Nhân dân sẽ tự sản sinh ra người lãnh đạo ưu tú-lãnh tụ trong chính cuộc biểu tình-đấu tranh của mình - Dân Làm Báo

Nhân dân sẽ tự sản sinh ra người lãnh đạo ưu tú-lãnh tụ trong chính cuộc biểu tình-đấu tranh của mình

Phạm Văn (Danlambao) - Đã định tạm dừng, không nói, không viết nữa trong một thời gian nhất định sau ngày 2 tháng Chín, nhưng sau khi đọc bài viết của tác giả Nguyên Thạch trên Dân Làm Báo ngày 05 tháng 9 năm 2018 “Đốt đuốc đi tìm lãnh tụ, sự đòi hỏi khắt khe đầy tính ngụy biện”, tôi lại thấy cần phải nói, phải viết để tiếp tục tiếp thêm sức, thêm lửa cho cuộc đấu tranh không khoan nhượng của nhân dân ta chống lại tà quyền cộng sản ngu tối-tham lam-hèn nhát-tàn ác.

Tôi đồng ý với tác giả Nguyên Thạch khi cho rằng những người có ý nghĩ cần phải có “lãnh tụ” cho cuộc biểu tình-đấu tranh của nhân dân, nhất là vào lúc này, là “đòi hỏi khắt khe đầy tính ngụy biện”. Nhưng tôi muốn nói thêm, nhấn mạnh thêm rằng ở đây ngoài sự ngụy biện hiểu theo nghĩa đơn giản là sự sai lầm về nhận thức, khi người nói (viết) vi phạm các quy tắc, thiếu những căn cứ của suy luận, khiến cho kết luận rút ra không đúng với thực tế tồn tại của sự việc, còn có cả sự xảo trá-tráo trở nhằm một hoặc những mục tiêu khác nữa. Trước hết, tôi xin nêu thêm hai hiện tượng.

Thứ nhất là vào một ngày tháng 8 năm 2018, trong một quán pho-to mà tôi thường đến đây thuê in các bài viết từ Dân Làm Báo liên quan đến việc kêu gọi biểu tình vào tháng 9, để làm tư liệu, có một người làm thuê trong quán, trực tiếp in bài cho tôi, đã nói với tôi: “Nói thì giải quyết được gì, chính quyền trong tay người ta, làm sao chống lại được. Nhô ra ông thủ lĩnh nào thì ông ấy bị tóm luôn, còn ai lãnh đạo nữa. Nhưng chế độ nào rồi cũng đến lúc suy tàn, sụp đổ!” Tôi nói với anh ta: “Cứ như ông thì chỉ cần ngồi chờ là có ăn chăng!”. 

Thứ hai là vào khoảng gần 9h sáng ngày 2 tháng 9 tôi có mặt tại một địa điểm thường diễn ra những cuộc biểu tình để sẵn sàng tham gia vào đoàn biểu tình. Tôi đang đứng chờ và “chất vấn” 2 người (một công an và một dân phòng) rằng các ông có thấy không, rõ ràng một chế độ không ra gì thì công an, bảo vệ mới đứng ở những nơi trang trọng, đẹp nhất như thế này trong ngày “lễ”, để ngăn không cho người dân được đến gần. Người công an không nói gì, còn người dân phòng thì gật đầu và cười tươi. Đúng lúc đó một người đàn ông khoảng hơn 70 tuổi, còn khỏe, mặc thường phục bước đến và đã nghe được câu nói của tôi, ông ta cũng cười rất tươi và liền kéo tôi sang một bên để trò chuyện. Ông ta nói với tôi: “Ông nói rất đúng! Nhưng nói với bọn này những điều như vừa rồi thì nói cả đời, vô ích”. Rồi ông ta hỏi tôi: “Ông đến đây làm gì, đi chơi ngày lễ à?”. Tôi trả lời ông ta rằng, tôi đến để tham gia biểu tình chống chế độ độc tài cộng sản, tôi mong chế độ này sụp đổ lắm rồi”. Nghe tôi nói, ông ta tỏ ra “cảm thông” và “hiểu” tôi, liền khuyên tôi: “Rồi sẽ xuất hiện hào kiệt thôi, hào kiệt là phải xuất hiện đúng lúc. Còn như anh em mình nên nghỉ ngơi, đừng tham gia làm gì, kẻo bị bắt thì chẳng hay ho gì, thêm mệt ra”. 

