Mật ước Thành Đô trên đường trở thành hiện thực - Dân Làm Báo

Mật ước Thành Đô trên đường trở thành hiện thực

Hoàng Tất Thắng (Danlambao) - Dù chưa qua hết trọn tháng, chỉ mới hơn hai mươi ngày, nhưng các diễn biến mới nhất, đã và đang xảy ra trên chính trường Việt Nam trong tháng 9/2018, vừa khá dồn dập lại vừa có tính chất thúc bách, nên vô hình chung cho thấy thêm khá rõ các bằng chứng khẳng định về việc cộng sản Việt Nam chấp nhận bán nước cho Tàu cộng, đang được Hà Nội thực hiện từng bước theo lộ trình đã cam kết và được vạch ra bởi Mật ước Thành Đô 1990, với nhiều dấu hiệu đậm đặc tính hiện thực, nhằm đáp ứng đúng với kỳ hạn năm 2020 đang gần kề. 

1. Trần Đại Quang đột tử

Sáng ngày 21/9/2018 báo chí lề đảng thông báo chủ tịch nước CHXHCNVN Trần Đại Quang qua đời đột ngột do bị nhiễm một loại virus vô cùng độc hại và hiếm gặp, thế giới chưa có thuốc chữa trị. Theo như phân bua của Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe (cán bộ đảng) trung ương, dù Quang đã qua Nhật Bản lần đầu trong cuối tháng 7/2017 và thêm 5 lần tiếp theo sau đó để củng cố sức khỏe và ngăn chận sự phát triển mau lẹ của bệnh lý, hay như Phạm Gia Khải, Cố vấn ban bảo vệ sức khỏe trung ương, thì chủ tịch nước bị mắc bệnh máu ác tính, đã được đưa ra ngoại quốc chửa trị nhiều lần kể cả biện pháp ghép tủy sống, nhưng đều không thành công. 

Dưới thời cai trị của Trần Đại Quang, bằng vốn liếng của nghề công an, an ninh, đương sự đã góp phần quan trọng trong sự phát huy vai trò "thanh gươm lá chắn" nhằm duy trì và củng cố chế độ công an trị của đảng CSVN ngày càng lún sâu vào sắc máu và tàn độc, can dự vào không biết bao nhiêu tội ác, chà đạp nhân quyền, bóp nghẹt dân chủ, khống chế ngôn luận và sẵn sàng đàn áp mọi người dân phản đối ôn hòa bằng tất cả những biện pháp lưu manh, kết hợp với côn đồ và bạo lực, với đủ thứ phương tiện hung hiểm, hùng hậu nhất. 

Cụ thể có thể kể hai di sản lớn về việc giết người "đại trà" và bịt miệng toàn dân. Trần Đại Quang chính là tác giả của Luật an ninh mạng, có mưu toan bịt miệng người dân triệt để, đã được đảng cộng sản Việt Nam cho xuất xưởng trong tháng 6/2018. Khi còn là Phó Tổng cục trưởng an ninh của Bộ Công an trong giai đoạn 2000 đến 2004 và tiếp diễn liên tục qua đến tận các năm 2010, 2011, Trần Đại Quang cũng chính là hung thần đầu sỏ (với sự cộng tác của hai tay chân đắc lực là Đại tá công an Huỳnh Huế và Đại tá công an Nguyễn Hùng Lĩnh, thay phiên làm cục trưởng cục an ninh Tây Nguyên A.43, sau đổi thành A.90) đã trực tiếp chỉ huy các cuộc đàn áp đẫm máu, giết người quy mô lớn lên đến hàng trăm nạn nhân trong mỗi một vụ, nhằm bình định cho được phong trào Tin Lành Degar của sáu sắc dân bản địa trên cao nguyên miền trung gồm Jarai, Rhade, Bahnar, Koho, Mnong và Stieng, kéo dài trong hơn mười năm từ 2000 đến 2011. 

Tuy vậy, trong cuộc đua tranh thần phục thiên triều Bắc Kinh diễn ra khốc liệt, dai dẳng từ sau đại hội đảng CSVN lần thứ 12 vào tháng 1/2016. Tuy nhiên, với thông điệp từ Bắc Kinh: "Đội ngũ lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam dù có ai thay đổi, cũng không được gây ra các tác động tiêu cực đến quyền lợi tổng thể của hai bên, hay lay chuyển quyết tâm phải làm sâu sắc hơn mối quan hệ truyền thống khó khăn lắm mới đạt được với Trung Hoa. Cần phải hiểu rõ rằng bất kỳ ai thổi bùng lên tinh thần dân tộc trong mối quan hệ Việt Hoa cũng sẽ chỉ tự làm hại mình... (Tân Hoa Xã - Xinhua News Agency, 1/2016), nên trước hai ứng viên "thái thú Giao Chỉ quận" Nguyễn Phú Trọng đã lọt vào mắt xanh của Tập Cận Bình và Trần Đại Quang nghiễm nhiên trở thành một kẻ phiền toái cần phải bị trừ bỏ, dọn đường cho Nguyễn Phú Trọng (hay cho kẻ đã được Bắc Kinh chỉ định kế thừa Nguyễn Phú Trọng) bước vào giai đoạn nhất thể hóa nắm giữ luôn cả hai chức danh tổng bí thư đảng, kiêm chủ tịch nước, để đáp ứng trọn vẹn cho vai trò chủ xị thực hiện âm mưu Hán hóa Việt Nam. 

Từ tháng 7/2017, Trần Đại Quang đã bị ngấm ngầm loại ra khỏi bộ sậu tứ trụ, bởi sự vắng mặt đầy nghi vấn trong những sự kiện ở tầm vóc quốc gia và với các nguồn tin bán công khai cho hay Quang phải đi Nhật để trị bệnh, tức chỉ vỏn vẹn hai tháng sau cuộc công du đầu tiên trên cương vị chủ tịch nước CHXHCNVN đến Bắc Kinh, từ ngày 11 tới ngày 15/5/2017. "...Điều này đã làm dấy lên suy đoán rằng Quang đã bị triệt hạ bởi Trọng và một số nhà bình luận còn cho rằng ông ta đã bị đầu độc trong chuyến công du sang Bắc Kinh trước đó không lâu..." (David Hutt, Quang dies and a Vacuum Opens in Việt Nam, Asia Times, 21/9/18). Do đó, khó có thể coi Trần Đại Quang đột tử, mà đúng hơn đây chỉ là một cái chết đúng quy trình, được sắp đặt cho những kẻ không còn cần thiết, hay tệ hại hơn đã trở thành kẻ phá bĩnh trong trò chơi quyền lực và mưu toan "bình thiên hạ" của Tàu cộng, chẳng khác gì mấy những nạn nhân trước đó do bọn đồng hội, đồng thuyền, từng một thời là đồng chí tạo dựng ra, như các trường hợp đã khá lâu từ Dương Bạch Mai, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, đến Nguyễn Đình Tứ, hay mới trong thời gian gần đây như Nguyễn Bá Thanh và Phạm Quý Ngọ. 

2. Mở thêm một hành lang thông thương tại biên giới Việt-Tàu 

Ngày 10/9/2018 nhà cầm quyền Việt cộng tại tỉnh Lạng Sơn và nhà cầm quyền Tàu cộng ở khu tự trị Choang - Quảng Tây, đã chính thức mở thêm một cửa thông thương đường bộ qua biên giới ở Chi Ma, thuộc huyện Lộc Bình, Lạng Sơn trên phần đất Việt Nam và tại Ái Diêm, thuộc huyện Ninh Minh, Quảng Tây trên đất Tàu cộng. Tính đến hiện tại tổng cộng trên tuyến biên giới Việt-Tàu dài khoảng 1.280km, với 7 tỉnh thuộc Việt Nam là vùng giáp biên đang có đến 22 cửa ngỏ thông thương đường bộ chính thức giữa hai bên. Trong đó chỉ tính riêng tỉnh Lạng Sơn cũng đã có 12 cửa. 

Lập luận được các quan chức CSVN đưa ra để mở thêm cửa thông thương với Tàu cộng là nhằm quản lý và kiểm soát được việc xuất, nhập cảng hàng hóa giữa hai nước một cách chính quy và chặt chẽ, tức tăng phần giao thương chính ngạch và hạn chế phần giao thương tiểu ngạch (do dễ bị lợi dụng để buôn lậu, hay trốn thuế), từng bước thúc đẩy hiệu quả kiểm phẩm, bảo đảm an toàn thương mại, vệ sinh hàng hóa và chống thất thu thuế xuất, nhập cảng. 

Thực tế trong vùng biên giới Việt-Tàu đang tồn tại hàng trăm cửa ngách trái phép, là cửa ngỏ vượt biên của hàng trăm con đường xuyên sơn, đường mòn luồn rừng của người thiểu số sống trong vùng biên giới và của dân cửu vạn, dân buôn lậu, vận chuyển, mua bán tấp nập hàng ngày qua đường tiểu ngạch và ngay tại hàng trăm chợ đầu mối sát bên biên giới. 

Thực tế, dù Tàu cộng là thị trường xuất cảng lớn thứ hai của Việt Nam, nhưng việc giao thương qua biên giới phần lớn chỉ diễn ra dưới dạng tiểu ngạch, do thương buôn Việt Nam phải phụ thuộc vào phía Tàu cộng, mà thương buôn Tàu chỉ muốn giao dịch tiểu ngạch, do vừa dễ ép giá, vừa dễ hủy bỏ giao kèo bởi không có hợp đồng ràng buộc và còn tiết giảm được 50% thuế nhập cảng và thuế trị giá gia tăng. 

Do đó để hạn chế việc mua bán tiểu ngạch qua biên giới không thể là mở thêm cửa thông thương, mà là Hà Nội phải có các chính sách hợp lý về xuất, nhập cảng hầu bảo vệ quyền lợi cho giới thương buôn người Việt, phải kiểm soát chặt chẻ biên giới và ngăn chận hữu hiệu buôn lậu để loại bỏ mọi nguồn nhập siêu bất hợp pháp. Việc mở thêm cửa thông thương đường bộ chính thức, chỉ có tạo ra thêm thuận lợi khi đi lại thuần túy qua biên giới và trong tình hình có nhu cầu di dân cao của Tàu, đã có đồng thuận giữa hai đảng cộng sản trong sự thực hiện chủ trương hai quốc gia, một trạm kiểm soát (Two Countries - One Inspection), cũng như dân Tàu đã được quyền lái xe lưu thông thẳng qua Việt Nam, thì ai mới là thành phần thực sự cần đến việc mở thêm cửa thông thương này (?). 

3. Gác qua tranh chấp, cùng hợp tác khai thác biển Đông 

Trong chuyến qua làm việc với Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Hà Nội ngày 16/9/2018, Vương Nghị ủy viên quốc vụ viện và là ngoại trưởng Bắc Kinh - con cáo già sâu hiễm Hoa Lục - đã lập lại quan điểm của Tàu cộng về biển Đông, núp dưới gian mưu được nói là cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng giữa Tàu cộng và Việt Nam là cùng hợp tác để khai thác trong vùng biển tranh chấp. 

Ngày 20/9 thông qua phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao, Hà Nội chính thức lên tiếng ủng hộ chuyện hợp tác trên biển với Tàu cộng, theo như các quy định và định chế của luật pháp quốc tế. 

Đây là điều không mới lạ trong chuổi hành vi vừa ngang ngược, vừa lưu manh trong âm mưu hợp thức hóa đường lưởi bò và độc chiếm biển Đông của Tàu cộng. 

Tháng 4/2018, một tuần sau vụ bức tử dự án khai thác dầu khí liên doanh giữa Hà Nội và công ty dầu Repsol của Tây Ban Nha, tại mỏ Red Emperor thuộc lô 07/03 trong tiểu vùng Nam Côn Sơn, cách Vũng Tàu 440km, cũng Vương Nghị đã ngạo ngược nói với Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang và Phạm Bình Minh rằng hai bên cần phải tuân thủ những quy tắc căn bản trong việc giải quyết tranh chấp trên biển, không được áp dụng các giải pháp đơn phương để phức tạp hóa thêm tình hình. Việc giải quyết các vấn đề trên biển là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển tốt đẹp, lâu dài mối quan hệ song phương giữa hai đảng cộng sản, do đó hai bên cần tăng cường hợp tác trên biển, gồm cả việc tiến hành thảo luận về hoạt động khai thác chung. 

Ngày 26/7/2018 tại cuộc hội thảo thường niên lần thứ 8 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS (Center for Strategic and International Studies) tổ chức tại Washington DC, Đỗ Thanh Hải, chuyên viên Viện Biển Đông của học viện ngoại giao Hà Nội đã úp mở Việt Nam không loại trừ khả năng sẽ gác lại tranh chấp để cùng khai thác trên biển Đông với các bên liên quan, trong đó có gồm luôn cả Tàu cộng. 

Độc chiêu này của Tàu cộng cũng đã được Vương Nghị đưa ra làm mồi nhử "Tổng thống chủ bại" của Philippines là Rodrigo Duterte và cá đã cắn câu. Tháng 3/2018 hai lô thăm dò dầu khí SC.57 và SC.72 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila đã được chọn để cùng hợp tác thăm dò và khai thác với Tàu cộng, đáng kể trong đó lô SC.72 ở bãi Cỏ Rong (Reed Bank) một nơi tranh chấp đã được tòa Trọng tài Thường trực The Hague phán quyết hoàn toàn thuộc chủ quyền Manila trong phiên xử năm 2016 và đã từng được PXP Energy Corp của Philippines thăm dò khai thác, nhưng bị Bắc Kinh phá thối và làm cho ngưng trệ từ tháng 12/2014. Bắc Kinh còn đưa ra xảo thuật sẽ chấp nhận ăn chia theo tỷ lệ 6/4, với phần ít thuộc về Tàu cộng một khi thỏa thuận hợp tác khai thác chung được thực hiện. 

Đây đúng là một quỷ kế thu lượm một lúc được chiều thành quả. Chưa kể đến thắng lợi to lớn khiến Tàu cộng đã biến không thành có khi gián tiếp được công nhận thứ "chủ quyền lưỡi bò" trùm lên chủ quyền thực sự của Philippines, tạo ra được một hình ảnh "mẹ mìn thiên thần hào hiệp" làm nhiều ăn ít và giải tỏa được phần lớn những áp lực chống đối con bài Rodrigo Duterte trong vấn đề chủ quyền của người dân Philippines. Theo nghị sĩ Philippines là Antonio Trillanes người từng có nhiều năm đàm phán với Bắc Kinh đã kết luận, với trình độ công nghệ, khả năng nói và đọc tiếng Tàu của các chuyên viên Philippines, khi hợp tác khai thác chung với Tàu cộng, thì Manila thay vì là đối tác ngang hàng, chỉ có thể đóng vai trò yếu ớt của một quan sát viên, cũng như "xôi hỏng bỏng không" vì Tàu cộng sẽ có thừa gian manh khi kiểm soát hoạt động, chỉnh sửa số liệu làm dân Phi tin rằng đang nhận được 60% quyền lợi, mà trên thực tế chỉ là 10%. Việt Nam cũng đã học được bài học bị ăn chận sản lượng này khi hợp tác khai thác mỏ dầu Bạch Hổ với Lienxo, theo như cáo giác của Trịnh Xuân Thanh sau khi đã đào tị sang Đức trong năm 2016. 

Thực tế trên thế giới, quan điểm và việc thực thi hợp tác khai thác chung không phải là điều mới lạ, hay mưu mô gian trá. Công ước về luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc đã cho phép các quốc gia ven biển mở rộng lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, nên cũng đã tạo ra những vùng chồng lấn đối với các quốc gia có bờ biển gần nhau, đối diện nhau, phải xác định lãnh hải bằng đường trung vị và gây ra các tranh chấp về chủ quyền kinh tế. Do đó việc gác tranh chấp, khai thác chung là một giải pháp khả thi và hợp lý khi hai bên hợp tác khai thác tài nguyên mà vẫn bảo đảm được chủ quyền quốc gia đã được xác lập bởi đường trung vị trên biển. Điển hình là hiệp định khai thác chung giữa Nhật Bản và Nam Hàn thỏa thuận năm 1977 đối với khu vực chồng lấn trong vùng biển Hoàng Hải và Hoa Đông. 

Trong khi đó giải pháp hợp tác, khai thác chung mà Bắc Kinh đang ra sức rêu rao và mưu toan áp đặt lên hai chế độ nhu nhược là Philippines và chư hầu Việt Nam cộng sản lại hoàn toàn núp bóng một sự thật trần trụi của cuồng vọng bá quyền. Biến không thành có, bản chất việc gác tranh chấp, cùng hợp tác khai thác biển Đông theo Tàu cộng không khác gì với sự khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh theo đường lưỡi bò (dù là thứ lịch sử phi lý và đã bị tòa trọng tài quốc tế PCA quăng vào sọt rác) lên các vùng lãnh hải, vùng thềm lục địa, hay vùng đặc quyền kinh tế hiển nhiên của các quốc gia mà Tàu cộng muốn hợp tác (?). Đây chỉ là thứ hợp tác độc quyền với Bắc Kinh và duy nhất với trùm sò CNOOC (China National Offshore Oil Corporation) diển ra trong vùng EEZ Việt Nam, dưới vỏ bọc hợp tác phát triển (Joint Development). 

Trò tung hứng của liên minh ma quỷ cộng sản Bắc Kinh và cộng sản Hà Nội đang đi dần vào hồi kết. Âm mưu gác qua tranh chấp để cùng khai thác và phát triển, chỉ là cách mượn màu son phấn huê dạng để mê hoặc người dân Việt Nam, nhằm tiến tới việc công nhận chủ quyền Tàu cộng, thông qua sự hợp thức hóa đường lưỡi bò liếm trọn vùng Biển Đông, vốn ngàn đời và vĩnh viễn thuộc về Tổ quốc Việt Nam. Cộng sản Việt Nam bán nước. Muốn giữ nước toàn dân Việt Nam cần phải gấp rút đứng lên hành động để cứu lấy quê hương. 

25/09/2018 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo