Vũ Đông Hà (Danlambao) - Cuộc chiến thương mại Mỹ-Tàu là thử thách và cũng là nguy cơ lớn nhất mà Bắc Kinh đối diện kể từ khi Đặng Tiểu Bình vực nước Tàu từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu thành siêu cường thứ 2 thế giới. Trong cuộc chiến này, Bắc Kinh cần phải có đồng minh. Và chư hầu quan trọng nhất của Bắc Kinh tại châu Á là nước CHXHCNVN, một quốc gia hơn 90 triệu người, có "núi liền núi - sông liền sông", có quan hệ "răng hở môi lạnh" với đảng chư hầu CSVN đang độc quyền cai trị.
Trong thành phần chóp bu cai trị của quốc gia chư hầu này, Bắc Kinh đã gầy dựng được một ông vua uy quyền tại chỗ nhưng là bù nhìn ngoan ngoãn của thiên triều phương Bắc, sẵn sàng và hết lòng thi hành nhiệm vụ của một thái thú người bản xứ. Đó là Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 3 tháng 10 năm 2018, chỉ 12 ngày sau khi Trần Đại Quang chết, với sự tiếp tay, hỗ trợ và chống lưng của Bắc Kinh qua các quan thầy Chánh án Chu Cường, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Triệu Lạc Tế trực tiếp có mặt tại Việt Nam, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhanh chóng nắm được ghế CTN với sự "đồng thuận" của 100% BCHTƯ.
Với quyền lực "chúa trong của đảng vua ngoài của dân", với vai trò không khác gì một tổng thái thú của thiên triều, Nguyễn Phú Trọng là bề tôi đắc lực giúp Bắc Kinh ngăn chận làn sóng "bỏ Tàu chạy sang Việt" của những công ty ngoại quốc đang hoạt động tại Tàu nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Tàu tiếp tục leo thang.
Cùng lúc, khi Hoa Kỳ áp thuế cao lên các sản phẩm của Tàu, Bắc Kinh buộc phải xả hàng sang các nước khác, đồng thời tìm mọi cách để thay thế nhiều hàng hoá với nhãn hiệu Made in China bằng nhãn hiệu Made in "chư hầu". Là một quốc gia đông dân, có cùng biên giới, cửa khẩu mở rộng, Mao tệ đã chính thức chạy đầy đường một cách hợp pháp tại 7 tỉnh biên giới, Việt Nam trở thành kẻ tiếp máu quan trọng cho "mẫu quốc" đang bị xuất huyết bởi TT Donald Trump.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Tàu sớm muộn gì rồi cũng phải kết thúc. Kết quả chính xác như thế nào khó mà lường trước, nhưng chắc chắn một điều là thời kỳ vàng son, làm mưa làm gió với cán cân thương mại bất cân đối của Bắc Kinh sẽ trở thành quá khứ và nền kinh tế Tàu cộng sẽ bị sứt mẻ lớn. Bên cạnh những chính sách vực dậy nền kinh tế nội địa, Bắc Kinh buộc phải có kế hoach khai thác dài hạn các "thuộc địa" chư hầu để có thể làm hài lòng 1,4 tỉ bao tử dân Tàu.
Bên cạnh yếu tố kinh tế, cuộc chiến thương mại cũng tạo ra những nguy cơ chính trị cho Tập Cận Bình và tập đoàn cai trị tại Bắc Kinh. Hơn bao giờ hết Tập Cận Bình phải duy trì hình ảnh tự tin của lãnh tụ tối cao, giữ được sự tin tưởng và lòng trung thành của các chư hầu để duy trì ổn định tâm lý chính trị đối với nội bộ đảng cũng như đối với 1,4 tỷ dân Tàu. Bất kỳ một động thái bỏ Tàu theo Mỹ, hay chỉ cần có khuynh hướng đi đôi giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn của chư hầu sẽ có những tác động tâm lý tiêu cực lên "giấc mơ Trung Hoa" mà ông vua Tập đang sử dụng cho tham vọng "bình thiên hạ".
Do đó, tại Việt Nam, sau khi được thiên triều hỗ trợ tối đa để nắm được vị trí quyền lực số 1 của đảng và của nước, Nguyễn Phú Trọng sẽ cùng với Tập Cận Bình ký kết nhiều văn kiện "hợp tác giữa hai quốc gia" và bằng mọi cách "bán" cho được hình ảnh quan hệ Việt-Trung... đẹp nhất trong lịch sử.
Bắc Kinh sẽ thúc đẩy TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng chỉ thị cho quốc hội bù nhìn nhanh chóng thông qua Luật Đặc khu để chính thức đi vào giai đoạn khai thác ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ở quy mô lớn. Khi đã thành "luật" thì CTN Nguyễn Phú Trọng sẽ nhắm mắt, cúi đầu ký nhiều hiệp ước đã được soạn sẵn bởi Bắc Kinh. Bên cạnh đó là "Đặc khu Biển Đông" được che đậy dưới tên gọi "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đó là "tầm nhìn Việt-Tàu cùng khai thác biển của Việt" mà Vương Nghị đã thay vua Tập ra chiếu chỉ. Tất cả đều nắm trong sách lược ngắn hạn và dài hạn của Bắc Kinh. Ngắn hạn là để cứu vãn nền kinh tế bị suy sụp. Dài hạn là hoàn tất "quy trình" Hán hoá Việt Nam được ký kết vào năm 1990 tại Thành Đô.
Trong quy trình Hán hóa đó, 7 tỉnh biên giới, các đặc khu VĐ, BVP, PQ sẽ mở rộng ra cả nước và Việt Nam sẽ biến thành một đại đặc khu kinh tế của Tàu, với tiền Tàu luân lưu, với các cơ sở sản xuất đứng tên Việt Nam nhưng vốn lẫn chủ đằng sau là Tàu, với những sản phẩm được xuất khẩu ra thế giới mang nhãn hiệu Made in Vietnam, và với những lợi nhuận sẽ chảy hết vào Bank of China.
Sẽ có nhiều hảng xưởng bỏ Tàu sang Việt, nhưng không là công ty Đài Loan, Nam Hàn, Pháp, Đức, Mỹ... mà là những công ty Tàu mang tên Việt. Hoa Kỳ dù có biết rõ điều này nhưng cũng sẽ không áp dụng biện pháp gia tăng thuế lên toàn bộ sản phẩm Made in Vietnam. Vì dân Mỹ vẫn muốn mua đồ rẻ. Vì "công cuộc đánh Tàu" đã hoàn tất. Vì thành tích chính trị của TT Trump đã được ghi dấu.
Tất cả những nhu cầu tiếp máu của Bắc Kinh sẽ được Nguyễn Phú Trọng hết lòng lấy máu của 90 triệu người Việt Nam để đáp ứng và chu toàn "trách nhiệm" như đã cam kết trước khi được sắp xếp ngồi vào ngôi vị Chủ tịch nước. Khi gặp Triệu Lạc Tế vào ngày 27.09.2018, Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: "Quan hệ Việt-Trung đang ở vào thời điểm tốt nhất trong lịch sử và những thành tựu mà Trung Quốc đạt được không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Trung Quốc, mà còn thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam và nâng cao quan hệ song phương." Đây là thông điệp chính trị và cam kết của Nguyễn Phú Trọng gửi đến Bắc Kinh: (a) Quan hệ Việt-Trung sẽ là quan hệ mà thiên triều hài lòng nhất, hơn hẳn mọi thời điểm trong quá khứ. Và (b) - cũng không kém quan trọng: Sự phát triển của Việt Nam tuỳ thuộc vào thiên triều và nằm trong tay của vua Tập.
Do đó, với quyền hạn TBT+CTN, Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục duy trì, giữ chặt Việt Nam nằm gọn trong quỹ đạo Bắc Kinh và là "đồng minh tin cậy, trung thành nhất" của Tập Cận Bình trong cuộc chiến thương mại đang xảy ra. Cũng từ thái độ chư hầu trung thành và sẵn sàng ăn bám vào "thành tựu Trung Quốc" nên Nguyễn Phú Trọng đã không ngần ngại cử Tô Lâm thực hiện phi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức và áp giải về Hà Nội từ Slovakia - chẳng màn gì đến hệ quả tai hại đối với Hiệp ước Thương mại Tự do Việt-Âu (EVFTA).
Kết luận: Nguyễn Phú Trọng sẽ làm tròn "nghĩa vụ" biến VN thành một quốc gia thần phục Tàu cộng và thù địch với phương Tây. Nghĩa vụ này cũng là "món nợ" mà Nguyễn Phú Trọng phải trả cho Bắc Kinh sau khi nhận đủ "viện trợ" từ Tập Cận Bình để loại trừ đối nghịch, thâu tóm quyền lực và trở thành ông vua con của thiên triều tại An Nam Đô hộ phủ.
Ông vua con tên Trọng này, thân xác ở Ba Đình nhưng cái đầu đã bị nắm ở Bắc Kinh.
07.10.2018