Thực ra, câu chuyện giữa tôi và người đàn ông này vẫn còn nội dung, trong đó có cả sự chất vấn của tôi đối với ông ta khi ông ta nói về “Cụ Hồ” nữa, chẳng hạn ông ta nói rằng “Cụ Hồ” có tinh thần dân tộc, còn Trần Phú mắt lác mới là người chủ trương đấu tranh giai cấp với phương châm “trí, phú, cường hào đào tận gốc, trốc tận rễ”; còn có cả việc khi tôi và ông ta đang nói chuyện thì có hai người mặc thường phục khác tiến lại gần chúng tôi, khi hai người này thấy chúng tôi ngừng nói, liền quay đi, thì ông ta nói: “Ông cần chú ý, khi ta nói chuyện sẽ có những kẻ muốn biết ta đang nói gì” v.v... Tuy nhiên, ở đây tôi chủ yếu chú ý đến chi tiết liên quan đến nội dung bài viết này, tức là việc ông ta nói về sự “xuất hiện của hào kiệt”, với nghĩa là sự xuất hiện của người tổ chức-lãnh đạo hay lãnh tụ của cuộc đấu tranh của nhân dân. Vậy, thực chất điều ông ta nói cũng như của người làm thuê trong quán trên kia là gì? 

Tôi nghĩ rằng không có sự xuất hiện ngẫu nhiên của ba hiện tượng: hiện tượng mà tác giả Nguyên Thạch nêu ra và hai hiện tượng mà tôi chứng kiến. Nói thẳng ra rằng chế độ tà quyền cộng sản có cả kế sách tuyên truyền nhằm đánh lạc hướng nhân dân và những người dân chủ ít nhiều có ý nghĩa là người “lãnh đạo”, đi đầu trong những cuộc biểu tình-đấu tranh của nhân dân. Bọn chúng muốn nhân dân hiểu rằng thiếu, không có lãnh tụ thì phong trào đấu tranh của nhân dân chẳng khác nào đám ô hợp, không đầu, không xương sống (không chỗ dựa), như thế phong trào nhân dân sẽ bị chia rẽ, phân tán, trở nên thụ động và sẽ thất bại trước cái gọi là “chính quyền nhân dân”. Đồng thời, đó còn là kế sách thâm độc nhằm thăm dò cái đầu thực sự của nhân dân hòng vô hiệu hóa-tiêu diệt như đã từng bắt bớ-giam cầm nhiều người yêu nước khác. Không những thế, dường như với thủ đoạn tuyên truyền này, bọn chúng còn muốn “câu giờ” thì phải, tức là để có thêm thời gian để củng cố chế độ, có thể còn để chờ cho Tàu Cộng sụp đổ để hy vọng tìm được lối thoát, lập lờ đánh lận con đen (chuyến sang Nga của Trọng Bí hẳn có nội dung như vậy?) 

Như thế, sự tuyên truyền của chúng “phản lại” ngay chính một trong những “nguyên lý cơ bản” của triết học Marx mà chúng được “học”, cho rằng “quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử”, nghĩa là sáng tạo-sản sinh ra cả lãnh tụ của mình. Dĩ nhiên, nguyên lý này đã được những người cộng sản-macxít hiểu một cách cực đoan-một chiều và có tính ngụy biện. Một là họ tuyệt đối hóa vai trò của quần chúng nhân dân đối với lãnh tụ, nghĩa là với luận điểm trên kia thì vĩ nhân-lãnh tụ chẳng có ý nghĩa, chẳng có vai trò đáng kể gì nữa, nhưng khi đối diện với thực tế thì họ lại rơi vào mâu thuẫn, khi không thể phủ nhận được vai trò hết sức quan trọng của vĩ nhân-lãnh tụ, nhất là khi họ mang sẵn trong mình lòng tham địa vị, quyền lực vốn là bản chất của chế độ quân chủ-độc tài. Vì thế, họ lại rơi vào thái cực khác: tệ sùng bái cá nhân (xây dựng thần tượng, dựng lăng-đền thờ, thậm chí ngay giữa thủ đô văn hiến). Hai là họ đã nhầm khi hiểu rằng quần chúng nhân dân có thể “sáng tạo” ra lãnh tụ. Đây hoặc là sự ngụy tạo, hoặc là sự không hiểu biết đến nơi đến chốn vấn đề mối liên hệ giữa vĩ nhân-lãnh tụ và quần chúng. 

Vì vậy, ta chẳng có lý do nào phải hoang mang, lo ngại trước sự tuyên truyền của đám DLV cộng sản vốn dựa vào cái lý thuyết mà bản thân chúng cũng chẳng hiểu cụ thể, chính xác nó là gì, trái lại cần biết rõ, thấu tim gan cái mục đích của chúng như đã thấy. Đối với chúng ta-nhân dân, biểu tình-đấu tranh chống lại nhằm lật đổ-xóa bỏ chế cộng sản trị ngu tối-tham lam-hèn nhát-bán nước, để thực hiện những quyền con người như tự do, mưu cầu hạnh phúc, để thoát khỏi ách xâm lược-đồng hóa của Tàu Cộng, là một nhu cầu-ý chí-sức mạnh chất chứa trong mỗi người dân yêu nước. Nhu cầu-sức mạnh-ý chí ấy luôn luôn sẵn sàng bùng lên, cháy lên bất cứ lúc nào cho dù nó chỉ ở một người, một nhóm người nào đó. Thực tế đã chứng minh rằng trong rất nhiều cuộc biểu tình-đấu tranh đã diễn ra trong nhiều năm nay từ phản đối giàn khoan 981, nhà máy Formosa Hà Tĩnh, chống lại việc triệt hạ cây xanh tùy tiện ở Hà Nội cho đến những cuộc biểu tình-xuống đường khác, nhất là ngày 10 tháng 6, nhân dân đã chưa, thậm chí là không cần có các lãnh tụ. 

Đương nhiên, ta không thể phủ nhận rằng cuộc đấu tranh của nhân dân đã ít nhiều có tính tổ chức, họ được dẫn dắt bởi những người yêu nước ưu tú, chân chính, nhưng cái chính dẫn dắt họ chính là việc nhân dân nhận ra được những quyền con người của mình đã bị tước đoạt bởi chế độ tà quyền cộng sản, rằng chế độ tà quyền cộng sản không phải là chế độ của nhân dân và đặc biệt, nhân dân thấy rõ âm mưu và thực tế xâm lược-đồng hóa dân tộc-đất nước Việt Nam của Tàu Cộng và chế độ cộng sản rắp tâm bán nước từng bước, từng phần cho chúng. Chính những điều đó đã thúc đẩy, lôi cuốn họ xuống đường và tạo nên sức mạnh lớn lao khiến kẻ thù của nhân dân khiếp sợ. Nhưng nói như thế không có nghĩa là nhân dân không cần có những con người thực sự ưu tú-vĩ đại đứng lên lãnh đạo công cuộc đấu tranh-xây dựng của mình. Bởi vì, cuộc đấu tranh nhằm hướng đến viết nên một trang sử mới chói lọi, tức là xây dựng nên một chế độ xã hội hoàn toàn mới này, rất cần một con người, những con người như thế. 

