Vũ Đông Hà (Danlambao) - Sau 20 năm đốt cháy Trường Sơn để đánh cho hộc máu đồng bào miền Nam, hơn 40 năm tiếp tục sự nghiệp đốn người và đốn cây làm trụi giống nòi, làm trọc giang sơn, thủ tướng nhà đảng Nguyễn Xuân Phúc cất lời hiệu triệu kiểu Hồ Chí Minh: 10 năm tới, Việt Nam phải xuất khẩu 20 tỷ đô la đồ gỗ và trở thành trung tâm toàn cầu về lãnh vực đốn cây phá rừng làm bàn, làm ghế.
Trải qua nhiều thập niên, mỗi độ mưa về người dân Việt đã phải bó tay chấm còm - bó gối cả nước để sống với lũ. Dưới sự lãnh đạo của tập đoàn "đủ thứ tặc" - quốc tặc, đất tặc, cát tặc, lâm tặc... thiên tai lũ lụt càng ngày càng trở nên khốc liệt và mức độ tang thương ngập lên đầu dân đã dâng lên từng nất theo con nước mỗi năm.
"Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá"! Cả 2 thứ nhất-nhì này đảng cộng sản đều vượt chỉ tiêu vừa phá vừa đâm. Rừng nguyên sinh ngút ngàn chạy dài theo xương sống Tổ quốc bị đốn sạch, phá sạch và ăn cắp sạch. Những cây mới trồng để hy vọng đạt được chỉ tiêu trên giấy tờ - tăng diện tích rừng 40% - nhưng vì trồng trên những vùng đất trơ trọi, không cản được sức cuốn của nước nên chưa kịp vươn lên để đứng giữa trời mà reo thì đã bị dòng nước lũ mỗi năm quét sạch. Đến hà bá cũng chết chìm và chết nhiều lần mỗi năm bởi hành vi xả lũ của các đại gia, quan chức làm giàu bằng thuỷ điện.
Trong nhiều năm qua, hết chỉ thị này đến chỉ thị khác, từ lệnh đóng cửa rừng của thủ tướng sang hù dọa xử nghiêm lâm tặc của những bộ trưởng Tài Môi, rừng vẫn rỉ máu, chảy máu và đổ máu.
Nguyễn Xuân Phúc "tâm tư" rằng: “Có một câu hỏi là chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng nhưng mà nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép. Cần thảo luận cái này, từ đó xác định của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ rừng, chứ không lẽ xảy ra trên địa bàn anh mà trách nhiệm không rõ là sao. Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà chúng ta không biết chuyện này”.
Phải trả lời rằng: Việt Nam có đủ thứ hệ thống chính trị để bảo vệ đủ thứ. Nhưng mọi thứ đều bị mất. Mất vì ăn cắp, vì cướp, vì bán, vì nhượng, vì cho thuê, vì phá. Tất cả đều được thực hiện đúng "quy trình" bởi các quan chức cộng sản trung ương lẫn địa phương. Đừng nói gì đến cây gỗ, khi cần thì thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Rừng đầu nguồn, Hoàng Sa, Trường Sa và sắp đến là Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc cũng chỉ là những cây kim trong con mắt của Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng và tập đoàn bộ cá tra Ba Đình. "Đảng ta" thấy và thấy rất rõ nhưng không muốn biết, có biết và biết rất rõ thì không muốn... dân lo, phải để cho đảng no.
Do đó, với một giang sơn đã trọc và ngày càng trọc hơn bởi bàn tay của những trọc phú Ba Đình thì trong 10 năm lấy gỗ đâu cho đủ để Việt Nam trở thành "trung tâm toàn cầu 20 tỷ đô bán đồ gỗ"? Nếu không là tiếp tục phá rừng, cây non cũng chặt cây già cũng cưa, để phục vụ cho chủ trương lớn của thủ tướng?!
Và để đạt chỉ tiêu xuất cảng đồ gỗ 20 tỷ đô la mỗi năm, bên cạnh số phận của rừng, người dân Việt phải gánh chịu thêm bao nhiêu tỷ đô la thiệt hại trong chừng ấy thời gian "đảng" hành cơn lụt mỗi năm? Thêm bao nhiêu cuộc đời sẽ trôi theo "vận nước" đang dâng, tổ quốc đắm chìm và dân tộc chết đuối? Thêm bao nhiêu căn nhà "thuỷ tạ", bao nhiêu xe cộ dập dềnh theo những dòng sông uốn khúc khắp thủ đô? Thêm bao nhiêu tàu hoả chạy... đường sông như đảng mải miết chạy trên con đường xã hội chủ nghĩa chỉ toàn bùn đỏ Bô xít và thải độc Formosa? Và đến bao giờ người dân nông thôn thôi nhìn trời chửi đảng và dân thành thị hết còn là những "lính thuỷ đánh bộ" chuyên nghiệp trên những đường phố chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ?
Chỉ có ở CHXHCN Việt Nam, khi đồi đã trụi, núi đã trọc, rừng đã tan hoang mà những kẻ lãnh đạo lại có giấc mộng vĩ cuồng kiểu Nguyễn Xuân Phúc.
Chỉ có ở CHXHCN Việt Nam, thay vì dựa vào tiềm năng trí tuệ, kiến thức khoa học, khả năng công nghệ của thời đại @, thì đảng cầm quyền vẫn tiếp tục chủ trương lấy "tài nguyên đất nước" làm vốn, lấy tư duy lâm tặc Pắc Pó làm lời, để đưa đất nước tiến nhanh và tiến lui thành trung tâm toàn cầu của thời đại đồ gỗ.
09.08.2018