"Vứt" người rồi, tôi sống với ai? - Dân Làm Báo

"Vứt" người rồi, tôi sống với ai?

Thục-Quyên (Danlambao) - Khoảng nửa thế kỷ trước, khi Việt Nam từ Bắc tới Nam đang say sưa đánh giết nhau, mỗi bên đưa ra hàng lô lý do chính đáng của mình để phải tận diệt phía bên kia, thì có một ông thầy tu Phật giáo trẻ thống thiết kêu lên "giết con người đi rồi, chúng ta ở với ai?"

Bây giờ, nửa thế kỷ sau, một người trẻ tên Lê Vi lại bật ra câu hỏi không kém thống thiết: Thế hệ của tôi, một thế hệ vứt đi?


Và hình như lời kêu gọi vớt vát của Lê Vi "nếu bạn có cùng tâm trạng xin chia sẻ ạ!!!" tới giờ cũng không mấy được đáp ứng. 

Tôi muốn chia sẻ với Lê Vi bài học có thể rút ra từ lời kêu của ông thầy tu trẻ khi xưa (hiện nay thế giới biết danh là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh). Thầy là thiền sư mà cũng là một thi sĩ nên Thầy mô tả "có bùn mới có sen" hay theo khuynh hướng bảo vệ môi sinh "chuyển hoá rác thành hoa, thành rau quả"... nhưng tôi chỉ là học trò của Thầy, lại không có tài thơ nhạc gì cả, nên chỉ có thể đơn giản nói toạc ra: Việt Nam chỉ có vậy, vứt thế hệ trẻ đi (tuổi Lê Vi) thì còn thế hệ nào? 

Thế hệ trên 60t chăng?

Trong nước, đa số những người thế hệ trên 60t tại miền Bắc thì sợ hãi phải trở lại những ngày tháng bao cấp, người của miền Nam thì sợ hãi trở lại những ngày vừa bị "giải phóng". Họ đang hài lòng với những miếng ăn, vật dụng, "tốt hơn xưa nhiều" mà mình đang có và có cho con cháu mình, nên họ rất sợ rủi ro mất miếng mồi đang trong miệng. Rủi ro đó rất gần nếu nhà nước không bằng lòng họ. 

Còn những rủi ro khác thì không nằm trong tầm nhìn của họ:

- Trung Quốc đang nắm trọn Việt Nam về mọi mặt? 

- Chủ quyền biển đảo? 

- Ngư dân VN bị hải quân TQ đánh, giết?

- Ô nhiễm làm tăng hiểm họa ung thư?

- Tham nhũng làm đất nước kiệt quệ?

- Người trẻ Việt Nam đang phải bỏ nước ra đi làm tôi mọi nơi quê người?

- v.v....

Rất khó để nhìn thấy những rủi ro này trong đời sống bận rộn hàng ngày, nhất là khi không được huấn luyện để biết nhìn, biết suy nghĩ. 

Nói chi khi lại còn sợ không muốn nhìn và không muốn suy nghĩ.

Ở hải ngọai, tôi có những người bạn miền Nam thích nhắc đến những hy sinh hiển hách trong trận chiến khi xưa, đến sự tàn ác của cộng sản trong những trại tù "cải tạo", đến những khổ nhục khi đi tỵ nạn, nhưng các bạn tôi than nhức đầu không đọc những bài viết chi tiết trên các báo quốc tế về tình hình Biển Đông hiện nay, về cán cân lực lượng quốc tế đang ảnh hưởng tới VN... Dĩ vãng khi được lựa trở thành dĩ vãng để kể, hình như đã mang một loại hào quang con người khó thoát. Có lẽ cũng vì vậy nên biết bao tên tuổi lớn của VN không thể dứt khoát từ bỏ đảng Cộng Sản sau khi biết qúa chắc chắn là cái đảng CS thực tế không phải là giấc mơ của họ năm xưa và bao lâu nay họ đã chỉ nhắm mắt bịt tai không muốn đối diện sự thật?

Vài người bạn khác của tôi trước kia đi tỵ nạn chính trị nay thì về thăm VN thường xuyên, khen Đà Nẵng, Nha Trang tối tân và RẺ. Họ nói như tát vào cái bản mặt lo lắng của tôi là làm gì có người TQ xâm chiếm cái gì, ngoại trừ vài người du khách! 

Nhưng chẳng kém lạ lùng là một số người tôi quen, xuất thân từ miền Bắc (nay ở Đức), vẫn ngậm ngùi nhắc đến bạn bè anh em ruột thịt đã mất thây trong những vũng bùn máu Vị Xuyên, nhưng những người này cũng chỉ đi biểu tình (tại Đức) chống TQ xâm lấn Biển Đông khi Toà Tổng lãnh sự VN cho phép họ và may Cờ Đỏ cho họ phất. 

Tôi lại còn có vài người bạn làm bác sĩ, nha sĩ tại VN. Các bạn tôi có thể viết hàng trang giấy về những ngón đòn chính trị "tuyệt vời" của ông Trump, nhưng yên lặng không cho ý kiến khi báo chí đưa tin về những phòng chữa bệnh/ bác sĩ TQ hành nghề chui tại VN. Còn những người trí thức của những năm 70 xuống đường tại München, Frankfurt, Paris.... chống bom đạn Mỹ, thì nay, máu ngư dân VN có đổ tại Biển Đông, các nhà máy TQ có đang ô nhiễm đất sống của dân, họ cũng Không thấy-Không nghe vì bận ngồi thiền cho tâm an.

Ít nhất không lên tiếng thì thân họ cũng an khi họ về VN trốn mùa đông Mỹ/Úc/Âu châu, tại những ngôi nhà xinh đẹp họ được phép mua.

Còn nhiều, nhiều nữa. Những người thuộc thế hệ Lê Vi, thế hệ 50t, 60t, 70t.... tất cả là những thế hệ người Việt Nam đang núp trốn đằng sau bức tường thành kiên cố: TÔI KHÔNG LÀM CHÍNH TRỊ. KHÔNG LÀM GÌ ĐƯỢC ĐÂU, MẤT THÌ GIỜ VÔ ÍCH.

Hàng hàng lớp lớp người đó, nếu vứt đi hết thì còn bao nhiêu để là người Việt Nam? Không có người Việt Nam thì cũng sẽ chẳng có Việt Nam. 

Bài học đơn giản

Nếu thấy tình trạng ngày hôm nay không tốt thì lấy quyết định thay đổi ngay lập tức.

Hãy bắt đầu thay đổi từ người VN số 1. Đó là người quan trọng nhất. Đó là chính mình.

Thí dụ có thể thay đổi như

- Tiết kiệm thì giờ để làm những việc cần làm, bằng cách đừng qúa chú tâm phê bình người khác sai. 

- Chú tâm liên lạc với những người có những suy nghĩ và nhất là hành động mình cảm phục.

- Học hỏi họ, trao đổi với họ, ủng hộ họ. Chính mình sẽ lên tinh thần.

- Học thật vững một tiếng ngoại ngữ

- (Những người trẻ) cố gắng học một nghề chuyên môn. 

Nghề gì cũng tốt. Nhưng phải vững. Nên nhớ muốn có quả thì phải trồng cây.

Chỉ có bấy nhiêu thôi. Tương đối đơn giản. Quan trọng là LÀM.

Rất nhiều người VN đang LÀM theo bài học này và đang LIÊN KẾT với nhau. 

Một nhóm người rồi nhiều nhóm người, một lúc nào đó mọi người đã thay đổi.

Tất cả những cuộc cách mạng xã hội muốn bền vững phải bắt rễ rồi mới mọc khỏe được.

Liệu có quá trễ cho Việt Nam không? Có thể.

Điều chắc chắn là nếu hôm nay không bắt đầu, thì lại càng trễ nữa.

Nếu gặp khó khăn, hay sau khi thực hành có những điều đề nghị bổ túc, xin liên lạc qua web 
đăng bài này.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo