang sơ. Những bước chân đầu tiên dẫm lên thì nó trừng phạt;. hàng nhiều bước chân dẫm lên để thành con đường thì nó bảo vệ.
28.07.2017