Thục Quyên (Danlambao) - Mỗi năm, tháng sáu, bao giờ mẹ tôi cũng nhắc đến không khí Hà Nội ảm đạm thê lương như thế nào ngày 13 liệt sĩ Yên Bái bước lên máy chém của thực dân Pháp.
Đa số các cửa hàng đã tự động đóng cửa không buôn bán. Bà ngoại tôi nằm trên phản và cho lũ "trẻ con" ra trả lời những người đội xếp là hôm nay nhà tôi không mở cửa hàng. Không, không thấy có giải truyền đơn, nhưng "người lớn" ai cũng mắt đỏ hoe, thì thầm với nhau từ ngày hôm trước. Cũng có nhà treo miếng vải đen...
Năm nào mẹ tôi cũng nhắc đến sự ngạc nhiên của mình khi thấy thái độ quá đặc biệt của bà ngoại tôi, dám đóng cửa hàng, mặc những lời đe dọa của các ông đội xếp. Mẹ tôi có vẻ có chút tự hào là bà ngoại tôi, một người đàn bà suốt đời chỉ biết làm ăn buôn bán mà dám tỏ thái độ với nhà cầm quyền thực dân. Phải thú thật là tôi cũng hơi mừng vì bà ngoại tôi còn sự tự trọng của một người Việt nên không để cái sợ lấn áp mà không dám tỏ thái độ của mình.
Sau này sống bên Đức, tôi có dịp chứng kiến biết bao nhiêu người đã hết sức buồn tủi vì ông bà cha mẹ mình ngày xưa đã ích kỷ và hèn yếu, im lặng hay về hùa với chế độ Hitler để vụ lợi. Tôi cũng mủi lòng chứng kiến những ông bà già 90 tuổi khóc nức nở khi bị các cháu hỏi xoáy, họ không có mắt mũi hay sao mà giờ này nói là không biết? Biết bao thảm trạng gia đình!
Việt Nam khoảng 15 năm qua là một nơi du lịch được người Đức ưa chuộng. Tiếc thay tin tức về vấn đề môi trường, thực phẩm không an toàn đã lan rộng và số du khách đang trên đà đi xuống. Những người bạn Đức của tôi vẫn đồng loạt khen người Việt tương đối thân thiện và có vẻ lại còn thích bắt thân với người ngoại quốc. Nhưng nếu đi sâu vào chi tiết, thì những người Đức thường lấy làm lạ, hay hơi có vẻ khi dễ là người Việt có khuynh hướng chỉ kiếm lợi cho mình và gia đình mình nhưng không có vẻ lưu ý đến xây dựng xã hội của mình cho tốt đẹp hơn. Đa số người Việt họ gặp, bất kể than vãn chê hay khen quá đáng Việt Nam, nhưng quen vừa hơi thân là hỏi thăm để gửi con đi ngoại quốc.
Những người bạn Đức làm việc chung với tôi về bảo vệ Nhân quyền và bảo vệ Môi sinh thường ngạc nhiên kể ở VN họ chẳng được gặp người VN nào lưu tâm đến những vấn đề này.
Tôi đành lí nhí. Có. Có chứ. Nhưng ít. Lại vào tù gần hết rồi.
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ thì 6 nhà hoạt động xã hội dân sự bị đưa ra toà án Hà Nội. Các toà đại sứ quốc tế đang chú tâm quan sát xem những người như luật gia Nguyễn Bắc Truyển và luật sư Nguyễn văn Đài mà họ quá quen thuộc từ bao năm nay sẽ bị buộc tội kiểu nào.
Quốc tế thì quan tâm, nhưng một Hà Nội chẳng còn thực dân, 88 năm sau ngày các liệt sĩ Yên Bái bị hành quyết, không biết có thái độ gì không?
Chỉ mong trẻ con Hà Nội hôm nay vài chục năm sau không phải hổ thẹn là cha mẹ mình thế kỷ 21 rồi mà chẳng hiểu tầm quan trọng của những hoạt động xã hội dân sự trong một quốc gia.
Xin mời hãy tỏ thái độ bằng một dải ruy băng vàng