Lăng người hay bia mộ ta - Dân Làm Báo

Lăng người hay bia mộ ta

Ilya Zbarsky * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Vào năm 1969 bộ phận phòng thí nghiệm lăng Lê-nin được giao một nhiệm vụ khác ở nước ngoài: ướp xác Hồ Chí Minh... Sự kiện này, một trong những bí mật được giữ kín nhất, đã được một nhà khoa học hiện nay vẫn còn làm việc trong phòng thí nghiệm thuật lại cho tôi. Ông ta kể lại với tôi như sau:

"Lần đầu tiên tôi đi Bắc Việt vào tháng Mười 1971. Hôm nay tôi vẫn nhớ cái ngày tôi đến đấy. Khi máy bay chúng tôi bay trên vùng gần Hà Nội, mặt đất bên dưới đang cháy. Không lực Mỹ đã ném bom thành phố ngày càng dữ dội trong suốt vài tuần. Rồi những chiếc Phantom (1) dẫn đường chúng tôi từ Lào đến Việt Nam đã quay về. Một vài giây sau đường bay dưới sự bảo vệ của Mỹ không còn nữa. 

"Chúng tôi đáp xuống phi trường Gia Lâm trên bờ sông Hồng. Ra đón chúng tôi là phái đoàn nhỏ những viên chức Bắc Việt, họ đều hỏi thăm sức khỏe tôi và vợ con. 'Phép lịch sự Đông phương', tôi nghĩ khi tôi lắng nghe những lời nói nhã nhặn vô tận của họ. Họ đưa tôi một cái tách rất nhỏ rồi ai đấy rót vào tách chất lỏng vàng đắng. Trà xanh. Trước đây tôi chưa từng bao giờ nếm qua. 

"Trên đường vào Hà Nội tôi nhìn thấy một công trình kiến trúc bằng thép lớn dài một cây số rưỡi. 'Đấy là cầu Long Biên, cây cầu lớn nhất ở Viễn Đông', một người trong phái đoàn đi đón nói. "Cầu được làm cách đây gần một trăm năm bởi kỹ sư Pháp Gustave Eiffel - người làm Tháp Eiffel." Tôi kinh ngạc khi thấy kiến trúc hùng vĩ này tuy bị ném bom rất nhiều lần vẫn đứng vững. 

"Ở Hà Nội tôi ở trong một ngôi nhà đẹp kiểu thuộc địa mà trước chiến tranh thuộc về một vị tướng Pháp. Thời gian tôi ở đấy thường bị gián đoạn bởi những hồi còi to kéo dài báo động máy bay ném bom. Trong nháy mắt đường phố vắng vẻ. Mọi người đều núp ở bất kỳ nơi nào có thể núp được - dưới tầng hầm, dưới cống hay dưới cầu. 

"Sau ba ngày tôi được đưa vào rừng sâu đến một nơi gần Sơn Tây, một thị xã nhỏ cách thủ đô độ ba mươi cây số. Bộ đội dùng rựa để chặt cây phát đường đi tên là 'Đường Gà trống tơ'. Nép mình giữa rừng cây là một tòa nhà làm bằng gạch màu nâu nhạt: mộ Hồ Chí Minh. Tòa nhà giống y như lăng Lê-nin, tuy nhỏ hơn-chỉ 60 mét vuông. Trông giống như đồ chơi. 

"Tôi được đưa vào bên trong, nơi tôi thấy có máy điều hòa, bồn dùng để ngâm thi hài, và những lọ hóa chất - tóm lại, tất cả những thiết bị cần thiết cho việc ướp xác. Tôi lấy làm kinh ngạc trước sự khéo léo của người Việt mà đã bí mật đưa được nước máy, điện và đường dây điện thoại xuyên qua rừng rậm. Dưới lăng là một hành lang sâu mười mét dẫn tới căn phòng bằng bê tông nơi thi hài được chuyển đến mỗi khi bị oanh tạc. Dưới nắp hòm bằng kính Hồ Chí Minh, với chòm râu thưa trong bộ đồ màu trắng, trông giống như một quan lại người Tàu giàu có. 

Một con đường lát gạch dài được che kín dưới những cành lá ngụy trang để tránh máy bay do thám Mỹ đã đưa chúng tôi từ lăng ra đến sân thượng lớn bên trên ngôi nhà - ngôi nhà thực sự, chứ không phải túp lều - mà các đồng nghiệp tôi Sergei Debov và Yuri Denissov - Nikolsky ở lại. 

"Từ khi Hồ Chí Minh chết vào tháng Chín 1969 nhà cầm quyền Liên Xô đã làm mọi thứ cần thiết để giúp Bắc Việt ướp thi hài lãnh tụ lịch sử của họ. Đặc biệt một đoàn các nhà khoa học từ phòng thí nghiệm của lăng Lê-nin từ Mạc Tư Khoa được đưa sang bằng máy bay. Công việc giữ gìn thi hài ban đầu đã được thực hiện trong khuôn viên một bệnh viện quân đội gần Viện Pasteur ở Hà Nội. Nhưng khi các cuộc oanh tạc thủ đô càng dữ dội thì phòng thí nghiệm được chuyển đến khu vực Sơn Tây. 

"Vào năm 1971, một biến cố bất ngờ xảy ra cách lăng độ một cây số rưỡi. Trong lúc viên sĩ quan chỉ huy căn cứ bí mật đang dùng trà trong rừng với người phó chỉ huy trưởng lực lượng tự vệ phòng không của Bắc Việt thì một chiếc máy bay Mỹ bay trên đầu họ cách đấy chỉ một vài mét. Máy bay bay dọc theo sông Hồng, với cửa cabin mở toang và vài lính nhảy dù Mỹ đong đưa chân họ ra ngoài cửa cho mát. 

"Nhiều trực thăng Mỹ cũng bay trên sông, rồi đáp xuống bờ bên kia. Người Mỹ đang tìm những tù binh Mỹ bị giam trong một trại gần đấy. Nhưng trại đã bỏ hoang từ lâu, vì thế những người lính dù Mỹ phải bỏ đi mà không được gì. 

"Mặc dù người Mỹ đã không nhận thấy sự hiện diện của địch quân trong khu vực, nhưng chuyện xảy ra bất ngờ này cũng đủ khiến cho các tướng lãnh Bắc Việt quyết định tăng cường an ninh quanh lăng. Thi hài của Hồ được coi là thiêng liêng, cho nên họ biết rằng thi hài bị cướp đoạt hay bị tiêu hủy sẽ giáng một đòn trí mạng vào tinh thần quân đội họ. 'Nếu bọn Mỹ lấy được thi hài," ngày nọ một viên tướng ở căn cứ bảo tôi, 'chúng tôi sẵn sàng trao đổi tất cả các tù binh Mỹ để lấy lại thi hài.' Tình báo Mỹ biết rõ như vậy nên cũng đã ra sức tìm kiếm. 

"Vào lúc tôi bắt đầu công tác ở căn cứ này thì ít nhất cả trăm bộ đội được trang bị súng phòng không rất mạnh bảo vệ căn cứ. Ba chiếc xe tăng bảo vệ ngôi nhà chúng tôi ở. Mỗi buổi sáng chúng tôi có thể thấy các pháo thủ lau đạn súng cối đến bóng loáng - chúng tôi luôn luôn sợ biết đâu họ vô tình làm rớt một quả đạn thì khổ. Thậm chí một sáng nọ Debov thức dậy thấy nòng súng xe tăng chĩa vào cửa sổ mình. Về chuyện này chúng tôi đã cười một trận ra trò. 

"Nhưng chúng tôi cũng vẫn hơi sợ. Quanh căn cứ độ một trăm mét có một cái đồi lớn mà máy bay Mỹ dùng để xác định vị trí khi bay qua Hà Nội. Tiếng động cơ phản lực của họ ồn đến điếc tai, và chúng tôi luôn luôn sợ họ biết đâu có thể phát hiện ra chúng tôi. 

"Ngày nọ một đồng nghiệp đã ở thủ đô một thời gian đến thăm chúng tôi. 'Ít ra ở đây các cậu cũng bình an và tốt chứ,' anh nói. 'Không giống như ở Hà Nội, nơi chúng tôi lúc nào cũng phải lo lắng vì các cuộc oanh tạc.' Rồi ngay khi anh vừa đưa muỗng súp lên miệng thì còi báo động phòng không vang lên. Anh đặt muỗng xuống, rồi sau một hồi im ắng, anh thử ăn trở lại. Còi báo động lại cất lên. Anh cố ăn bốn lần, nhưng vẫn chưa xong bữa trưa. Đến khi anh ăn trở lại thì súp đã nguội lạnh. 

"Vào tháng Tư năm 1972 chiến sự gia tăng. Tiếng bom càng ngày càng gần hơn, vì thế họ quyết định di chuyển thi hài đến nơi nào đấy an toàn hơn. Thi hài quý giá này được đặt lên chiếc xe lội nước và được đi chuyển xuôi theo sông Hồng độ mười lăm cây số. Rồi xe vào bờ và một lữ đoàn bộ đội đào và chặt cây phát đường qua rừng rậm, trong lúc ấy, ở đằng sau, những bộ đội khác dùng chất nổ xóa sạch tất cả mọi dấu vết lộ liễu. 

"Thi hài được chuyển vào một cái hang rất lớn. Họ nói với tôi ở Việt Nam có nhiều hang động tự nhiên rất lớn này, nhiều hang đã biến thành giáo đường. Bên trong, hang chúng tôi cao như tòa nhà mười tầng, và được trang bị y như lăng trong rừng với nước máy, điện, máy điều hòa, phòng thí nghiệm, và chỗ ăn ở cho các nhà khoa học và lính bảo vệ. 

"Vào tháng Mười Hai năm 1972, sau giai đoạn ném bom dữ dội nhất, thi hài được đưa trở lại lăng tạm thời trước đây. Trong khi ấy ở Hà Nội diễn ra công trình xây dựng bí mật mà chẳng bao lâu sẽ tạo ra lăng lớn nhất thế giới. Lăng là đền La Mã khổng lồ, và được hoàn tất ngay sau khi ký hiệp định hòa bình. Lăng là tòa nhà cao nhất ở thủ đô, được thiết kế để cho mọi người ở miền quê chung quanh cách đấy hàng mấy cây số đều có thể nhìn thấy. 

"Hòm được đặt trong phòng lớn ốp đá cẩm thạch ở trên bệ đá. Hệ thống điều hòa trong lăng mạnh đến mức nước đọng lại trên tường dường như lúc nào cũng chảy xuống, vì sự khác biệt giữa nhiệt độ bên trong, được duy trì ở mười sáu độ, và nhiệt độ bên ngoài khoảng bốn mươi độ. Bên dưới là bục lễ đài duyệt binh dành cho các nhà lãnh đạo. Đằng sau lăng bây giờ có vườn hoa nhiệt đới ngạt ngào hương thơm và những cây vạn tuế nhỏ." 

Hai mươi bảy năm sau khi chết, nhà lãnh đạo của Việt Minh và Bắc Việt Nam vẫn an nghỉ trong lăng ông ở Quảng trường Ba Đình. Các nhà khoa học Nga vẫn tiếp tục đến lăng thường xuyên để lo cho thi hài ông. 

Giáo sư Ilya Zbarsky sinh năm 1913 là nhà hóa sinh danh tiếng chuyên nghiên cứu về nhân tế bào. Ông làm việc ở phòng thí nghiệm ở lăng Lê-nin trong mười tám năm. Cha ông Boris Zbarsky cùng với giáo sư Vladimir Vorobiov đã thực hiện việc ướp xác Lê-nin. 

Nguồn: Dịch từ sách "Lenin's Embalmers" của các tác giả Ilya Zbarsky và Samuel Hutchinson, nhà xuất bản The Harvill Press, Luân Đôn, Anh, năm 1997, bản dịch từ tiếng Pháp của Barbara Bray, trang 181-186. Tựa đề tiếng Việt của người dịch. 

Chú thích

(1) Sau rất nhiều thương lượng giữa lực lượng quân đội Mỹ, Liên Xô, và Bắc Việt, Không Quân Hoa Kỳ đã cung cấp những chiến đấu cơ dẫn đường cho máy bay Liên Xô chở các nhà khoa học Nga sang Hà Nội vì Mỹ lúc ấy hầu như làm chủ không phận Bắc Việt, (chú thích từ sách).

Người dịch:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo