Về bài hát Không đặc khu cho ngoại bang - Dân Làm Báo

Về bài hát Không đặc khu cho ngoại bang



Trần Chí Phúc (Danlambao) - Ngày Chủ Nhật 10 tháng 6 năm 2018, trên nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh… hàng chục ngàn đồng bào đã xuống đường chống dự luật đặc khu kinh tế cho ngoại bang thuê 99 năm, dự tính sẽ do Quốc Hội biểu quyết thông qua.

Mặc dù trong dự luật đặc khu không nói rõ nước ngoài nào sẽ thuê nhưng dân chúng ai cũng hiểu rằng ngoại bang đó sẽ là Trung Quốc. Là một đế quốc hùng mạnh có 1 tỉ rưỡi dân, ở sát nách, từng đô hộ dân tộc Việt Nam cả ngàn năm, trong quá khứ đã mấy lần xua quân xâm chiếm và gần đây Trung Quốc cũng đang tiến hành chiến lược muốn biến Việt Nam trở thành một thuộc địa của họ.

Ngoài biển Đông thì Trung quốc đang chiếm dần, trên các khu rừng núi thì họ thuê 99 năm và đưa công nhân sang khai thác Bô Xít ở khu vực Tây Nguyên miền Trung Việt Nam, khu công nghiệp Vũng Ánh ở Hà Tĩnh gọi là Formosa cũng là một vị trí quan trọng chiến lược.

Bây giờ nếu 3 đặc khu kinh tế gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc sẽ do người Trung Quốc thuê 99 năm hoặc 70 năm thì coi như nước Việt Nam sẽ hoàn toàn bị Trung quốc khống chế hoàn toàn về mọi mặt.

Cái gọi là dự luật đặc khu kinh tế được soạn thảo cho có vẻ hình thức pháp lý chứ thực tế là dọn sẵn mâm cỗ để rước người Tàu- người Trung Quốc vào ngồi. Các viên chức lãnh đạo của Cộng Sản Việt Nam đã thỏa thuận với Trung Quốc từ nhiều năm trước về chuyện đặc khu và bây giờ họ đưa ra Quốc Hội để biểu quyết cho có vẻ pháp lý để sau này không ai có quyền sửa đổi.

Sau 99 năm hoặc 70 năm những người Trung quốc ở 3 đặc khu này muốn tự trị trở thành một khu vực dành cho người Trung Quốc thì chính quyền Việt Nam không làm gì được vì đã có Trung Quốc đỡ đầu. Lịch sử cho thấy năm 2014, bán đảo Crimeria của nước Ukraine do đa số người Nga ở và họ muốn tự trị và trở thành một bộ phận của nước Nga. Nước Ukraine tức giận nhưng vì sức yếu hơn nước Nga nên đành chịu thua.

Bài học lịch sử cho thấy người Tàu tức là Trung quốc với chủ nghĩa Đại Hán chỉ muốn xâm lăng và đồng hóa các nước nhỏ làm cho các tầng lớp đồng bào Việt Nam hiểu rõ nguy cơ bị mất nước một cách từ từ qua dự luật đặc khu và hàng chục ngàn đồng bào đã xuống đường bày tỏ sự chống đối rõ ràng qua khẩu hiệu KHÔNG CHO TRUNG QUỐC THUÊ DÙ CHỈ MỘT NGÀY.

Các cấp lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam vì bị áp lực mạnh mẽ, kẻ nào không tuân phục thì sẽ bị Trung Quốc truất phế. Nếu vâng lời thì được giữ chức vụ và còn được cho tiền bạc rất nhiều lên tới cả chục triệu, trăm triệu đô la. Với 2 vũ khí lợi hại của Bắc Kinh như vậy, cả Bộ Chính Trị CSVN đã bị khuynh đảo cho dù có kẻ vẫn còn chút lương tri với lòng yêu nước muốn giữ vững sự độc lập cho Việt Nam.

Đã có nhiều ý kiến chống đối dự luật đặc khu trong nội bộ CSVN và do đó họ đã tạm ngưng biểu quyết ở Quốc Hội vào tháng 6 vừa qua và dời lại vào phiên họp kế tới.

Có thể dự luật đặc khu đang được sửa đổi sẽ không còn 99 năm mà đổi thành 70 năm và đổi một vài chi tiết nhỏ để gọi là chiều lòng những kẻ chống đối rồi Quốc Hội sẽ biểu quyết thông qua vào kỳ tới. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nguyên tắc này rõ ràng. Bộ Chính Trị đã quyết định thì Quốc Hội chỉ thi hành bằng cách biểu quyết tuân theo.

Kể từ khi Đảng CSVN nắm quyền cai trị thì ngày 10 tháng 6 năm 2018 là một sự kiện lịch sử với hàng chục ngàn đồng bào nhiều tỉnh thành xuống đường biểu tình bày tỏ sự chống đối một dự luật do chính quyền muốn thông qua mà không hỏi ý kiến dân chúng.

Nhà nước với sự cai trị bằng sức mạnh và sự tuyên truyền nhưng dân chúng đã phẫn uất xuống đường; điều này nói lên tầm quan trọng của dự luật đặc khu cho ngoại bang đã gây nguy hại tới an ninh, tới sự sống còn của dân tộc Việt Nam.

Có kẻ cho rằng Bộ Chính Trị đã quyết định về dự luật đặc khu khó mà thay đổi cho dù dân chúng có biểu tình có xuống đường phản đối. Nhưng cũng có kẻ cho rằng còn nước còn tát, sự bày tỏ mạnh mẽ của đồng bào cũng có thể làm thay đổi quyết định của những kẻ lãnh đạo. Nhưng phải mạnh mẽ với hàng triệu người dân xuống đường tạo nên sức mạnh to lớn làm thay đổi cả chính quyền.

Kẻ cai trị có trong tay sức mạnh công an và quân đội, có sự hỗ trợ của Bắc Kinh thì cơ hội để hủy bỏ dự luật đặc khu rất mong manh. Nhưng lịch sử có những điều bất ngờ.

Bài hát Không đặc khu cho ngoại bang như là một món quà tinh thần tri ân, ghi lại kỷ niệm lịch sử của những đồng bào đã xuống đường ngày 10 tháng 6 năm 2018 và những lần kế tiếp sau này. Hi vọng bài hát này sẽ được phổ biến.

Từ bây giờ cho đến lúc Quốc Hội nhóm họp trở lại để biểu quyết dự luật đặc khu, cuộc chiến đấu giữa đồng bào yêu nước chống những kẻ lãnh đạo làm tay sai cho thế lực ngoại bang vẫn còn tiếp diễn và đầy gian nan.

Cơ trời vận nước Việt Nam đang suy vi, nhưng ý chí đấu tranh của đồng bào vẫn là yếu tố quan trọng. Xin ghi lại câu thơ của thi hào Nguyễn Du: Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.

Xin mời nghe bài hát Không đặc khu cho ngoại bang cùng những hình ảnh biểu tình của đồng bào chống dự luật đặc khu với khẩu hiệu KHÔNG CHO TRUNG QUỐC THUÊ DÙ CHỈ 1 NGÀY.


Không đặc khu cho ngoại bang

Không đặc khu, cho ngoại bang, ngàn năm đô hộ dân mình

Không đặc khu, cho ngoại bang để chúng cướp luôn nước ta

Đà Nẵng Nha Trang, Bình Thuận Đồng Nai, Sài Gòn Hà Nội, Nghệ An Hà Tĩnh Bình

Dương. Trên khắp phố phường đồng bào ta xuống đường.

Cất cao tiếng nói quê hương, dẫu cho áp bức đau thương, giữ gìn non sông Việt Nam.

Không đặc khu, cho ngoại bang, ngàn năm đô hộ dân mình

Không đặc khu cho ngoại bang để chúng cướp luôn nước ta.

Đồng bào ơi hãy đứng lên, Đồng bào ơi, hãy xuống đường, ta đấu tranh vì đời con cháu mai sau

Đồng bào ơi hãy đứng lên, Đồng bào ơi, hãy xuống đường, ta đấu tranh, giữ từng tấc đất quê hương.

CODA= TA ĐẤU TRANH GIỮ TỪNG TẤC ĐẤT QUÊ HƯƠNG…





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo