Mẹ Nấm (Danlambao) - Nghịch lý có thể thấy trong công tác phòng chống ngập lụt ở Việt Nam là càng chống càng ngập. Ngập từ vùng biển như Nha Trang, đảo Phú Quốc đến các thành phố núi cao như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột... Nguyên nhân vì sao? Vì miếng bánh dự án chống ngập lên đến hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ quá to, khắp nơi 63 tỉnh thành phải dự phần xâu xé. Ngu sao chông ngập? Hết lụt lấy gì mà ăn?
Tháng 8/2019, Phú Quốc (Kiên Giang) mưa lớn gây ngập nặng ở nhiều nơi, trong đó có nơi ngập sâu gần 2m.
Khu đô thị ở Hà Nội ngập sâu, dân chèo thuyền 'dạo phố'. Hoàn lưu bão số 3 vẫn tiếp tục gây mưa ở Hà Nội khiến khu đô thị Geleximco ngập sâu trong 'biển' nước. Nhiều người dân bơi thuyền "dạo" quanh khu đô thị.
10 người lớn cùng trẻ em bị mắc kẹt trong biển nước tại Lâm Đồng.
Ngoài ra, tại thị trấn Lạc Dương và các xã lân cận, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nhấn chìm các diện tích hoa màu, vườn tược. Đa số các ruộng vườn của người dân ngập sâu trong nước từ 0,5 - 1m, có nơi còn cao hơn, ngập lên tới mái nhà kính. Mưa lớn, nước chảy xiết còn khiến hàng trăm ha nhà kính của người dân đổ ngã, hư hại nặng nề.
Suốt trong đêm 6-8 và rạng sáng, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện một trận mưa lớn kéo dài khiến hàng trăm căn nhà của người dân ở huyện Buôn Đôn và Thành phố Buôn Ma Thuột bị ngập chìm trong biển nước.
Là những tin tức mà người ta có thể đọc thấy trong suốt tuần qua liên quan đến tình hình tại Việt Nam.
Năm ngoái thì sao?
Tháng 8/2018
"Do lượng mưa lớn, hệ thống thoát nước của TP Nha Trang thoát không kịp nên nhiều tuyến phố bị ngập sâu. Mực nước sông Cái lên nhẹ nhưng vẫn nằm trong mức an toàn, báo động 1".
Các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Thời Nhiệm, Trần Phú... đều bị ngập đến nửa bánh xe. Đường ngập sâu khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, nhiều xe phải đi vòng để tránh ngập, một số xe bị chết máy do nước ngập.
Khu vực phía bắc TP Nha Trang như đường 2 Tháng 4, Điện Biên Phủ, Mai Xuân Thưởng cũng bị ngập sâu. Nặng nhất là đường 2 Tháng 4, con đường cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố, một số đoạn trước làng trẻ em SOS Nha Trang, chợ Vĩnh Hải ngập gần nửa mét.
Vì sao các thành phố khắp nơi, từ thành phố lớn như Sài Gòn đến Nha Trang là ven biển, đến Đà Lạt, Buôn Ma Thuột phố núi, Phú Quốc là đảo đều bị ngập?
Tốc độ đô thị hoá, chặt phá rừng, ngăn chặn sông suối, thậm chí có chuyên gia còn đổ lỗi cho dân:
"Nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước mưa trên đảo Phú Quốc ngày càng trầm trọng được cho là do nhiều sông suối trên đảo bị người dân lấn chiếm trái phép để lấy đất bán kiếm tiền trong các lần sốt giá đất gần đây.
Một nguyên nhân nữa khiến hòn đảo vốn mệnh danh là "đảo ngọc" bị ngập nặng còn đến từ rác thải sinh hoạt bị vứt bừa bãi bít miệng cống, lòng cống khiến lượng nước mưa quá lớn không thể thoát kịp."
Nhưng hiện thực cuối cùng mà ai cũng có thể thấy là ngườì dân không phải là nhân tố gây ngập. Và thực tế là các dự án chống ngập càng được vẽ ra thu hút số tiền đầu tư ngày càng nhiều thì tình trạng ngập lụt ngày càng gia tăng. Ở Việt Nam, muốn rót tiền từ ngân sách, kêu gọi vốn, thì cần có dự án. Và miếng bánh dự án ngày càng thơm ngon béo bở.
Dự án chống ngập, thoát nước được trình ra, và tiền từ ngân sách, vốn vay, vốn viện trợ nước ngoài sẽ được rót vào.
Liệu đây có phải mấu chốt vấn đề?
Lấy ví dụ từ Dự án chống ngập 10 ngàn tỷ tại Sài Gòn.
Năm 2018, dự án chống ngập 10.000 tỷ thay đổi vật tư từ thép Nhật Bản sang Trung Quốc nhưng chưa được UBND TP. HCM xem xét, phê duyệt. Không chỉ vậy, giá trị vật liệu còn bị đội lên cao.
Theo hợp đồng, thép chế tạo cửa van phải là loại S355 sản xuất từ các nước tiên tiến thuộc nhóm G7 nhưng thực tế, Trung Nam Group đang dùng vật tư xuất xứ Trung Quốc.
Trung Nam Group mua thép Trung Quốc nhưng giá không hề rẻ. Giá thép không gỉ SUS 304 (tiêu chuẩn Nhật Bản) hiện khoảng 70.000 đồng/kg, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại phê chuẩn cho Trung Nam Group mua thép Trung Quốc loại SUS 323L giá 140.000 đồng/kg. Việc chấp thuận này làm giá thép đội gấp đôi, từ 247 tỷ lên 514 tỷ đồng.
Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia nên khảo sát lại, nghiên cứu kỹ lưỡng, lập quy hoạch mới nhằm bảo đảm việc chống ngập hợp lý hơn, các lãnh đạo thành Hồ và CSVN vẫn phê duyệt cho thực hiện hàng loạt công trình chống ngập theo quy hoạch cũ vốn đã được dự báo sẽ chẳng đến đâu.
Theo thống kê trong10 năm (từ 2004-2014), TP. HCM đã đầu tư hơn 24.300 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD) chống ngập. Từ nay đến năm 2020 cần thêm gần 100.000 tỉ đồng. Với những khoản tiền đầu tư khổng lồ này, TP.HCM có hết ngập?
Không!
Kết quả là Sài Gòn sau nhiều nỗ lực chống ngập úng đã biến cả thành phố chỉ còn 1 điểm ngập duy nhất là HỒ CHÍ MINH. Một cái hồ mênh mông nước mỗi khi có mưa, triều cường.
Ngập lụt tại Sài Gòn nói riêng và nhiều đô thị khác trên khắp Việt Nam nói chung sẽ còn tiếp diễn dài dài. Bởi không có một ai thực tâm chống ngập úng, hay nói cách khác, bộ máy quản lý điều hành đất nước muốn thấy ngập. Bởi có ngập mới vẽ ra được dự án chống ngập.
Có ngập mới soạn dự án, phê duyệt dự án chống ngập được. Và càng chống ngập thì thiệt hại kinh tế xã hội càng cao.
Ngập lụt chính là thảm nạn nhân tạo mà qua đó chỉ có người dân khổ sở vì mất tài sản nhà cửa, còn những người vẽ ra dự án, bòn rút tiền ngân sách vốn vay vẫn ung dung làm giàu.