Nhưng có thể tìm được một người, những con người như thế ở đâu? Bao giờ những con người ấy xuất hiện? Cái lối giải thích lịch sử một cách giáo điều, cực đoan, ngụy biện cho rằng “quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử” dĩ nhiên không thể hiểu được quy luật lịch sử về mối liên hệ giữa quần chúng nhân dân và vĩ nhân-lãnh tụ này. Vì thế, ta thấy ngay được sự tuyên truyền dối trá của tà quyền. Thực ra, trong mọi sinh hoạt cuộc sống, con người bình thường-tự nhiên không ai ngồi chờ mọi thứ tự dưng đem đến cho mình. Điều đó càng đúng với lịch sử. Ta không thể nói lịch sử về bản chất là một quá trình tự nhiên, không cần có con người, nó vẫn diễn ra, trái lại đó là quá trình lao động-đấu tranh không ngừng, thậm chí đầy quả cảm của con người. Trong lịch sử ấy có những điều con người định trước được và làm được như điều mình đã dự định, nhưng có nhiều, thậm chí rất nhiều điều con người không thể định trước. 

Dĩ nhiên, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam hiện nay cũng diễn ra như thế. Nhân dân đứng dậy đòi những quyền của mình, chống lại chế độ tà quyền cộng sản và chống lại kẻ thù xâm lược Tàu Cộng, là những gì rất rõ ràng, có chủ đích. Nhân dân đã không đứng dậy một cách vô cớ, mù quáng. Nhưng cuộc đấu tranh của nhân dân không nhằm sản sinh ra (càng không phải là nhằm “sáng tạo” ra) người lãnh đạo hay lãnh tụ của mình. Song chính cuộc đấu tranh ấy sẽ TỰ SẢN SINH RA những người lãnh đạo, những con người thực sự ưu tú-lãnh tụ của nhân dân ngoài sự định trước của nhân dân. 

Những con người đó là sự kết tinh toàn bộ những phẩm giá-tinh thần của nhân dân đã và đang đấu tranh, của những người đã đi trước dấn thân-dũng cảm, trong đó có những người đang trong lao tù cộng sản, thậm chí có những người đã hy sinh. Những con người đó vừa do cuộc đấu tranh của nhân dân sản sinh ra, vừa đồng thời tự sản sinh ra chính mình. Những con người đó, thậm chí trong những ngày cách mạng sục sôi sẽ nhanh chóng được sản sinh ra. 

Vì vậy, ngồi chờ có lãnh tụ, hoặc ngồi “luận bàn” xem thế nào là lãnh tụ của cuộc đấu tranh của nhân dân lúc này là điều vô lý (đối với những người vô tư-ngây thơ), thậm chí mang mưu đồ xấu xa-tội lỗi nhằm đánh lạc hướng, chia rẽ, phân tán tinh thần đấu tranh của nhân dân. Nhân dân Việt Nam, những con người yêu nước, thương nòi nhất định sẽ không bị đánh lừa, trái lại hãy tiếp tục dấn thân-dũng cảm, với lực lượng ngày cảng đông hơn, mạnh mẽ hơn, mỗi người hãy làm tất cả với những gì mình có, để cứu nguy dân tộc-giống nòi. Hy vọng rằng những người tuổi trẻ thanh niên-sinh viên sẽ thấy rõ ý nghĩa của điều này, vì tương lai đất nước đang nằm trong tay các bạn. Nhân dân có thể sản sinh ra các bạn được không, với tư cách là những người lãnh đạo ưu tú của đất nước, nếu như các bạn không tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân để đồng thời tự sản sinh ra chính mình? Hay các bạn cam tâm làm nô lệ cho Tàu Cộng, an bằng-hư quen với lối sống chờ đợi người khác ban phát, bố thí cho mình? Các bạn hãy nhớ rằng những gì người dân muốn thì người dân cũng sẽ biết và cũng sẽ làm nên, vậy các bạn hãy tham gia vào như một thành phần tích cực-tiên tiến nhất của nhân dân! 

07.09.2018 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo